Nhà sưu tầm cổ vật Vũ Kim Lộc ở Sài Gòn vốn xuất thân từ nghề kim hoàn. Vì thế, những món đồ cổ bằng vàng, bạc và đá quý… luôn được anh quan tâm sưu tầm và nghiên cứu. Anh đã từng sưu tập được những cổ vật Champa, cổ vật Óc Eo hay cổ vật triều Nguyễn… bằng vàng, xứng đáng liệt hạng quốc bảo. Nhưng có lần anh nói với tôi: “Cổ vật bằng quý kim của Champa, Óc Eo hay của các triều đại phong kiến Việt Nam tôi gặp khá nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ được cầm trên tay một món đồ vàng thời chúa Nguyễn. Trong khi, nghề kim hoàn lại là một thành tựu nổi bật của nền thủ công truyền thống thời chúa Nguyễn”.
* Vàng và nghề kim hoàn thời chúa Nguyễn
Đàng Trong vốn là “vùng đất của vàng”, nơi mà các tiền nhân Champa, Óc Eo… đã tạo nên biết bao kiệt tác nghệ thuật bằng quý kim vẫn còn lưu truyền cho đến đời nay. Vì thế, các chúa Nguyễn đã thực thi những chính sách để phát triển nghề khai thác vàng và nghề kim hoàn. Theo sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776, thì các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cấp phát lương thực, tiền công cho người dân để khuyến khích họ đi tìm vàng, khai thác vàng cho nhà nước. Các chúa cũng không hạn chế người dân buôn vàng và tự túc khai thác vàng, mà chỉ thu thuế và tạo điều kiện cho họ được kinh doanh và khai thác. Nhà nước cũng lập các đội tìm vàng chuyên nghiệp, giao cho các tướng lĩnh phụ trách. Không chỉ tìm vàng ở các vùng mỏ trong đất liền, các chúa Nguyễn còn lập đội Hoàng Sa, phái người đi đến các vùng biển đảo như Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa để thu nhặt vàng bạc, hàng hóa từ các tàu thuyền của nước ngoài bị đắm trong các vùng biển này. Triều đình nhà chúa còn lập 3 cơ quan gồm: Nội lệnh sử ty chuyên đi thâu nhận vàng, Ngân tượng ty chuyên việc tinh luyện vàng bạc và Nội kim tượng cục chuyên chế tác vàng thành phẩm và làm đồ trang sức để phục vụ cho nội cung và xuất khẩu. Theo các nguồn sử liệu viết về thời kỳ này, thì vào năm 1634, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho xuất khẩu sang Nhật Bản 50 cái bát và 50 cái đĩa, một nửa làm bằng vàng và một nửa làm bằng bạc. Cuốn hồi ký Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, một nhà sư người Trung Hoa có mặt ở Đàng Trong dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu, chép rằng các chúa Nguyễn dùng toàn đồ làm bằng vàng và bạc, chế tác rất công phu, còn các hạng người sang trọng thì mũ mão và yên cương ngựa của họ đều được trang sức bằng vàng bạc. Đàn bà con gái đều mặc hàng tơ lụa, cổ áo thêu hoa, coi vàng bạc như cát, lúa thóc như bùn.
* Bộ trang sức của một vương phi thời chúa Nguyễn
Một ngày, tôi vào Sài Gòn, ghé nhà Vũ Kim Lộc, anh khoe với tôi bộ ảnh chụp những món trang sức bằng vàng và bảo: “Đây là những cổ vật bằng vàng đầu tiên của thời chúa Nguyễn mà tôi tận mắt chứng kiến. Theo tôi, đây là trang sức của một bà phi đời chúa Nguyễn Phúc Khoát”.
Bộ trang sức gồm một cái bác sơn bằng vàng để gắn trên chiếc mũ của các bậc vua chúa; 12 chiếc trâm hoa; 1 chiếc trâm phượng và 2 chiếc vòng tay, đều làm bằng vàng, gắn đá quý. Tất cả đều rất tinh xảo và sang trọng.
Bác sơn là một dải trang sức, thường làm bằng quý kim, được chạm trổ công phu, trang trí cầu kỳ, để gắn lên mũ của vua, hoàng hậu, quan lại, quý tộc thời xưa. Chiếc bác sơn này dài 18,5 cm, nặng 42 g, được làm từ một miếng vàng mỏng, chạm lộng hình tản vân và văn thủy ba, làm nền cho các đồ án trang trí đính kèm gồm 3 hình chim phượng và 3 cụm hoa lá. Nhìn vào bố cục trang trí của các đồ án đính kèm, có thể nhận thấy số cụm hoa lá lẽ ra phải là 4, nhưng có lẽ cụm hoa lá ở ngoài cùng bên phải bác sơn đã bị thất lạc. Trên bác sơn còn có một hàng lỗ nhỏ, là nơi đã từng gắn các viên đá quý hoặc trân châu nhưng đã bị mất. Vì đồ án trang trí chủ đạo trên bác sơn là hình chim phượng, nên theo điển chế ngày xưa, thì đây là bác sơn trên chiếc mũ của hoàng hậu, vương phi.
