Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Sa Huỳnh là 2 nền văn hóa chủ đạo đã từng tồn tại trong quá khứ trên mảnh đất Việt Nam. Khu vực địa lý trải dài trên nhiều vĩ độ nhưng có tính thống nhất của khí hậu nhiệt đới, gió mùa, sự gắn bó, giao thoa của các yếu tố tự nhiên, xã hội, nhân chủng… đã tạo ra nhiều nét tương đồng và dị biệt của hai nền văn hóa đó. Chính sự hợp lưu của hai dòng chảy văn hóa đó đã tạo nên những tiền đề cơ bản của văn hóa và văn minh Việt Nam. Tuy nhiên, hai nền văn hóa đó cũng có nhiều sự khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam. Bài viết này muốn góp phần làm rõ những khác biệt đó…,

Là hai nền văn hóa quá khứ của người Việt Nam nhưng là hai nền văn hóa vô cùng đặc sắc, phong phú và có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thịnh suy của văn minh Việt Nam hôm nay. Đó chính là nền văn hóa Đông Sơn và nền văn hóa Sa Huỳnh. Trải cùng lịch sử, vượt qua thời gian và những biến thiên dữ dội, hai nền văn hóa đã từng tỏa sáng ở những thời điểm khác nhau trong quá khứ; để lại những dấu ấn của một thời đã qua không bao giờ trở lại. Những gì mà hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh để lại đến nay là tài sản vô giá của tiền nhân. Vì vậy, việc nghiên cứu những giá trị đặc sắc của của hai nền văn hóa này luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó còn nguyên giá trị cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai…

Sau đây là cacs phương diện khác nhau của sự tương đồng và dị biệt.

1. Về địa bàn cư trú

Tuy hiện nay, địa bàn cư trú của hai nền văn hóa cổ này có chung một lãnh thổ thống nhất nhưng trong quá khứ chúng vốn thuộc địa bàn của những quốc gia khác nhau đã từng tồn tại trong lịch sử. Nếu địa bàn cư trú của văn hóa Đông Sơn tồn tại trong lưu vực của dòng sông Hồng – dòng sông Mẹ đã sản sinh ra văn minh sông Hồng, văn minh của người Việt cổ thì nền văn hóa Sa Huỳnh tồn tại dọc theo dải đất miền Trung Việt Nam hiện nay. Những chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh bám theo sườn, tựa mình vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, vươn mình ra đương đầu, chống chọi với sóng gió Biển Đông qua suốt chiều dài của lịch sử. Do vậy, không phải ngẫu nhiên người ta gọi văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa của những con người lấn biển: “tựa/dựa núi – men/ven sông – vươn ra biển”. Nếu địa bàn văn hóa Đông Sơn chủ yếu tồn tại trong khu vực trung du và đồng bằng trong phạm vi lưu vực của các con sông lớn ở Bắc Bộ như sông Hồng, sông Mã, sông Cả… thì văn hóa Sa Huỳnh tồn tại trên địa bàn ven biển miền Trung trong lưu vực của các con sông miền Trung ngắn và dốc với những bãi cát trắng dài ven biển như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc… Sa Huỳnh là tên gọi một địa danh ở khu vực tỉnh Quảng Ngãi, nơi có bờ biển đẹp với những dải cát vàng, do vậy mà có tên là Sa Huỳnh. Văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện ra vào năm 1909 phân bố chủ yếu ở vùng ven biển miền Trung trên các cồn cát, ven các bàu nước… do vậy người ta còn gọi văn hoá Sa Huỳnh là “văn hoá cồn – bàu”. Trên địa bàn này đã từng tồn tại hai bộ lạc sinh sống: bộ lạc Cau và bộ lạc Dừa. Bộ lạc Cau (chữ Phạn là Kramuka vams’a) cư trú ở phía Nam trên vùng Phú Yên, Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Bộ lạc Dừa (chữ Phạn là Narikela vams’a) cư trú ở phía Bắc trên vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay. Đây là địa bàn của cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh, những tiền chủ nhân của quốc gia: Lâm Ấp – Chăm Pa – Chiêm Thành, đã từng tồn tại dọc dải đất miền Trung Việt Nam trong rất nhiều thế kỷ.

