Cách đây 15 năm, đã có những cuộc tranh luận khá sôi nổi về một loại hình cổ vật được gọi là “Les Bleus de Hué – Đồ sứ men lam Huế”. Cuộc tranh luận tự phát trên các tạp chí Sông Hương, Huế Xưa Và Nay… tuy đã không đem lại một kết luận thống nhất nào, nhưng hệ quả của nó đã cho ra đời một quyển sách rất hay là “Đồ sứ men lam Huế, những trao đổi học thuật” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1997), tuyển tập tất cả các bài viết liên quan đến cuộc tranh luận này…
Năm năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã từng tham gia cuộc tranh luận trên, với phương hướng cá nhân, lần lượt cho ra đời những công trình riêng như tác giả Trần Đình Sơn thì có sách “Tản mạn Phú Xuân”, “Những nét đan thanh” “Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1802-1945)” (Nhà xuất bản Văn nghệ); tác giả Phạm Hy Tùng thì có sách “Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa” (Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2006); còn tác giả Trần Đức Anh Sơn thì cho ra sách “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn” (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008) trên cơ sở luận án tiến sĩ sử học của mình… Ngoài ra, cũng còn rất nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới với nhiều bài viết công bố rải rác…
Tuy vậy, đọc các sách chuyên khảo riêng của từng nhà nghiên cứu, độc giả vẫn không thỏa mãn, thích thú, hài lòng, mà người ta vẫn thích những bài trong tuyển tập các cuộc tranh luận ngày nào… Bởi gạt bỏ các thành kiến về sự căng thẳng gay gắt đôi lúc nẩy lửa trong tranh luận, thì các bài này đã cung cấp cho độc giả một khối lượng lớn kiến thức sâu để bảo vệ quan điểm của mình; chứ không phải là lối viết thuần một chiều, ít biện giải đa chiều để đi đến những nhận định mang tính lý luận như các công trình sách sau này…
Tôi là người ngoại đạo, nhưng đã từng tham gia cuộc tranh luận ấy, vì không có điều kiện tìm hiểu sâu hơn, nay nhân Festival Huế – 2009 (12-14/6/2009) trưng bày chuyên đề gốm sứ, xin có mấy lời thưa lại như sau:
- Về vấn đề thuật ngữ:
Cho đến nay, chủng loại sứ đặc biệt này được giới nghiên cứu dùng nhiều thuật ngữ khác nhau, chưa có ai thống nhất, mỗi người gọi một kiểu, nhưng ta có thể điểm một số thuật ngữ chính…
1.1. Về cách gọi “Les Bleus de Hué – Đồ sứ men lam Huế”:
– Trong bài “Bleus de Hué, trả lại tên cho em” (trong tuyển tập tranh luận đã kể), tôi đã chứng minh thuật ngữ này được ông Dumoutier dùng để chỉ các đồ sứ men trắng của châu Âu được đem sang Việt Nam và vẽ thêm hoa văn xanh thời Minh Mạng. Trong khi thuật ngữ “Đồ sứ men lam Huế” lại chỉ dòng đồ sứ đặc chế ngự dụng, quan dụng của các triều đình Việt Nam đặt làm tại Trung Quốc thì khác hẳn: người Việt Nam chỉ thảo mẫu theo ý thích, còn công nghệ sản xuất thì lại của Trung Quốc.
– Rõ ràng hai dòng sứ “Les Bleus de Hué” và “Đồ sứ men lam Huế” là 2 chủng loại khác nhau, không thể đánh đồng được. Tiến sĩ khảo cổ Đặng Văn Thắng (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), trong một bài viết về đồ sứ, cũng đã tán đồng quan điểm này.
