Theo Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu cho biết, gốm Chu Đậu được tìm thấy từ 2 nguồn chính, đó là chiếc bình gốm cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở lần phát hiện 5 con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An.

1 Chiếc bình cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ

1.1 “thái hòa bát niên, nam sách châu, tượng nhân bùi thị hý bút”

Một ngẫu nhiên rất riêng, bởi ở Việt Nam, tất cả các nền văn hóa đều bắt nguồn từ những sự tình cờ của những người nông dân đầu trần chân đất. Câu Chuyện này lại bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm.

Theo lời ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Dịch : Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).

Chiếc lọ hoa lam này sau đó đã trở thành tiêu bản mẫu để làm rõ những đồ gốm men hoa lam khác không ghi niên đại, là một điểm chỉ dẫn sự tìm kiếm về trung tâm làm gốm men Chu Đậu thời phong kiến của khảo cổ học Việt Nam.

Bình Tokapi Saray – với câu: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” Hình từ: Vietnamese Ceramics, a separate tradition của Joh Guy và John Stevenson

Chưa kể chữ “Thái” trong bình gốm hoa lam ở Thổ Nhĩ Kỳ mất dấu chấm dưới chữ “Ðại” (thái = đại + dấu chấm ở dưới – Đại (大) hay Thái (太)) đã làm phiền lòng nhiều học giả. Nay niên hiệu Thái Hòa ở đây cũng được khẳng định, các học giả không còn bận tâm về Thái Hòa hay Ðại Hòa nữa. (trong bài “Ðại hay Thái: Một cái chấm làm thay đổi lịch-sử nhà Lê và quyết-định lịch-sử đồ gốm Việt Nam”, đăng trong báo Thế Kỷ 21 #141, số xuân Tân Tỵ – tháng giêng 2001 )

Ông Tăng Bá Hoành đã viết bài “Quá trình phát hiện, nghiên cứu, phát huy gốm Chu Ðậu” đăng trên tạp chí “Khoa học và ứng dụng” của “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương” số 2-2005.

Tuy nhiên , bởi viết bằng chữ Hán, không chấm phẩy, không phân biệt chữ viết hoa và chữ viết thường. Cho nên chữ “Bùi Thị hý bút” có nhiều cách dịch. Một người thuộc Họ nhà thị tộc – Bùi vẽ chơi ? (“氏 thị = họ) (phương án I).

Trong trường hợp tôn xưng lại là khác như Mạc Thị, Viên Thị hay là triều đình nhà Nguyễn 阮氏王朝 (Nguyễn Thị Vương Triều) là do tôn tộc hệ thống xưng hiệu ở ngoài gọi vô. Mạc Thị trong trường hợp trên là xưng hiệu.  Đích thị là ông Bùi vẽ chơi? (phương án II).

TS Nguyễn Đình Chiến – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: “Về chuyện giải mã mười mấy chữ Hán trên chiếc bình hoa lam tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi vẫn nghiêng về cắt nghĩa chữ Bùi Thị Hý nghĩa là ông Bùi nào đó vẽ chơi chứ không phải Bùi Thị Hý là một nghệ nhân nữ có tên Bùi Thị Hý”. Nghệ nhân Bùi Thị Hý vẽ/viết/tạo …? (phương án III).

Giả phương án (III) là đúng, cũng có thể còn xảy ra 2 trường hợp khác.

– Giả như người thợ đã làm tác phẩm đó xong xuôi, và bà Bùi Thị Hý/ Ông Bùi hứng lên ghi vào ?

– Vì không biết chữ, nhờ người viết hộ ?

– Vì chữ và nét vẽ cũng không đẹp. Nên nhờ người viết/vẽ hộ, lấy tên mình để mang đi tặng ai đó, thậm chí treo trong nhà cho “ Mr. Oai” ?

 

2. Bà cô tổ dòng họ Bùi.

2.1  Các cứ liệu, hiện vật của Bùi Văn Lợi

Ngày 16/5/2007, anh Lợi tìm được (i) con nghê ở lò gốm cổ, nơi mà gia phả nói là do Đặng Sĩ xây dựng năm Thái Hòa thập niên (1452), cao 22cm, dài 27cm, đế rộng 6,5cm, phía đuôi có chữ viết, mang cho các nhà sử học nghiên cứu.

Con rồng trong mộ bà Bùi Thị Hý.

Hình dáng cũng như chất liệu của con nghê này không có gì lạ vì có một số hiện vật tương tự ở những hố khai quật tại Chu Đậu và làng Cậy, điều quan trọng là 2 dòng chữ: “Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo”, có nghĩa hiện vật do Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, tạo vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460).

