Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 – 2 sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.
Di vật của văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… song nổi trội hơn cả là bộ sưu tập hiện vật đồng thau. Theo chức năng sử dụng, chúng thuộc nhiều sưu tập khác nhau như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức, nghệ thuật và đồ minh khí. Những sưu tập này đã góp phần tạo nên diện mạo phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn.
Bình đồng Việt Khê, tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì phối hợp cùng Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Lào Cai, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Yên Bái và Bảo tàng Thanh Hóa tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn”, nhằm giới thiệu tới công chúng những di vật đặc sắc của nền văn hóa này, cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong sưu tập. Đặc biệt, một số bảo vật quốc gia Việt Nam cũng được giới thiệu trong cuộc trưng bày này.
Kể từ khi phát hiện tới nay, những nội hàm của văn hóa Đông Sơn ngày càng được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một cuộc trưng bày chuyên đề, đồng thời do đặc thù ngôn ngữ bảo tàng là hiện vật gốc nên trưng bày chỉ hướng tới giới thiệu những sưu tập hiện vật Đông Sơn điển hình và đặc sắc nhất. Thông qua 8 nhóm sưu tập hiện vật, khách tham quan có thể tìm hiểu khái quát về xã hội, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của cư dân Đông Sơn.
- Sưu tập trống đồng
Trống đồng Đông Sơn (còn gọi là trống Heger I) là loại trống được sản sinh trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn. Có thể ban đầu chúng được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn, là biểu tượng tồn vong của cộng đồng cư dân Việt cổ.
Trống đồng Đông Sơn được đúc bằng khuôn ba mang. Không những có kích thước lớn, hình dáng cân đối mà hoa văn trang trí trên trống cũng vô cùng hoàn hảo, tinh mỹ. Thông qua đó, chúng ta thấy lại được phần nào đời sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu cũng như thế giới tự nhiên, tư duy thời Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Đông Sơn.
Dựa theo đặc điểm hình dáng và hoa văn trang trí, trống đồng Đông Sơn được chia thành 4 nhóm:
Nhóm A: Hình dáng cân đối, hài hòa. Hoa văn trang trí rất phong phú, chặt chẽ và tinh mỹ. Ngoài các mô típ hoa văn hình học còn có nhiều vành, băng hoa văn chính mô tả hiện thực.
Nhóm B: Hình dáng ít cân đối. Hoa văn trang trí đơn giản. Chiếm chủ đạo là hoa văn hình học. Chỉ có duy nhất một vành hoa văn chính trang trí hình chim bay trên mặt trống.
Nhóm C: Hình dáng cân đối và hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ như Nhóm A, nhưng ở mức độ cách điệu cao, theo xu hướng biến hình thể.
Nhóm D: Dáng trống lùn và thô. Mặt và lưng trống trang trí hoa văn rất sơ sài, đơn giản, tang trống không trang trí.
Trưng bày lựa chọn giới thiệu 11 chiếc trống đồng Đông Sơn, với đầy đủ đại diện của 4 nhóm trống, trong đó có những chiếc trống nổi tiếng như trống Hoàng Hạ (Hà Nội, là bảo vật quốc gia), trống Cổ Loa, tìm thấy tại khu vực Thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc thời An Dương Vương, trống Làng Vạc (Nghệ An), trống Thành Vinh (Thanh Hóa), trống Động Xá (Hưng Yên), trống Tùng Lâm (Hà Nội), trống Lào Cai…
Trống đồng Động Xá, phát hiện tại Động Xá, Kim Động, Hưng Yên, hiện vật Bảo tàng Hưng Yên.
Mặt trống đồng Cổ Loa, phát hiện tại khu vực Thành Cổ Loa, Hà Nội, hiện vật Bảo tàng Hà Nội.
