Trước tiên, tôi xin nói về thuật ngữ hiệu đề được sử dụng ở đây. Đó là những văn tự có trên hiện vật nhằm biểu thị một trong các yếu tố: niên đại chế tác hiện vật; nơi chế tác; người chế tác; người hay nơi đặt làm hiện vật, người sử dụng hiện vật; những mỹ từ chúc tụng một nhân vật, chúc mừng một sự kiện hay ca ngợi, biểu dương món đồ sứ được chế tác… Những văn tự này xuất hiện trên hiện vật không nhằm mục đích trang trí, cũng không phải là thơ văn đi kèm đề tài trang trí theo lối “nhất thi nhất họa”, vốn rất phổ biến trong hội họa Trung Hoa cổ điển. Trong các sách viết về gốm sứ Trung Hoa bằng chữ Hán, tùy theo vị trí, nội dung hay cách thể hiện văn tự trên hiện vật mà người ta gọi chúng là 年 號 (niên hiệu), 年 款 (niên khoản), 銘 文 (minh văn) hay 洛 款 (lạc khoản). Tuy nhiên, người Trung Hoa vẫn có một thuật ngữ chung dùng cho tất cả các hình thức thể hiện văn tự nói trên là 款 識 (khoản thức).
1)Người Anh dùng chữ mark còn người Pháp dùng chữ marque để chuyển dịch thuật ngữ khoản thức này và tùy từng trường hợp mà có các thuật ngữ chi tiết như: imperial reign mark, place mark, year mark, commemorative mark…
2)Ở đây, thuật ngữ hiệu đề được sử dụng với ý nghĩa tương tự các thuật ngữ: khoản thức, marque và mark trong các tài liệu chuyên môn về gốm sứ.
Hiệu đề 1 chữ Hán
– Hiệu đề là một trong những tiêu chí quan trọng giúp vào việc nhận diện ĐSKK. Khi bắt gặp các hiệu đề mang niên hiệu của các vị vua Việt Nam như: 洪 德 年 製 (Hồng Đức niên chế), 嘉 隆 年 造 (Gia Long niên tạo), 明 命 年 製 (Minh Mạng niên chế), 紹 治 年 造 (Thiệu Trị niên tạo), 嗣 德 年 製 (Tự Đức niên chế), 嗣 德 辛 未 (Tự Đức tân mùi), 啟 定 辛 酉 年 造 (Khải Định tân dậu niên tạo)… trên những đồ sứ do Trung Hoa sản xuất, có thể xác định rằng những đồ sứ mang các hiệu đề này là đồ sứ do người Việt Nam ký kiểu, không phải là những đồ sứ Trung Hoa sản xuất cho nhu cầu nội địa. Trong các chuyên khảo về hiệu đề trên gốm sứ Trung Hoa của Gerald Davison3, Ming Wilson4, Đồng Y Hoa5… dù được giới nghiên cứu đánh giá là tương đối đầy đủ, nhưng không giới thiệu hiệu đề nào mang niên hiệu các vua Việt Nam. Các hiệu đề niên đại liên quan đến các năm đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam có trên ĐSKK6 cũng ít được liệt kê. Điều này chứng tỏ những đồ sứ ghi niên hiệu các vua Việt Nam hoặc ghi niên đại đi sứ của sứ thần Việt Nam là sản phẩm dành riêng cho Việt Nam, không lưu dụng trên lãnh thổ Trung Hoa nên không được các nhà khảo cứu nói trên biết đến. Hoặc họ không thừa nhận những đồ sứ mang các hiệu đề này là đồ sứ Trung Hoa nên không liệt kê chúng vào danh mục hiệu đề trên đồ sứ Trung Hoa.
