Đó là những con rồng trên những món đồ sứ ký kiểu, do các triều Lê – Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn và Nguyễn ở Việt Nam đặt làm tại các lò đồ sứ của Trung Hoa, trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.

Tuy được làm tại Trung Hoa, nhưng các món đồ sứ ký kiểu này lại có hiệu đề mang niên hiệu của các vị vua Việt Nam như: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Khải Ðịnh…, được trang trí các danh lam thắng cảnh ở nước ta như cửa biển Tư Dung, núi Hải Vân, núi Thúy Vân, chùa Thiên Mụ, chùa Tam Thai…, đề thơ chữ Nôm hoặc thơ của các tác giả Việt Nam như Đào Duy Từ, Trần Nguyên Đán… Cách thức tạo tác dòng đồ này rất độc đáo: người Việt thiết kế mẫu mã, hoa văn, viết hiệu đề, thơ phú… trên giấy, rồi gửi cho các sứ thần mang sang Trung Hoa đặt hàng. Thợ làm gốm sứ Trung Hoa dựa vào các bản “thiết kế” này để làm ra các món đồ sứ ký kiểu. Vì thế, có thể nói, đồ sứ ký kiểu là… “con lai”, có “cha Việt, mẹ Hoa”.

Vì là “con lai”, nên những đồ án trang trí trên đồ sứ không “thuần Việt”, cũng chẳng “thuần Hoa”, nhất là những đồ án rồng. Rồng là đề tài trang trí rất phong phú trên đồ sứ ký kiểu, với các đồ án: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội… Những họa tiết rồng này đã được các họa sĩ người Việt, như các họa sĩ trong Họa tượng cục thời Nguyễn, thể hiện trên giấy. Thợ vẽ người Hoa nhìn vào hình mẫu rồi tái hiện trên đồ sứ. Từ đó mới sinh ra “những con rồng lai”, nghĩa là những con rồng “nửa Việt, nửa Hoa”. Và đây là điều thú vị khi thưởng ngoạn những con rồng trên đồ sứ ký kiểu.

1

Rồng trên đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh.

 

2

 Rồng trên đồ sứ Nội phủ thị hữu, thời Lê – Trịnh.

3

Đồ án long thọ trên đồ sứ Nội phủ thị trung, thời Lê – Trịnh.

 

4

Đồ án long lân khánh thọ trên đồ sứ Khánh xuân thị tả, thời Lê – Trịnh.

 

Chẳng hạn, con rồng trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn vẫn có đủ các đặc trưng của con rồng trong mỹ thuật Huế như: sừng nai, mắt trâu, đầu lạc đà, cổ rắn, bụng và chân cá sấu, tai bò, mũi sư tử, móng chim ưng, vảy cá chép. Ðặc biệt, đuôi con rồng trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn thì đuôi xòe rộng, mềm mại và xoắn theo kiểu đuôi râu cá trê, trong khi đuôi con rồng trên đồ sứ Trung Hoa thời Thanh cùng thời thì ngắn, không xoắn mà tua tủa gai nhọn. Chân con rồng trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn thường giấu trong các đám mây, trong khi chân con rồng trên đồ sứ Trung Hoa luôn thể hiện rõ ràng và hoàn chỉnh. Vảy của con rồng trên đồ sứ ký kiểu là vảy kép, còn vảy con rồng trên đồ sứ Trung Hoa lại là vảy đơn. Vây lưng con rồng trên đồ sứ ký kiểu rất mềm mại, cao thấp xen kẻ, còn vây lưng con rồng trên đồ sứ Trung Hoa thì muôn cái như một, như một dãy tam giác đều trên lưng con rồng…

Tuy nhiên, do con rồng trên đồ sứ ký kiểu được hình thành trực tiếp từ bàn tay của người thợ Trung Hoa, nên trong một chừng mực nhất định, con rồng trên đồ sứ ký kiểu vẫn mang những yếu tố Trung Hoa. Bởi lẽ làm sao có thể gột sạch thói quen trong đầu người thợ Tàu khi họ đưa bút vẽ rồng trên những món đồ do người Việt Nam đặt hàng. Có thể nhận thấy điều này khi so sánh các họa tiết rồng trên đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh với đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, hay khi so sánh đồ sứ ký kiểu giữa các đời vua Nguyễn với nhau. Càng về sau thì cái chất Hoa càng nhạt dần và chất Việt càng đậm hơn.

5

Đồ án viên long trên đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

6

Đồ án long hàm thọ trên đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

7

Đồ án lưỡng long triều nhật trên đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

8

Đồ án lưỡng long triều nhật trên đồ sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

Trong các vị vua Việt Nam ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa, vua Thiệu Trị là người đặt làm nhiều món đồ vẽ rồng nhất và đồ án rồng được ông vua này ưa chuộng là đồ án viên long (rồng cuộn tròn). Kiểu thức viên long đã xuất hiện trên gốm sứ Trung Hoa từ thời Tống (960 -1279). Ðó là kiểu trang trí làm nổi bật mặt rồng, còn các chi tiết khác như thân, chân, đuôi hay mây chỉ là những phần phụ họa, được thể hiện như phần khung để giới hạn không gian họa tiết. Đến triều Thiệu Trị, kiểu thức viên long được tiếp nối bởi “phong cách Việt”, biến thành kiểu thức rồng mặt nạ, tương tự như các đồ án “rồng ngang” thường thấy trên các cung điện, lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế. Và có lẽ đây là kiểu thức điển hình nhất của “những con rồng lai” trên đồ sứ ký kiểu.

9

Đồ án viên long trên đồ sứ ký kiểu đời Thiệu Trị.

 

Tác giả : TS. Trần Đức Anh Sơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.