Vua Minh Mạng (1820 – 1841) từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức hoặc ký hiệp ước thương mại với các quốc gia châu Âu, nhằm để bảo vệ chủ quyền của đất nước và ngăn chặn sự xâm lược quân sự và hoạt động truyền giáo của phương Tây. Tuy nhiên, vua Minh Mạng cũng nhận thức rằng, đất nước sẽ khó tồn tại và phát triển nếu không tăng cường học hỏi về khoa học, kỹ nghệ, nhất là về mặt quân sự. Vì thế cho nên vào năm 1827, vua cho mua một chiếc tàu của Pháp, tàu Le Navigateur, đưa về nước và hạ lệnh cho công tượng tháo ra, lấy mẫu để nghiên cứu. Sách Quốc triều chính biên cho biết khi nhà vua đến dự khán việc chạy thử tàu chạy bằng hơi nước do công tượng của triều đình lắp ráp ở cầu Bến Ngự, ngài truyền rằng: “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Với ý nghĩa ấy, vua cho xây dựng chương trình học tiếng phương Tây và gửi quan lại ra nước ngoài để học hỏi.
Vua Minh Mạng cũng tìm hiểu về nền văn hóa châu Âu. Nhà vua mua nhiều vật dụng từ phương Tây đưa về sử dụng và bài trí trong hoàng cung Huế. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ nhiều đồ gốm, sành, sứ của Anh Quốc hoặc Trung Quốc làm cho châu Âu do triều đình nhà Nguyễn mua về. Tuy đây là những món đồ dùng để ăn uống, nhưng chúng không được sử dụng để ăn uống, thậm chí để trưng bày. Những vật dụng này được triều đình mua về để cho các tượng cục thủ công của triều đình bắt chước kỹ thuật chế tác hoặc lấy mẫu dáng kiểu hay hoa văn trang trí.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang lưu giữ một chân đèn bằng pháp lam(1) vẽ hai dãi trang trí hình lá cây, hoa dây, một con voi và một con hổ đang đỡ một huy hiệu hình chiếc khiên. Trên nền xanh lam nhạt của huy hiệu vẽ hình hai con cá màu đỏ và một con dao găm. Phía dưới hình vẽ này là một ruy-băng màu hồng (ảnh 1). Mặt trong chiếc chân đèn này có hiệu đề明 命 年 造 (Minh Mạng niên tạo), viết rất sắc nét (ảnh 2).
Điều ghi nhận đầu tiên khi xem xét chân đèn pháp lam này là hình vẽ trên huy hiệu hình chiếc khiên không đúng với quy tắc thể hiện huy hiệu ở châu Âu: tuyệt đối không sử dụng các men màu xanh lam, đỏ, lục, đen cùng gốc với men nền, mà các men màu trang trí chủ yếu dùng bằng các loại men gốc kim loại với các màu ánh kim, ánh bạc. Chẳng hạn, trên các huy hiệu châu Âu sẽ không vẽ hình những con cá bằng men màu đỏ trên nền men lam, thay vào đó, họ chỉ dùng màu ánh kim hoặc màu ánh bạc. Vả lại, trên nền của dãi ruy-băng thường có các dòng chữ có liên quan đến chủ nhân của huy hiệu chứ không bao giờ để trống như trên chiếc chân đèn pháp lam ở Huế. Việc xác định nguồn gốc huy hiệu này sẽ rất khó khăn này Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế không lưu giữ một chiếc đĩa lót(2) (ảnh 3) và một cái liễn có liên quan đến huy hiệu hình chiếc khiên nói trên. Các món đồ này là những bộ phận thuộc bộ đồ bát đĩa sứ do Công ty Đông Ấn Anh Quốc đặt làm tại Trung Quốc cho hoàng tử Ấn Độ Bahadur.
Bên trong lòng đĩa vẽ hình hoa cúc trong ô theo kiểu thức Imari của đồ sứ Nhật Bản. Hoa văn Imari được trang trí lần đầu trên những món đồ sứ xuất khẩu do người châu Âu đặt làm tại Arita (Nhật Bản) vào thế kỷ 17. Sau khi lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) hoạt động trở lại dưới triều Khang Hi (1661 – 1722), người phương Tây tiếp tục sử dụng kiểu thức này để trang trí trên những món đồ sứ do họ đặt làm tại Trung Quốc.