Tại hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với huyện Gia Lộc tổ chức vào ngày 20/6/2009, đại diện dòng họ Bùi, các nhà sử học và khảo cổ học đưa ra nhiều chứng cứ, hiện vật liên quan đến nhân vật lịch sử thú vị này.

La bàn đi biển của bà Bùi Thị Hý

Trong số các hiện vật, có (ii)chiếc la bàn bằng đá( Ngày 14.4.2009, ông Lợi còn cung cấp cho ông Hoành một khối đá nhỏ có chữ Hán, lẫn trong đống đá tảng đầu nhà… đơn giản đến khó tin… Di vật bỗng dưng tìm lại được sau… 500 năm mà… ở ngay chính đầu nhà.) trên đó khắc: “Châm bàn chu hải khứ Bùi Thị Hý” …

La bàn đi biển của bà Bùi Thị H và gia phả do chính phu quân của bà là ông Đặng Phúc lập bia gồm 379 chữ ghi rằng:

“Bùi Thị Hý, người vợ kỳ tài, hiệu là Vọng Nguyệt, là con gái trưởng của quan mã vũ Bùi Đình Nghĩa, cháu ba đời lão tướng Bùi Quốc Hưng. Phu nhân sinh năm Canh tý (1420), thời  Bình  Định Vương, mất ngày 12 tháng 8 năm Cảnh thống Kỷ mùi (1499). Phu nhân  có tài văn chương, chữ viết đẹp, lại có kỳ tài về hoạ, từng cải trang đi thi Đại khoa đến kỳ thi thứ ba, khoa Nhâm Tuất, năm đại bảo thứ ba (1442), bị  quan trường (phát giác) kỷ luật, đuổi khỏi trường thi. Sau bèn xuất giá, cùng đại gia phu quân Đặng Sỹ, làm nghề nung sành sứ, tại trang Chu, châu Nam Sách, chế đồ gốm cống triều đình đương thời và xuất cho thương nhân nhiều nước  như: Nhật Bản, Trung Quốc, và phương Tây. Sau Đặng Sỹ cùng những người làm thuê gặp nạn, chết ở biển Đông. Phu nhân tái giá, lấy đại gia Đặng Phúc, người Trang Chu. Phu nhân là một trang nữ tài võ, thông văn, làm chủ thương đoàn đi Nhật Bản,Trung Quốc, phương Tây để buôn bán đặc phẩm gốm sứ. Thật buồn thay, phu nhân kỳ tài làm bình gốm mà lại không con…”.
Nhưng… Khi đưa chiếc “ la bàn” qua Nhật để kiểm chứng ( Vì người Nhật có lịch sử đi biển lâu đời, có các công cụ khoa học để kiểm tra và có mỗi quan hệ tốt với Việt Nam) thì
Và…
Ông Tăng Bá Hoành đã dịch tóm tắt nội dung gia phả cùng với hiện trạng của gia phả như họ Bùi như sau: (báo Hải Dương cuối tuần, số 304 ngày 22-6-2006) với bài: “Dấu hỏi qua 20 năm về gốm Chu Ðậu đã được trả lời”. )

“ Hiện nay hai cuốn gia phả của họ Bùi thôn Quang Tiền, xã Ðồng Quang vẫn còn lưu giữ. Mặc dù cuốn thứ nhất sao lại đã gần 175 năm, vải đã mục, chữ đã mờ, cuốn thứ hai sao lại cách đây 74 năm viết trên giấy bản đã ố vàng nhưng chữ vẫn còn đọc dịch được ”

Căn cứ vào tấm bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý khắc dựng ngày 10/10 năm Cảnh Thống (Nhâm Tuất- 1502), Cuốn thứ nhất sao y bản cổ năm Nhâm Thìn (1832), viết bằng chữ Hán trên nền vải . cuốn thứ hai được lí trưởng Bùi Đức Nhuận  sao tóm tắt viết bằng chữ Hán trên giấy bản năm Bảo Đại (Nhâm Thân -1932) tức 100 năm sau.

Ngày 10.1.2009, hậu duệ bà Hý đào tìm, phát hiện một số vật yểm và viên gạch đất nung (iv)  màu hồng nhạt, nhẹ lửa, mẻ một góc có ghi những thông tin quan trọng về mộ chí của bà Bùi Thị Hý.