Hiệu đề 2 chữ Hán
Trên phương diện khác, từ những “tiêu chí Việt” có trên đồ sứ do Trung Hoa chế tác như: có hiệu đề ghi các năm đi sứ đúng vào năm có sứ thần Việt Nam sang Trung Hoa; đề thơ chữ Nôm; có hình ảnh và thơ văn vịnh các thắng cảnh Việt Nam; có các đặc trưng về kiểu dáng, màu men, đề tài trang trí, cách thể hiện các chi tiết trang trí mang phong cách Việt Nam, giống như những đồ sứ đã được xác định là ĐSKK khác hẳn với đồ sứ Trung Hoa chính thống… sẽ giúp vào việc mở rộng danh mục những hiệu đề trên ĐSKK cho dù những hiệu đề này đã từng xuất hiện trên đồ sứ Trung Hoa sản xuất cho nhu cầu nội địa như: 清 玩 (Thanh ngoạn), 內府 (Nội phủ), 雅玉 (Nhã ngọc), 珍玩 (Trân ngoạn), 若深珍藏 (Nhược thâm trân tàng), 成化年造 (Thành Hóa niên chế), 乾隆年製 (Càn Long niên chế)…
Dựa vào ý nghĩa của văn tự, có thể phân loại hiệu đề thành những nhóm sau: hiệu đề đế hiệu; hiệu đề niên đại; hiệu đề địa danh; hiệu đề hiến tặng, chúc tụng; hiệu đề mang chức năng vương huy; hiệu đề của người thợ gốm; hiệu đề ca ngợi, biểu dương, hiệu đề tưởng niệm, hiệu đề biểu tượng…
Sự phân loại như trên chỉ có tính tương đối, bởi lẽ, có những hiệu đề có thể xếp vào nhiều loại khác nhau. Chẳng hạn, các hiệu đề 嗣德辛未 (Tự Đức tân mùi), 啟定乙丑 (Khải Định ất sửu) vừa là hiệu đề đế hiệu, vừa là hiệu đề niên đại…
Hiệu đề 4 chữ Hán
Trong số các hiệu đề có trên ĐSKK có những hiệu đề đáng chú ý do tính chất đặc biệt của chúng:
– Hiệu đề 洪德年製 (Hồng Đức niên chế): BTLSVN tại Hà Nội có chiếc dĩa bàn trong bộ đồ uống trà, dưới đáy có hiệu đề 洪德年製 (Hồng Đức niên chế). Căn cứ vào chất liệu, dáng kiểu, màu men, phong cách trang trí, tôi cho rằng món đồ sứ này có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Trong khi, Hồng Đức là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông từ năm 1470 đến năm 1497. Lý giải về việc ghi niên hiệu Hồng Đức (cuối thế kỷ XV) lên một món đồ sứ được làm muộn hơn 300 năm, Trần Đình Sơn cho rằng đó là “do dụng ý của người xưa muốn nói lên niềm tự hào văn hóa và tinh thần cương quyết giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc đối với tư tưởng bá quyền của phương Bắc”.7 Theo tôi, việc ghi niên hiệu của một vị vua trong quá khứ lên món đồ sứ tân tạo là rất phổ biến trong lịch sử gốm sứ Trung Hoa. Mục đích của việc này là nhằm tăng giá trị của món đồ hoặc để tưởng nhớ một giai đoạn huy hoàng trong quá khứ. Chiếc dĩa hiệu 洪德年造 có thể thuộc vào trường hợp thứ hai.
– Hiệu đề 宣化年製 (Tuyên Hóa niên chế): Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, không có vị vua nào sử dụng niên hiệu Tuyên Hóa, chỉ có niên hiệu 宣 德 (Tuyên Đức: 1426 – 1435) và 成化 (Thành Hóa: 1465 – 1487) dưới triều Minh ở Trung Hoa. Đồ gốm sứ thuộc hai triều vua này được đánh giá rất cao. Có lẽ, vì nguyên nhân này nên người ta kết hợp hai niên hiệu trên thành một niên hiệu mới: 宣德 (Tuyên Đức) + 成化 (Thành Hóa) = 宣化 (Tuyên Hóa) nhằm ám chỉ món đồ sứ này cũng quý giá như đồ sứ thời Tuyên Đức, Thành Hóa chăng?
– Hiệu đề 阮 (Nguyễn) và hiệu đề 日 (Nhật): Vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam trị vì ở kinh đô Huế là hậu duệ của dòng họ Nguyễn đến khai phá đất Đàng Trong từ giữa thế kỷ XVI. Trên một số ĐSKK có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX có hiệu đề 阮 (Nguyễn) viết theo lối chữ triện (PL 7: Hiệu đề 152). Theo tôi, đây là hiệu đề nhằm vinh danh, suy tôn dòng họ Nguyễn, là dấu hiệu xác nhận món đồ sứ ấy thuộc về dòng họ Nguyễn, do các chúa Nguyễn hay các vua Nguyễn ký kiểu.
– Từ triều Minh Mạng đến triều Tự Đức, có nhiều ĐSKK mang hiệu đề Nhật. Chữ 日 (Nhật) có ý nghĩa như vương huy của triều Nguyễn. Tên của các vị vua triều Nguyễn đều là những chữ thuộc bộ 日 (Nhật).8 Vì thế, chữ 日 (Nhật) được chọn làm hiệu đề trên những đồ sứ ngự dụng của triều Nguyễn. Cùng với hiệu đề 阮 (Nguyễn), hiệu đề 日 (Nhật) được xếp vào loại hiệu đề mang chức năng vương huy của vương triều Nguyễn thể hiện trên ĐSKK.
