“Đêm Hoa Đăng” là một tác phẩm hội họa rất quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Tầm quan trọng của tác phẩm này đã thu hút một bảo tàng Nhật Bản mượn trưng bày vào năm 2004 với mức giá bảo hiểm là 1 triệu usd. Tác phẩm sơn mài trên được họa sĩ Tạ Tỵ sáng tác vào năm 1946 theo phong cách Siêu Thực nhằm tham dự triển lãm tháng 8 Mùa Thu cùng năm.

Tác phẩm Đêm Hoa Đăng, vẽ năm 1946 bởi họa sĩ Tạ Tỵ, từng được giải thưởng triển lãm Mùa Thu năm 1946, một triển lãm được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật công nhận là triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc đầu tiên của Việt Nam

Tác phẩm này có giá trị lịch sử cao bởi nó từng được trao tặng giải thưởng tại triển lãm Mùa Thu năm 1946, một triển lãm được nhiều nhà nghiên cứu xem là triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc đầu tiên của Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là hầu hết các tác phẩm tham dự triển lãm này đã bị phá huỷ và mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

“Đêm Hoa Đăng” cũng đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của hội hoạ Việt Nam hiện đại, một trường phái chỉ nổi lên tại Việt Nam như một ánh sao băng rồi vụt tắt, trường phái Siêu Thực. Đây là một tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của một danh họa Việt Nam, người từng được mệnh danh là Picasso Việt Nam – họa sĩ Tạ Tỵ.

Một tác phẩm quan trọng như vậy nhưng 99% người biết đến đó lại nhầm lẫn với một phiên bản chép.

Về triển lãm Mùa thu năm 1946

Theo công trình nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa (2) thì:

Triển lãm Mùa Thua năm 1946 được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật công nhận là triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc đầu tiên của Việt Nam. Phòng triển lãm khai mạc ngày 18-8-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội với số lượng gần 100 tác phẩm tranh và tượng. Các tác phẩm được sáng tác từ đầy đủ chất liệu : sơn dầu, sơn ta, lụa, bột màu, màu nước, mực nho, khắc gỗ, phấn màu, chì màu và tượng thạch cao, bởi 69 nghệ sĩ tinh hoa được tuyển chọn trên toàn quốc và 5 nghệ sĩ Việt kiều nổi tiếng sinh sống tại Pháp là các họa sĩ Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Trần Mạnh Tuyên.

Tác phẩm “Đêm Hoa Đăng” của Tạ Tỵ được bầu chọn là một trong những tác phẩm gây được sự chú ý nhất tại phòng triển lãm này. Ngoài ra còn có 2 tác phẩm sơn dầu khác vẽ trực họa Hồ Chủ tịch của hai họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung cùng với 1 tượng trực tạc lãnh tụ của nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim.

Theo lời kể của họa sĩ Phan Kế An : phần lớn các tác phẩm của triển lãm đem đóng hòm vội vã trước ngày 19/12/1946 rồi mang lên Cao Bằng gửi dân ở huyện Nguyên Bình. Đây là thời điểm chính quyền Việt Minh tiến hành đợt tổng di chuyển triệt để, rộng lớn để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuối 1954 họa sĩ Phan Kế An lên tìm cùng với Công An huyện nhưng tất cả đã mất hết vì 2 lý do: quân Pháp càn qua năm 1947 đã cướp phá phần lớn, số còn lại bị mối xông hết sau 8 năm.

Tác phẩm “Đêm Hoa Đăng” rất may mắn không nằm trong số những tác phẩm được mang lên Cao Bằng khi đó, nó được hoạ sĩ Tạ Tỵ giữ tại nhà ở Hà Nội và đưa ra triển lãm lại tại triển lãm Tiền Tiến vào năm 1951. Bức tranh sau đó không hiểu vì sao lọt vào tay nhà sưu tập lớn là ông Đức Minh.

Tác phẩm gốc đăng ký tham gia sự kiện “Tạ Tỵ – Dấu Ấn Sáng Tạo”

Tác phẩm gốc “Đêm Hoa Đăng” ban đầu lọt vào tay nhà sưu tập Đức Minh. Khi ông Đức Minh mất, tài sản của ông được chia cho con cháu, trong đó có bức “Đêm Hoa Đăng”. Bức tranh này về sau bán cho vài nhà buôn tranh, và hiện được lưu giữ rất cẩn thận trong bộ sưu tập của bà Nguyễn Thị Thu tại Hà Nội.

Tuy nhiên ở Hà Nội hiện nay còn có một phiên bản chép khác khá giống. Hầu hết giới chơi tranh và những người hoạt động chuyên môn trong giới mỹ thuật đều đã xem bức tranh chép này và nhầm nó là tác phẩm gốc.

Sự kiện “Tạ Tỵ – Dấu Ấn Sáng Tạo” vừa qua, NTX đã muốn giới thiệu với các bạn phiên bản gốc từng được trưng bày tại Nhật Bản. Tuy nhiên triển lãm đã không được cấp phép và NTX cũng không có cơ hội giới thiệu tác phẩm này tới công chúng.

Tài liệu tham khảo:

1.Tạ Tỵ – Dấu Ấn Sáng Tạo, Nguyễn Quốc Định

2.LƯỢC SỬ CÁC TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TOÀN QUỐC VIỆT NAM, Nguyễn Đức Hòa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.