Tuy đều nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thời tiết khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nhưng nền văn hóa Đông Sơn nằm trong khu vực thời tiết khí hậu miền Bắc mang đặc trưng 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, chịu ảnh hưởng của khí hậu tiền lục địa khá rõ nét trong khi đó nền văn hóa Sa Huỳnh lại chủ yếu có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa, chịu sự tác động và ảnh hưởng của khí hậu biển mạnh mẽ. Nếu văn hóa Đông Sơn nằm trong khu vực chịu sự ảnh hưởng của thuỷ văn sông nước ngọt chảy trong nội địa là chính thì thuỷ văn của khu vực văn hóa Sa Huỳnh ngoài các con sông nội địa ngắn, dốc còn chịu sự tác động to lớn của biển cả ở phía trước và núi đồi, cao nguyên của dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía sau.

Tóm lại, dưới góc độ địa bàn cư trú nếu có thể nói văn hóa Đông Sơn là “văn hóa đồng bằng”, “văn hóa tiền lục địa” thì văn hóa Sa Huỳnh là “văn hóa duyên hải”, “văn hóa tiền biển cả” hay “văn hóa tiền cảng thị”. Chính những điều này sẽ tạo nên những sắc thái riêng biệt trong đặc trưng của hai nền văn hóa rực rỡ này.

2. Về thời gian tồn tại

Nhìn chung, cả hai nền văn hóa này có thời gian tồn tại gần như thống nhất, trong cùng một thời điểm của lịch sử. Thời gian tồn tại của chúng kéo dài trong khoảng nửa sau của thiên nhiên kỷ thứ nhất trước công nguyên, vượt qua công nguyên và kéo dài khoảng vài ba thế kỷ sau đó rồi lụi tàn, nhường chỗ cho những thể chế chính trị  – xã hội khác nhau ra đời và phát triển. Niên đại của văn hóa Sa Huỳnh tồn tại trong khoảng thế kỷ V TCN đến thế kỷ I SCN, cách ngày nay từ 2500 năm tới 2000 năm. Những di chỉ của văn hoá Đông Sơn [tên một địa điểm bên bờ sông Mã (Thanh Hoá) được người Pháp phát hiện năm 1924] có niên đại từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ I SCN [2700 năm đến hơn 1900 năm về trước]. Văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, đặc biệt thời kỳ này kỹ thuật đúc đồng thau đã phát triển đạt trình độ đỉnh cao mà hiện vật tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn. Chủ nhân của văn hóa Đông Sơn là nhóm cư dân Việt cổ nhưng đã phát triển ở trình độ tương đối cao: trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân ở giai đoạn này đã kết hợp việc trồng lúa nước với săn bắn, đánh cá, và bắt đầu phát triển chăn nuôi….

Những di vật tìm được trong các di chỉ đã cho thấy cả hai nền văn hóa đều tồn tại trong một khoảng thời gian, cùng toả sáng ở hai khu vực trong một mối liên hệ thống nhất, tương hỗ ở một mức độ nào đó. Cùng thời điểm, cư dân của hai nền văn hóa hầu như đã đạt được trình độ phát triển một cách tương đồng mặc dù có mang những sắc thái văn hóa khác nhau.

3. Về những dấu tích văn hóa

Dấu tích văn hóa còn để lại giúp cho chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu tiền nhân rõ nét hơn. Những dấu tích đó chính là sự thật khách quan của lịch sử, phản ánh và lưu giữ quá khứ lịch sử, cho phép các thế hệ sau hiểu đúng hơn, đầy đủ hơn về cha ông của mình. Cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Đó chính là tiền đề không thể thiếu để ra đời các quốc gia phong kiến hùng mạnh như Đại Việt, Chiêm Thành sau này. Tồn tại kéo dài trong nhiều thế kỷ, đạt được những thành tựu khác nhau để rồi bước vào giai đoạn suy tàn như một tất yếu khách quan của lịch sử phát triển, cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh cũng không nằm ngoài qui luật vận động, biến đổi chung.

Dấu tích văn hóa của cả hai nền văn hóa này để lại hầu hết được tìm thấy từ trong lòng đất, trong các tầng văn hóa. Đặc trưng nổi bật chính là những ngôi mộ cổ, với văn hoá Đông Sơn là mộ thuyền, với văn hoá Sa Huỳnh là mộ chum. Dưới đây là những đặc trưng nổi bật về hai loại hình mộ cơ bản của hai nền văn hóa này.

