Dưới thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), ngoài giáo sĩ Koffler giữ vai trò y sĩ riêng của chúa, người ta còn ghi nhận sự hiện diện của thương nhân Pháp Pierre Poivre, nguyên là giáo sĩ, sau chuyển sang nghề kinh doanh, làm việc cho công ty Đông Ấn thuộc Pháp.

Poivre sinh năm 1719 tại Lyon (Pháp), con trai một nhà bán tơ lụa giàu có, tham gia Hội truyền giáo hải ngoại và đến vùng Viễn Đông vào năm 1740, từ bỏ nghề giáo sĩ vào năm 1747 và gia nhập công ty Đông Ấn. Năm 1749, Poivre được giao nhiệm vụ liên hệ với chính quyền Đàng Trong để xin dành cho công ty Đông Ấn một số đặc quyền buôn bán. Ngày 7.7.1749, từ Pondichéry, vùng đất Ấn Độ thuộc Pháp, Pierre Poivre khởi hành đến Đàng Trong. Chuyến đi trễ gần 5 tháng so với dự kiến. Tàu cập bến Tourane (Đà Nẵng) ngày 29.8.1749, vào một thời điểm không thuận lợi cho việc giao dịch thương mại. Lúc này, người Việt buôn bán đã trở về địa phương, các thương nhân người Hoa cũng vừa kết thúc việc thương mại và đang thu dọn hàng hóa. Tại vịnh Tourane, tàu vừa buông neo, đã thấy viên quan phụ trách hành thu thuế có mặt để tìm hiểu mục đích chuyến đi của Poivre. Sau đó, tàu của họ bị thủy quân Đàng Trong canh giữ nghiêm ngặt, không ai được xuống tàu, các thủy thủ cũng không được lên bờ. Chi tiết này cho thấy việc kiểm tra, phòng bị vùng biển lúc bấy giờ đã có qui củ và khá chặt chẽ.

Vốn là một người khôn ngoan và từng trải, khi mới đặt chân lên đất Đàng Trong, ngoài việc xin yết kiến chúa Nguyễn, Poivre tìm cách tiếp cận ngay các cận thần của chúa. Một trong những người đầu tiên mà ông ta nhắm tới là viên cai bạ tàu, người phụ trách kiểm tra các thuyền bè qua lại địa phương. Ngày 11.11.1749, Poivre đến nhà viên quan này, mang theo ba phần quà, một dành cho ông cai bạ, một dành cho bà phi thứ nhất của chúa, một dành cho cậu công tử con của bà phi này. Một điểm khá đặc biệt không thấy ghi chép trong chính sử hay các sử liệu khác là các chúa Nguyễn có lệ gửi con trai cho các đại thần nuôi dưỡng dùm, chỉ giữ lại trong phủ vị Thế tử, tức là người con trai được chọn kế nghiệp chúa sau này. Những cậu công tử (con chúa) sống ở nhà các đại thần thỉnh thoảng được chúa cho về phủ thăm mẹ. Về phần các quan lại, tuy có thêm một miệng ăn trong gia đình phải chăm sóc đặc biệt, nhưng ai cũng cho đó là một vinh dự, sau này dễ dàng nhận được sự chở che của chúa, thậm chí có người còn lợi dụng việc này để làm điều phi pháp. Vì thế, hôm đến nhà viên cai bạ, Poivre được mời cơm và được giới thiệu cậu công tử con chúa Võ vương, mới 11 tuổi, là con của bà phi thứ nhất.

