ẤN TƯỢNG

Thời kỳ toàn thịnh của phái ấn-tượng vào quảng năm 1870 – 1880. Đó là thời kỳ mà phái Ấn-tượng đã mở một kỷ nguyên mới cho nền hội họa Âu châu. Sự đắc thắng của nó không phải chỉ nhất thời mà còn ảnh hưởng mãi tới ngày nay, khắp trong mọi bộ môn văn thơ nhạc kịch.

Vào khoảng 1870, người ta thường gặp ba chàng họa sĩ trẻ tuổi đến ngồi vẽ hàng giờ trên bờ sông Seine. Đó là Monet, Renoir và Pissarro, ba chàng họa sĩ ở phái Hiện thực. Họ chăm chỉ theo rõi những hiện tượng do ánh sáng chiếu xuống mặt nước. Trong lúc vẽ họ nhận thấy sự rung động của những tia sáng chiếu xuống nước đã phân hóa các mầu sắc. Vì thế những màu sắc phản chiếu rất tươi sáng và cả đến hình thể sự vật cũng rất linh động như chứa chan một sức sống. Bóng tối không còn là mầu đen dưới sự ngự trị của ánh sáng, chỉ có những mầu sắc tươi sáng. Họ đã diễn tả mặt nước đúng theo điều nhận xét của họ, đúng theo kinh nghiệm thực tế, chứ không phải theo một lý thuyết nào. Còn cảnh vật ở trên bờ họ vẫn dùng những phương pháp lề lối cũ của hiện thực. Khi vẽ xong họ nhận thấy bức họa thiếu sự thống nhất ở lối vẽ, thiếu sự hòa hợp, mất thăng bằng. Nửa phần bức họa dưới nước thì linh động tươi sáng, đầy sức sống. Nửa phần trên bờ là một cảnh rất thực, nhưng không có sự sống, không linh động, mầu sắc kém tươi. Sau khi nhận thấy như vậy họ chủ trương tất cả cảnh vật cùng phải diễn tả một lối như cách diễn tả mặt nước. Tất cả những hình thể được tạo nên bởi mầu sắc và ánh sáng. Hình thể sự vật hiện trên bức tranh phân cách nhau bằng những mảnh màu sắc, không có biên giới nhất định và nhiều khi hòa lẫn nhau vì sự rung động của ánh sáng. Những họa sĩ ở môn phái này lấy ánh sáng làm căn bản để diễn tả sự vật. Nhưng ánh sáng ở đây không được coi như một yếu tố của thực tế ! Họa sĩ chỉ dùng nó như một nguyên tắc của bút pháp. Và ấn tượng bắt nguồn từ đấy.

Ánh sáng chỉ là một yếu tố giúp họ thu nhận sự vật, vì thế những họa phẩm của phái Ấn-tượng không diễn tả thực tế như lề lối diễn tả của hiện thực, mà họ chỉ chú trọng diễn tả hình ảnh biến động của sự vật. Chủ trương của họ bật nổi rõ ràng hơn hết thẩy các môn phái đi trước họ.

Diễn tả hình ảnh luôn thay đổi của sự vật là một hình thức của cảm xúc hoàn toàn tự do và phóng túng, cố gắng thoát khỏi sự kiềm chế của lý trí. Chủ trương như vậy nên phái Ấn-tượng nhất quyết bảo vệ những cảm xúc của họ đối với cảnh vật. Và cũng nhờ vậy mà họ đã tìm được một hình ảnh gần gụi nhất với sự thực. Sở dĩ những hình ảnh đó được diễn tả gần với sự thực cũng nhờ cảm xúc mạnh mẽ và thành thật đã đi đôi với giá trị tuyệt đối, trong hình ảnh sự vật. Cũng không quá đề cao cảm xúc nên họ đã giữ được không khí tự do không lệ thuộc với lề lối cổ truyền, cũng không ảnh hưởng những hình thể trừu tượng. Để đạt đến nghệ thuật, việc thứ nhất là phải tiếp xúc được với hình ảnh của sự vật.

The Gust of Wind – Renoir

Raphael và Rambrandt cũng đã từng nắm được bí quyết về việc ghi chép hình ảnh của sự vật nhưng trí tưởng tượng của họ còn vượt ra ngoài cảm xúc để đi đến một lý tưởng về hình thức hoặc tinh thần. Trái lại phái Ấn-tượng đã tìm thấy lý tưởng của mình ở ngay trong phạm vi cảm xúc, và để giúp cho những phản ứng của cảm xúc tiến đến chỗ hoàn mỹ, họ từ chối mọi phát triển của tưởng tượng.

“On the Bank of the Seine, Bennecourt, 1868. Oil on canvas, 81.5 x 100.7 cm. Art Institute of Chicago, USA”

Ấn-tượng chống đối với lối nhận xét khách quan của Hiện-thực. Nó tuyên bố nhìn nhận quan điểm nhận xét chủ quan của cá nhân nghệ sĩ.

