Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên đoán: Đoài cung một sớm đổi thay. Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn” để mô tả cảnh rối loạn trong Trịnh phủ sau khi chúa Trịnh Sâm mất. Chấn cung là tên gọi khác của Đông cung (nơi ở của Trịnh Cán, con trai Trịnh Sâm), còn Đoài cung là nơi ở của Tuyên phi Đặng Thị Huệ.

Đặng Thị Huệ vốn là một thị nữ trong phủ chúa. Nhờ xinh đẹp, duyên dáng nên được chúa Trịnh Sâm yêu chiều. Vì thế, Thị Huệ càng ngày càng lộng hành, có chuyện gì không vừa ý thì kêu khóc khiến chúa Trịnh phải dùng nhiều cách dỗ dành để người đẹp vui lòng. Khi Thị Huệ sinh con trai (1777), chúa Trịnh Sâm rất vui mừng và lấy tên của mình lúc nhỏ, Cán, mà đặt cho con và sắc phong Thị Huệ làm Tuyên phi. Từ đó, quyền lực của Thị Huệ càng ngày càng gia tăng, và Tuyên phi đã cùng với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo lập mưu giành ngôi thế tử về cho con mình. Trước đó, Trịnh Sâm đã có con trai với Thái phi Dương Ngọc Hoan, Trịnh Tông. Tuy là con trai trưởng nhưng Trịnh Tông nhưng không được chúa thương yêu và không được phong là Đông cung thế tử. Khi chúa Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Tông ngầm đợi sau khi chúa mất sẽ bắt giam Tuyên phi và Trịnh Cán. Âm mưu bại lộ, Trịnh Tông bị phế xuống làm con út, đổi tên thành Trịnh Khải và bị giam trong nội phủ (1780).

Năm 1781, Trịnh Cán được lập làm thế tử. Khi chúa Trịnh Sâm tái phát bệnh, Tuyên phi cùng Hoàng Đình Bảo thảo tờ cố mệnh và sắc phong cho nàng chức Chính cung và quyền tham dự chính sự để chúa phê chuẩn. Vì Trịnh Sâm ốm quá nặng nên Trịnh Kiểu (con thứ năm của chúa Trịnh Cương) đã ghi tên thế tử Trịnh Cán vào tờ cố mệnh. Ngày 30 tháng 9 năm Nhâm dần (1782), chúa Trịnh Sâm mất. Trịnh Cán với tước hiệu Diện Đô vương lên kế nghiệp cha song quyền lực thực sự lại nằm trong tay Tuyên Phi họ Đặng. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng cầm quyền, Trịnh Khải đã lật ngược tình thế, phế truất Trịnh Cán để chiếm quyền. Trịnh Cán bị quản thúc tại phủ Lương quốc. Đặng Thị Huệ bị truất xuống hàng thứ nhân, sau uống thuốc độc chết.

Sinh thời, chúa Trịnh Sâm cho xây một cung điện riêng cho Tuyên phi họ Đặng. Sử sách chép rằng xe kiệu quần áo của Thị Huệ đều được sắm sửa như đồ dùng của chúa. Chúa cho đặt làm tại Trung Quốc những món đồ sứ cao cấp để dùng trong cung điện của Tuyên phi. Trong dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh thì những món đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị trung là đồ dùng trong phủ chúa; đồ Nội phủ thị đông dùng trong Đông cung của thế tử; đồ Nội phủ thị hữu dùng trong cung của chánh phi. Chữ hữu dùng thay cho chữ Tây theo truyền thống “Đông vi tả, Tây vi hữu” và theo quan niệm “nam tả, nữ hữu”. Dưới thời Trịnh Sâm, đồ sứ Nội phủ thị hữu là đồ dùng trong cung của chánh phi Hoàng Thị Ngọc Phương. Vì thế, những món đồ sứ chúa đặt làm riêng Tuyên phi họ Đặng có hiệu đề là Nội phủ thị đoài để phân biệt với đồ sứ Nội phủ thị hữu dùng trong Hữu cung của chánh phi. Đoài là quẻ cuối của Bát quái và thuộc về hướng Tây.