3.1. Di chỉ mộ thuyền của văn hoá Đông Sơn

Đây là những di chỉ mà ở đó có các mộ được làm từ các thân cây gỗ lớn đục đẽo thành hình thuyền, do vậy mà chúng mang tên gọi “mộ thuyền”. Điều này cùng với những hình ảnh khắc trên trống đồng Đông Sơn và những di vật khác của văn hóa Đông Sơn phát hiện ở nhiều nơi trong đồng bằng Bắc bộ càng khẳng định ở giai đoạn văn hóa Đông Sơn, người Việt Cổ đã khai phá mạnh mẽ vùng đồng bằng, đầm lầy, phát triển giao thông thủy khá mạnh mẽ. Những di chỉ này đã được phát hiện ở Việt Nam có niên đại từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ I SCN [2700 năm đến hơn 1900 năm về trước].

Loại di chỉ này thường được phát hiện ở những vùng đất phù sa, đầm lầy, có nền đất không cứng. Mộ là một hay nhiều cây gỗ lớn được khoét lòng, đặt thi hài vào trong rồi chôn xuống đất. Mộ thường được chôn ở độ sâu so với mặt đất hiện nay từ 0,5m đến 1,5m. Trong lòng mộ có đồ tuỳ táng: công cụ sản xuất, vũ khí, bằng các chất liệu như gốm, kim loại, gỗ…, chủ yếu là hiện vật bằng đồng nên có thể gọi văn hóa Đông Sơn là văn hóa đồ đồng. Ngoài ra trong mộ còn có xương, răng, tro than, di cốt của người nguyên thủy, đồ trang sức bằng chất liệu thuỷ tinh, đồng, rất ít trang sức bằng vàng bạc, đá quí…, đặc biệt đã thấy xuất hiện đồ sơn màu nâu, đen, đỏ… Hình thức mộ thuyền chủ yếu là đơn táng, song táng (mẹ + con). Bên cạnh công cụ sản xuất và sinh hoạt còn có các vũ khí chiến đấu hoặc các đồ “minh khí” với nhiều loại hình khác nhau được chế tác bằng đồng phản ánh đời sống tín ngưỡng- tinh thần đã khá phát triển của cư dân ở giai đoạn này. Ngoài ra nó cũng phản ánh trình độ luyện kim của cư dân Đông Sơn khá cao. Một trong những di chỉ mộ thuyền khá nổi tiếng là mộ thuyền Châu Can (thuộc thôn Nội, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ). Mộ được phát hiện từ năm 1974, nằm ở độ sâu 1,60m đến 2,20m. Trong khu mộ có tới 8 quan tài hình thuyền là các nửa thân cây gỗ khoét rỗng ghép lại đặt quay hướng Nam chếch Đông. Đây là những quan tài khá lớn có đường kính lên tới 0,5m, dài tới 2,32m. Trong quan tài có chứa nhiều hiện vật thu được như rìu, mũi giáo, mũi lao, khuyên tai, nồi gốm, ngoài ra còn nhiều hiện vật đồ gỗ, tre nứa và vải liệm. Chủ nhân của ngôi mộ là người Việt cổ, mộ có niên đại khoảng thế kỷ III TCN. Những di tích mộ táng như vậy được phát hiện ở nhiều tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ như: Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây cũ, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình… Nhìn chung, những di tích mộ táng như vậy thường tập trung trên vùng bình địa và lưu vực của các dòng sông cổ ở đồng bằng châu thổ sông Hồng và phần đồng bằng sông Mã, sông Cả trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An. Đại diện cho cư dân văn hóa Đông Sơn cấy trồng lúa nước, chính cư dân này là tiền đề tạo nên nền văn minh sông Hồng, nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt.

Di chỉ mộ thuyền đã cung cấp rất nhiều thông tin, tư liệu quí giá về xã hội người Việt cổ thời kỳ nền văn hóa Đông Sơn, thời đại của các vua Hùng trong lịch sử. Cũng chính những di chỉ mộ thuyền đã chứng minh ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, nền văn minh của người Việt cổ đã phát triển rực rỡ, và kinh tế thủy/biển khi đó đã manh nha phát triển, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị lụi tàn ngay sau khi bị người phương Bắc đô hộ.

