Trong khi tìm hiểu về minh văn trên các bảo vật lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG), chúng tôi đã gặp khá nhiều họ và tên của các tượng nhân (những nghệ nhân) của Ngự xưởng triều Nguyễn. Chúng ta biết rằng, dưới triều Nguyễn, kể từ vua Gia Long vẫn duy trì chế độ công tượng như thời các chúa Nguyễn, tiếp tục thực hiện chính sách trưng tập thợ thủ công từ khắp nơi trong nước, đưa về Kinh đô Huế, phiên chế vào các tượng cục do triều đình trực tiếp quản lý và điều hành, để sản xuất các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu xây dựng, đúc tiền cùng các sản phẩm tiêu dùng khác phục vụ cho công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế và các nhu cầu của Hoàng gia, triều đình và quân đội. Nhiều tượng cục mới được thiết lập. Nếu dưới thời các chúa Nguyễn, nhà nước chỉ tổ chức và điều hành hoạt động của 31 tượng cục, thì sang đến triều Nguyễn số tượng cục tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, số tương cục nhiều nhất dưới đời vua Tự Đức (1848-1883) với 95 tượng cục… Bài viết này xin giới thiệu về các tượng nhân Ngự xưởng dưới đời vua Minh Mệnh (1820-1840).

1.Tượng nhân Nguyễn Tận :

1.1 Đỉnh vàng. Đỉnh có nắp, chỏm là tượng nghê, xung quanh trổ thủng bát quái, miệng chạm hồi văn. Thân hình cầu dẹt, chạm băng lá đề, hai quai hình đầu sư tử ngậm vòng, ba chân. Chân đế tròn chạm mặt thú cách điệu

Đáy khắc minh văn:

– Phiên âm: Phụng lễ, Canh Thìn niên tứ nguyệt nhật, Ngân tượng Ty Nguyễn Tận tạo, nhất cái lô trọng bát ngũ tuế kim nhị thập lượng bát tiền cửu phân.

– Dịch nghĩa: Phụng lễ, một ngày tháng tư năm Canh Thìn (1820), Ngưởi thợ tên lả Nguyễn Tận ở Ty Ngân tượng tạo tác. Lư có trọng lượng vàng 8 tuổi rưỡi là 20 lạng 8 tiền 9 phân.

Đỉnh vàng, Nguyễn Tận tạo, 1820.

1.2. Mâm bồng một bộ gồm 5 chiếc, đều có kiểu dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và minh văn tương tự nhau. Mâm bồng có mặt trên hình chiếc đĩa, miệng loe ngang, gờ miệng cắt khấc hình cánh hoa. Chân đế choãi, chạm thủng băng lá đề (Ảnh 2). Minh văn khắc ở đoạn giữa thân và dưới lưng khay. Chữ số đếm dùng kiểu chữ kép.

Mâm bồng, Nguyễn Tận tạo ,1827.

Phiên âm: Cung trần lễ đồng bách phúc. Trọng thập cửu lượng bát tiền nhị phân. Minh Mệnh bát niên lục nguyệt nhật, Nguyễn Tận phụng tạo.         

Dịch nghĩa: Bách phúc bày ra trong cung cùng thờ. Nặng 19 lạng 8 tiền 2 phân. Người thợ tên là Nguyễn Tận vâng lệnh tạo tác một ngày tháng 6 năm Minh Mệnh 8 (1827).

1.3. Ống nhổ (Bình phóng). Ông nhổ có miệng loe cao, gờ trơn không trang trí, thân phình, chân đế choãi. Xung quanh thân chạm ba ô hình cánh hoa, bên trong chạm nổi rồng mây. Băng diềm trên vai và chân chạm vạch đứng song song trong hình tam giác

Dưới đáy chạm 4 dòng minh văn như sau:

– Phiên âm: Minh Mệnh ngũ niên, cát nguyệt nhật, Vũ Khố ngân tượng thần Nguyễn Văn Tận phụng tạo. Bát ngũ tuế hoàng kim, trọng thập lượng.

– Dịch nghĩa: Thần tên là Nguyễn Văn Tận thợ bạc ở Vũ Khố vâng lệnh tạo tác ngày tháng lành năm Minh Mệnh 5 (1824). Vàng 8 tuổi rưỡi, nặng 10 lạng.

Ống nhổ, Nguyễn Văn Tận tạo, 1824.

 

1.4. Khay bạc. Khay tạo hình bầu dục, miệng loe ngang có gờ viền nổi, xung quanh miệng chạm hoa lá sen, cúc dây. Lòng phẳng để trơn. 4 chân quỳ gắn với đáy bằng vít tán và khắc minh văn:

– Phiên âm:  Tân Tỵ, Nguyễn Tận phụng tạo. Thất lượng cửu tiền ngũ phân.

– Dịch nghĩa: Năm Tân Tỵ (1821), người thợ tên Nguyễn Tận vâng lệnh tạo tác, nặng 7 lạng 9 tiền 5 phân.