Mặt một nói nơi để mộ, dịch: “ Mộ Tổ cô ban đầu táng tại Gò Thổ Thư, nhìn về hướng bắc. Tổ tiên truyền lại rằng, hậu duệ của đại thương gia Trịnh Hòa, triều Minh, niên hiệu Thiên Thuận (1457 – 1464), là bạn nữ, tặng Tổ cô một chiếc chén sứ quý. Khi Tổ cô qua đời, chôn theo chiếc chén sứ gia bảo. Sau có bọn trộm đào lấy hết. Lại gặp giặc phá hủy. Mộ được chuyển đến khu đất Rồng. Cấm tuyệt đối mọi người trong dòng họ vi phạm lời truyền (của tiền nhân). Vị , Nhuận, Cần (tên trưởng 3 chi họ đương thời). “

Có nghĩa là Mộ đã được di chuyển 2 lần, 1 lần bị đào trộm, và một lần Do chiến tranh. Các di vật bị lấy cắp, những hiện vật bị đánh tráo, thay đổi. Gia phả đã qua hai lần sao đi chép lại, mà “tam sao thất bản” , chưa kể người viết lại chưa hiểu hết dụng ý của  thời đại mà viết theo thời đại của mình. Như vậy, bản thảo không phải là “bản gốc”, mà mộ tìm được của bà cũng không phải là “mộ gốc”

Ngày 9/9 năm Kỷ Sửu (tức 26/10/2009), dòng họ Bùi khởi công xây mộ cho bà cô tổ. Đến khoảng 12 giờ trưa thì tìm thấy mộ phần của bà Bùi Thị Hý cạnh nơi tìm được bia mộ chí. Hòn gạch đậy trên mộ được mang về Bảo tàng Hải Dương có ghi “Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm” (Dịch: Tro xương tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm của bà – Vọng Nguyệt là tên hiệu của bà Hý).

Hòn gạch đậy trên mộ

2.2 Từ “dưới đất chui lên” ?/!

Như vậy, Bà Hý sinh ra trong gia đình dòng dõi, tài năng về văn học thì bà giả trai đi thi đến tam trường. Về nghệ thuật thì bà vẽ giỏi viết đẹp. Về buôn bán thì bà là “đại gia”. Mộ bà có “ chén sứ gia bảo”, lại thêm “bảo kiếm”. Thế vẫn chưa đủ, vẫn còn! Bà đi biển, bà đích thân có chiếc la bàn!.

(i)Thứ nhất là về con rồng (có báo ghi là con nghê) có ghi tên bà. “光順一年 光映庄裴氏戲造” “Quang Thuận nhất niên Quang Ánh Trang, Bùi Thị Hý tạo”. Quang Thuận là niên hiệu đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông, Quang Thuận nhất niên là năm 1460. Năm bà Hý 40 tuổi.Năm đầu người ta dùng chữ “.”nguyên niên” (元年) hay “sơ” (初

Thí dụ “Chính Hoà Nguyên Niên”: năm Chính Hòa thứ nhất. “Quang Trung Sơ”: Quang Trung năm thứ nhất. Riêng năm đầu niên hiệu như ở một chân đèn thời nhà Mạc thì ghi:
“延成萬[萬]年之初三月三十日”

“Diên Thành vạn vạn niên chi SƠ tam nguyệt tam thập nhật” ( tức 30/3 DiênThành năm thứ nhất (1578) ). [ Cẩm Nang Đồ Gốm VN có Minh Văn, Nguyễn Đình Chiến, VBTLSVN, Hà Nội 1999]
Người xưa không dùng “nhất niên” cho năm đầu tiên của niên hiệu.

Ta chẳng có nghiên mực, quyển sách cổ nào có tên Nguyễn Du, Lê Quý Đôn v.v. trên đó cả. Sách cổ có “tung tích” như của cụ Cao Xuân Dục thì ghi là “Long Cương Thư Viện” chứ nào viết thẳng là “Cao Xuân Dục”!

( ii)Cứ cho rằng bà đi biển (như đi thăm dò thị trường chẳng hạn) thì vị tất bà đã phải tự lái tàu! Chuyện đó có thuyền trưởng họ lo! Chuyện đi biển là chuyện “chuyên nghiệp”, phải biết địa lý, xem sao, biết luồng nước, con gió, cảng nông sâu, biết điều khiển thủy thủ, … đủ cả.

(iii) Nếu bà có cả “Bảo Kiếm” thì lại quả thật là lạ thưòng! Đúc kiếm vốn chẳng phải là mặt mạnh của truyền thống trọng văn khinh võ Việt Nam. Có đào được mộ của các quan võ cũng chẳng thấy “bảo kiếm” nào chôn kèm.