Thoát ly khỏi chủ trương khách quan cũng là một lý tưởng của họ. Nhưng không phải là một lý tưởng thuộc phạm vi tư tưởng bởi nó đặt nền tảng trên cảm giác. Phái Ấn-tượng cũng không đồng quan điểm với phái Lãng mạn, bởi nó muốn làm một cuộc cách mạng đối với nhận thức về tình cảm của nhân loại trên địa hạt văn nghệ, lịch sử, chính trị, mà phái Lãng mạn đã cố gắng ép uổng cho nghệ thuật.

Nhận xét về những tài liệu như nhà cửa, cây cối, sông núi, những hoạt cảnh. xã hội mà phái Ấn-tượng đã dùng để sáng tác, ta sẽ nhận thấy nó có một giá trị trường cửu, chứ không phải chỉ có giá trị cho một thời đại. Phần lớn trong những tác phẩm của môn phái Ấn-tượng, vẽ những cây cối bình thường, những chiếc nhà giản dị, những dân quê chất phác, chứ không phải tòa biệt thự đồ sộ hay những bà hoàng quý tộc. Chọn những đề tài ấy không phải họ có chủ trương chính trị mà chỉ để diễn đạt lòng trìu mến của họ với những cảnh sinh hoạt hàng ngày tuy giản dị tầm thường song gần gũi họ hơn và đã làm họ xúc động mạnh mẽ.

Corot và Constable tuy đã chán ghét lối vẽ cổ trơn tru nhẵn nhụi như chụp ảnh, nhưng vẫn không dám trưng bầy các tác phẩm mới của mình trước quần chúng. Họ nghĩ ra một cách là tuy một đề tài nhưng vẽ làm hai bức. Một để trình bầy cho quần chúng, vẽ theo lối cũ, và một để cho mình thì vẽ hoàn toàn theo ý muốn. Trái lại phái Ấn-tượng đã can đảm trưng bầy những họa phẩm của họ vẽ theo rung động của tình cảm, theo một kỹ thuật riêng biệt và táo bạo. Họ không ngần ngại trước những chỉ trích của quần chúng. Bền bỉ và can đảm tranh đấu cho lý tưởng nên họ đã thành công và thuyết phục được quần chúng, làm cho quần chúng thông cảm rằng : Sự vật ở trong một bức họa chỉ có lý do tồn tại ở chỗ truyền cảm ; chứ vai trò của nó không phải cốt để cho người xem tranh một ảo ảnh suôngTác phẩm của phái Ấn-tượng là do sự cấu tạo của ánh sáng và màu sắc chứ không phải do chính sự vật, nên nó không chú ý đến sự hòa hợp của cảnh vật cũng như sự diễn tả không gian với bề sâu. Mầu sắc của họ dùng, phần nhiều tươi sáng hơn những mầu sắc của các họa sĩ ở thế kỷ thứ 16, vì họ đã căn cứ vào sự phân tách của ánh sáng đối với màu sắc. Nếu chúng ta đem trộn lẫn một ít sơn mầu vàng và mầu lam chúng ta sẽ có một mầu thứ ba là mầu xanh. Nhưng nếu chúng ta không trộn lẫn hai thứ với nhau, chúng ta chỉ vẽ hai đường màu vàng và màu lam cạnh nhau và đứng xa vào một độ vừa phải chúng ta cũng sẽ nhìn thấy một mầu thứ ba là mầu xanh, nhưng là một màu xanh tươi sáng hơn nhiều. Không phải là phái Ấn-tượng đã tìm thấy như vậy và rồi sẽ theo đúng nguyên tắc về mầu sắc ấy một cách câu nệ, máy móc. Họ coi đó chỉ là một nhận xét về kỹ thuật.

Mầu sắc của họ tươi sáng hơn không duy ở việc hiểu rõ nguyên tắc đó mà chính là nhờ ở cảm xúc về mầu sắc của họ rất tinh vi tế nhị.

Chủ trương rằng : mầu sắc là do ở ánh sáng mà có, ánh sáng là một thứ gì rất linh động. Mầu sắc đã linh động thì không có một hình thể nào đóng khung lại mà chứa đựng được nó. Vậy thì hình thể cũng biến đổi và rung động theo với ánh sáng và màu sắc, không có những đường biên giới nhất định. Phái Ấn-tượng đã căn cứ vào sự linh động của mầu sắc, của ánh sáng, để làm căn bản cho những biến đổi về hình thể sự vật. Những hình thể của hội họa ngày nay cũng chịu một phần ảnh hưởng ở đó.

Khi đã nhận định rằng ánh sáng, mầu sắc, hình thể đều biến động thì quan niệm về không gian cũng do đó phải đổi thay.