Người thứ hai mà Poivre tiếp cận là nhân vật trọng yếu bậc nhất trong các cận thần của chúa, đó là Ngoại tả Trương Phúc Loan, một trong bốn viên Tứ trụ, đồng thời cũng là cậu ruột của chúa Võ vương. Thời bấy giờ, kể cả chúa Nguyễn, có lẽ không ai giàu có bằng Loan. Một bộ chính sử như Đại Nam liệt truyện tiền biên mà còn kê ra chi tiết mức độ giàu có của ông ta thì đủ biết tài sản của ông ta lớn lao đến độ nào:” Loan có nhà riêng ở Phấn Dương (tên xã), gặp lụt lớn, rương hòm bị ngập nước. Đến khi nước rút, phơi vàng bạc giữa trưa cho khô, cả một cái sân lóng lánh mờ cả mặt trời. Một ngày ăn cơm ba bữa, bọn nhà bếp làm náo động cả chợ búa, thức ăn đầy mâm còn nói không có món nào vừa miệng, chỉ ăn mắm trắng (tục gọi mắm vảnh) cùng canh rau mà thôi…” (ĐNLTTB – NXB Khoa học xã hội – 1995 – trang 271). Trong buổi sơ kiến, Trương Phúc Loan dành cho Pierre Poivre sự tiếp đãi ân cần, nồng hậu, tạo một ấn tượng mạnh cho anh thương nhân người Pháp. Poivre cũng đến thăm viên Nội tả là Trương Phúc Thông, anh ruột của Loan (ĐNLTTB thì cho rằng Thông chỉ làm đến chức Chưởng dinh). Tuy là anh em ruột, nhưng Thông kém hơn Loan mọi bề, từ quyền lực đến tài sản, là người không mang tiếng xấu trong thời gian phục vụ dưới trướng chúa Nguyễn. Riêng ông quan Ngoại hữu mà Poivre đến thăm sau đó là một ông già có dáng dấp mảnh khảnh nhưng cũng đón tiếp Poivre khá chân tình. Tuy nhiên, theo Poivre, ông quan già này có những cách ứng xử kỳ lạ, những câu hỏi ngớ ngẩn, chẳng hạn có lần đã hỏi Poivre rằng ở châu Âu có phụ nữ không và Poivre đã không bỏ lỡ cơ hội đùa bỡn, trả lời là ở châu Âu không có phụ nữ. Dù sao thì những nhân vật kể trên cũng ít nhiều có ảnh hưởng đến sự thành bại trong chuyến đi của Poivre.

