KHU DI TÍCH LAM KINH

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 200ha.

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, ngư­ời có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 – 1427).

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt.

Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu… bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính:

– Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thư­ờng trực trông coi Lam Kinh;

– Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Về diện mạo kiến trúc của khu di tích, có thể điểm tới một số công trình tiêu biểu như:

Chính điện Lam Kinh: theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645m2, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Hiện nay, trong khu vực này chỉ còn lại dấu tích nền móng, với 127 tảng kê chân cột, nền lát, bó vỉa cùng một số hiện vật khác.

Thái miếu: là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa (các tòa số 3, 4, 5, 6, 7).

Sân rồng: là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu vực trung tâm của điện Lam Kinh, nằm phía sau Ngọ môn, chính giữa có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng.

Đông trù: nằm ở phía Đông Nam của chính điện, được coi như khu vực hậu cần, bếp núc để phục vụ cho toàn bộ khu vực trung tâm của Lam Kinh.

Tả vu, Hữu vu: nằm về hai bên sân rồng, hiện chỉ còn lại nền móng và một số chân tảng kê cột cùng một số hiện vật khác.

Tây thất: nằm trên một gò đất nhỏ ở phía Tây của Chính Điện, ngoài phạm vi thành Nội. Hiện nay, khu vực này chỉ là phế tích kiến trúc.

Cầu Bạch: là chiếc cầu đá bắc qua sông Ngọc, mới được phục hồi, dài 17m, rộng 5,50m, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.

Hệ thống tường thành: gồm 3 vòng thành (La thành, thành Nội và thành Ngoại). Năm 2008, một số đoạn của La thành phía Đông và phía Tây cầu Bạch đã được khôi phục (với tổng chiều dài 21m).

Hồ Như Áng, kênh dẫn nước đập nhà Lê, hồ Tây: trước kia, khu vực này vốn là vùng đất trũng, xung quanh có nhiều khe suối nhỏ. Lợi dụng địa thế tự nhiên, nhà Lê đã cho đào kênh dẫn nước về hồ Tây, để cung cấp cho toàn bộ khu vực Lam Kinh.

Núi Dầu: cách lăng vua Lê Thái Tổ khoảng 500m. Trên núi có đền thờ bà hàng Dầu, gắn liền với truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Lăng mộ Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng: Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu. Năm 1995, lăng vua được trùng tu, xây lại bằng gạch, bên ngoài ốp đá đục nhám. Phía trước lăng có tượng 2 quan hầu và 4 đôi tượng con giống bằng đá, đứng chầu hai bên đường “thần đạo” của lăng.

Bia Vĩnh Lăng được làm bằng đá trầm tích nguyên khối, cao 2m79, rộng 1m94, đặt trên lưng rùa đá. Nội dung văn bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ. Đây là một công trình điêu khắc đá có giá trị nghệ thuật, đồng thời cũng là tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Sơ.

Lăng mộ Lê Thái Tông và Bia Hựu lăng: nằm trên đỉnh cao của rừng Phú Lâm, thuộc xã Xuân Lam, cách Vĩnh Lăng 800m. Bia Hựu Lăng được dựng cách lăng khoảng 20m. Hiện nay, bia đã bị mất, chỉ còn lại rùa đá nằm nguyên ở vị trí ban đầu.

Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bia Khôn Nguyên Chí Đức: tọa lạc trên một khu đất thấp, gọi là Xà Đàm (đầm Rắn), cách Vĩnh Lăng 700m về phía Đông. Năm 1998, lăng mộ được trùng tu lại bằng gạch vồ, mặt ngoài trát xi măng, hai bên tạc tượng người và động vật bằng chất liệu đá.

Bia Khôn Nguyên Chí Đức dựng năm Mậu Ngọ (1498), làm bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, cao 2m76, rộng 1m90. Trán bia và diềm bia trang trí hình rồng 5 móng và hoa lá cách điệu…

Lăng mộ Lê Thánh Tông và Bia Chiêu lăng: nằm sát gò Đình (xã Xuân Lam). Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống (1498).

Lăng mộ vua Lê Hiến Tông và Bia Dụ lăng: nằm ở bên phải của Vĩnh Lăng, giáp hồ Tây. Bia Dụ Lăng nằm cách lăng mộ khoảng 30m, được làm bằng đá nguyên khối, cao 2m78, rộng 1m98.

Lăng mộ Lê Túc Tông và Bia Kính lăng: được xây trên đỉnh núi “Hổ Xứ Ngọc Giăng Đèn”, thuộc địa phận xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Bia Kính Lăng được dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), nội dung bia ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Túc Tông.