Chính giữa lòng dĩa vẽ huy hiệu của hoàng tử Bahadur (ảnh 4): hình hai con cá màu bạc và chiếc dao găm màu vàng nổi nền màu xanh lam. Loại dao găm katar với lưỡi dao hình tam giác và cán dao kép là một đặc trưng của dao găm Ấn Độ thời Mughal. Chiếc huy hiệu này cũng được đỡ bởi một con voi và một con báo. Phía dưới, trong dãi ruy-băng có ghi một dòng chữ Ả rập, nghĩa là: “Vizir (quan chức cấp cao ở nước Ấn Độ, như Tể tướng) của vương quốc, Phụ chính của triều đình, Bahadur”.
Muhammad Bahadur II Shâh (1775 – 1862) là hoàng đế cuối cùng của triều đại Mughal (1526 – 1862) ở Ấn Độ. Trong thời kỳ ông cầm quyền, quyền lực thực sự thuộc về Đông Ấn Anh Quốc, ông chỉ cai trị Fort Rouge tại Delhi và nhận lương bổng của Đông Ấn Anh Quốc. Về sau, ông tham gia phong trào khởi nghĩa Cipayes (1857) chống thực dân Anh nên bị bắt và bị đi đày tại Rangoon (Miến Điện).
Bộ bát đĩa bằng sứ hiện có ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, với dòng chữ “Vizir của vương quốc, Phụ chính của triều đình, Bahadur” cho thấy nó được đặt làm trước năm 1837, khi Muhammad Bahadur chưa nối nghiệp cha làm hoàng đế Ấn Độ.
Các nhà quý tộc châu Âu đều cho khắc hoặc vẽ huy hiệu của họ trên các vật dụng. Kể từ thế kỷ 17, các bộ bát đĩa bằng sứ có vẽ huy hiệu được đặt tại Nhật Bản và Trung Quốc, thông qua các Công ty Đông Ấn Anh Quốc, Công ty Đông Ấn Hà Lan hay Công ty Đông Ấn Pháp Quốc. Trong trào lưu ấy, Công ty Đông Ấn Anh Quốc đã đặ làm bộ bát đĩa bằng sứ nói trên cho hoàng tử Bahadur.
Lý do của sự xuất hiện của chiếc đĩa lót và chiếc liễn trong hoàng cung Huế chưa được xác định. Theo tôi, đây không thể là hàng đặt mua, cũng không thể là quà biếu. Các bộ đĩa sứ tương tự luôn luôn là tài sản riêng của người có huy hiệu được khắc trên đó. Không có lý do gì mà Bahadur II lại đem tặng một vật như vậy cho vua An Nam. Chúng tôi suy đoán rằng, có thể, do biết được sở thích ưa chuộng đồ gốm Anh Quốc và đồ sứ Trung Quốc của vua Minh Mạng nên Công ty Đông Ấn Anh Quốc đã biếu bộ bát đĩa này cho triều đình Minh Mạng với ý định dùng làm hàng mẫu.
Theo sổ kiểm kê do Bảo tàng Khải Định (tiền thân của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) lập vào năm 1929, được công bố trongB.A.V.H. (tập san của Hội đô thành hiếu cổ), số tháng 4-5, năm 1929, ảnh XVIII, thì món đồ trên được vua Khải Định lấy từ Đại Nội để tặng cho Bảo tàng Khải Định. Mặc khác, theo tài liệu do Paul Boudet công bố trên B.A.V.H., số tháng 7-8 năm 1942, ảnh LIX, thì dĩa Bahadur nguyên được trưng bày tại Tả Vu, bên trong Đại Nội Huế (ảnh 5).
Đối với vua Minh Mạng, hình ảnh huy hiệu của hoàng tử Bahadur không mang một ý nghĩa đặc biệt nào, mà chỉ là một thứ hoa văn trang trí. Thực tế, không phải hình huy hiệu của Bahadur mà chính là hình hai con vật đang nâng chiếc huy hiệu ấy mới gây hứng thú cho vua Minh Mạng.