“Kiếm báu” trên tay ông Bùi Văn Lợi

 

(iv) Ở nước ta chuyện khắc tên “tục” trên vật dụng thì theo chỗ tôi hiểu là chưa từng có hoặc nếu có thì quả thực là hi hữu.

Qua những cứ liệu xứ người, và cả của “ao nhà”, tôi cũng tự hỏi :

  • Tại sao không có bất cứ hiện vật nào được công bố dựa trên phương pháp niên đại tuyệt đối ( C14, ASM…) . mà tất cả đều được dựa trên phương pháp xác định niên đại tương đối và suy đoán qua chữ Hán của ông Tăng Bá Hoành ?
  • Thông thường, trong các gia phả thì vị thế người phụ nữ ít đưọc xem trọng. Trong cách gọi ngoài đời sống,chỉ có tên đàn ông, còn vợ thì phần lớn chỉ nêu tên, hoặc gọi bằng họ chồng, lắm khi khuyết cả họ. phong tục này đến nay ở Nam Sách- Hải Dương vẫn còn. Người phụ nữ thời xưa cũng không tự xưng. Nếu mà đã xưng rành mạch về họ tên thì câu trên nó cần có thêm chữ “ chi” . Mặt khác, giả dụ như cái la bàn thực là của bà,cả con rồng và bình cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ… thì vị tất bà đã khắc tên mình trên đó, mà là tên “tục” chứ không phải như “Đặng Phu Nhân” chẳng hạn ?
  • Vì bí quyết “men” được coi như sinh mạng, và làm gốm rất khổ cực, “chân lấm tay bùn”, cộng thêm phong tục “ gái theo chồng”, cho nên nghề gốm từ trước đến nay chỉ truyền cho con cháu trai trong dòng tộc, hiếm hoi chỉ có vợ Đặng Huyền Thông cùng làm với chồng. Vậy người truyền cho bà là ai, hay Bùi-Thị-Hý chỉ đơn thuần như một thương nhân ?
  • Một nhân vật tài cao chức trọng , từng là chủ thương nhân của nhiều lò gốm, thịnh đạt rực rỡ vào thế kỷ XV, đột nhiên biến mất không tung tích, không để lại gì dù chỉ là một câu chuyện. Địa điểm này từ thế kỷ XV đến trước 1980, hàng trăm năm người ta chỉ biết đến nghề dệt cói ?
  • Sau khi ông Tăng Bá Hoành về hưu, tuổi tác và sức khỏe , và nhất là không có viện trợ nữa nên công cuộc tìm kiếm đành phải gác lại. Tại sao một đề tài đang rất hấp dẫn như thế lại không có nhà tài trợ ? Các cử nhân vỡ mộng, tiến sĩ, giáo sư chẳng có người nào làm đề tài về Bà Bùi-Thị-Hý ? Cuộc hội thảo năm 2009 do Giáo sư Phan Huy Lê và đánh giá của Nhật về chiếc la bàn tại sao không được các trang báo đăng tin ?

Tạm Kết

Thành công của gốm Chu Đậu, như đã nói, được tìm thấy từ 2 nguồn chính, một trong số đó là chiếc bình gốm cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, chúng ta đươc biết đến bà Bùi-Thị-Hý, một con người tài năng xuất chúng, gia đình dòng dõi.

Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này tồn tại nhiều luồng phản biện,những ý kiến trái chiều và còn không ít câu hỏi đang để ngỏ, thì việc coi bà là tổ nghề gốm Chu Đậu, là một khẳng định không mấy khách quan, nó nói lên một thái độ phi khoa học. Việc dựng bàn thờ thắp hương bà , hiện nay ẩn bên trong một phần là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của con cháu Việt Nam, đã lãng quên những tiền nhân thực sự.

Trong công cuộc quảng bá thương hiệu du lịch làng nghề gốm cổ, những lãnh đạo đã vô tình/ hữu ý bỏ qua những luận điểm khoa học không có lợi cho mình, để “tạo ra lịch sử” . Với chương trình thi tìm hiểu gốm Chu Đậu vừa qua của các em tiểu học và trung học cơ sở, tôi nghĩ có lẽ cũng đề cập đến bà Bùi-Thị-Hý. Và cuộc thi nào cũng có trao giải thưởng. Nếu một ngày nào đó , các em hiểu biết hơn, phải quay lại nghi ngờ chính những dòng chữ của mình viết ra, điều đó thật là buồn.