Đền thờ vua Lê Thái Tổ: tọa lạc ở phía Đông Nam khu di tích Lam Kinh, Năm 1996, đền này được tôn tạo lại, với kết cấu khung gỗ lim, theo mẫu thức của kiến trúc truyền thống, bao gồm các hạng mục: tiền đường, nhà cầu (ống muống) trung đường và hậu cung.

Ngoài các kiến trúc kể trên, trong khu vực Lam Kinh còn có hệ thống công trình phụ trợ cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khác.

Tại Khu di tích, vào dịp tháng 8 âm lịch hằng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

………Cảnh Toàn (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

KHU SƠN LĂNG Ở LAM KINH

Khu sơn lăng ở Lam Kinh gồm 8 lăng tẩm của các vị vua và hoàng hậu: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Ngô Thị Ngọc Dao, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Nguyễn Thị Huyên. Lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở vùng trung tâm, tại điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất, còn lăng của các vua kế nghiệp và hai hoàng hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây. Cho đến giờ, lăng vua Nhân Tông vẫn chưa tìm thấy dấu vết, trong khi lăng Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyên thì đã bị phá tan hoang.

Toàn cảnh khu lăng miếu Lam Kinh gồm nhiều khoảnh đồi bát úp, có liên hệ với khu trung tâm và với nhau bằng những con đường mòn. Một điểm đặc biệt là trên những trục đường vắt qua các quả đồi, đều không thấy bóng dáng các cây cầu. Nước mưa rơi xuống đều tiêu thoát tự nhiên qua hệ thống khe lạch xung quanh. Thật là một bố cục đẹp.

Tất cả các khu lăng ở đây có diện tích không lớn lắm. Lăng Thái Tổ có kích thước 28,5 m x 29,3 m; Lăng Thái Tông 26,6 m x 26,6 m; Lăng Hiến Tông nhỏ nhất 20,4 m x 18,35 m…. Nền lăng vua Lê Thái Tổ khá phẳng, còn nền các lăng khác hơi dốc, thoải theo địa hình của từng khu đồi. có thể thấy, các khu lăng bám khá sát địa thế đồi bát úp. Với diện tích sân lăng không lớn lắm, thực ra, việc đào đắp để cố gắng tạo cho mặt bằng khu lăng được phẳng là việc cực kỳ đơn giản, do khối lượng đất đá phải đào đắp không nhiều. Song, nguời xưa đã không làm như vậy. Điều này cho thấy, quan niệm của tổ tiên chúng ta là sống hài hòa với thiên nhiên, con người là một bộ phận không thể tách rời thiên nhiên.

Ở các khu lăng mộ có dựng các tượng tròn, bao gồm tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá.

Tượng người là tượng các quan hầu. Ở các khối tượng này, có sự đồng nhất về kiểu dáng, tư thế, nét mặt và trang phục. Nghe nói, tại lăng của các hoàng hậu trước kia cũng có tượng người, nhưng chỉ có tượng nữ quan. Hiện giờ, các tượng nữ quan đã thất lạc hết, không còn nữa.

Tượng con giống gồm nhiều loại thú khác nhau như: voi, hổ, sư tử, ngựa, tê giác, kỳ lân, nghê. Tuy tên gọi và bố cục các khối tượng trong các lăng có nhiều nét tương đồng, nhưng thứ tự sắp xếp, kích cỡ con giống và phong cách sáng tác đã được các nghệ nhân thời xưa điều chỉnh cho phù hợp với vai vế và tính cách của từng vị vua đã băng hà. Một mặt, vẫn giữ được sự tôn nghiêm, huyền mặc của các khu lăng, mặt khác không gây ra sự nhàm chán đơn điệu.

Hai hàng tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá dựng trên sân chầu trong khuôn viên lăng mục đích là để trấn trạch, nghĩa là làm cho khu lăng luôn luôn được yên lành, không bị tà ma quấy nhiễu và cũng là để tôn lên quang cảnh tôn nghiêm kính cẩn của lăng.

Hãy cùng tham quan khu lăng vua Lê Thái Tổ ở ngay phía sau nhà Thái miếu.

Nhìn toàn cảnh, khu lăng thật giản dị, gần gũi mà tôn nghiêm, trang trọng.

Giữa hai hàng tượng chầu là một lối đi rộng hơn hai chục mét, gọi là đường Thần đạo. Hai bên đường Thần đạo có hai hàng tượng. Ở vị trí gần lăng là hai pho tượng quan hầu: bên trái là quan văn, bên phải là quan võ. Đây là cách sắp đặt theo phép bố trí các quan thời vua Lê Thái Tổ bình sinh: vua phong cho hai quan đại thần đứng hàng đầu triều gồm quan Thị trung Bộc xạ trông coi việc then chốt về chính trị và quan Thái úy nắm giữ quyền tối cao trong quân đội.