Hiệu đề Nội phủ thị đoài

Một trong những đặc điểm tiêu biểu của dòng đồ sứ Nội phủ thị đoài là hiệu đề không được viết bằng màu lam dưới lớp men phủ như các hiệu đề Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đông…. Thay vào đó, các chữ Nội phủ thị đoài được chạm nổi bằng kaolin trên nền đất trắng (ảnh 1). Kỹ thuật chế tạo hiệu đề này hoàn toàn khác với các kiểu viết hiệu đề phổ biến trong các dòng đồ sứ do các vương triều Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa. Kỹ thuật dùng kaolin để tạo hoa văn trên nền trắng được người Trung Hoa gọi là “ám họa”, xuất hiện vào cuối thời Khang Hi (1662 – 1722). Chúa Trịnh Sâm lựa chọn kỹ thuật này thể hiện hiệu đề Nội phủ thị đoài nhằm chứng tỏ tuy đây là đồ sứ do Trịnh phủ đặt làm nhưng không phải là đồ sứ ký kiểu chính thức.

Nghiên cứu các hình vẽ trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị đoài, có thể nhận thấy dòng đồ sứ này có hai motif trang trí khác nhau:

Ống phóng Nội phủ thị đoài đời chúa Trịnh Sâm. Nguyên sưu tập Cổ Trung Ngươn.

– Motif thứ nhất vẽ đôi chim phượng bay trên một khu vườn trồng cúc, lan, thông, liễu và núi đá. Trên đồ sứ Nội phủ thị hữu (dành cho vương phi, chánh phi), chim phượng luôn kết đôi với rồng (long phụng trình tường). Để phân biệt với motif trang trí của đồ sứ Nội phủ thị hữu, trên đồ sứ Nội phủ thị đoài, chim phượng được vẽ cả đôi (phượng – hoàng) tỏ ý đây là đồ sứ dành cho ái phi. Trang trí này biểu đạt việc tôn vinh một tình yêu lâu bền (cây thông), vĩnh cửu (hòn đá) và hòa hợp (đôi chim phượng) giữa một người đàn ông (Trịnh Sâm) hoàn hảo và thanh liêm (trúc, lan) với một người đàn bà (Đặng Thị Huệ) đáng yêu và kín đáo (liễu rũ, cúc). Đồ án trang trí này xuất hiện trên các món đồ như: ống cắm bút1 (sưu tập Vương Hồng Sển trước đây), ống phóng2 (sưu tập Cổ Trung Ngươn trước đây, ảnh 2) hay trên chiếc ấm trà3 (sưu tập Phạm Hy Tùng ở TP Hồ Chí Minh).

– Motif thứ nhì vẽ phong cảnh hồ nước với sự hiện diện của cây liễu ở ven hồ và đôi khi có hình nhân vật đi kèm, trên món đồ có kích thước khác nhau:

 

Đĩa Nội phủ thị đoài đời chúa Trịnh Sâm. Nguyên sưu tập Vương Hồng Sển 

+ Một chiếc dĩa4, trước đây thuộc sưu tập của Vương Hồng Sển, vẽ phong cảnh gồm một thủy đình thật giản lược ẩn dưới bóng một cây liễu (ảnh 3). Để nhấn mạnh tính biểu tượng của phong cảnh, cây liễu được thể hiện như chủ đề duy nhất đóng vai trò chủ yếu. Cây liễu, với tính cách mềm dẻo và nét đẹp, tượng trưng cho người phụ nữ trẻ và yêu quý, hiền hậu và khiêm tốn. Người Trung Hoa gọi cây này là feng liu, “cây tình yêu”.

Mặt ngoài dĩa vẽ cảnh khu vườn với những hòn đá, một cây liễu, một lầu gác, hai con chim trĩ đậu trên một lan can và đang nhìn nhau. Thỉnh thoảng, chim trĩ được dùng thay cho chim phượng. Loài chim này tượng trưng cho một người có nhan sắc và quyền lực. Sách Hoàng lê nhất thống chí chép rằng Tuyên phi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm cho tham gia triều chính và chúa thường xuyên tham vấn nàng về chính sự. Vì thế, trang trí trên chiếc dĩa này hàm ý tôn vinh sắc đẹp và quyền lực của Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm.

