Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức

Tháng 5/1975, Sài Gòn và Miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc chiến tranh. Đất nước hoà bình thống nhất sau hai cuộc chiến kéo dài.

Với người làm nghiên cứu – sưu tầm nghệ thuật, hoà trong niềm vui chung, họ còn phải tiếp tục công việc.

Từ Hà Nội, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam được tin Dinh Toàn Quyền Đà Lạt còn lưu giữ bức bình phong sơn mài cỡ lớn đề tài “Khoai môn” của danh hoạ Nguyễn Gia Trí. Tôi được cử vào tìm hiểu thực tế. Nếu thuận lợi có thể đưa tác phẩm về Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

Để “chắc ăn”, tôi lên văn phòng Trung ương Đảng trình bày ý kiến, chủ trương, xin giấy giới thiệu vào gặp các cơ quan chức năng.

Tới Đà Lạt, Theo yêu cầu tôi được mời đến nơi có bức bình phong. Ngoài ra còn tới một số nơi có lưu giữ tác phẩm và hiện vật nghệ thuật – như Dinh Bảo Đại, Biệt Thự gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm, nhà trưng bày sưu tập nghệ thuật trang phục các dân tộc cao nguyên miền Trung của bà Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu.

Vì thì giờ có hạn, tôi chỉ tập trung cho bức bình phong. Nơi khác chỉ xem qua, sẽ nghiên cứu sau.

Tiếp xúc tác phẩm, phản xạ đầu tiên với tôi là kỹ thuật, nghệ thuật, chất liệu thực hiện thật hoàn hảo, chắc tay. Đáng tiếc có một tấm bị đạn bắn thủng nơi gần mép phía trên. Đường kính lỗ đạn chừng trên dưới 3cm. Bị sát thương mép ngoài nên không ảnh hưởng hình, màu, bố cục chung tác phẩm.

Cuộc thảo luật dời bức bình phong về Hà Nội có vài ý kiến còn phân vân, lưỡng lự, nhưng kết quả vẫn đồng thuận đưa bức bình phong về Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Lý do tranh phát huy được tác dụng rộng lớn hơn là để ở Dinh Toàn quyền Đà Lạt chỉ có ít người biết.

Tôi điện báo tin mừng cho cơ quan. Mừng nhất là ông hoạ sĩ – Viện trưởng và các đồng nghiệp.

Ngày hôm sau tôi ra bến xe tìm thuê chiếc xe 12 chỗ, hiệu Ford, không gian xe rộng rãi. Bộ bình phong lớn, kích thước cồng kềnh, đường về êm không lồng xóc, chuyến xe chỉ có 3 người: tôi, chủ nhân kiêm áp tải, lái chính và phụ xe.

Về tới Sài Gòn, để an tâm, tôi gửi tranh và lưu trú tại văn phòng II Bộ Văn hoá, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, chờ đăng ký máy bay về Hà Nội. Đúng ngày giờ, bức bình phong được đóng gói cẩn thận đưa lên xe ra sân bay Sài Gòn vẫn do Ban quân quản điều hành. Sau hơn 2 giờ bay, chiếc C130 về tới sân bay Nội Bài. Xe cơ quan ra đón. Kết thúc cuộc hành trình mỹ mãn, đúng theo nghĩa “Châu về Hợp Phố”.

Tấm vóc tranh bị đạn, sau đó giao cho phòng tu sửa – phục chế Bảo Tàng xử lý. Hoạ sĩ sơn mài Nguyễn Đức Dương được giao trọng trách “chữa vết thương” cho tranh. Ông đã hoàn thành tố đẹp công việc như trước đó đã thành công trong việc tu sửa – phục chế bức sơn mài “Thiếu nữ và hoa phù dung” cũng của Nguyễn Gia Trí.

Sơn mài Nguyễn Gia Trí nói riêng, với các hoạ sĩ sơn mài hiện đại Việt Nam nói chung, qua chiếc cầu nối Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 – 1945), nó đã làm một cuộc cách mạng “chất liệu – sắc hình – tư tưởng – kỹ thuật” thật ngoạn mục. Từ sản xuất đồ mỹ nghệ vốn quen tay quen mắt như thượng phẩm, nó đã bước lên vị trí danh dự cao sang của hội hoạ giá vẽ (Peinture Chevalet). Bởi tính sáng tạo, vẻ đẹp quyến rũ, mỹ cảm tinh tế giàu tính huyền thoại bộc lộ rõ dấu ấn tâm hồn Việt Nam – Phương Đông, nó đã thực sự chinh phục được trái Tim của công chúng và giới yêu nghệ thuật, không chỉ ở Việt Nam mà còn lan toả ra các châu lục Á – Âu – Phi – Mỹ. Những triển lãm xuất ngoại được chào đón, ca ngợi là niềm tự tin, tự hào.

Bức bình phong “Khoai môn”và nhiều tác phẩm trong gia tài sơn mài giàu có, độc đáo của Nguyễn Gia trí – từ tả thực ấn tượng đến trừu tượng, là hành trình dài khám phá, sáng tạo không mệt mỏi của người hoạ sĩ – nghệ sĩ. Ông đã thành công trong thực nghiệm sáng tạo. Sự nghiệp của ông xứng đáng được tôn vinh. Cái Đẹp, cái Thiện, tự thân nó đã mang tính nhân văn – nhân sinh trong nghệ thuật. Vì vậy, sơn mài Nguyễn Gia trí đã và sẽ vĩnh viễn trường tồn.

Hà Nội, tháng 5/2019

Trần Thức

  • Nguyên chuyên viên nghiên cứu Viện Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật VN, Đại học sư phậm văn khoa Hà Nội khoá đầu (1954-1957).
  • Hội viên chuyên ngành phê bình mỹ thuật, Hội mỹ thuật Việt Nam.
  • Học viên lớp hoạ dành riêng cho các chuyên việc nghiên cứu của Viện mỹ thuật và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, do hoạ sĩ Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung (1912 – 1977) hướng dẫn.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.