Màu tempera còn có tên gọi là màu keo hay màu thủy noãn. Thật ra có nhiều loại màu keo khác nhau, nhưng danh từ tempera thường được dùng để chỉ loại màu keo có nguồn gốc từ trứng. Chất liệu của tempera gồm 3 nguyên liệu cơ bản: Lòng đỏ trứng gà, bột màu, nước.
Trong đó lòng đỏ chính là một chất kết dính tương tự như dầu khô trong sơn dầu, keo trong màu bột và màu nước. Điểm khác biệt nhất giữa tempera trứng và các loại màu khác là cách pha trộn luôn luôn tươi, không chế biến sẵn. Chất lượng bức tranh phụ thuộc nhiều vào chất lượng trứng, vì thế trứng để vẽ tranh phải luôn là trứng mới. Các họa sĩ thời xưa rất cẩn trọng trong việc chọn trứng, họ phân biệt cả trứng gà ở thành thị và thôn quê, vì trứng gà ở quê có lòng đỏ sẫm màu hơn nên dễ gây tối màu do vậy nó dùng để vẽ các màu tối. Lòng đỏ trứng tạo thành một loại màu men nửa đục, nửa trong hòa tan trong nước. Khi khô lớp màu này không trong hẳn như màu men trong sơn dầu nhưng nó cùng trong dần theo thời gian. Vì đặc tính của nó có độ phủ màu không tốt, người ta thường vẽ tempera với kiều thức từng lớp màu phủ lên nhau, một màu mới tạo thành bởi sự tác động giữa lớp màu bên trên và bên dưới. Màu trắng của nền tấm bảng vẽ (panel) hay tấm vải vẽ được sử dụng triệt để.
Không chỉ có trứng, từ lâu người ta dùng các loại keo khác vẽ trộn chung với trứng để đảm bảo độ bền chắc của màu hơn. Đó là các loại nhựa cây như gôm Ả rập, mật ong, casein (keo cặn sữa). Người ta còn dùng một dung môi hỗn hợp giữa lòng đỏ trứng, nước và dầu khô (drying oil) làm thành một thứ dung dịch trộn với màu, loại màu này có tên là tempera dầu để phân biệt với tempera truyền thống được gọi là tempera trứng. Màu tempera là một chất liệu màu bền vững, nhiều tác phẩm để lại từ thời kỳ đầu của Phục Hưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
1. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ TRANH TEMPERA
Tempera là loại màu có lịch sử lâu đời, nó hình thành và phát triển trước khi có chất liệu sơn dầu, chính nó là chất liệu tiền thân của sơn dầu. Màu tempera là sự lựa chọn tốt nhất cho các họa sĩ từ thời Trung cổ cho đền thế kỷ thứ XV, lúc sơn dầu ra đời và ngày một hòa thiện. Vào thời kỳ đó, việc vẽ bằng chất liệu tempera rất cầu kỳ và đòi hỏi nhiều công sức, tuy thế nó vẫn còn dễ dàng hơn việc vẽ bằng các chất liệu khác như nề họa (fresco), ghép mảnh (mosaic) và sáp nóng (encaustic painting). Ngay cả lúc sơn dầu ra đời, kỹ thuật vẽ tempera cũng không mất đi mà chính nó là cơ sở cho kỹ thuật sơn dầu thủa ban đầu. Các hoạ sĩ thời đó vẽ các lớp bên dưới của tranh sơn dầu bằng một lớp màu tempera, sau đó họ phủ các lớp màu sơn dầu lỏng lên trên theo lối vẽ tráng (scumbling). Các tài liệu cổ viết về hội họa của Vasari và Cennini đều có định nghĩa và mô tả phương pháp vẽ tempera. Tranh tempera cổ chỉ vẽ trên các tấm bảng gỗ (panel) đã được gia công phủ một lớp thạch cao, họa sĩ vẽ đậm nhạt rồi tô màu từng lớp, dán và mạ vàng lên bề mặt, cuối cùng là phủ màu da người.
Trong nền mỹ thuật thế giới có rất nhiều họa sĩ vẽ chuyên về chất liệu tempera. Đó là Nicolo Semitecolo, Hans Memling, Massacio… và Sandro Botticelli với các bức tranh nổi tiếng như “Primavera”, “Thần vệ nữ giáng trần”.