Đĩa Nội phủ thị đoài đời chúa Trịnh Sâm. Bảo tàng Mỹ thuật Boston.

– Một chiếc dĩa khác5, hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Boston (ảnh 4), vẽ cảnh hai người đứng cạnh một hiên nhà ở bên hồ nước, dưới bóng một cây liễu. Hình ảnh ngôi nhà với bộ mái được thể hiện bằng những dải màu xanh đậm nhạt xen kẽ và nền nhà lát gạch hình thoi lấy ý từ tranh khắc dân gian Trung Quốc, cụ thể là từ bức tranh Tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín (ảnh 5), hoặc từ các đồ án trang trí trên đồ sứ đời Thuận Trị (1644 – 1662) và đời Khang Hi (1662 – 1722). Hình vẽ nhân vật diễn tả một thị nữ đang chơi đàn, còn Tuyên phi thì ngồi trên hòn đá, ngắm cảnh và chỉ về hướng hai con uyên ương đang bơi lội dưới hồ. Uyên ương là biểu tượng của hạnh phúc và thủy chung, vì theo truyền thuyết loài chim này suốt đời gắn bó bên nhau và sẽ chết nếu bị chia rẽ. Để nhấn mạnh tính biểu tượng thông qua hình ảnh uyên ương, họa sĩ đã phóng đại các ngón tay đang chỉ đôi uyên ương của Tuyên phi.

Tranh khắc dân gian “Tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín”, Trung Quốc, đời Khang Hi.

Mặt ngoài chiếc dĩa này vẽ đôi chim trĩ đậu trên hòn đá, giữa các khóm cúc, lan và cây lựu đang cho quả. Quả lựu có nhiều hạt tượng trưng cho khả năng sinh sản (lựu khai bách tử: lựu nở trăm con). Trang trí trên chiếc dĩa này không chỉ miêu tả phong cảnh trong Đoài cung mà còn là một lời chúc cho chủ nhân Đoài cung thông qua các hình vẽ ngụ ý: có sắc đẹp và quyền hành (chim trĩ), được hưởng niềm hạnh phúc (đôi uyên ương), vững bền (hòn đá) và có nhiều con (trái lựu).

Dĩa Nội phủ thị đoài đời chúa Trịnh Sâm. Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương (Vasava, Ba Lan)

– Trong một lần viếng thăm Vasava (Ba Lan), tôi phát hiện trong kho của Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương một chiếc dĩa Nội phủ thị đoài khác6 (ảnh 6a) có đồ án trang trí tôi chưa hề gặp. Dĩa này do ông Tadeusz Findzinski, nguyên đại sứ Ba Lan tại Hà Nội từ năm 1962 đến năm 1965, mua tặng cho bảo tàng này cùng với hai trăm cổ vật khác. So với hai dĩa Nội phủ thị đoài nói trên thì dĩa này lớn hơn, đường kính miệng 18,5 cm, nhưng có chung một motif trang trí: phong cảnh lầu tạ – nhân vật nữ – cây liễu.

Lòng dĩa vẽ phong cảnh hồ nước, ven hồ có một ngôi nhà nhỏ ở đằng trước vách núi, một cây liễu, một lan can và một người phụ nữ. Núi đá trong đồ án này nằm ở bên phải, không tuân theo các qui luật phối cảnh, mà vẽ vươn lên cao theo kiểu vẽ núi rất thịnh hành vào giai đoạn “mạt Minh – sơ Thanh”. Kiểu vẽ này cũng thường được sao chép trên những đồ sứ Nhật Bản vào thế kỷ XVII – XVIII. Người phụ nữ trong đồ án này, hàm ý Tuyên phi họ Đặng, đứng trước lan can, tay phải chỉ về hồ nước, và họa sĩ cũng vẽ phóng đại các ngón tay để nhấn mạnh ý nghĩa của bức tranh.