Một điều đáng chú ý là vua Minh Mạng đã không cho sao chép y nguyên hình ảnh chiếc huy hiệu có trong lòng chiếc đĩa Bahadur mà lại cho chỉnh sửa để phù hợp với ý thích của nhà vua và phù hợp với tinh thần Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, nghệ nhân dùng phương pháp can họa hoa văn này trên chiếc đĩa rồi và sao chép lên chiếc chân đèn pháp lam. Còn về chi tiết hoa văn thì nhà vua đã thay hình con báo bằng hình con hổ (ảnh 6). Báo là con vật biểu tượng cho sự dũng cảm, oai phong. Hình tượng của báo được thêu trên triều phục của võ quan hàm ngũ phẩm. Voi và báo đại điện cho sức mạnh và sinh lực, vì thế, vẽ voi và báo thì hợp với tinh thần dân tộc.
Hàng năm, các vua triều Nguyễn thường tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ. Dưới thời chúa Nguyễn, đấu trường diễn ra trên cồn Dã Viên ở giữa sông Hương. Từ triều Gia Long đến triều Minh Mạng, các trận đấu được tổ chức trước Kinh Thành, bên bờ sông Hương. Năm 1829, Vua Minh Mạng ngồi xem voi cọp đấu nhau trên thuyền rồng. Trong cuộc đấu, con cọp giật đứt dây, nhảy xuống sông, bơi về phía thuyền vua. Mọi người hoảng hốt. Vua Minh Mạng phải dùng một chiếc sào để đẩy lùi con hổ. Sau sự kiện này, năm 1830, nhà vua cho xây dựng đấu trường Hổ Quyền (ảnh 7) ở gần đồi Long Thọ để làm nơi tổ chức cho voi và cọp đấu nhau. Trong các cuộc đấu này, voi luôn luôn chiến thắng vì voi tượng trưng cho sức mạnh vô địch của chính nghĩa còn hổ là ác thú. Vì vậy nên trước khi đấu, cọp bị bẻ nanh, nhổ vuốt và bị trói vào cột trụ.
Để nhấn mạnh biểu trưng chính nghĩa của loài voi, họa sĩ đã vẽ hình con voi màu trắng, biểu tượng cho sự cầu chúc thái bình cho vương triều.
Tinh thần thích nghi của họa sĩ triều đình cũng được thể hiện ở dãi hồi văn hình lá cây viên quanh chân đèn. Đường diềm hình lá cây ô rô là một đặc trưng của văn hóa châu Âu, thường dùng để trang trí trên các món đồ bạc và đồ gốm. Trên chiếc chân đèn pháp lam đời Minh Mạng, các họa sĩ đã không sao chép y nguyên hồi văn hình lá ô rô mà biến cải thành một kiểu hồu văn mới theo phong cách hồi văn cánh sen quen thuộc.
Chân đèn pháp lam trang trí voi và hổ biểu lộ tinh thần vua Minh Mạng đối với văn hóa châu Âu. Theo đó, các kiểu hoa văn thuần phương Tây không thể thích nghi hoàn toàn với tinh thần mỹ thuật của dân tộc Việt Nam, nên trong một chừng mực nào đó, nó đã được biến đổi chút ít cho phù hợp và trở thành một kiểu thức trang trí mới.
Với sự hiện diện của hình ảnh voi và hổ trên món đồ pháp lam của triều Minh Mạng, có thể coi đó là một vật kỷ niệm do Pháp lam tượng cục chế tác để tưởng niệm việc xây dựng đấu trường Hổ Quyền vào năm 1830. Và, dẫu sao, chân đèn pháp lam có mối liên hệ với này một kiểu thức trang trí có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây, lại là đồ vật duy nhứt liên quan đến một lễ nghi của triều Nguyễn: cuộc đấu giữa voi và cọp.
Tác giả : Philippe Truong
Chú thích:
(1) Chân đèn, pháp lam đời Minh Mạng (1824 – 1841), vẽ men ngũ sắc, đường kính miệng: 12cm, cao: 13,50cm. Hiện vật của Bảo tàng CVCĐ Huế. Số kiểm kê BTH/861/S-2/Đg-12 và Đg-13.
(2) Dĩa lót, đồ sứ Trung Quốc (sản xuất trước năm 1837), vẽ men ngũ sắc, kích thước: 41 x 30cm, không có hiệu đề. Hiện vật của Bảo tàng CVCĐ Huế. Số kiểm kê BTH/606/S-1/Gm-3025.