Kế tiếp hàng tượng quan hầu là tượng 4 đôi con giống đứng đối nhau, theo thứ tự: 2 sư tử, 2 ngựa, 2 tê giác, 2 hổ. Chưa kể ở gần cổng lăng có đôi voi đá đang quỳ sụp xuống. Các tượng có thân hình nhỏ bé, phong cách dân gian: ngựa không thắng yên, tê giác không bành, hổ ngồi hiền từ, sư tử cách điệu như hình lợn rừng. Trước mộ vua là một hương án bằng đá để đặt bát hương và lễ vật.

Niên đại của các tượng này được xác minh là chế tác từ năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433).

Ngay gần khu lăng Thái Tổ, người ta không bố trí lăng của con trai vua, mà bố trí lăng của cháu nội vua. Các cụ bô lão ở địa phương giải thích lý do là: cha con dễ xung khắc, còn ông cháu luôn hòa thuận.

Xem xét tổng thể các tác phẩm nghệ thuật bằng đá ở khu lăng mộ, có thể nhận ra vài phong cách riêng ứng với từng giai đoạn. Các khối tượng ở khu Vĩnh Lăng (lăng Lê Thái Tổ) đại diện cho giai đoạn sơ khởi của nghệ thuật Lê Sơ, các khối tượng tròn ở Chiêu Lăng (lăng Lê Thánh Tông), lăng Khôn Nguyên Chí Đức (lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) tiêu biểu cho giai đoạn thịnh trị của vương triều Hậu Lê.

Ở Lam Kinh, còn nhiều tấm bia đá được dựng bên khuôn viên lăng, đóng vai trò như cuốn sổ vàng ghi chép lại toàn bộ thân thế và sự nghiệp của vị vua nằm trong lăng. Bia đá và khuôn viên lăng cách nhau từ 50 đến 100 m. (Duy chỉ có bia Vĩnh Lăng là không dựng tại khuôn viên lăng vua Lê Thái Tổ, mà đặt ở một khu vực riêng phía trước, chếch về phía tây khu chính điện).

Các tấm bia đá đều có thể coi là những tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh.

Hoa văn trang trí tập trung chủ yếu ở trán bia, chân bia và diềm bia, với các mô-típ chủ đạo: rồng, cúc dây và sóng nước.

Đặc sắc nhất là hoa văn hình rồng.

Hình tượng con rồng trên các bia đá ở Lam Kinh khác với các thềm rồng ở khu chính điện và Thái miếu. Hoa văn hình rồng ở trên các bia được thể hiện chủ yếu ở các dạng: lưỡng long chầu nguyệt và các mô-típ đơn lẻ hoặc liên hoàn trên diềm bia. Nét chạm khắc tinh xảo, được nghệ nhân chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Dù ở tư thế nào, con rồng cũng được thể hiện với phong cách riêng mang dấu ấn nghệ thuật của một giai đoạn hưng thịnh của chế độ phong kiến trung ương tập quyền phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Khi xem xét các mô-típ rồng trang trí trên các bia theo lịch đại từ khối bia có niên đại sớm, đến các bia có niên đại muộn, có thể nhận ra sự biến đổi dần dần của hình tượng rồng theo thời gian.

Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí thời Lê Sơ gắn với: xây dựng cung đình lầu gác của nhà vua và hoàng tộc, dinh thự quan lại ở trung ương và địa phương phục vụ vương triều. Các công trình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình vương triều tập trung ở hai khu vực là Đông Kinh (tức Hoàng thành Thăng Long) và Tây Kinh (Lam Kinh).

Tại Đông Kinh, nhà Lê tôn tạo và xây mới các cung điện đã bị đổ nát do chiến tranh, ngoài ra, còn xây một số đàn để tế trời đất ở phía Nam kinh thành.

* Đàn Nam Giao: để tế trời đất.
* Đàn Xã tắc: để cầu Thần Nông cho mùa màng được tốt tươi.
* Đàn Phong Vân: để cầu mưa.

Việc chọn đất, xây dựng cũng như cúng tế ở các đàn này đều phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt.

Tại đất Lam Sơn (Thanh Hóa), nhà Lê cho xây kinh đô thứ hai, gọi là Tây Kinh (tên thông dụng hơn là Lam Kinh.

Công trình này được xây ngay sau khi Lê Lợi mất (1418 – 1433). Cuối năm 1448, cho xây các cung điện. Năm 1456, sửa sang tòa chính điện gồm 3 điện: Quang Đức, Diên Khánh và Sùng Hiếu. Cung điện Lam Kinh nguy nga, bề thế, tọa lạc trên triền đồi thoai thoải, được cải tạo thành 3 lớp mặt bằng hình chữ nhật (315m x 256m).