- Sưu tập công cụ lao động
Người Đông Sơn đã chế tạo được nhiều bộ công cụ lao động tiên tiến, hiệu năng cao. Xuất hiện phổ biến là bộ công cụ chuyên dụng làm nông nghiệp như các loại rìu, dao để chặt cây, khai hoang; các loại cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày để làm đất và các loại nhíp, liềm để gặt hái. Bằng chứng về nghề đúc đồng có các loại khuôn đúc, nồi nấu đồng và những quả cân dùng để cân đong nguyên liệu. Người Đông Sơn cũng đã tạo ra bộ công cụ làm mộc với các loại đục vũm, đục bẹt với nhiều kiểu dáng dài ngắn, thon bè thích hợp với từng kỹ thuật đục chạm khác nhau, hoặc những chiếc rìu xéo nhỏ dùng để đẽo, tu chỉnh sản phẩm mộc. Ngoài ra, còn có dọi xe chỉ để dệt vải; chì lưới, lưỡi câu để đánh bắt cá…
Hiện vật trưng bày:
+ Sưu tập công cụ làm nông nghiệp, trồng lúa nước:
– Công cụ chặt cây, khai hoang: các loại rìu lưỡi xéo, rìu hình thuyền, rìu đuôi cá, rìu hình bàn chân, rìu xòe cân, rìu tứ giác, rìu hình chữ nhật…
– Công cụ làm đất: cuốc, xẻng, mai, thuổng, các loại hình lưỡi cày hình trái tim (loại hình Sông Hồng), hình cánh bướm (loại hình Sông Mã) và hình tam giác (loại hình Sông Cả).
– Công cụ gặt hái: lưỡi liềm, nhíp
+ Công cụ luyện kim: khuôn đúc rìu, sưu tập quả cân dùng để cân đong nguyên liệu đúc đồng, những mảnh đồng vụn làm nguyên liệu tái đúc tìm thấy trong trống đồng Cổ Loa.
+ Công cụ làm mộc: Các loại đục vũm, đục dẹt, rìu xéo gót nhọn mũi nhọn (dùng để đẽo và tu chỉnh đồ mộc), bộ đục tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), những chiếc đinh tìm thấy trong mộ cổ Ninh Sơn (Hà Nội).
+ Các loại công cụ khác: dọi se chỉ, lưỡi câu, chì lưới, bàn dập hoa văn gốm…
- Sưu tập đồ dùng sinh hoạt
Trong văn hóa Đông Sơn, các loại đồ dùng sinh hoạt bằng đồng xuất hiện phổ biến với nhiều loại hình khác nhau như thạp, thố, bình, lọ, âu, ấm, muôi, thìa, bát, đĩa, đèn thắp sáng… Không những thế, nhiều loại vật dụng còn thể hiện sự chau chuốt, cầu kỳ trong kỹ thuật chế tác và sự tỉ mỉ, tinh mỹ trong trang trí hoa văn. Điều này cho thấy, ngoài chức năng thực dụng, chúng còn mang chức năng thẩm mỹ hoặc là vật dùng trong nghi lễ.
Bên cạnh đồ đồng, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm vẫn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là các loại vật dụng dùng trong đun nấu, ăn uống như các loại nồi, bình, bát, đĩa, cốc… Tuy kỹ thuật chế tác thể hiện sự tiến bộ rõ rệt, nhưng về mặt thẩm mỹ đã có phần suy giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Có lẽ, những người thợ thủ công Đông Sơn đã dành nhiều tâm huyết để thể hiện nghệ thuật cho những sản phẩm bằng chất liệu đồng.
Hiện vật trưng bày:
– Sưu tập thạp: Thạp Đào Thịnh, Thạp Hợp Minh (bảo vật quốc gia), thạp Làng Vạc (Nghệ An), thạp Khe Ván, thạp Thượng Bằng La, Thạp Đá Ôm… (Yên Bái)
– Thố và bình đồng Việt Khê (Hải Phòng), âu đồng Trung Màu (Hà Nội), bình Đào Thịnh (Yên Bái)
– Ấm có vòi hình chim gắn 3 tượng người ngồi tìm thấy ở Đông Sơn, Thanh Hóa.
– Muôi Việt Khê (Hải Phòng), muôi Làng Vạc (Nghệ An)
– Chậu trống Mật Sơn (Thanh Hóa)
– Sưu tập bình, bát, vò, nồi gốm…
- Sưu tập vũ khí
Vũ khí Đông Sơn không những nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình và tính năng sử dụng. Vũ khí tấn công có các loại giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu chiến, qua, lao, mũi tên, lẫy nỏ. Vũ khí phòng ngự có những tấm che ngực, dùng để buộc trước ngực các chiến binh nhằm tránh bị tổn thương ở tim khi bị vũ khí đối phương đâm, bắn trúng.