Mặt đáy dĩa Nội phủ thị đoài đời chúa Trịnh Sâm. Hiệ Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương (Vasava, Ba Lan)

Mặt ngoài dĩa cũng vẽ phong cảnh thủy sơn (ảnh 6b): một ông quan cỡi ngựa đi trước, một tiểu đồng gánh đồ theo hầu phía sau. Trên hồ có một người chèo thuyền. Motif này hoàn toàn khác với hai motif vừa nêu: không chim trĩ, không cây liễu và hình như không có một biểu tượng nào liên hệ với Tuyên phi họ Đặng. Theo tôi, phong cảnh này mô tả cảnh Tết Trung thu mà chúa Trịnh Sâm tổ chức hàng năm tại cung Thủy Liên bên bờ Tây Hồ cho Tuyên phi vui chơi. Những ngày Tết Trung thu này đã được mô tả trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án: “Mỗi năm đến Tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm hàng nghìn đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày, chúa ngự giá ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng đá làm núi. Chỗ cao chỗ thấp, dàn dặt có hình có thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn. Trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo đàn bà, bầy hàng ở địa phương bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả chả rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mưa bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá cả bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chơi với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài. Nửa đem, chúa ngự kiệu đến ao xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vi vút và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lang lảnh, khiến người tưởng như lên chơi cung Quảng-hàn mà nghe khúc nhạc Quân-thiên. Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về”.7

Motif này vốn được trang trí ở mặt ngoài dĩa Nội phủ thị bắc8: hai quan cưỡi ngựa và hai tiểu đồng đi sau sửa soạn qua cầu để đi dạo; trên sông có một ông chài ngồi trên thuyền, với hai câu thơ mô tả cảnh này: Giang sơn trình tú lệ. Hương thấn mã đề khinh (Gấm vóc non sông trưng vẻ đẹp. Áo thơm, vó ngựa nhẹ đường bay). Nhưng khác với đồ sứ Nội phủ thị đoài, hình vẽ trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị bắc không hàm ý miêu tả cảnh Trịnh phủ mà chỉ là hình minh họa cho nội dung bài thơ.

Dĩa Nội phủ thị đoài tân tạo vẽ hình ông quan ngồi, tay cầm cái mũ.

Dĩa Nội phủ thị đoài tân tạo vẽ hình hai phụ nữ.

Ngoài ra, tôi cũng bắt gặp ba chiếc dĩa Nội phủ thị đoài khác, cũng vẽ phong cảnh sơn thủy – nhân vật, với các hình vẽ: một ông quan ngồi trên hòn đá, tay cố giữ chiếc mũ đang bị gió thổi bay, phía sau là hình em bé thả diều (ảnh 7); hai người phụ nữ đang ngắm cây liễu (ảnh 8); và hình hai cây liễu, một ông quan ngồi ngắm sen, một người chèo thuyền và một thiếu niên ở giữa sân (ảnh 9). Song đây là những món đồ tân tạo vì cách vẽ, màu men, hoa văn đều khác với các motif trang trí trên đồ Nội phủ thị đoài nêu trên.

Dĩa Nội phủ thị đoài tân tạo vẽ phong cảnh thủy sen.

Cả ba motif này tuy khác nhau về trang trí trong lòng dĩa nhưng trang trí ở mặt ngoài các dĩa lại giống nhau. Điều này chưa bao giờ có trên đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh. Đặc biệt, trên chiếc dĩa vẽ hình ông quan ngồi giữ cái mũ (ảnh 7) và chiếc dĩa vẽ hai phụ nữ ngắm liễu (ảnh 8) có cảnh vách núi và cây liễu vẽ ở bên phải rất giống nhau; trang phục và kiểu tóc của hai người phụ nữ vẽ theo kiểu Trung Quốc, khác với kiểu vẽ phụ nữ trên đồ Nội phủ thị đoài, còn lối vẽ người đàn ông thì rất giản lược, khác với lối vẽ người trên đồ sứ thời Lê – Trịnh. Những đặc điểm trên chứng tỏ các món đồ này không phải là đồ sứ Nội phủ thị đoài đích thực.