Ngày nay chất liệu tempera ít người sử dụng do đặc tính cồng kềnh và không tiện dụng của nó. Mặt khác có các loại màu hiện đại với tính năng tương tự mà hiệu quả cao và dễ sử dụng hơn nhiều như acrylic đã lấn át hoàn toàn màu tempera. Tuy vậy trong nền mỹ thuật hiện đại cũng không ít họa sĩ tên tuồi của thế giới đã gắn sự nghiệp của đời mình với chất liệu này. Các họa sĩ Châu Mỹ như Mỹ, Mê hi cô, Đông Âu là những người thích vẽ tranh tempera. Andrew Weyth với bức tranh “Thế giới của Christina”, Tooker George, Paul Cadmus… là những họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ tranh tempera trong nền mỹ thuật hiện đại của thế giới.
2. CÁC VẬT DỤNG CHO KỸ THUẬT VẼ TRANH TEMPERA
Dưới đây là một số vật liệu và công cụ chủ yếu để vẽ màu tempera. Nó gồm có khăn giấy loại hút ẩm cao như khăn ăn bằng giấy hoặc giấy toilete. Bột màu vẽ loại tốt, nên chọn loại màu mịn. Dụng cụ nghiền màu như dao palette, quả nghiền bằng thủy tinh, palette hay miếng kính. Chai nước nhỏ dùng để châm nước vào màu đã nghiền. Bút vẽ và tấm bảng vẽ phủ gesso (panel). Ngoài những thứ trên, ta còn cần các dụng cụ hỗ trợ khác như tấm bọt biển để hút bớt màu trên bút, dao trổ để chọc thủng màng trứng, các loại băng keo, bút chì…
Chất liệu vẽ màu tempera trứng | |
A. Khăn giấy B. Bột màu C. Băng keo trong D. Muổng nhỏ E. Bút lông |
G. Cốc trộn màu H. Bảng vẽ I. Trứng gà J. Dao pelette K. Tấm bọt biển |
2.1. Tấm bảng vẽ (Panel)
Công việc đầu tiên của họa sĩ vẽ tranh tempera là chuẩn bị tấm bảng vẽ. Khác với các loại chất liệu khác đều có bán sẵn các lớp đế (supports) để vẽ tranh như sơn dầu có các loại vải bố đã hồ sẵn, tranh bột màu và màu nước thì có giấy … tranh tempera không có các lớp đế tranh bán sẵn trên thị trường, muốn vẽ họa sĩ phải tự làm lấy. Đây là một công việc khó nhọc, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tính cẩn thận. Các họa sĩ Châu Âu thời xưa ưa dùng các loại gỗ ít cong vênh và biến dạng như gỗ sồi, phong, dẻ… làm tấm đế tranh. Các tấm ván này được để cho khô kiệt và ép thẳng, nếu cần có những bức tranh khổ lớn họ phải ghép nhiều miếng ván vào với các mộng và keo casein. Các tấm ván gỗ thường khá nặng nên các tranh tempera cổ thường không có kích thước lớn. Ngày nay với công nghệ hiện đại, có rất nhiều vật liệu tốt hơn để thay thế như gỗ sấy, ván ép, ván okan, bìa MDF. Các chất liệu trên vừa nhẹ hơn, vừa phẳng và có kích thước lớn.
Các bước tiến hành làm một tấm bảng vẽ:
- Chuẩn bị tấm đế tranh (support).
Dùng ván ép loại tốt hay ván sấy, bìa MDF làm tấm bảng vẽ. Mặt và cạnh của các tấm bảng cần được làm nhẵn. Nếu dùng ván ép nên chọn loại tốt để tránh trường phồng rộp do tiếp xúc với nước. Còn nếu dùng bìa MDF cần phủ qua một lớp mỏng Pu lót để tránh sự tiếp xúc với nước của bìa MDF. Chú ý nếu quét thì quét rất mỏng, nếu quét dầy quá keo gielatin không bám được trên bề mặt của tấm ván.
Các tấm ván nên đóng xương bằng gỗ thông để cho tấm bảng vẽ không cong vênh. Xương phải đóng chắc chắn và khá dày, đảm bảo có va chạm vẫn không làm biến dạng mặt tranh.