3.2. Di chỉ mộ chum – vò của văn hoá Sa Huỳnh

Những di chỉ mộ chum vò gắn với cư dân văn hoá Sa Huỳnh thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt trong dải đất miền Trung của Việt Nam [phía Bắc tới khu vực nam Đèo Ngang, phía Nam tới khu vực Phan Rang, Phan Thiết. Phổ biến nhất trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi], niên đại khoảng thế kỷ V TCN đến thế kỷ I SCN, cách ngày nay từ 2500 năm tới 2000 năm. Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt của cư dân nông nghiệp ven biển. Dân cư thời đại văn hóa Sa Huỳnh đã biết dùng đồ sắt, sản xuất những đồ gốm lớn có chiều cao lên tới 1m – 1,5m. Thi hài ngươi chết khi đó được đưa vào chum gốm lớn và chôn dưới cát, được đặt ngồi hoặc đứng trong chum, tạo ra dáng ngồi khom như khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ. Người Việt thường nói chết là “yên giấc ngàn thu”, khi đưa vào quan tài hình chum vò lớn như đưa người vào trong cái nhà của họ, trở về trong lòng Mẹ vĩ đại. Cư dân của văn hóa Sa Huỳnh đều tin rằng người sau khi chết, vẫn còn lại linh hồn và là một thứ linh hồn vĩnh cửu. Ở bên kia thế giới, linh hồn vẫn sinh hoạt như lúc họ còn đang ở trên trần gian. Do vậy, đồ tuỳ táng gồm cả các loại đồ gốm (đồ nấu, đựng), đồ sắt với khá nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, trong mộ Sa Huỳnh ít phát hiện di cốt mà chủ yếu là tro than, xương răng trẻ em. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu áp dụng hình thức hoả táng, đây là những mộ tượng trưng… Những mộ chum thường ở dưới lớp đất canh tác mỏng, có độ dày khoảng từ 0,2m đến 0,6m. Những chiếc chum có kích thước không đều nhau, chiều cao của chum mộ trong khoảng từ 0,5m đến 1,2m. Ở các khu mộ chum, thông thường tập trung số lượng khá lớn các chum gốm, có khi lên tới hàng chục chiếc chum trong một khu vực, với nhiều hình dáng như chum hình cầu, hình trứng, hình trụ có kích thước lớn, nắp đậy hình nón cụt, lồng bàn… được trang trí hoa văn chải hoặc để trơn không trang trí. Miệng chum vò hầu hết đều có nắp đậy để che chở, bảo vệ cho các di vật chứa trong đó. Về cơ bản, chum Sa Huỳnh có ba kiểu dáng sau đây:

Loại 1: Thân chum thuôn hình ống, hơi phình ra ở vai, cổ thắt lại, miệng loe tạo thành một đường gấp khúc từ vai – cổ – miệng. Thân chum thường hơi thắt vào ở giữa, đáy hơi tròn dẹt. Trên thân chum thường có văn thừng dập.

Loại 2: Đáy chum hình trứng, vai hơi thuôn nhỏ lại, miệng loe.

Loại 3: Đáy chum hình cầu, cổ thắt lại, miệng thấp hơi loe.

Các chum Sa Huỳnh thường được làm từ đất sét pha cát, hạt to, xương gốm chắc, thường có màu đỏ nâu hoặc xám đen, bên ngoài thường được phủ một lớp đất sét mịn. Bên ngoài của chum thường được xoa nhẵn ở phần vai, trên thân có trang trí văn thừng mịn. Hầu hết các mộ chum đều có nắp đậy hình nón cụt để che chắn bảo vệ cho các đồ tùy táng bên trong. Công cụ thu được trong các mộ chum vò là công cụ sản xuất và vũ khí chiến đấu như rìu, dao, kiếm, giáo, qua, mũi lao, thuổng. Trong mộ chum còn có rất nhiều các loại đồ trang sức như các loại khuyên tai hai đầu thú hình dê, bò, khuyên tai hình vành khăn mỏng dẹt.v.v… Các vòng đeo tay bằng kim loại quí, đá quí như hạt cườm, mã não, thuỷ tinh và các chuỗi hạt với nhiều hình dáng vuông, năm cạnh, hình cầu, hình thoi, hình đốt trúc và nhiều nhất là loại cườm tấm với các màu xanh, đỏ, vàng trắng, đen tạo ra sự đa dạng, sinh động. Trong mộ chum còn có một số đồ dùng sinh hoạt chôn kèm theo người chết như nồi, bát, mâm bồng.v.v… Trong các di vật có cả đồ sắt và đồ đồng chứng tỏ một nền văn minh đã phát triển khá mạnh.