Đương nhiên, một số loại vũ khí có thể được dùng cả trong săn bắn, nhưng những tấm che ngực như nêu trên thì chắc chắn là vũ khí chiến đấu. Đây là một bằng chứng chứng minh trong văn hóa Đông Sơn, đã phát sinh chiến tranh và xung đột xã hội. Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này qua cảnh giết nô lệ hoặc tù binh được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ…
Hiện vật trưng bày:
– Các loại rìu chiến: rìu lưỡi xéo, rìu hình khánh, rìu gót vuông..
– Các loại dao găm: Dao găm chuôi hình chữ T, dao găm đốc củ hành, dao găm chuôi tượng, dao găm chắn tay thẳng.
– Các loại giáo: giáo búp đa, giáo lá mía…
– Sưu tập lao, mũi tên đồng và nẫy nỏ, tiêu biểu là mũi tên đồng Cổ Loa …
– Hộ tâm phiến hình vuông và hình chữ nhật
- Sưu tập nhạc khí
Ngoài nhạc cụ quan trọng bậc nhất là trống đồng thì chuông đồng là loại nhạc cụ phổ biến trong văn hóa Đông Sơn, gồm chuông gõ và chuông lắc. Chuông gõ thường có hình nửa bồ dục hoặc hình thang cân, sử dụng bằng cách dùng dùi gõ vào chuông. Chuông lắc thường có kích thước nhỏ, còn được gọi là quả nhạc, bên trong có treo quả lắc. Khi rung lắc, quả lắc sẽ va vào chuông phát ra âm thanh.
Trong dàn nhạc cụ Đông Sơn còn có trống da, khèn, sênh, phách… Tuy nhiên, cho tới nay, chúng ta mới chỉ biết về các loại nhạc cụ này qua những hình ảnh khắc họa trên trống đồng, thạp đồng… hoặc qua điêu khắc như tượng người cõng nhau thổi khèn, tượng người thổi khèn gắn trên muôi đồng Việt Khê. Có thể do được làm bằng các chất liệu kém bền vững, nên những loại nhạc cụ này đã bị hủy hoại bởi môi trường, thời gian.
Hiện vật trưng bày:
– Sưu tập chuông hình tam giác cân Lào Cai
– Chuông Mật Sơn, chuông gắn tượng voi
– Các loại chuông lắc, quả nhạc Việt Khê (Hải Phòng), Đông Sơn (Thanh Hóa), Vinh Quang (Hà Nội)
- Sưu tập trang sức, nghệ thuật
Phổ biến nhất trong văn hóa Đông Sơn là trang sức bằng đồng, gồm nhiều loại hình khác nhau như vòng cổ, vòng tay, vòng ống chân, khuyên tai, nhẫn, trâm cài tóc, khóa thắt lưng… Đáng chú ý có những loại trang sức được gắn theo nhiều quả nhạc đồng. Người Đông Sơn còn chế tác và sử dụng trang sức đá, thủy tinh. Tuy nhiên, loại hình chủ yếu chỉ gồm vòng tay, khuyên tai và hạt chuỗi.
Nghệ thuật tạo tượng trong văn hóa Đông Sơn cũng tương đối phát triển. Khi tạo tượng, người Đông Sơn mô tả chính mình và và thế giới động, thực vật gần gũi trong cuộc sống: voi, hổ, hươu, chó, gà, cóc, nhái, chim, rùa, rắn, quả bầu, bông lúa… Có hai dòng chính là tượng tròn và tượng trang trí. Tượng tròn là những tác phẩm độc lập, còn tượng trang trí được gắn làm đẹp cho những đồ vật quý giá.
Hiện vật trưng bày:
– Sưu tập bao chân, vòng tay, khuyên tai, nhẫn gắn quả nhạc Làng Vạc (Nghệ An), Đông Sơn (Thanh Hóa)
– Sưu tập vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá ngọc, thủy tinh tìm thấy ở Lào Cai, Đào Thịnh (Yên Bái), Làng Vạc (Nghệ An), Đông Sơn (Thanh Hóa), Vinh Quang (Hà Nội)…
– Trâm cài tóc, khâu đai lưng, khuy áo…
– Các loại tượng: Tượng người cõng nhau thổi khèn (bảo vật quốc gia), tượng đôi nam nữ Khe Quỷ (Yên Bái), chuôi dao găm hình người và một số tượng động vật như cóc, chim, gà, rùa, chim đậu lưng voi tìm thấy ở Hà Nội, Nghệ An, Lào Cai, Thanh Hóa, Yên Bái.