- Bọc vải tấm đế tranh
Sau khi vó lớp đế rồi, ta tiến hành bồi vải lên mặt bảng vẽ. Lớp vải này có công dụng tạo độ phẳng cho mặt tranh. Giúp cho mặt tranh dẻo dai hơn chịu sự co giãn của lớp gỗ đế tranh bên dưới và là chỗ bám của lớp gesso bên trên. Phương pháp bồi như sau.
Trước hết cắt vải rộng hơn mặt ván một chút để ta dán các phần còn lại quặt về phía mặt sau tấm bảng. Ta đun sôi keo giêlatin, sau đó dùng cọ bản lớn quét đều lên mặt bảng (chú ý nên dán vải bằng keo giêlatin vì lớp gesso sẽ trét lên trên có thành phần keo chính là giêlatin). Khi quét keo xong rồi, rải từ từ miếng vải lên trên mặt bảng, vuốt đều và dán miếng vải lên bảng sao cho thất phẳng. Cuối cùng quét một lớp giêlatin lên trên.
Vải để bồi nên chọn loại vải mỏng, hoàn toàn là sợi bông, không nên dùng vải hỗn hợp có sợi polyete, vì chúng quá trơn khó bám cho lớp gesso. Thường thường chỉ cấn bồi một lớp vải, nhưng nếu cần có thể bồi thêm nhiều lớp. Giữa các lớp vải nên phủ một lớp gesso mỏng, được mài phẳng bằng giấy nhám trước khi bồi một lớp vải khác lên trên.
- Hồ nền tranh. (ground)
Khi lớp vải dán lên mặt bảng đã hoàn toàn khô kiệt, ta phủ lên trên chúng một lớp gesso dầy. Về nguyên tắc lớp gesso truyền thống dùng cho tranh tempera so với loại dùng cho sơn dầu không có gì khác nhau, chúng đều là bột thạch cao hay bột đá trộn với keo giêlatin. Ngày nay, loại gesso chế biến sẵn dùng cho việc hồ tranh sơn dầu không dùng được cho tranh tempera vì nó có nhiều chất liệu mới phi truyền thống không hợp với tempera.
Muốn có lớp gesso hồ mặt tranh ta cũng phải tự làm lấy. Có 2 cách làm như sau, một cách hòa tan bột thạch cao sau khi đã ngâm trong nước, phơi khô và tán nhuyễn. Cách 2, nấu bột thạch cao khi còn khô. Sau đây là cách làm đơn giản nhất, nấu bột thạch cao khô trong dung dịch giêlatin nóng:
Bước 1: Ngâm và nấu giêlatin trên nồi cách thủy cho đến khi tan hoàn toàn thành nước.
Bước 2: Dùng một bếp nhỏ đun keo giêlatin cho luôn nóng. Trong quá trình đun rải từ từ bột thạch cao khô vào nồi giêlatin. Nhiệt độ ấm của keo làm thạch cao không vón cục mà tan dần vào trong dung dịch. Quá trình cho thạch cao và đun nóng dung dịch nên quấy liên tục cho chất lượng của gesso luông đồng đều không vón cục.
Bước 3: Khi thạch cao đã tan hết trong keo và đủ thời gian ngậm nước, ta vẫn đun nóng hỗn hợp keo – thạch cao để nó không đông lại và trét hỗn hợp lên trên mặt bảng vẽ bằng một tấm trét mỏng bằng kim loại hay nhựa. Nên trét nhiều lớp mỏng, lớp này khô hẳn mới trét lớp khác. Lớp hỗn hợp này chỉ trét tốt khi nó còn nóng.
- Xả phẳng và đánh bóng tấm bảng vẽ.
Khi lớp gesso đã khô kiệt ta dùng giấy nhám mịn chà phẳng mặt bảng vẽ. Bước tiếp theo là dùng vải sạch hay miếng dạ hoặc da mềm chà sát hết lớp bụi
thạch cao trên bề mặt bảng. Đến lúc này tấm bảng vẽ đã được chuẩn bị hoàn toàn cho việc vẽ.
