Cuối năm 2011, đội tuần tra duyên hải đảo Kim Môn, Đài Loan trong khi làm nhiệm vụ đã  phát hiện bắt giữ 3 thùng giấy lớn, mỗi thùng có ghi bên trong chứa 6 chai rượu, nhưng khi mở ra lại là 6 hộp giấy carton cũ, mỗi hộp đựng một bình cắm hoa giống như bình gốm sứ quốc bảo Trung Hoa đang lưu giữ ở viện bảo tàng Cố cung. Các bình này được vẽ hoa lá và hoa văn cách điệu, từ hình vóc cho đến màu sắc đều mang phong cách chế tạo gốm sứ đời Càn Long, phần đáy mỗi chiếc bình có ghi “Đại Thanh Càn Long nguyên niên tháng giêng ngày đại kiết ban tặng Viên ngoại phủ nội vụ Lang thự lý Cửu Giang quan kiêm quản lò xưởng Đường Anh phụng chỉ đốc tạo” và 3 dấu lạc khoản (từ phải sang trái): “Hoàng Thanh Càn Long ngự dụng”, “Càn Long ngự chế”, “Càn Long ngự giám chi bảo”.

Đồ sứ “Tân Cung Đình”

6 hộp giấy bìa cứng mỗi cái cao khoảng 23 cm, dài rộng là 42×25 cm, trên hộp không chỉ có con dấu của Triệu Nhĩ Tốn – Ủy viên trưởng Hội ủy viên bảo quản Cố cung (Bắc Kinh) trên tờ niêm phong, còn có các tờ niêm “Bộ nội chính Bắc Bình cổ vật Trần liệt sở”, “Bộ nội chính viện bảo tàng cố cung”, “Ủy viên giám định” và “Ngày tiếp quản 26.3.1937” cùng con dấu của chính phủ Trung Hoa dân quốc.

Hộp đựng bình sứ thu được có dán giấy niêm phong của Hội ủy viên bảo quản Cố cung

Dưới đáy bình có lạc khoản ghi niên hiệu đời Càn Long

Bộ phận kiểm tra của Đài Loan không loại trừ đây là văn vật bị xuất lậu từ đại lục, đang trên đường vận chuyển đến Đài Loan, hiện giờ toàn bộ kiện hàng đang được cơ quan chức năng tạm giữ, chờ Cục văn hóa Kim Môn báo lên hội Văn kiến hoặc chuyên gia Bảo tàng Cố cung (Đ.L) đến hỗ trợ chuyên môn làm rõ sự thật.  Trưởng phòng bảo tồn Cố cung Kê Nhã Hi ở Viện lập pháp khi tiếp cận các bình sứ này đã khẳng định: “Căn cứ hoa văn vẽ trên bình, giấy niêm phong bên ngoài không giống với loại năm xưa Cố cung và Trần liệt sở thường sử dụng. Rõ ràng là đồ giả ngay từ khâu bao bì”.

Các chuyên gia đang xem xét lô hàng

Những họa sĩ vẽ trên đồ sứ 7501 đều là nghệ nhân vẽ sứ cấp đại sư, khi bắt tay làm việc họ còn cầu kỳ phân công theo sở trường của từng người, cụ thể như sau: Đồ sứ 7501 phần lớn vẽ hoa đào đỏ, đầu tiên vẽ cây cành do Vương Tích Lương và Đới Vinh Hoa phụ trách; Lưu Bình, Từ Á Phụng và Thư Huệ Quyên vẽ hoa, những bộ phận khác do Chương Gián và Uông Quế Anh đảm nhận.Vì mỗi người nhận lãnh phần việc mình thuần thục nhất, nên nét vẽ và khâu tráng men rất hoàn chỉnh, tinh tế.

Viện trưởng Cố cung Châu Công Hâm cũng cho rằng đây là hàng giả. Một số chuyên gia giám định cổ vật còn dẫn chứng, ngày 18.8.2011 ở hẽm Đường Tử huyện Côn Minh, tỉnh Vân Nam Trung Quốc, một trận hỏa hoạn đã làm lộ ra vấn đề về văn vật cố cung nghi bị lấy trộm. Lúc đó trang mạng internet Tân Lang đưa tin, ông Lý ở hẽm Đường Tử có rất nhiều đồ cổ, trong đó có mười mấy món dán tem thời kỳ Dân quốc và hộp có niêm phong “Ủy viên bảo quản Cố cung”, ngoài ra còn có tờ niêm “Bộ nội chính Bắc Bình Trần liệt sở tiếp quản ngày 3 tháng 9 năm 1947, nguồn gốc Trùng Khánh, địa điểm hiện tại Kim Lăng”.