Dĩa Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Sâm. Sưu tập Loan de Fontbrune (Paris)

Trong những món đồ Nội phủ thị trung của thời Trịnh Sâm, có một chiếc dĩa có hình trang trí gần gũi với các motif trang trí trên đồ Nội phủ thị đoài. Đó là chiếc dĩa trong sưu tập của Loan de Fontbrune9 ở Pháp (ảnh 9), song thủ pháp trang trí trên dĩa này tỉ mỉ và tinh tế hơn; hình vẽ được thực hiện cẩn trọng, với những đường viền kép. Trang trí này miêu tả một phụ nữ ngồi sau chiếc bàn có hai cung nữ phục vụ, trong một khu vườn có lan can, núi đá và cây liễu tô điểm. Trên bàn có cây ngọc như ý và một cành đào, ngụ ý “thượng thọ như ý”, vì quả đào là thức ăn của các vị tiên, còn cây ngọc như ý là lối kiểu ngụ ý bởi các từ đồng âm. Lời chúc này còn được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của hòn non bộ, biểu tượng của tính vững chắc, thường trực và yên ổn. Thái độ của hai cung nữ đầy sự khiêm tốn và tôn kính. Vẻ thanh nhã của dây thắt lung dài và lượn sóng, lặp lại sự mềm dẻo của cành liễu, khiến cho motif trang trí này trở nên tinh tế, ý nhị và mang tính nữ. Theo đó, tôi cho rằng hình trang trí trên chiếc dĩa này là chúc “thượng thọ như ý” dành cho Tuyên phi họ Đặng.

Trên các dĩa Nội phủ thị đoài và dĩa Nội phủ thị trung nêu trên, lần đầu tiên hình tượng của một nhân vật đời chúa Trịnh Sâm – Tuyên phi Đặng Thi Huệ – đã được họa sĩ thể hiện, với những hàm ý khá rõ. Vả lại, những cảnh vật được miêu tả trên các món đồ này không phải là những phong cảnh tưởng tượng mà là một phong cảnh có thực trong Trịnh phủ, nơi từng được Lê Hữu Trác miêu tả với sự cảm phục: “Tôi nhờ một người lính dẫn lối cho tôi sang bên cửa hữu phủ đường, đi loanh quanh chừng độ một quãng, chỗ nào cũng thấy lâu đài, cung cấm, rèm châu, cột ngọc lộng lẫy nguy nga. Hai bên đường cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở, gió xuân hây hẩy, sực nức mùi hương. Nào là chim muông bay nhảy, tiếng hót véo von, lại có núi non bộ cao chót vót, cây cổ thụ um tùm, cầu bắc qua hồ, nước trong leo lẻo, tường xây quanh đất, đá sắc đỏ xanh. Tôi vừa đi vừa xem, cảnh trí tuyệt vời, có lẽ chẳng kém gì Bông-lai tiên cảnh vậy”.10

Phía sau Trịnh phủ có những vườn cây sum suê, trang trí chú trọng với các “lan can bằng cẩm thạch”; những hòn non bộ được chăm chút tinh xảo; những cây cối mà hương hoa thơm ngát không gian; những loại chim quý tiếng hót thánh thót; những hồ nước nơi các cặp uyên ương bơi lội giữa những đóa sen trắng và hồng. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ phản ánh: “Bao nhiêu những loại trân cầm di thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn nhân gian, Chúa (Trịnh Sâm) đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non bộ trông giống như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm than cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót vang khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết bất tường. Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính tới lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem dấu vật cung phụng để dọa lấy tiền”.11

Như vậy, chúa Trịnh Sâm cho vẽ trên đồ Nội phủ thị đoài hình ảnh của Tuyên phi để lưu niệm tình yêu của mình. Mặt khác, chúa lại chọn miêu tả ái phi trong cảnh khuôn viên Trịnh phủ vừa để nhấn mạnh sắc đẹp và sự duyên dáng của nàng (qua hình tượng cây liễu) vừa biểu dương vẻ đẹp thiên đường của hoa viên trong phủ chúa.