 1.5. Muôi bạc. Muôi là loại hình thuộc nhóm dụng cụ đồ ăn, được tạo tác bằng bạc, bạc mạ vàng. Trên phần cán, có chiếc khắc minh văn cho biết thời gian tạo tác, họ tên, người kiểm tra và trọng lượng của chúng. Chiếc muôi này có khắc minh văn trên cán như sau :

– Phiên âm:  Canh Thìn niên, Nguyễn Tận phụng tạo. Nhất lượng ngũ tiền cửu phân.

– Dịch nghĩa: Năm Canh Thìn (1820), người thợ tên là Nguyễn Tận vâng mệnh tạo tác, nặng 1 lạng 5 tiền 9 phân.

  1. 2. Tượng nhân Lê Văn Trường :

2.1. Hộp vàng hình trụ có nắp. Hộp hình trụ có nắp chạm nổi rồng, phượng, mây và hoa lá. Xung quanh thân chạm nổi rồng mây và sóng nước.

Dưới đế khắc (kiểu  chấm dải) 3 dòng minh văn, đọc từ trái sang phải:

– Phiên âm: Nội tạo, Nội ngân tượng Cục thần Lê Văn Trường phụng tạo. Bát ngũ tuế hoàng kim cộng trọng nhất (1),lượng thất tiền ngũ phân, Minh Mệnh ngũ niên tạo.

– Dịch nghĩa: Thần là Lê Văn Trường ở Cục ngân tượng [phủ]  Nội tạo, vâng lệnh tạo tác. Vàng 8 tuổi rưỡi bao gồm 1 lạng 7 tiền 5 phân. Tạo tác vào năm Minh Mệnh 5 (1824).

Hộp vàng, Lê Văn Trường tạo, 1824 .

2.2. Hộp vàng hình trụ có nắp. Hộp hình trụ có nắp chạm nổi phượng và mây. Xung quanh thân chạm nổi phượng và mây. Dưới đế khắc (kiểu chấm dải) 3 dòng minh văn, đọc từ phải sang trái:

– Phiên âm:  Nội tạo, nội ngân tượng Cục thần Lê Văn Trường phụng tạo. Bát ngũ tuế hoàng kim cộng trọng thập tam lượng cửu tiền nhất phân. Minh Mệnh ngũ niên tạo.

-Dịch nghĩa: Thần Lê Văn Trường ở Cục tượng ngân Nội tạo, vâng lệnh tạo tác. Vàng 8 tuổi rưỡi bao gồm 13 lạng 9 tiền 5 phân. Tạo tác vào năm Minh Mệnh 5 (1824).

Hộp vàng, Lê Văn Trường tạo ,1824 .

 

3.Tượng nhân Lê Khương                

Ấm vàng tứ diện. Ấm gồm 2 phần: thân và nắp. Nắp vuông có núm gắn hạt thủy tinh. Thân ấm tạo hình quả đu đủ, miệng và đế hình vuông, vòi cao, quai dẹt hình chữ nhật, uốn hình khuyên. Giữa nắp và thân có gắn dây xích, 4 mặt quanh thân chạm nổi hình rồng, mây trong ô hình lá đề. (Ảnh 6). Dưới đáy khắc (kiểu chấm dải), đọc từ phải sang trái. Chữ số đếm dùng kiểu chữ kép:

Phiên âm: Minh Mệnh cửu niên phụng tạo. Bát ngũ tuế hoàng kim trọng thập ngũ lượng cửu tiền nhất phân tịnh bạch kim lý đề lương trọng cửu tiền cửu phân, Lê Khương  tạo.

– Dịch nghĩa: Vâng lệnh tạo tác vào năm Minh Mệnh 9 (1828) vàng 8 tuổi rưỡi nặng 15 lạng 9 tiền 1 phân cùng với bạc thêm làm quai 9 tiền 9 phân. Người thợ tên là Lê Khương tạo tác.

Ấm vàng, Lê Khương tạo, 1828 .

Như vậy, tượng nhân Nguyễn Tận ở Ty Ngân tượng hay Vũ khố đã thấy lưu danh trên 8 tác phẩm mỹ thuật bằng chất liệu vàng và bạc. Từ loại đồ thờ như đỉnh vàng và mâm bồng bằng bạc cho đến loại đồ đùng thường nhật trong Cung đình như ống nhổ, khay muôi bằng bạc. Tượng nhân Lê Văn Trường ở Cục tượng ngân phủ Nội tạo đã làm ra 2 chiếc hộp vàng trang trí rồng, phượng và mây, hoa lá rất tinh xảo. Tượng nhân Lê Khương là tác giả của chiếc ấm vàng Ngự dụng độc đáo với tạo hình và trang trí hình rồng mây trong ô hình lá đề… Những tác phẩm lưu danh 3 tượng nhân trên đây đều có khắc năm tạo tác nên chúng ta có thể so sánh đối chiếu để xác định niên đại và tác phẩm của nhiều bảo vật khác trong sưu tập bảo vật còn đang lưu giữ tại BTLSQG.

Tác giả : Nguyễn Đình Chiến

[1] Chữ khăc bị dính, có lẽ là thập ngũ mới phù hợp với câu văn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.