Bài viết gây sự chú ý trong giới sưu tầm cổ ngoạn, phóng viên nhiều tờ báo đã đến phỏng vấn chuyên gia Viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Các vị này lập tức bác bỏ, đồng thời đưa ra 4 điểm nghi vấn: Thứ nhất, trên bao bì những văn vật này có huy hiệu của Quốc dân đảng, nhưng thời điểm đó huy hiệu Quốc dân đảng không thể tùy tiện sử dụng trên các loại văn vật. Thứ hai, tờ niêm phong ghi ngày tháng năm không phù hợp với cách ghi của thời kỳ Dân quốc. Thứ ba, trong lịch sử Cố cung đúng là có “Hội ủy viên bảo quản Cố cung”, nhưng hội này chỉ tồn tại có hai tháng và chưa hề tiếp quản công việc nào ở Cố cung. Thứ tư, Bắc Bình cổ vật Trần liệt sở thành lập năm 1914, đến năm 1948 mới nhập chung với Cố cung thành lập Viện bảo tàng Cố cung, vậy thì năm 1947 làm sao có Viện bảo tàng Cố cung? Do đó, họ cho rằng “văn vật cố cung” ở hẽm Đường Tử là đồ giả.

Tương tự như thế, trong công viên Thanh Tú của thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, có một “viện bảo tàng” tư nhân, người phụ trách là “anh Soái”, sưu tầm và trưng bày hàng vạn món đồ cổ có dán tem “Hội ủy viên bảo quản Cố cung”, từ cổ khí đồng đen đời Thương, Châu, Hán, khí cụ bằng vàng đời Đường, đồ gốm Minh, Thanh cho đến các bức họa của các thời đại, không thiếu một thứ nào, anh ta còn tự hào nói rằng, hiện tại Trung Quốc có 3 viện bảo tàng cố cung, ngoại trừ cố cung Bắc Kinh và Đài Loan, thì “viện bảo tàng” của anh ta là phong phú nhất!

Đồ sứ ký hiệu 7501

Năm 1975, Viện nghiên cứu gốm sứ Cảnh Đức trấn nhận được chỉ thị từ một nhân vật trọng yếu của tỉnh Giang Tây, yêu cầu nung một loạt đồ sứ dùng hàng ngày cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, lô hàng này trong sổ sách được bí mật ghi mã số “7501” (tức công trình hạng nhất năm 1975). Lô hàng gồm có: dụng cụ dùng trà, dụng cụ ăn uống và đồ dùng văn phòng (một vài tư liệu khác có ghi thêm: dụng cụ uống rượu, nhưng chi tiết này đang tồn nghi vì Mao Trạch Đông mất ngày 9.9.1976, và mọi người đều biết những năm cuối đời ông không uống rượu). Tất cả đều được làm bằng loại đất cao lanh vô cùng quý hiếm lấy từ Phù Châu, cũng thuộc tỉnh Giang Tây. Vì là loại đất quý hiếm nên khi dùng chế tạo đồ sứ thì phôi mỏng và trong suốt như ngọc, trắng tuyệt đối, ở góc nhìn ngược sáng sẽ thấy nền sứ và men mịn màng như một thể thống nhất, dùng ngón tay gõ âm thanh nghe rất trong và giòn.

Các nghệ nhân lão làng ở Giang Tây cho biết, năm 1975 có tổng cộng 20 lò ở Cảnh Đức trấn được phân công chế tạo 4.200 món sứ 7501, và tất cả đều do trụ sở Trung ương quản lý. Sau khi đồ sứ hoàn thành, Trung ương chịu trách nhiệm chọn ra hơn 1.000 món tinh xảo nhất để Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng, khoảng 3.000 món còn lại do chủ nhiệm Uông Đông Hưng trực tiếp ra lệnh tiêu hủy toàn bộ.

Vậy thì tại sao hiện nay sứ 7501 xuất hiện trôi nổi nhiều trên thị trường? Trong đó, một nhà sưu tập ở Singapore sở hữu đến 600 món. Thì ra năm xưa Viện nghiên cứu gốm sứ chịu trách nhiệm chế tạo lô hàng này đã không thi hành lệnh của chủ nhiệm Uông Đông Hưng. Họ lý luận rằng trong quá trình sử dụng, số đồ sứ đưa về Trung Nam Hải chắc chắn sẽ bị hư hao, nên đã cất giữ số còn lại, phòng trường hợp sau này cần đến.