– Hiệu đề 明命年製 (Minh Mạng niên chế) bao quanh chữ 日 (Nhật) và hiệu đề 紹治年製 (Thiệu Trị niên chế) kết hợp với hiệu đề chữ 日 (Nhật): BTCVCĐ Huế hiện lưu giữ hai chiếc tô sứ trang trí đề tài lưỡng long triều nhật, đều có hiệu đề gồm bốn chữ 明命年製 (Minh Mạng niên chế) bao quanh chữ 日 (Nhật). Ngoài ra, có chiếc tô khác, cũng trang trí đề tài lưỡng long triều nhật, nhưng có đến hai hiệu đề, gồm hiệu đề 日(Nhật) ở dưới đáy và hiệu đề 紹治年製 (Thiệu Trị niên chế) ở bên ngoài vành miệng. Như vậy, ngoài việc sử dụng đế hiệu, các vua Minh Mạng và Thiệu Trị còn cho đề thêm hiệu đề (Nhật) lên ĐSKK. Sự kết hợp này càng khẳng định chữ 日 (Nhật) luôn được các vua Nguyễn coi như là một vương huy của vương triều Nguyễn.
– Nhóm hiệu đề 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器… (Tự Đức mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí…): Đây là những hiệu đề có trên loạt đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt làm tại Trung Hoa năm 1868 khi ông sang Quảng Châu để thu thập tin tức cho triều đình và học tập những kỹ nghệ mới do người phương Tây du nhập vào Trung Hoa. Đặng Huy Trứ đặt làm loạt đồ sứ này để tặng cho nhà thờ chi út họ Đặng làm đồ tự khí. Mỗi hiệu đề có 14 hoặc 16 chữ Hán, trong đó 12 chữ đầu giống nhau, ghi rõ thời gian ký kiểu món đồ sứ: 嗣德戊辰中秋 (Tự Đức mậu thìn trung thu: khoảng tháng 9 năm 1868); nơi món đồ sứ được sử dụng: 鄧季祠堂 (Đặng quý từ đường: nhà thờ chi út họ Đặng); công dụng của món đồ sứ: 祭器 (tế khí: đồ tế tự). Riêng 2 hoặc 4 chữ cuối cùng trong hiệu đề: 魚藻 (ngư tảo), 魚水 (ngư thủy), 麟趾呈祥 (lân chỉ trình tường), 福祿來成 (phúc lộc lai thành…) là tên của đề tài trang trí. Đây là những hiệu đề dài nhất trong các hiệu đề có trên đồ sứ và là những hiệu đề độc đáo nhất trên ĐSKK.
Hiệu đề trên 4 chữ Hán
Hiệu đề được viết theo chữ Triện hoặc chữ Lệ
Chủ đề trang trí được viết như hiệu đề
Hình vẽ dùng như hiệu đề
– Ngoài ra, trên ĐSKK có những hiệu đề tuy giống với hiệu đề của đồ sứ Trung Hoa chính thống, nhưng những hiện vật mang các hiệu đề giống nhau này lại có sự chênh lệch về niên đại:
+ Hiệu đề 清玩 (Thanh ngoạn) viết theo lối chữ khải được các tác giả Gerald Davison, Dư Kế Minh và Dương Diễn Tông xác nhận là chỉ có trên những đồ sứ Trung Hoa sản xuất dưới triều Ung Chính (1723 – 1735).9 Nhưng trên các đồ sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) ký kiểu, vẽ các thắng cảnh ở Thuận Hóa xưa kèm các bài thơ vịnh như: 順化晚市 (Thuận Hóa vãn thị), 隘嶺春雲 (Ải lĩnh xuân vân), 三台聽潮 (Tam Thai thính triều)… cũng ghi hiệu đề 清玩 (Thanh ngoạn), viết theo lối chữ triện trong hình tròn kép (PL 7: Hiệu đề 176). Chúa Nguyễn Phúc Chu thăng hà năm 1725, sau khi vua Ung Chính lên ngôi 2 năm, chứng tỏ hiệu đề 清玩 (Thanh ngoạn) đã xuất hiện từ trước triều Ung Chính, chứ không phải chỉ có trên đồ sứ triều Ung Chính như kết luận của Gerald Davison, Dư Kế Minh và Dương Diễn Tông.
+ Hiệu 玩玉 (Ngoạn ngọc) là một hiệu lò rất phổ biến trên đồ sứ từ triều Khang Hi đến triều Càn Long (1662 – 1795). Hiệu này cũng thấy trên những đồ sứ trang trí mai hạc đề thơ chữ Nôm và đồ sứ trang trí bốn hình viên long ký kiểu vào khoảng cuối triều Minh Mạng đến đầu triều Tự Đức (nửa đầu thế kỷ XIX). Tương tự, Gerald Davison, Đồng Y Hoa và một số nhà nghiên cứu khác đều xác nhận hiệu 內 府 (Nội phủ) là hiệu đề trên đồ sứ thời Minh10, nhưng hiệu đề này lại xuất hiện rất nhiều trên đồ sứ do triều Nguyễn ký kiểu vào thế kỷ XIX, dùng cho các nhu cầu của hoàng gia và triều đình.