2.2. Chuẩn bị trứng cho việc vẽ tranh
Màu tempera dùng chất kết dính chính là lòng đỏ gà, vì thế việc chuẩn bị lòng đỏ trứng là một việc cần thiết. Cũng như tấm panel, lòng đỏ trứng không được chế biến sẵn, muốn có nó bạn phải tự làm lấy. Việc lấy lòng đỏ trứng được tiến hành như sau:
Bước 1:
Lấy một quả trứng gà tươi, đập vỏ lấy lòng đỏ tách khỏi lòng trắng một cách nhẹ nhàng, làm sao cho không bị bể lớp màng túi noãn bao lòng đỏ.
Cho lòng đỏ lên một tấm khăn giấy để cho các phần lòng trắng còn sót lại bị giữ lại khăn.
Bước 2:
Dùng khăn giấy bao lấy túi noãn, sau đó lấy một con dao nhọn chọc thủng túi noãn rót lòng đỏ vào một các ly.
Bước 3:
Cho thêm một chút nước vào ly trứng, nước giúp cho trứng không kéo màng quá nhanh và làm loãng dung dịch pha màu. Có thể dùng nắp đậy trứng lại để bảo quản.
Trứng cần được vẽ khi còn tươi mới, không vẽ trứng để quá một buổi. Trứng có màu vàng, tuy vậy khi khô nó không ảnh hưởng nhiều đến màu của bức tranh.
Khi đã có chất trộn màu từ lòng đỏ trứng rồi, ta lấy màu bột để lên một tấm pallete, cho dung dịch trứng vào trộn đều và lấy dao vẽ nghiền thành một hỗn hợp màu nhão. Bột màu có nhiều dạng khác nhau, có thứ thô và khó nghiền, khi ấy ta phải cho chúng lên trên một tấm kính dày và dùng quả nghiền màu bằng thủy tinh nghiền chúng. Trong quá trình nghiền ta cần châm thêm dung dịch trứng hoặc nước vào để có một thứ màu mịn và nhão. Cho những màu này vào từng lọ nhỏ hay các pallete có các ô màu riêng biệt.
3. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH THỰC HIỆN MỘT BỨC TRANH TEMPERA TRỨNG
3.1. Bản vẽ hình
Khác với chất liệu sơn dầu khi ta có thể dùng lối vẽ trực tiếp vẽ thẳng sơn lên mặt tranh, tempera không cho phép ta vẽ như vậy vì đây là loại màu vẽ chồng lớp và vẽ nhiều lần. Giống như các loại tranh truyền thống của Phương Đông, tranh tempera cần phải có những bản hình hoàn thiện trước khi nó được thể hiện bằng màu trên bảng vẽ.
Bước đầu tiên này gọi là tìm hình, ta có thể vẽ bằng than, bút chì và tô các sắc độ đậm nhạt để tiện cho việc xem xét bố cục bức tranh (hình 1). Sau khi đã có bản hình tương đối hoàn chỉnh và bố cục ưng ý, ta can toàn bộ hình trên lên một tờ giấy can. Tờ giấy can này được coi như là bản hình chính thức, ta dùng nó để can hình đã vẽ lên mặt bảng vẽ.
Muốn can, ta lấy màu vàng đất xoa một lớp mỏng vào mặt bên kia của tời giấy can. Sau khi đã phủ kín bề mặt cần búng hoặc đập nhẹ lên bề mặt giấy để rớt hết bụi màu còn sót lại. Ta úp tờ giấy lên mặt tấm bảng vẽ và dùng bút chì nhọn vẽ lên hình để can hình vẽ xuống tấm bảng bên dưới (hình 2).
Khi có hình được can lên mặt bảng vẽ rồi, ta có thể lấy bút chì đi nét lại cho chính xác và dùng vải khô phủi hết lớp bụi bột màu dính trên bảng.
3.3. Bản thể hiện
Bước tiếp theo ta dùng màu đen, vẽ đậm nhạt đơn sắc lên trên mặt bản vẽ. Lớp màu này vẽ bằng cọ mềm và đan nét qua lại để diễn tả sắc độ, hình khối… Sau khi hoàn thành bước này, ta có một bức tranh đen trắng tương đối hoàn chỉnh (hình 3).
Các bước tiếp theo ta tô màu lần lượt từng loại màu một từ đỏ, tới xanh dương, xanh cây, nâu và vàng. Số lượng lần tô màu tùy thích tùy theo độ phức tạp của màu (hình 4, 5, 6).