Năm 1980, 4 năm sau ngày Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, theo thông lệ, vào ngày Tết năm đó Viện nghiên cứu gốm sứ đã lấy một phần lô sứ 7501 được niêm phong trong kho ra làm quà tặng cho cán bộ nhân viên, bình quân mỗi người được 10 món. Bằng cách đó, 3.000 món đồ sứ Mao Trạch Đông đã lần lượt lưu truyền ra dân gian, được nhiều người sưu tập cất giữ, trong đó một nhà sưu tập Singapore sở hữu 600 món.

Đồ sứ 7501 được giới sưu tầm cổ ngoạn quan tâm là vào năm 1996, khi đó công ty Thái Bình Dương Bắc Kinh lần đầu tiên đưa ra bán đấu giá 68 món với tên gọi “đồ sứ Mao Trạch Đông”. Vì chưa được đánh giá cao, nên mỗi món sứ hoa đào chỉ đấu giá được từ 8.000 – 10.000 NDT. Nhưng sau vài năm giao dịch trên thị trường, giá đồ sứ 7501 đã tăng đến cả trăm ngàn NDT/ món.

Sứ 7501 ra đời trong bí mật, ít người biết đến. Bỗng dưng gần đây giới con buôn cổ vật lợi dụng ký hiệu 7501 “hâm” nóng lại, gắn mác là “sứ Mao”, sứ lò quan lò ngự thời hiện đại. Thế là bắt đầu xuất hiện hàng giả, hàng nhái, một thị trường rối ren như vậy đã gây khó dễ và làm nản lòng các nhà sưu tầm. Qua thẩm định của giới chuyên môn, một lượng lớn đồ sứ 7501 đang trôi nổi trên thị trường hiện nay là hàng nhái, được các thợ thủ công ở Cảnh Đức trấn làm giả và nung bằng lò gas.

Chén giả sứ 7501, tuy phôi mỏng, men trong nhưng nét vẽ không đúng mô típ và lạc khoản “Cảnh Đức Trấn chế”  viết bằng thể chữ Khải chứ không phải chữ Triện

Phân biệt đồ sứ 7501 thật và giả

Chủng loại và công dụng: Đồ sứ 7501 được chế tạo tại “lò ngự” Cảnh Đức Trấn, theo lệ thì tất cả đều có ghi chép lý lịch lưu giữ lại. Theo tài liệu, công dụng chủ yếu của đồ sứ Mao Trạch Đông là để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, như: chén, thố, dĩa, muỗng, bình và tách trà cho dùng bữa, tất cả đều kèm theo nắp đậy vừa khít; ngoài ra là một vài vật dụng trong văn phòng tứ bảo như nghiên mực, ống cắm bút, gác bút, và cả gạt tàn thuốc. Trên thị trường hiện nay, ngoài các món kể trên còn thấy các loại chậu, bình cắm hoa, bình rượu, những chiếc bát lớn không nắp…về cơ bản, các nhà sưu tầm đều xếp chúng là hàng giả. 

Lạc khoản “Cảnh Đức Trấn chế” trên sứ 7501 viết bằng chữ triện

Lạc khoản (hiệu đề): Tất cả đồ sứ 7501 đều ghi lạc khoản Cảnh Đức Trấn chế bằng chữ Triện, thành hai dòng đọc từ trên xuống và từ phải sang trái. Không có bất cứ kiểu lạc khoản nào khác.

Công nghệ nung sứ: Đồ sứ 7501 được đựng trong một chiếc tráp khi cho vào lò nung, để nung theo chế độ cách lửa ở độ nóng 1.400 độ C. Ở sức nóng này, các vật nung sẽ được sứ hóa một cách triệt để, độ sáng bóng, độ trắng, độ trong suốt của men, độ cứng của phôi đều đạt đến mức cao nhất, đặc biệt trên men không có bọt khí xuất hiện. Do đó, hàng giả dù tài giỏi đến đâu cũng không thể đạt đến mức hoàn hảo từ phôi sứ, kỹ thuật hội họa và màu sắc trong suốt như hàng thật.

Nguồn : songmoc.vn

1 thought on “Đồ gốm sứ “Tân Cung Đình” Trung Quốc

Leave a Reply to Lien Phuong Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.