+ Hiệu đề 成化年製 (Thành Hóa niên chế) vốn là hiệu đề đế hiệu có trên những đồ sứ sản xuất dưới triều vua Minh Hiến Tông (1465 – 1487), lại được viết trên chiếc dĩa sứ đề bài thơ Nôm 蔑臔樓臺卒美仙… (Một cụm lâu đài tốt mỉa tiên…), niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.11 Tương tự là trường hợp chiếc dĩa trà có hiệu đề 宣德年製 (Tuyên Đức niên chế). Tuyên Đức là niên hiệu vua Minh Tuyên Tông từ năm 1426 đến năm 1435, trong khi chiếc dĩa có niên đại ký kiểu vào khoảng thời Tự Đức. Đây là hai trường hợp ngụy tạo hiệu đề nhằm làm tăng giá trị của món đồ. Từ các dẫn chứng trên đây, có thể kết luận rằng có những hiệu đề trên đồ sứ Trung Hoa chính thống đã được sử dụng trên ĐSKK vào một thời điểm khác, thường muộn hơn thời điểm những hiệu đề này xuất hiện trên đồ sứ Trung Hoa.
Có thể nói, hiệu đề trên ĐSKK là một dạng văn tự đặc biệt giúp ích cho việc nhận diện và giám định ĐSKK.
Tác giả: Trần Đức Anh Sơn
Chú thích
[1] 余繼明,楊演宗, “中國古代瓷器鋻賞辭典”, [新華出版社, 北京, 1992], 頁 227.
[2], [3] Gerald Davison, The Hand Book of Mark on Chinese Ceramics, Han Shan Tang, London, 1994. p. 7.
[4] Ming Wilson, “Rare Marks on Chinese Ceramics”, Published by the School of Oriental and African Studies, University of London, 1998.
[5] 童依華, “中國歷代陶瓷款識彙集”, [大業公司, 台北市], 頁 60.
[6] Chỉ tính riêng ĐSKK thời Nguyễn, đã có 52 hiệu đề niên đại trùng hợp với thời gian đi sứ của 25 sứ bộ trong tổng số 42 sứ bộ được nhà Nguyễn cử sang Trung Hoa từ triều Gia Long đến triều Khải Định.
[7] Trần Đình Sơn, Hoàng Anh, “Tản mạn Phú Xuân”, Nxb Trẻ, TPHCM, 2001, tr. 19.
[8] Đây là lý do khiến chữ 日 (Nhật) được coi như là vương huy của triều Nguyễn: Vua Gia Long tên là 映 (Ánh), một chữ thuộc bộ 日 (Nhật); vua Minh Mạng, húy là 膽 (Đảm), trước khi lên ngôi được đặt tên là [mất chữ do lỗi font] (Kiểu) cũng là một chữ thuộc bộ 日 (Nhật). Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã soạn bài thơ 字 製 命 名 詩 (Tự chế mạng danh thi), theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, gồm 20 chữ bộ 日 (Nhật) để làm ngự danh cho các đời vua sau và cho khắc vào kim sách (sách vàng), để trong kim quỹ (hòm vàng) tôn trí tại điện Càn Thành trong Đại Nội. Vì thế mà tên trước lúc lên ngôi của các vị vua nhà Nguyễn sau này đều thuộc bộ Nhật. Ví dụ: vua Thiệu Trị tên là [mất chữ do lỗi font] (Tuyền); vua Tự Đức tên là 時 (Thời); vua Kiến Phúc tên là 昊 (Hạo), vua Hàm Nghi tên là 明 (Minh)…
[9] Gerald Davison, “The Hand Book of Mark on Chinese Ceramics”, Han Shan Tang, London, p. 253; 余 繼 明, 楊 演 宗 , 中 國 古 代 瓷 器 鋻 賞 辭 典, 新 華 出 版 社, 北 京, 1992, 頁 227.
[10] Gerald Davison, “The Hand Book of Mark on Chinese Ceramics”, Han Shan Tang, London, 1994, p. 53, p. 167; 童 依 華, 中 國 歷 代 陶 瓷 款 識 彙 集, 大 業 公 司, 台 北 市, 頁 60.
[11] Phạm Hy Tùng, “Đôi điều về những áng thơ Nôm trên một số đồ sứ cổ”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 4/1998, tr. 50-59.
Nguyen Thuong