Tại đây còn có khu Thái miếu và khu sơn lăng, là nơi thờ tự và an táng các vị vua băng hà. Sau những lần bị đốt cháy, Tây Kinh đã được tu bổ vào thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, nhưng rồi, cũng không tránh khỏi cảnh hoang tàn, đổ nát.

Chùa chiền trong thời Lê Sơ không được dựng mới nhiều, nhưng vẫn được trùng tu tôn tạo. Dấu tích mỹ thuật thời Lê Sơ còn lại trên các chùa rất ít ỏi, có nơi lưu giữ được bia (như chùa Kim Liên, Bối Khê), có nơi thì những thành phần kiến trúc tu sửa của thời kỳ sau đã thay thế hầu hết. Những di vật đáng giá về kiến trúc Phật giáo hiện còn là tháp đá Huệ Quang, vốn có từ thời Trần, được đại trùng tu thời Lê Sơ, bệ tượng bằng gỗ ở chùa Thầy…

Mỹ thuật thời Lê Sơ-Mạc còn được phản ánh thông qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí các công trình tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.

Dấu tích khu chính điện ở Lam Kinh (phía sau là các ngôi Thái miếu được phục dựng)

Thềm rồng tại khu chính điện

Đầu rồng

Đôi rồng đá tại khu nhà Thái miếu

Cá chép hóa rồng

Đôi voi ở cổng Lăng Lê Thái Tổ

Tượng người và thú bằng đá ở khuôn viên lăng Lê Thái Tổ

Tượng voi

Quan văn

Sư tử???

Tê giác???


Con rồng thời Lê

Điển hình nhất, có thể kể đến nghệ thuật trang trí trên bia Vĩnh Lăng.

Bản dập bia Vĩnh Lăng

Hình rồng chạm khắc trên bia Vĩnh Lăng

Trán bia khắc một hình vuông, trong hình vuông là một hình tròn, biểu trưng cho Trời và Đất. Giữa hình vuông và hình tròn khắc áng vân mây cách điệu tinh tế, chính giữa khắc một đầu rồng nhìn thẳng, thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình Mặt trời, biểu trưng của Thiên tử, là con của Trời và Đất, do sự giao hoà của Trời Đất mà sinh ra. Ở cánh cung hai bên của hình vuông và hình tròn, khắc đôi rồng vươn mình đối nhau chầu vào, cùng một phong cách. Trên nền, trang trí loáng thoáng hình áng mây; đường diềm hai bên của bia, tính từ đỉnh xuống đến đáy bia, mỗi bên khắc 9 hoa văn hình nửa lá đề. Trong mỗi nửa lá đề, khắc hình rồng uốn mình theo lá, đầu vươn lên trên nối tiếp nhau. Khoảng không nền nửa lá đề khắc hình hoa cúc dây với nghệ thuật tinh sảo. Phong cách chạm khắc hình lá đề biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật.

Nội dung văn bia do “Vinh Lộc đại phu Nhập nội Hành khiển Tri tam quán sự Nguyễn Trãi” phụng soạn.

Đây là tấm bia có kích thước lớn được tạo dựng vào buổi đầu của thời nhà Lê, được trang trí chuẩn mực, bố cục hợp lý. Chưa tính đến giá trị lịch sử, chỉ xét về giá trị nghệ thuật, bia Vĩnh Lăng đã xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, mở đầu mỹ thuật Lê Sơ.

Về mặt lịch sử, sự ra đời của vương triều Hậu Lê là sự khởi đầu của mỹ thuật Lê Sơ. Những công trình được xây dựng ở khu Lam Kinh cho thấy bước chuyển của nghệ thuật điêu khắc đá từ kỷ Đông A nhà Trần sang kỷ nhà Lê.

Dấu ấn của bước chuyển này được thể hiện trên nghệ thuật trang trí, đặc biệt là trên bia Vĩnh Lăng với những mô-típ rồng trong nửa lá đề vốn phổ biến trong thời Trần. Bước chuyển biến về phong cách này cho thấy sự kế thừa truyền thống.

Những tác phẩm điêu khắc đá ở Lam Kinh như một bảo tàng về nghệ thuật điêu khắc đá và khẳng định vai trò của nó: là một trung tâm tiêu biểu của mỹ thuật Lê Sơ trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

…………………………………………. (Theo TS. Phạm Văn Đấu)

 

Tác giả : PhanHong

Nguồn : http://vnkatonak.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.