Tác giả: Phillippe Trường

Chú thích 

1 Ống cắm bút hiệu đề Nội phủ thị đoài. Cao 15 cm. Sưu tập Vương Hồng Sển (TP Hồ Chí Minh) trước đây. Số ký hiệu: 65-VHS.

2 Ống phóng Nội phủ thị đoài. Cao 15 cm. Sưu tập Cổ Trung Ngươn (TP Hồ Chí Minh) trước đây. Đấu giá tại Drouot, Paris, Etude Couturier-Nicolay, ngày 27/11/1990. Số 14.

3 Ấm Nội phủ thị đoài. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TP Hồ Chí Minh). In trong: Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, 2006, các ảnh: 19a, 19b, 19c. Tác giả cho biết nắp và quai ấm bằng vàng đã được làm thêm sau này. Điều đáng chú ý là dưới chiếc vòi có hình vẽ một chiếc lá có nhiều khía. Tranh vẽ kiểu lá này được người châu Âu xếp vào dòng tranh Trung Quốc thế kỷ XVIII. Có một ấm tương tự nhưng không có quai đang thuộc sở hữu của một nhà sưu tập ở Mỹ.

4 Dĩa Nội phủ thị đoài. Đường kính miệng 8 cm. Trước đây thuộc sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu: 548-VHS. In trong: Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993, ảnh 22A/B.

5 Dĩa Nội phủ thị đoài. Đường kính miệng 14,50 cm. Bảo tàng Mỹ thuật Boston (Mỹ). In trong: Philippe Truong, The Elephant and the Lotus Vietnamese Ceramics in the Museum of Fine Arts, Boston, 2007, ảnh số 197.Có một món đồ tương tự thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Đường kính miệng 14,5 cm. Số ký hiệu: BTLS 14. In trong:Gốm sứ Việt Nam trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 1999, ảnh 144. 

6 Dĩa Nội phủ thị đoài. Đường kính miệng 18,50 cm. Bảo tàng Châu Á và Thái Bình Dương, Vasava, Ba Lan.

7 Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, Hà Nội, 1943, tr. 19-20.

8 Dĩa Nội phủ thị bắc. Sưu tập Phạm Hy Tùng, TP Hồ Chí Minh. Đăng trong Phạm Hy Tùng. In trong: Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, 2006, ảnh 18. Có một món đồ tương tự thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Đường kính miệng 14,5 cm. Số ký hiệu: BTLS 101. Hiện vật này trước đây thuộc sưu tập Vương Hồng Sển, Số ký hiệu: 229-VHS. Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1993, ảnh 23A-B. Trong lòng dĩa này vẽ phong cảnh hồ nước với thủy tạ và cây liễu. Bên trong thủy tạ có hai người ngồi câu cá. Theo Phạm Hy Tùng, trang trí này mô tả cảnh Tết Trung thu do Trịnh Sâm tổ chức hàng năm tại cung Thủy Liên bên bờ Tây Hồ. (Xem: Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Sđd). Cảnh này xảy ra vào đêm rằm tháng Tám, vậy tại sao vẽ mặt trời mà không vẽ mặt trăng như dĩa Nội phủ thị đông? Theo tôi, hình vẽ này không phản ánh cảnh Tết Trung thu trong cung Thủy Liên đời Trịnh Sâm mà chỉ là hình minh họa cho mấy câu thơ: “Lệ nhật kim ba được cầm lân. Noãn phong xuy lãng sạ phù trầm…” đề trên lòng dĩa.

9 Dĩa Nội phủ thị trung. Đường kính miệng 16 cm. Sưu tập Loan de Fontbrune,Paris. In trong: Fontbrune, Les bleus de Hué, Le Viet Nam de Royaumes, Cercle d’Art, Paris, p. 40. 

10 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự (bản dịch của Thiên Lý Nguyễn Di Luân), 1945, tr. 75.

11 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến), Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh,1998, tr. 21-22.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.