1.2. Về cách gọi “Đồ sứ ký kiểu”:
– Thuật ngữ này, đầu tiên được cố học giả Vương Hồng Sển dùng chính thức trong công trình “Khảo về đồ sứ men lam Huế” của mình xuất bản năm 1993, sau này được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích và sử dụng trong luận án tiến sĩ của mình; và cũng được nhiều người quen dùng với nghĩa là “đồ sứ đặt làm”…
– Trong bài viết “Cách hiểu các thuật ngữ của một chủng loại sứ đặc biệt” cũng được tuyển tập trong tập sách đã nói, tôi cũng đã phân tích ngay từ thời Pháp mà cố học giả Vương Hồng Sển đã nói trong sách của mình, người ta cũng đã hiểu hai chữ “ký kiểu” cũng còn có nghĩa là đồ giả. Bởi cả hàng thế kỷ trước đó, giới buôn cổ vật vẫn “đặt làm” những đồ sứ giả nhái lại các chủng đồ sứ quý hiếm thời trước, cho nên những đồ giả này vẫn được gọi chung là “ký kiểu”, vấn đề này, tôi sẽ nói thêm ở phần dưới…
– Cho nên, dùng thuật ngữ “Đồ sứ ký kiểu” vẫn hay, nhưng để có sự chính xác của khái niệm thì khi sử dùng cần thêm yếu tố nội hàm chính xác để loại trừ ý nghĩa “đồ giả”. Ví dụ, khi ta nói “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn” thì ngoại diên bao hàm đồ ngự dụng, quan dụng, dân dụng (mà trong đồ dân dụng thì vẫn bao hàm luôn cả đồ giả do các thương gia đặt làm); vậy nên chăng, đổi là “Đồ sứ ký kiểu của triều Nguyễn” thì chỉ còn là đồ ngự dụng và quan dụng, như vậy, hai chữ “ký kiểu” mới thể hiện vai trò “triều đình đặt làm” của mình !
1.3. Về cách gọi “Đồ sứ đặc chế”:
– Như trên đã nói, thuật ngữ nào cũng có chỗ hở để có thể hiểu một khái niệm nhưng lại có nhiều đối tượng liên quan, do vậy, các thuật ngữ cũng cần minh bạch bằng sự chú giải ! Cho nên, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng mới dùng tiếng Việt trong sáng là “gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa”. Nhưng nói cho cùng thì thuật ngữ này vẫn “rộng” quá, dễ hiểu hơn thì có thể nên thêm nội hàm là “ngự dụng, quan dụng…” để ngoại diên hẹp lại, sẽ dễ hiểu hơn.
– Song làm như vậy tất nhiên cũng đã chú giải. Cho nên tôi vẫn thường nghe và thích và đã đề nghị dùng thuật ngữ “đồ sứ đặc chế”, tức là đồ sứ được chế tạo đặc biệt; và tất nhiên thế nào là “đặc chế” (?) thì phải chú giải thêm là đồ ngự dụng, quan dụng của triều đình Việt Nam đặt Trung Hoa làm. Thế mà vẫn có tác giả có ý kiến rằng “ông Huy viết sai chính tả”: đáng lẽ phải viết là “đặt chế”, nhưng ông Huy viết là “đặc chế” !, nhưng qua đó cho thấy vẫn có người thích dùng thuật ngữ này ! Bởi các nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ “ký kiểu” thì hiểu theo lối “đặc chế”; nhưng phần lớn các nhà sưu tập, khi giới thiệu đồ sưu tập thì để tránh hiểu nhầm về “ký kiểu” là “đồ giả”, người ta thường nhấn mạnh chữ “đồ đặc chế” để biểu thị “chất lượng” của món đồ…
- Về vấn đề nghiên cứu: rất cần đi sâu vào lý luận:
2.1. Hai dòng đồ sứ khác nhau:
– Như trên đã nói, “Les Bleus de Hué” và “Đồ sứ men lam Huế” là hai dòng sứ hoàn toàn khác nhau, thế nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu hầu như tập trung vào đối tượng đồ sứ đặt làm tại Trung Hoa, chứ hầu như chưa đặt vấn đề về đồ sứ châu Âu vẽ lại thời Minh Mạng.
– Những đồ “Les Bleus de Hué” châu Âu này, ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn hấy nhiều cái chén dưới đáy ghi “Minh Mạng niên chế”, vẽ rồng đơn sơ chứ không chi tiết như rồng vẽ tại Trung Hoa trên các tô Thiệu Trị niên chế, và có nước men trắng đục khác hẳn đồ làm tại Trung Hoa…
2.2. Về sự việc đặt làm đồ sứ tại Trung Quốc:
– Mặc dù các nhà sưu tập, nghiên cứu đã tìm thấy có sự tương ứng năm ghi trên đồ sứ với năm có phái đoàn đi sứ nhưng nhận định này không phải hoàn toàn đúng 100%.
– Sự ghi chép của sử liệu Việt Nam các đoàn đi sứ cho biết có “mua” đồ sứ, nhưng các nhà nghiên cứu cũng cho biết chưa tìm thấy văn bản nào cho biết rõ việc đặt làm đồ sứ tại Trung Quốc như thế nào (?), nên theo thiển kiến, chúng ta nên tìm sự việc này trong sử Trung Quốc như Đại Thanh thực lục chẳng hạn thì may ra có thể biết rõ hơn.