Bên cạnh các loại mộ chum kể trên, trong các di tích của văn hóa Sa Huỳnh còn có các chum hình nồi có kích thước lớn, cao tới 0,3m, đường kính bụng 0,35m, bụng tròn, đáy phẳng, miệng ngắn và có nắp đậy. Người ta thường quan niệm những chiếc nồi trong các khu mộ là mộ trẻ con. Điều đó chỉ đúng một phần, có lẽ nó cũng phản ánh sự phụ thuộc vào điều kiện sống của cư dân từng vùng, vào những khoảng thời gian khác nhau nào đó trong cuộc sống của cá nhân và cộng đồng cư dân trong lịch sử.

3.3. Nhận xét chung

Nếu các hiện vật trong văn hoá Đông Sơn chủ yếu được chế tác bằng đồng, cụ thể là đồng thau thì hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu là đồ sắt. Hiện vật trong các ngôi mộ được chôn vào trong các quan tài gỗ của văn hóa Đông Sơn thì trong văn hóa Sa Huỳnh là quan tài bằng gốm với nhiều loại kích thước và hình dáng khác nhau. Tuy nhiên, ở văn hóa Đông Sơn chưa thấy xuất hiện các hiện vật, các đồ trang sức bằng thuỷ tinh, đá quí. Trong các mộ thuyền của văn hoá Đông Sơn cũng chưa thấy xuất hiện kim loại quí như vàng, trong khi đó ở văn hóa Sa Huỳnh đã xuất hiện nhiều đồ trang sức bằng vàng. Hiện vật trong văn hóa Đông Sơn chủ yếu được chế tác bằng chất liệu đồng, gốm. Chúng có thể được dùng làm quan tài như trong các mộ của văn hóa Đông Sơn dùng trống đồng hay thạp đồng làm quan tài. Bên trong các quan tài bằng đồng này là hài cốt, đồ tuỳ táng kèm theo dấu vết than tro. Bên trong các quan tài thường có khá nhiều hiện vật cũng được chế tác bằng đồng như rìu, dao, thuổng, vòng tay đồng… Ngoài ra có khá nhiều hiện vật bằng đá, gốm như khuyên tai đá 4 mấu (Hợp Minh – Yên Bái), nồi gốm, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi.v.v…

Về loại hình hiện vật, trong các di tích của văn hóa Đông Sơn không chỉ có các công cụ mà còn có cả các tượng nghệ thuật như tượng người trong các tư thế khá tự nhiên. Nhiều tượng đồng được đặc tả nhấn mạnh cơ quan sinh dục của con người với ước mong sinh sôi nảy nở. Bên cạnh tượng người, còn thấy tượng các động vật như tượng cóc, chim, vịt/bồ nông.

Số lượng các quan tài hình thuyền trong một quần thể các khu mộ của văn hóa Đông Sơn thường ít, trong khi ở các khu mộ của văn hoá Sa Huỳnh, thường rất nhiều, có khi lên tới hàng chục mộ chum trong một khu vực gần nhau. Hiện vật trong các khu mộ của hai nền văn hóa này về cơ bản đều có cả công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức. Điều đó cho thấy vào thời điểm đó đã xuất hiện sự xung đột giữa các tộc người, các cuộc chiến tranh đã xảy ra. Việc chôn theo các hiện vật của cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất phản ánh tín ngưỡng của cư dân thời đó vẫn còn mang nặng hình thức “chia của” cho người đã khuất. Bên cạnh đó, đã xuất hiện các đồ minh khí chôn trong các ngôi mộ. Điều này chứng tỏ đời sống tinh thần của cộng đồng người trong hai nền văn hóa này đã phát triển lên một tầm cao mới. Họ đã tiến một bước dài trong đời sống tín ngưỡng của mình, đó là “đi từ hiện thực đến biểu tượng”. Điều đó chứng tỏ cư dân thời đó đã có tư duy khái quát cao trong ứng xử của những người sống với những người đã khuất.

Vị trí tồn tại của các ngôi mộ cũng có sự khác biệt. Những ngôi mộ thuyền của nền văn hóa Đông Sơn thường được chôn trong các khu vực đồng bằng, mộ nằm trong các tầng phù sa màu mỡ của đồng bằng châu thổ các con sông lớn ở phía Bắc như sông Hồng, sông Cả, sông Mã. Mộ thuyền của văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy nhiều trong các khu vực đồi gò của các vùng trung du, nối kết chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi hoặc ở những khu vực cư dân sinh sống giữa đồng bằng châu thổ nhưng ở những nơi thường có nền đất cao, tầng văn hóa tương đối dày và phức tạp. Trong khi đó, những ngôi mộ chum vò của văn hóa Sa Huỳnh thường được tìm thấy ở ven những cồn cát ven biển, bên những bàu nước ngọt hoặc trên những mảnh ruộng của đồng bằng ven biển hẹp, chạy dọc ven biển miền Trung Việt Nam.