- Sưu tập đồ minh khí
Trong văn hóa Đông Sơn, ma chay là một tục lệ quan trọng. Người Đông Sơn cho rằng, chết là sự bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác, nhưng cũng tương tự thế giới đang sống. Bởi vậy họ chia của và chôn theo người chết những đồ vật thực dụng hàng ngày vẫn sử dụng như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… Tuy nhiên, đồ vật chôn theo thường bị đập bẹp, bẻ cong, làm gẫy hoặc xếp đặt cho khác với vật dụng trong cuộc sống thực tại.
Không những thế, người Đông Sơn còn thể hiện một trình độ văn minh tiến bộ, khi biết chế tác đồ tùy táng chuyên biệt, được thu nhỏ so với đồ thực dụng, gọi là đồ minh khí. Loại hình phổ biến gặp là trống, chuông, thạp, thố, lưỡi cày… Kích thước rất nhỏ, chiều cao thường dưới 10cm, thậm chí chỉ 2, 3 cm. Việc chôn theo đồ minh khí, ngoài mang ý nghĩa tiết kiệm nguyên vật liệu, công sức, thời gian chế tạo còn mang ý nghĩa tượng trưng, làm cho nó khác đồ thực dụng. Đồng thời vẫn đáp ứng rộng rãi được nhu cầu cao trong xã hội là chia cho người chết được nhiều đồ vật quý giá và cần thiết.
Hiện vật trưng bày:
– Các loại trống, thạp, thố, thùng, rìu, lưỡi cày minh khí tìm thấy ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội.
– Một số đồ tùy táng bị đập bẹp, bẻ cong: thạp dính giáo, giáo đồng Việt Khê…
- Sưu tập hiện vật giao thoa văn hóa
Văn hóa Đông Sơn thể hiện sự mở cửa giao thoa rộng rãi với các nền văn hóa đồng đại ở bên ngoài. Nhiều trống đồng Đông Sơn điển hình và những sản phẩm Đông Sơn khác đã được tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh, ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ Việt Nam và xa hơn tới các nước Đông Nam Á, khu vực Nam Trung Quốc. Ngược lại, nhiều hiện vật có nguồn gốc bên ngoài cũng có mặt trong các tầng văn hóa Đông Sơn. Sự giao thoa này còn thể hiện trên những sản phẩm Đông Sơn mang những đặc điểm, yếu tố giao lưu với văn hóa Điền, Hán, Trung Á… Đây chính là những thành tố góp phần tạo nên diện mạo của văn hóa Đông Sơn, giúp vào việc tiếp thu các yếu tố tiên tiến về kỹ thuật, kinh tế làm cho nền văn hóa này không hề khép kín mà luôn có sự năng động.
Hiện vật trưng bày:
– Dao găm Đông Sơn cán tượng voi tìm thấy tại Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam (giao lưu Đông Sơn – Sa Huỳnh)
– Trống Lào Cai, dao găm chuôi tượng Làng Vạc (giao lưu Đông Sơn – văn hóa Điền)
– Bát bạc đáy tròn tìm thấy ở Lào Cai (giao lưu Đông Sơn – Trung Á)
– Dao chuôi khuyên, kiếm và chuông Việt Khê (giao lưu Đông Sơn và văn hóa phương Bắc thời Chiến Quốc)
– Chậu trống, qua, đỉnh 3 chân, gương đồng, thạp chân cao… (giao lưu Đông Sơn – Hán)
– Sưu tập hiện vật Bãi Cọi:
Bãi Cọi là di tích khảo cổ học thời đại kim khí nằm tại thung lũng núi Hồng Lĩnh thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Do phân bố ở khu vực giáp ranh giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh nên sự giao thoa văn hóa ở đây diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt rõ nét trên phương diện táng thức và trên các loại hình di vật. Tại đây đã tìm thấy nhiều di vật Đông Sơn loại hình Sông Mã và Sông Cả như các loại rìu đồng, vò gốm, chõ gốm, bình gốm hình con tiện… bên cạnh những di vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh: khuyên tai ba mấu, mộ chum có nắp hình nón cụt…
Hiện vật trưng bày: Mộ chum có nắm hình nón cụt, bình con tiện, bình – nồi, khuyên tai 3 mấu, khuyên tai có khe hở, vòng tay thủy tinh.
Tác giả : Nguyễn Quốc Hữu
Ảnh do Nghệ Thuật Xưa chụp tại triển lãm