2.3. Phân loại, ý nghĩa các hoa văn…
– Người ta thường xì xào về các sưu tập có đồ giả, mà ngay cả đôi lúc “hội đồng thẩm định chuyên môn” đồ sứ phải ngậm đắng nuốt cay vì bị con buôn lừa một vố đậm đà khó quên bán cho đồ giả. Do vậy, về phương pháp nghiên cứu, rất cần đưa ra các tiêu chí để phân biệt đồ giả và đồ thật…
– Để làm được tiêu chí này, rất cần nghiên cứu so sánh quá trình làm đồ thật (đã xảy ra trong lịch sử trên cơ sở hiện vật thật) với quá trình làm đồ giả hiện tại, từ đó, tìm được tính đặc trưng của từng thời đại… thì mới xây dựng được tiêu chí để phân biệt. Đây thường là những kinh nghiệm cá nhân từng trãi đôi khi đã phải trả giá đắt mới có được, thành ra người ta thường “giấu nghề”; nhưng với nhà khoa học chân chính thì những kinh nghiệm này rất cần được “khoa học hóa”, và tôi đã được đọc một bài loại này của nhà nghiên cứu cổ vật Phạm Hy Tùng.
– Quan trọng bậc nhất là vấn đề niên đại của đồ sứ, ngoại trừ được giám định qua chất liệu nước men, nhưng các tiêu chí về hoa văn cũng rất quan trọng, do vậy rất cần có sự đối chiếu và quy nạp…
– Các đồ sứ mang niên hiệu thời Minh như “Thành Hóa niên chế” đã được một số nhà nghiên cứu gom vào “Đồ sứ men lam Huế” tức đã được gọi là đồ sứ “ký kiểu”; tất nhiên những đồ mang niên hiệu Minh này không phải là niên đại Minh mà là đời sau giả lại thời trước, thì hóa ra chữ “ký kiểu” vẫn hàm nghĩa đồ giả như người ta từng hiểu ?! Vậy những đồ sứ mang niên hiệu Minh này có phải là “Đồ sứ men lam Huế” không ?
2.4. Góp phần tái tạo lịch sử:
Đọc phần lớn các sách viết về đồ sứ đặc chế, chúng ta thấy phần lớn là các sách giới thiệu hiện vật sưu tập, thậm chí có sách in toàn là hình cho đẹp mắt chứ xem không thu nạp được kiến thức nào cả ! Mà nhu cầu của nhà nghiên cứu, người đọc sách… chủ yếu là muốn có kiến thức mới, do vậy, việc giải mã các hoa văn, minh văn trên đồ sứ là vấn đề quan trọng…
– Như trong cuộc tranh luận từ năm 1994 đã nói, việc giải thích hiệu đề “Nội phủ” trên đồ sứ là điện của vua Lê hay phủ của chúa Trịnh (?) đã trở thành một vấn đề nhiêu khê “Đường vô nội phủ loanh quanh”… Thế nhưng, phần lớn các nhà khảo cổ rất thích bài “Vóc dáng phủ Trịnh vương qua đồ sứ cổ” của nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng, vì bài này đã tái kiến trúc phủ chúa Trịnh đã bị xóa sổ nay không còn dấu vết gì thực tế ngoại trừ những hình vẽ còn sót lại trên đồ sứ. Đây là những “thông tin” quý báu góp vào việc dựng lại kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến…
– Cũng như phủ chúa Nguyễn ở Kim Long, nay không còn dấu vết gì ngoài một vài bức họa đồ của hải quân châu Âu…, do vậy, người ta vẫn ước mong có được một bài khảo cứu tựa tựa “Vóc dáng phủ chúa Nguyễn qua đồ sứ cổ” để từ đó có cơ sở dựng lại phủ chúa Nguyễn ! Không biết có thể có chuyên khảo này không ?