Hệ thống hiện vật của hai nền văn hóa cho thấy ở giai đoạn này, cư dân của hai nền văn hóa đã đạt trình độ phát triển khá cao về mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống hiện vật không chỉ nói lên ý nghĩa vật chất mà còn thể hiện những quan niệm, ý tưởng về tinh thần mà các hiện vật hàm chứa. Người Sa Huỳnh là những con người có năng khiếu thẩm mỹ, rất khéo tay và có một mỹ cảm phát triển tuyệt vời. Họ rất ưa dùng đồ trang sức bằng những đồ do chính họ tự chế hoặc những hiện vật do giao lưu, trao đổi mà có. Trong đồ trang sức có khá nhiều loại hình được chế tác bằng đá quí như mã não, ngọc bích, ngọc nê-phrít. Đặc biệt trong văn hóa Sa Huỳnh, hiện vật bằng thuỷ tinh đã xuất hiện khá nhiều đối với các đồ trang sức (hạt cườm, hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai: cả khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai 3 mấu nhọn).

Cả hai nền văn hóa vào thời điểm phát triển rực rỡ của mình đã có sự giao thoa mạnh mẽ trong sự tương đồng nhất định để đạt được những thành tựu rực rỡ làm tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của các quốc gia Chiêm Thành – Đại Việt sau này. Tuy nhiên, trên nền tảng quá khứ lịch sử của nền văn hóa Sa Huỳnh, quốc gia Chiêm Thành đã sớm ra đời, là quốc gia độc lập tự chủ và nhanh chóng phát triển rực rỡ ở 15 thế kỷ sau công nguyên, nhưng sau đó lại rơi vào vòng suy tàn, diệt vong trong sự giao thoa, cạnh tranh như một sự thật hiển nhiên trớ trêu của lịch sử. Trong khi đó, nền văn hóa Đông Sơn phải tới gần 8 thế kỷ sau đó sống trong đêm dài Bắc thuộc, mới ra đời nhà nước độc lập tự chủ, chủ nhân của văn minh Đại Việt. Nền “văn minh đồng bằng”, “văn minh tiền lục địa” đã không ngừng lớn mạnh trên mảnh đất hình chữ S vốn được hình thành và góp mặt của hai nền văn hóa rực rỡ trong quá khứ. Loại trừ sự tích hợp đa phương diện, dưới một góc độ nào đó có thể đưa ra một “hợp lưu văn hóa”: Văn hóa Đông Sơn + Văn hóa Sa Huỳnh = Văn minh Việt Nam!

Tác giả: Dương Văn Sáu

Chú thích:

* Tiến sĩ, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh (1997), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa, Huế.

2. Edward James, Chuyện kể về những nền văn minh cổ, Nxb. Thế giới, H.2002, 296 trang.

3. Georges Condominas, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Người dịch: Ngọc Hà, Thanh Hằng; Hiệu đính: Hồ Hải Thụy, Nxb. Văn hóa, H.1997, 508 trang.

4. Guimet musée national des Arts Asiatiques, Trésors d’art du Vietnam la sculpture du CHAMPA Ve-XVe siècles, Pari. 2005, 374 page.

5. Lê Đình Phụng, Di tích văn hóa Chăm Pa ở Bình Định (Champa relics in Binhdinh), Nxb. Khoa học xã hội. 2002, 406 trang.

6. Trần Kỳ Phương, Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm, Nxb. Đà Nẵng 1988, 88 trang.

7. Hà Văn Tấn (chủ biên) – Viện Khảo cổ học, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.1994, 524 trang.

8. Hà Văn Tấn (chủ biên) – Viện Khảo cổ học, Khảo cổ học Việt Nam,  tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, H.1998, 457 trang.

9. Hà Văn Tấn (chủ biên) – Viện Khảo cổ học, Khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, H.1999, 555 trang.

10. Hà Văn Tấn (chủ biên) – Viện Khảo cổ học, Khảo cổ học Việt Nam,  tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, H.2002, 519 trang.

11. Hồ Xuân Tịnh, Di tích Chăm ở Quảng Nam, Cham relics in Quang Nam, Nxb. Đà Nẵng 2001, 170 trang.

12. Trần Quốc Vượng (chủ biên) – Sở Văn hóa và thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng, Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam – Đà Nẵng, xuất bản 1985, 120 trang.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.