Nhóm Florentins ở đầu thế kỷ thứ 15 cho rằng : không gian chỉ là cái quãng trống vắng. Trên bức họa, họ dùng cái quãng trống đó để ngăn cách mọi vật với nhau. Nhóm Venitiens ở thế kỷ thứ 16 thì lại quan niệm : không gian không phải là một sự trống rỗng, nhưng chứa đầy không khí, nên không gian bao bọc hình thể, và trên họa phẩm của họ, hình thể và không gian, hòa hợp với nhau. Phái Ấn-tượng thì lại cho rằng : chính sự rung động của ánh sáng, của mầu sắc đã tạo nên không gian. Không gian cũng luôn luôn biến động, bởi vậy trên các bức họa họ không chú trọng đến bề sâu. Không gian đối với họ chỉ là ánh sáng và mầu sắc. Nhiều lối phê bình chỉ trích họa phẩm của phái Ấn tượng thiếu chiều sâu. Nhưng thật ra thì chưa từng có một luật lệ nào về hội họa bắt buộc một bức họa phải có đủ ba chiều như tạo vật.

Phái Ấn-tượng quan niệm rằng không gian chứa đựng sự rung động của vũ trụ, của ánh sáng, của màu sắc, có nghĩa là họ đã thông cảm được với những mầm sống tiềm tàng trong hình thể sự vật. Những thời kỳ về sau cũng của môn phái này một số họa sĩ đã không thông cảm được với những tư tưởng căn bản của phái Ấn-tượng, họ đã “chơi đùa” với mầu sắc như một bác thợ nhuộm nên chỉ tạo ra được những màu làm vui mắt nhưng chẳng diễn tả được gì. Đây là thời kỳ phá sản của một số họa sĩ theo đuôi.

SIÊU THỰC

Siêu thực đã đưa các văn nhân nghệ sĩ vào một cuộc phiêu lưu mới mẻ và kỳ lạ nhất trong thế kỷ hiện tại.

Đó là tâm lý tự động thuần túy. Nhờ nó nghệ sĩ diễn tả tư tưởng. Tư tưởng được diễn đạt ngoài vòng kiểm soát của lý trí, ngoài sự băn khoăn về nghệ thuật, ngoài sự kiềm tỏa của luân lý và ngoài cả sự xúc động của cảm giác.

Nếu nghệ thuật với mục đích đi tìm cái Đẹp, tôn giáo với mục đích đi tìm cái Thiện, khoa học với mục đích đi tìm sự Thực, thì phái Siêu-thực không có mục đích làm việc nghệ thuật, tôn giáo và khoa học. Những người ở môn phái Siêu-thực đã từng tuyên bố rằng : “Không nên phê bình một tác phẩm siêu thực về mặt nghệ thuật của nó. Chúng tôi không có mục đích đi tìm cái đẹp trong phạm vi thẩm mỹ của nghệ thuật. Đây chỉ là một khoa học mới để diễn tả tư tưởng.”

Dù sao thì chúng ta hẳn cũng đã nhận thấy ảnh hưởng của phái Siêu-thực đã lan tràn nhanh chóng và rộng rãi trong các bộ môn văn nghệ. Những ảnh hưởng của nó rõ ràng nhất trong thi ca, hội họa. Một ít mẩu dây thép, vài ba cái nút chai, một chiếc sườn xe đạp cũ, cũng đủ cho một nghệ sĩ ở phái Siêu-thực diễn tả tư tưởng của mình. Bởi chủ trương những sáng tác của mình không thuộc phạm vi nghệ thuật mà đó chỉ là một khoa học mới mẻ nên phần nhiều họ không tạo nên những hình ảnh có tính chất nghệ thuật. Và cũng bởi bắt buộc phải theo sát chủ trương đã đề xướng ra nên họ phải tạo nên những hình thể rất giả tạo chỉ đưa đến sự bế tắc. Mặc dù chủ trương của họ có mới lạ mấy đi chăng nữa, thì cũng vô ích nếu chính nó không có tính chất nghệ thuật.

Đó là trường hợp nhận xét về siêu thực theo chủ thuyết của André Breton trong cuốn “Manifeste du Surréalisme”.

Ở khía cạnh khác về phía các phê bình gia nghệ thuật, thực sự họ rất bối rối trong việc định nghĩa và xếp loại các họa sĩ có xu hướng siêu thực, bởi vì phương diện kỹ thuật và bút pháp của nhóm họa sĩ này rất khác biệt nhau, ngay cả đến việc sử dụng chất liệu sáng tác cũng vậy. Người ta bèn thêm danh từ peinture fantastique để chỉ chung toàn thể những xu hướng siêu thực khác nhau. Trong đó khó phân chia thành nhóm, nhưng lại phân chia theo từng cá nhân : Chirico, Max Ernst, Klee, Dali, Chagall, Bosch.

Người ta còn cho rằng siêu thực có nhiều tính chất có thể tìm thấy cả ở môn phái Biểu-hiện và Lãng-mạn. Còn về nguồn gốc có thể lần trở lại tới họa sĩ Bosch và bao gồm cả nhóm Dada.

Thái Tuấn

(trich trong Câu Chuyện Hội Họa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.