Hội họa Tiền Raphael là gì? Tìm một định nghĩa cụ thể của Pre-Raphaelite thì rất khó, chi bằng ta tìm hiểu cái đối lập của nó trước.

Khi bảy thành viên chủ chốt của nhóm tụ họp lại dưới ngọn cờ Pre-Raphaelites và gọi nhau là huynh đệ (Pre-Raphaelite Brotherhood), cái mà họ phản kháng lại, ở thời điểm đó, là thứ nghệ thuật kinh viện (Academic art) rỗng tuếch, lòe loẹt, vô hồn, giả tạo và dễ dãi mà giới trung lưu và giàu xổi thời Victorian coi là đẹp. “Hình ảnh khuôn sáo”, “cảm xúc rẻ tiền”, “nhân tạo đến hoàn hảo”, “thờ ơ hoàn toàn với vấn đề xã hội và đạo đức” là những lời phê bình khác dành cho Academic art. Không phải vô tình mà người ta còn gọi chủ nghĩa này là L’art pompier (nghệ thuật khoa trương!)

 

Công chúa – nữ tư tế – phù thủy Medea, vợ của người hùng Jason trong truyền thuyết về bộ lông cừu vàng, tranh của nữ họa sĩ Evelyn De Morgan, năm 1889. Bức tranh là một ví dụ điển hình của nghệ thuật Pre-Raphael (Tiền Raphaelite) với ảnh hưởng rất rõ từ phong cách Quattrocento từ Ý.

 

Những ví dụ dễ nhận ra nhất của chủ nghĩa kinh viện là các bức tranh khỏa thân của Alexandre Cabanel và William-Adolphe Bouguereau. Dẫu thể loại nghệ thuật nào cũng có chỗ đứng của nó trong lịch sử, và các ông họa sĩ kinh viện từ lò luyện École des Beaux-Arts đã có không ít công đào tạo các mầm non tương lai (Bouguereau là một trong những ông thầy của Matisse), thật khó để không coi một bức tranh thế này là một loại kitsch, hoặc cùng lắm là một tác phẩm khêu gợi dạng softcore porn khoác áo nghệ thuật.

“The Birth of Venus,” của Bouguereau, 1879. Bức tranh không to nhưng họa sĩ đã “nhồi” đầy nhân vật. Những thân thể mũm mĩm, những ánh mắt lả lơi được hiện thực hóa tối đa, còn phần background và mặt nước chỉ được vẽ vội vàng gọi là. Mục đích cũng chỉ để nhấn mạnh tuyệt đối sự khêu gợi cho người xem được no mắt mà thôi. Không khác mấy những bức ảnh lịch chụp người mẫu hở hang trên một cái nền tạm bợ nhan nhản ngày nay.

 

Dài dòng như vậy để nói lên rằng các huynh đệ Pre-Raphaelites… ghét Academic art thậm tệ. Nhưng ghét thì ghét mấy cũng phải… đúng người đúng tội. Academic art không phải tự nhiên một ngày chễm chệ xuất hiện và ngự trị trên đàn nghệ thuật châu Âu. Ngược lại, nó là kết quả của một quá trình dạy và học hàn lâm kéo dài hàng trăm năm ở châu Âu, lặp lại và gạn lọc những cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” bắt đầu từ thời Raphael – họa sĩ Phục Hưng được đám Kinh viện sùng kính nhất. Không buồn đột phá, sáng tạo hay đi sâu, các họa sĩ Kinh viện chỉ mải copy mù quáng những tỉ lệ vàng, tròn trịa, đẹp đẽ của Phục Hưng sao cho vừa mắt. Pre-Raphaelite thì tìm cách kéo đổ nó xuống. Thế nên Pre-Raphaelite là hướng tới những giá trị trước khi ông Raphael xuất hiện và (vô tình) định hướng một thế hệ họa sĩ lầm lạc. Các huynh đệ Pre-Raphaelite tự mang lấy sứ mệnh lần lại tinh túy của nghệ thuật trước thời Raphael và dùng nó làm cái khung để bắt đầu cải tổ hội họa. Mục tiêu của họ là làm sống lại sự trong sáng, chân thật, ngây thơ và gần gũi thiên nhiên của hội họa thời kì trước Phục Hưng. Nguồn cảm hứng của nhóm còn đến từ nhà phê bình John Ruskin, người đã tuyên bố nghệ thuật chính là biểu hiện cho tình trạng đạo đức của xã hội trong cuốn The Stones of Venice.

So sánh và đối chiếu:

Đây là “Sistine Madonna”, 1512, của Raphael, đại diện của Phục Hưng kiêm thần tượng của đám Kinh viện:

 

“Sistine Madonna”, 1512, của Raphael, bố cục hình kim tự tháp chuẩn mực, các nhân vật được lý tưởng hóa, tông màu hài hòa, song thần thái của gương mặt, cử chỉ vẫn đầy biểu cảm. Hai thiên thần ngồi dưới cùng bức tranh là ông Raphael vẽ lại hai em bé dán mắt vào cửa kính của hàng bánh ngọt, rất sinh động.