Về phần riêng của mình, tôi nghĩ quan trọng nhất và có giá trị nhất hiện nay được ghi trên bình gốm cổ, đó là địa điểm Nam Sách-Hải Dương, nơi đang tổ chức chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách. Còn về phần ai là tổ nghề, nên chăng, không vội vàng công bố để sau này đỡ cho lịch sử một phần gánh nặng, xác định rõ lại, rồi phổ biến sau cũng chưa muộn.

…“ Khi có sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu, chúng ta mới có cơ sở khoa học để đề xuất với các cấp lãnh đạo có hình thức thức tôn vinh xứng đáng đối với nữ tài Bùi Thị Hý.”  Hội thảo 20/6/2009 , GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Tác giả: bài viết không rõ tác giả, sưu tầm trên mạng

Tài liệu tham khảo

1. Năm 2009, vào thời Chu Đậu nổi lên như một cơn sốt
Ông Hạ Bá Định , nghệ nhân gốm Chu Đậu, là thầy dạy vẽ của hai mẹ con tôi . Ông Đặng Thành Long ( trưởng khoa gốm trường ĐH Công nghiệp mỹ thuật, có công tác hơn 5 năm dưới Chu Đậu, là bạn của gia đình, mỗi lần về tp.Hải Dương đều ghé qua nhà. Trong những người thợ gốm cốt cán ở Chu Đậu từ năm 2006 đến 2009 có nhiều  người là học sinh của ba ngày trước. Ba tôi là giám đốc kỹ thuật ở Gốm Chu Đậu trong 3 năm. ( 2006-2009)  .
Ông Tăng Bá Hoàng , Đậu là bạn của ba mẹ.  Ông Nguyễn Văn Lưu- giám đốc Chu Đậu từng nhiều lần xuống nhà tôi chơi. Ông Bùi Văn Lợi có làm thơ, rất quý gia đình, học trò và mẹ đã từng xuống nhà ông vào Tết năm 2009 . Được ông cho xem mâm đồng, gia phả và dẫn ra khu mộ của bà Bùi Thị Hý, lúc đó còn chưa được các nhà khảo cổ học khai quật. Vốn là gia đình làm gốm. Ba mẹ và người viết đã dành cho Chu Đậu những quan tâm đặc biệt, những cuộc trò chuyện, thảo luận diễn ra ngay trong nhà. Trước khi làm đề tài đã có những cuộc gọi để kiểm chứng lại.  Bản thân cũng từng đến thăm quan và nói chuyện với các thợ vẽ gốm ở Chu Đậu nhiều lần.
2. Kết quả cuộc hội thảo ngày 20/6/2009 Tại hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với huyện Gia Lộc tổ chức vào ngày 20/6/2009
3. Luận văn phát triển du lịch làng nghê gốm Chu Đậu. luanvan.net.vn
4. “Ðại hay Thái: Một cái chấm làm thay đổi lịch-sử nhà Lê và quyết-định lịch-sử đồ gốm Việt Nam”, Đoan Hùng – báo Thế Kỷ 21 #141, số xuân Tân Tỵ – tháng giêng 2001
5. Một vài suy nghĩ về việc “tìm mộ bà tổ làng gốm Chu Đậu”- Đoan Hùng- viethoc.org
6. Bản quyền Góc Nhìn © 2009-2014 NHIỀU NGUỒn Về gốm Chu Đậu cổ
Theo trang dulichthonhiky.com, Theo trang baomoi.com, Theotrang vi.hoianfestival.com, Theo trang vietbao.vn
7. Tăng Bá Hoành –  “Quá trình phát hiện, nghiên cứu, phát huy gốm Chu Ðậu” đăng trên tạp chí “Khoa học và ứng dụng” của “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương” số 2-2005.
8. Tăng Bá Hoành – Hải Dương cuối tuần, số 304 ngày 22-6-2006) với bài: “Dấu hỏi qua 20 năm về gốm Chu Ðậu đã được trả lời”.
9. Họ Bùi Việt Nam- http://hobuivietnam.com.vn- Người làm chiếc bình gốm hoa lam cổ Chu Đậu 01.09.2007 18:44
10. Các trang web du lịch liên quan đến Chu Đậu
http://haiduongtourism.org.vn/new/vi/a5919/khach-san-nam-cuong-hai-duong-lang-gom-chu-dau.html, http://diendanhotel.com/baiviet/99079-Ha-Noi-Den-Chu-Van-An-Gom-Chu-Dau-Den-Nguyen-Phi-Y-Lan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.