– Giới sử học rất thích bài “Tư liệu mới về vua Gia Long qua chiếc ấm trà cổ” của nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng. Bài này cho một hệ quả, từ việc tìm hiểu hình dáng một chiếc âm, đã nói lên được nội tâm của nhân vật lịch sử Gia Long. Băn khoăn nhiều năm trời, khi giải mã được ý nghĩa hai chữ “Thái Bình” trên lưng đồng tiền “Gia Long thông bảo”, tôi mới hiểu được “cái sướng” của nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng khi giải mã được chiến ấm nói trên… Và rất nhiều di vật vô tri vô giác như đồ sứ, đồng tiền… hội tụ để góp phần nhận định sự “ghê gớm” trong thâm tâm Nguyễn Phúc Ánh…
– Hoặc Phạm Hy Tùng cũng có một bài viết giải mã một cái đĩa thời Tự Đức vẽ cảnh hái thuốc. Tác giả cho rằng vua Tự Đức không phải là “vô cảm” trước cảnh nước mất nhà tan, mà ông vẫn đi tìm “vị thuốc” để chữa bệnh nan y (mất nước). Những cách lý giải này, tuy chúng ta không hiểu sự thật của lịch sử ra sao (?), nhưng dù sao đó cũng là những tiếng nói có cơ sở để đánh giá nhân vật lịch sử…
– Hoặc hai câu thơ Nôm “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người xưa” trên đồ sứ Mai Hạc, thường được cho là thơ của Nguyễn Du đầu thế kỷ XIX, nhưng nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng lại công bố cái đĩa điển tích trên có niên đại thế kỷ XVIII. Điều này đặt lại vấn đề tác giả của hai câu thơ Nôm trên có phải là Nguyễn Du không (?)…
Trên đây chỉ là một vài ví dụ, tôi tuy chưa được đào tạo qua chuyên ngành, nhưng cho rằng dựa vào những di vật vô tri để đưa ra những nhận định sử học, thì đây mới chính là mục tiêu của khảo cổ học !
- Về vấn đề bảo tồn:
3.1. Ngày nay, việc sưu tập, sưu tầm đồ sứ đặc chế này hầu như khắp năm châu. Ở trong nước, do nạn săn lùng nên loại đồ sứ này trở nên quá đắt đỏ. Lại thêm mong manh dễ vỡ nên ngày càng hiếm hoi…
– Các bảo tàng cũng có lưu trữ một số loại này, nhưng về sự phong phú đôi khi không thể bằng các sưu tập tư nhân. Do vậy, để có được sưu tập đa dạng, các bảo tàng rất cần có cơ chế mở để dễ mua lại từ các nhà sưu tập tư nhân. Và Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nên lấy đây làm mũi nhọn, ưu tiên cho sưu tập đồ sứ men lam Huế.
– Cần xây dựng thư mục, hình ảnh tất cả các sưu tập có thể có về đồ sứ này. Việc này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã bước đầu xây dựng thư mục giới thiệu trên Nghiên Cứu Huế, và rất cần cập nhật…
– Và cũng rất cần làm một bảo tàng số hóa các hình ảnh về đồ sứ này để phục vụ nghiên cứu, sưu tập, cũng như phục vụ công tác phục chế…
3.2. Về vấn đề phục chế:
– Do nhu cầu trang trí di tích, ngày nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng có dự án phục chế dòng đồ sứ này. Nhưng theo thiển kiến, các hiện vật phục chế rất cần nên có ký hiệu riêng hoặc đóng dấu phục chế để tránh những lẫn lộn về sau…
– Và như trên đã nói, phải nghiên cứu sâu chủng loại sứ đặc biệt này mới tìm ra được các tiêu chí, đặc điểm… thì trên cơ sở đó sự phục chế mới có hiệu quả cao…
3.3. Về vấn đề thành lập Hội cổ vật Huế:
– Hiện tại Huế đã có nhiều nhà sưu tập tham gia làm hội viên Liên Hiệp hội UNESCO Việt Nam và đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác trưng bày, triển lãm…trên bình diện cả toàn quốc. Nhưng oái ăm thay, các tỉnh bạn đều có Hội Cổ vật hoạt động mạnh mẽ thì đất Cố đô lại không có một hội cổ vật nào để các nhà sưu tập có được một diễn đàn quy tụ… Sự việc thành lập hội này, nhiều nhà sưu tập tâm huyết đã lên tiếng cả hơn chục năm qua, nhưng chẳng có lãnh đạo nào của tỉnh quan tâm, cho nên các nhà sưu tập tư nhân vẫn bơ vơ và khó có thể phát huy vai trò của mình được. Do vậy, nhân đây, tôi cũng xin đề nghĩ lãnh đạo tỉnh quan tâm đến công tác bảo tồn của các nhà sưu tập mà xúc tiến thành lập Hội Cổ vật Huế trên cơ sở các hội viên Liên Hiệp hội UNESCO.
– Và trụ sở sinh hoạt của Hội Cổ vật Huế này nên đặt tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế, là nơi có nhiều điều kiện tự nhiên khách quan để Hội có thể phát huy vai trò của mình…
Vài ý nghĩ thô thiển, rất mong được đóng góp.
Huế, chào mừng Festival 2009
BS NGUYỄN ANH HUY
220, Chi Lăng- Huế
# Bài này được đăng trên Khoa Học@Đời Sống với tựa là “MẤY Ý NGHĨ VỀ VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY ĐỒ SỨ MEN LAM HUẾ” ngày 11 tháng 06 năm 2009.