Bác sơn bằng vàng trang trí trên mũ vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Hình chim phượng bằng vàng gắn trên bác sơn. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Bộ trâm hoa gồm 12 chiếc, dài từ 9,4 cm đến 12 cm, tạo dáng như những cánh hoa. Phần đầu của những chiếc trâm là những cụm hoa lá bằng vàng, được tô điểm bởi những viên đá quý màu ngọc bích. Có 4 loài hoa được thể hiện trên bộ trâm, trong đó có hai loài hoa được nhận diện là hoa mai và hoa cúc. Phần chuôi để cài vào mái tóc của 12 chiếc trâm hoa này được làm bằng bạc.
Chiếc trâm hoa mai của vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Chiếc trâm hoa cúc của vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Chiếc trâm phượng hoàn toàn làm bằng vàng, dài 14,25 cm, nặng 15 g. Phần đầu trâm thể hiện hình chim phượng đang ngậm chiếc lồng đèn rất tinh xảo. Thân chiếc trâm cũng chính là thân và đuôi của chim phượng, được tạo thành hai nhánh và hơi cong xuống ở phần đuôi. Đầu chim phượng được thể hiện rất sắc sảo, với mỏ quặp, mắt và đuôi mắt dài, có bờm ở trên đầu, dưới cằm và sau cổ. Mỏ chim phượng ngậm chiếc lồng đèn có tán che bên trên, khánh treo bên dưới và những chùm hoa văn treo xung quanh.
Bộ vòng tay gồm 2 chiếc, một chiếc có đường kính 6,18 cm, nặng 20,17 g, chiếc kia có đường kính 6,41 cm, nặng 20,36 g. Tất cả đều làm bằng vàng. Thân vòng đúc rỗng, mặt ngoài có 16 lỗ tròn, nổi trên nền hoa văn hình cánh hoa liên hoàn. Những lỗ tròn này là nơi gắn các viên đá quý nhằm tăng thêm giá trị của chiếc vòng. Phần khóa của chiếc vòng là một đồ án trang trí hình hai con rồng chầu một hạt châu (hay hạt đá quý) nay đã bị thất lạc.
Vòng tay bằng vàng của vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Đồ án lưỡng long trên vòng tay vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Hạt pha lê khảm trên vòng tay vương phi. Ảnh: Vũ Kim Lộc.
Bộ trang sức này được tạo tác một cách công phu với kỹ thuật điêu luyện chứng tỏ trình độ tay nghề của nghệ nhân chế tác món đồ này thuộc vào hạng thượng thừa. Đối chiếu các kiểu thức trang trí có trên bộ trang sức này với những miêu tả trong các nguồn sử liệu viết về mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ thời chúa Nguyễn, đồng thời so sánh với những kiểu thức trang trí trên Đại hồng chung chùa Thiên Mụ (do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1715), trên trán bia mộ của bà Chiêu phi họ Nguyễn (một vương phi thời chúa Nguyễn) ở Quảng Trị) và trên trán bia mộ bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát) ở Huế, tôi đồng tình với ý kiến của Vũ Kim Lộc rằng đây là bộ trang sức của một vương phi thời chúa Nguyễn.
Đồ án chim phượng trang trí trên Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, đúc năm 1715. Ảnh. Trần Đức Anh Sơn.
Đồ án chim phượng chầu mặt trời trên trán bia Nguyễn Chiêu phi. Thác bản của Nguyễn Phước Bảo Đàn.
Bản dập đồ án chim phượng chầu mặt trời trên trán bia mộ Nguyễn Chiêu phi. Thác bản của Nguyễn Phước Bảo Đàn.
Đồ án chim phượng chầu mặt trời trên trán bia mộ Chiêu Nghi Trần Thị Xạ. Thác bản của Nguyễn Phước Bảo Đàn.
Và đây cũng là bộ bảo vật đầy đủ nhất và quý hiếm nhất của thời chúa Nguyễn mà giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Việt Nam từng biết đến từ trước tới nay.
T.Đ.A.S.
Bai viet hay , thx!
Tuyệt diệu