Một trong những sự kiện có ảnh hưởng quan trọng đến mối quan hệ giữa chính quyền Đàng Trong và Pierre Poivre, với tư cách đại diện chính phủ Pháp, là việc xài tiền đồng Mễ Tây Cơ (Mexico) do Poivre mang theo và đổi với phía Đại Việt lấy kim loại đồng mang về nước. Trong luận án tiến sĩ nhan đề : Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế-Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (NXB Trẻ-1999), nhà nghiên cứu nữ Li Tana, người Trung Quốc, đã có những phân tích khá chi tiết về hiện trạng sử dụng tiền đồng ở Đại Việt vào các thế kỷ 17 và 18. Qua tài liệu này, ta biết được rằng ngay đầu thế kỷ 17, một trong những mặt hàng chính được xuất khẩu từ Nhật Bản sang Đại Việt là tiền đúc bằng kim loại. Việc nhập tiền Nhật sang Đại Việt không chỉ do thương nhân Nhật thực hiện, mà các thương nhân Trung Quốc và Hà Lan cũng làm việc này. Tiền kim loại của Nhật nhập vào nước ta không chỉ được sử dụng làm phương tiện giao hoán, mà còn được dùng để….đúc súng :” …năm 1636, một chiếc thuyền của người Hoa chở một số lượng tiền Nhật trị giá 30.000 lạng bạc từ Nagasaki đến Đàng Trong. Vì các đồng tiền này kém chất lượng nên chúa (Nguyễn Phúc Lan) đã mua để đúc súng..”( Xứ Đàng Trong… trang 139). Mãi đến năm 1746, chúa Võ vương mới cho mở cục đúc tiền tại Phú Xuân, song việc làm này dẫn đến một số hậu quả mà nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã kể ra như sau: ”Lúc mới đúc, tiền rất cứng, dày, tuy có thể đốt chảy nhưng không bẻ gãy được. Lại nghiêm cấm đúc riêng nên tiền ít khi mỏng quá, việc công tư đều tiện tiêu dùng. Thế rồi người ta cất chứa tiền đồng, không cho phát ra. Lâu dần người quý thế tranh nhau đúc thêm, đến hơn trăm lò, gọi là tiền “thiên minh thông bảo”, trộn lẫn cả chì vào, tiền ngày càng nhỏ, mỏng, có thể bẻ gãy được….” (Phủ Biên tạp lục-NXB Khoa học-Hà Nội-1964-trang 242). Những gì Lê Quý Đôn miêu tả phản ánh đúng nguyên lý cơ bản trong quản lý tiền tệ, đó là: ”Tiền xấu sẽ tống xuất tiền tốt ra khỏi thị trường”, do cư dân tranh thủ cất giấu tiền tốt ở nhà, chỉ tiêu xài bằng tiền xấu. Nắm bắt được tình hình tiền tệ lúc bấy giờ, Pierre Poivre tìm cách giải quyết một trong những vấn nạn ông ta đang gặp phải, đó là số bạc Mễ Tây Cơ (Mexico) tồn đọng lên tới 30.000 đồng cùng một số đồng tiền khác. Đây là tiền dành cho quân đội Mễ Tây Cơ, có từ thời vua Philippe V (1700-1746) và vua Ferdinand VI (1746-1754), những đồng hình tròn dập kỹ, còn đồng hình vuông dập bằng búa, thô kệch hơn và không đồng đều. Trước đề nghị của Poivre xin đổi 30.000 đồng tiền Mễ Tây Cơ lấy tiền đồng đang lưu hành, lúc đầu chúa và các quan lại không khứng chịu, nhưng sau nhiều lần thuyết phục của Poivre, chúa đồng ý. Bằng chỉ dụ ban hành ngày 20.11.1749, chúa công bố việc lưu hành tiền Mễ Tây Cơ trên toàn cõi Đàng Trong. Để đồng tiền có giá trị hợp pháp và tính cưỡng bách lưu hành, chúa định là sẽ giao cho các thợ bạc khắc lên mỗi đồng hai chữ “thôu du” (nguyên văn trong nhật ký của Poivre, có thể là từ thông dụng) có nghĩa là được lưu hành. Ngoài hai chữ trên, mỗi đồng tiền có khắc một trong các tên của ba người thợ bạc là Xun, Tiêm và Thiêm. Người được Võ vương giao trách nhiệm giám sát việc đóng dấu lưu hành trên các đồng tiền Mễ Tây Cơ chính là Trương Phúc Loan. Song quan hệ giữa Loan và Poivre xấu đi một cách nhanh chóng vì Poivre tỏ ý nghi ngờ sự minh bạch trong việc làm của Loan. Ngày 27.11.1749, Loan từ chối tiếp Poivre, lấy cớ đang bệnh, nhưng khi Poivre nằng nặc đòi vào thăm, ở thế chẳng đặng đừng, Loan phải tiếp Poivre, song giữ một thái độ giận dỗi và phủ nhận những gì đã hứa trong những lần gặp trước đây. Ngày 3.12.1749, Poivre ghi vào nhật ký những cảm giác chán chường: ”Tôi không còn biết tin ở ai nữa, khắp nơi, tôi chỉ gặp những tên ăn cắp” (Georges Taboulet- La geste franaise en Indochine-Paris-1955-trang 129). Lần cuối cùng, Poivre đến tìm gặp Trương Phúc Loan, sau khi ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ, được biết Loan dứt khoát từ chối tiếp mình, bèn quay về. Mối quan hệ giữa Loan và Poivre chấm dứt từ đó. Riêng việc lưu hành tiền Mễ Tây Cơ cũng thất bại do sự thờ ơ của công chúng nên chỉ đóng dấu lưu hành chừng 6000-7000 đồng, số còn lại có lẽ đã được mang đi nấu chảy vì sau đó không ai còn thấy chúng nữa (hơn 100 năm sau, tức năm 1865, thực dân Pháp lại áp dụng biện pháp cưỡng bách lưu hành đồng tiền Mễ Tây Cơ ở thuộc địa Nam Kỳ).
Trong tình trạng thất vọng, Pierre Poivre tìm đến vương phủ xin yết kiến chúa Võ vương.

Chúa tiếp ông ta với sự niềm nở ban đầu, song không chính thức chấp thuận một thỉnh cầu nào của Poivre. Ngày 10.2.1750, chiếc tàu buôn Machault của Poivre nhổ neo rời Faifo (Hội An) và một chuyện bất ngờ đã xảy ra với một thanh niên người Việt tên Miguel Cương (có tài liệu ghi là Miguel Ruong hay Michel Cương). Cương là người theo đạo Thiên Chúa, năm 1743 được dịp tháp tùng một người Âu tên Friell đi đến vùng Ấn Độ thuộc Pháp để học tiếng Bồ Đào Nha. Anh ta sống hai năm ở Pondichéry, gặp và quen với Pierre Poivre ở đây, được Poivre dạy môn hội họa. Cũng nhờ khéo tay và có nghề vẽ mà sau khi về nước, Cương được chúa Võ vương trọng dụng. Cuối tháng 8.1749, khi tàu Machault của Poivre cập bến Tourane, Miguel Cương tháp tùng các quan Việt xuống tàu để khám xét và tình cờ gặp lại Poivre. Trong hoàn cảnh bỡ ngỡ trước một xứ sở hoàn toàn mới lạ, gặp lại người quen cũ, Poivre nhờ Cương làm thông ngôn và rất tín nhiệm Cương. Tuy nhiên, không bao lâu sau, trong con mắt của Poivre, Cương chỉ là một kẻ vô ơn. Anh ta thường xuyên làm phật lòng những thương nhân Pháp đang có mặt ở Đàng Trong. Poivre cố kìm nén sự bất bình, tìm một cơ hội để trả đũa Cương.