Từng bước, từng bước ta vẽ hết lớp này đền lớp kia cho đến khi hoàn thành bức tranh. Khi bức tranh đã hoàn thành xong, để mặt tranh khô ráo hẳn, các lớp nước thật sự không còn, vệ sinh mặt tranh sạch sẽ, rồi phủ một lớp véc ni lên trên. Lớp véc ni được thổi từng lớp mỏng
lên trên bề mặt, không dày quá sợ làm vàng mặt tranh và gây rạn nứt, không mỏng quá vì nếu mỏng hơi nước thấm vào được lớp thạch cao bên dưới gây mốc cho tranh.
3.4. Các điều cần chú ý khi vẽ màu tempera:
- Màu tempera có dung môi là trứng,lại được vẽ trên tấm panel nên khả năng khô rất nhanh. Khi đặt nét bút xuống màu thấm vào lớp gesso và không tải màu đi được, vì thế không thể tô màu thành mảng lớn bằng cọ lớn như các loại chất liệu khác mà phải tô bằng cọ nhỏ đan thành mảng lớn.Với đặc tính trên, màu tempera không thể vờn hai màu khi đang còn ướt được, muốn vờn màu hay diễn khối đậm nhạt ta phải đan các nét bút vào với nhau theo bút pháp của bút chì màu. Chính sự đan nét này đã tạo nét độc đáo cho chất liệu và sự phong phú của mảng màu.
- Tuy màu tempera khi khô tạo một lớp màng không thực sự trong suốt nhưng nó không phải là loại màu vẽ đục như màu bột. Về bản chất nó vẫn là một loại màu trong. Nếu ta vẽ quá dầy ngay một lớp đầu tiên ta sẽ làm cho màu két lại, không trong trẻo. Muốn có màu đạt được độ đậm như ý muốn, ta nên tô thành nhiều lớp, nhiều lần chống lên nhau cho đến khi vừa ý thì thôi.
- Màu tempera thường được vẽ trên các tấm panel thạch cao, mặt tranh dễ bị trầy xước nên người ta thường dùng bút lông mềm để vẽ, tránh dùng bút dẹp làm bằng lông heo.
- Lối vẽ tráng, chồng lớp (scumbling) là lối vẽ phổ biến cho màu tempera. Với lối vẽ này, người vẽ phải tính các độ chồng của màu sao cho hợp lí. Màu nào sẽ chồng lên màu nào để đạt được kết quả như ý.
4. KẾT LUẬN
Cũng là một loại chất liệu du nhập từ Phương Tây vào Việt Nam nhưng màu tempera không phát triển như các thể loại hội họa khác. Hầu như chúng ta không thấy mộ tác phẩm tiêu biểu nào của Việt Nam được vẽ bằng chất liệu này. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tại quê hương khai sinh ra nó màu tempera ngày nay cũng không phải là chất liệu phổ biến. Các hãng màu nổi tiếng trên thế giới cũng sản xuất các loại màu tempera, nhưng đó là một thứ màu keo dạng tempera chứ không hẳn là tempera trứng và việc vẽ các loại màu này trên panel truyền thống còn hiếm hoi hơn. Tuy vậy, ngày nay có một xu hướng đang quay về tìm lại vẻ đẹp trong các chất liệu cũ như là tempera. Nhiềi Hội họa sĩ của thế giới quy tụ các họa sĩ chuyên về chất liệu này, họ thường xuyên triển lãm và giới thiệu các tác phẩm của mình trên mạng. Việc làm này đã mang lại một sắc thái mới, khiến cho chất liệu này trở lại hấp dẫn hơn và các vật liệu đặc trưng của nó đã được sản xuất và bán như các tấm panel làm sẵn, các loại màu đặc trưng và các lớp học dạy vẽ tempera…
Tác giả : NGUYỄN THÙY HƯƠNG,
KHÓA LUẬN CAO HỌC CHUYÊN NGÀNH MỸ THUẬT TẠO HÌNH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tài liệu tham khảo:
-Từ điển mỹ thuật. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
-Sister Wendy Beckett. Câu chuyện nghệ thuật hội họa. NXB Mỹ thuật, 2005.
-Một số tài liệu trên mạng.