Ngày 10.2.1750, tàu Machault còn neo tại Tourane thì Cương xuất hiện, tìm gặp Poivre và đòi tiền công (thông ngôn) khoảng vài trăm quan. Đúng vào lúc Poivre đang bực bội, ông ta cho bắt Cương nhốt dưới hầm tàu, mặc cho viên thông ngôn kêu la, phản đối. Sự kiện bất ngờ này nhanh chóng được bẩm báo cho chúa Võ vương và ông đã nổi cơn lôi đình thực sự. Chúa cho bắt giữ ngay một trong những giáo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là Giám mục Lefebvre và linh mục Rivoal, cho lính áp giải hai người này ra Tourane để tiếp xúc với tàu Machault và đưa Miguel Cương về. Tuy nhiên, hai con tin này đến Tourane thì đã trễ rồi, tàu Machault đã nhổ neo, tách bến.

Ngày 10.4.1750, tàu Machault cập bến Ile de France, Cương được đưa lên bờ cùng 300 giống cây các loại lấy đi từ Đàng Trong. Về phần giám mục Lefebvre, ông ta cảm thấy bất an về việc không giải thoát được Miguel Cương nên cử người phụ tá là giám mục Bennetat đi tìm Cương. Bennetat đến Ile de France vào tháng 8.1751, tức một năm rưởi kể từ ngày vụ bắt cóc xảy ra, nhưng lúc đó, Cương đã bị chuyển đến Pondichery rồi. Mãi đến ngày 28.6.1752 giám mục Bennetat mới rời Pondichery, có sự tháp tùng của Miguet Cương vừa được trả tự do, mang theo một bức thư cùng quà tặng chúa Võ vương.

Pierre Poivre trở về Pháp với một tiếng tăm lừng lẫy và một gia sản tầm thường. Viên Tổng kiểm soát của chính phủ Pháp thưởng cho ông ta 20.000 livre, còn vua Louis XV thì ban cho tước hiệu quý tộc và huân chương Saint-Michel. 10 năm sau, Pierre Poivre được bổ nhiệm làm Giám quận Ile de France. Từ năm 1767 đến 1772, ông ta cai trị quần đảo Mascareignes, mang lại sự thịnh vượng cho hòn đảo này và xây dựng tại đây một khu vườn tráng lệ làm say đắm nhà văn Bernadin de Saint-Pierre, là người từng đem lòng si mê rồ dại đối với bà Poivre đức hạnh mà ông đã miêu tả trong tác phẩm bất hủ Paul et Virginie. Năm 1773, Poivre quay về chính quốc, nhận lãnh một khoản trợ cấp 12.000 livre, về hưu gần Lyon và mất ở đó ngày 6.1.1786.

Trước khi mất, Pierre Poivre không xuất bản tác phẩm nào về chuyến đi Đại Việt. Thế nhưng, vì lúc đó ông ta đã khá nổi tiếng nên các nhà xuất bản châu Âu không bỏ lỡ cơ hội. Họ tập hợp các bản ghi chép do ông gửi cho Viện Hàn lâm Lyon để in và phát hành tại Thụy Sĩ một tác phẩm có tựa đề Les voyages d’un philosophe (Những chuyến du hành của một nhà hiền triết –1768) mà không hỏi ý kiến Poivre, cũng không buồn đề tên tác giả. Quyển sách được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có một chi tiết gợi cho chính quyền Pháp đang cạn kiệt nguồn tài nguyên nghĩ ra một “sáng kiến” bất ngờ, đó là cử quân đánh úp vùng đất Phú Xuân vốn được Poivre cho rằng có cất giấu rất nhiều kho báu của các chúa Nguyễn. Câu chuyện ly kỳ trên đã được người viết trình bày trên trang Facebook này

Lê Nguyễn
27.3.2016

Nguồn : facebook của Lê Nguyễn

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.