 

Đây là bức “Đức Mẹ Mary, Chúa hài đồng và thánh John”, 1875, của Bouguereau, thuộc Academic Art:

 

Như đã thành lệ, Bouguereau lại chọn vài người mẫu đẹp hết ý, tạo dáng chuẩn, vẽ thật trau chuốt bóng bẩy, song bức tranh vẫn vô hồn. Nghệ thuật academic chỉ bắt chước được cái lốt Phục Hưng còn tinh thần thì kém rất xa.

 

Và đây là gia đình Chúa Jesus trong xưởng mộc ông Joseph, tranh của John Everett Millais – thuộc trường phái Tiền Raphael:

 

“Christ in the House of His Parents,” của John Everett Millais. Tông màu xỉn, các nhân vật khắc khổ đúng như một gia đình lao động thực sự. Chúa Jesus bị đứt tay vì quệt phải đinh (điềm báo của việc đóng đinh câu rút), thánh John ở bên phải mang chậu nước (điềm báo việc người em họ này sẽ rửa tội cho Chúa.) Chim bồ câu đậu trên cái thang là biểu tượng cho Chúa Thánh Linh, còn các dụng cụ nghề mộc tạo thành hình tam giác chính là ẩn dụ về Chúa Ba Ngôi. Đức Mẹ mặc váy xanh quỳ gối có dáng dấp như một bà nông dân và bị Charles Dickens chê là “xấu như quỷ, như một mụ nghiện rượu.”

 

Và ta đã chạm đến cốt lõi của hội họa Pre-Raphaelite. Các họa sĩ Dante Gabriel Rossetti, William Holman Hunt, Frederic George Stephens muốn dựng lên một phong trào nghệ thuật cao quý, xuất phát trực tiếp từ tình cảm, tinh thần, ý tưởng. Đối với họ, sự biểu hiện (expression) còn quan trọng hơn, giá trị hơn cái đẹp mòn mắt. “Cái nết đánh chết cái đẹp” ở đây được hiểu theo nghĩa đen, nếu ta nhìn vào các tác phẩm như Con gái người tiều phu của (lại là) John Everett Millais – một bức tranh mà nhóm Academic chê ầm lên là xấu (và xấu thật), dù cô bé nhìn rất tình cảm, rất thật, rất ngây thơ trong trắng, cử chỉ rất tình ý, nhưng mà tranh vẫn… không đẹp”.

 

“The Woodsman’s Daughter,” của John Everett Millais, 1851, dựa theo bài thơ bi của Coventry Patmore. Theo bài thơ này, cô bé con gái người tiều phu và con trai điền chủ có một mối tình bi kịch, kết cục là cô bé tự vẫn cùng đứa con nhỏ.

 

Song chớ vội lo, vì tuy các nhà phê bình thời Victoria chê bai kịch liệt, các họa sĩ Pre-Raphaelite vẫn trung thành với tôn chỉ của mình, đồng thời lựa chọn các người mẫu một cách kỹ lưỡng, đồng thời nghiên cứu cử chỉ, phong thái, khí chất của họ để tạo ra những bức tranh biết nói.

Một yếu tố của nghệ thuật Pre-Raphaelite là cách sử dụng màu sắc táo bạo theo phong cách Quattrocento của Ý. Những mảng màu rực rỡ đến “nhức mắt” cũng nhận không ít lời chê bai, nhưng chúng lại tạo cho những tác phẩm một sự quyến rũ đặc biệt.

Này thì xanh lè…

 

“Ophelia,” của John Everett Millais, 1851. Cái chết của Ophelia trong Hamlet được mệnh danh là một trong những cảnh chết chóc “nên thơ” nhất trong văn học.

 

“April Love,” của Arthur Hughes, 1855, dựa theo bài thơ “The Miller’s Daughter” của nhà thơ Tennyson (Có lẽ bạn đọc đã để ý thấy tỷ lệ cực lớn các tác phẩm Pre-Raphaelite lấy cảm hứng từ văn học, đặc biệt là văn học Anh.)

 

Này thì đỏ chót…

 

“Lady Godiva” của John Collier, 1897. Câu chuyện kể rằng bà chấp nhận khỏa thân diễu qua các con phố để dân chúng khỏi bị chịu thuế quá cao (thuế do chính… chồng bà đặt ra.)

 

Này thì màu cam…

 

“Flaming June,” của Fredrick Lord Leighton, 1895, đã xuất hiện trong bài “Màu trong hội họa: năm câu chuyện có thể bạn chưa biết”

 

Một đặc điểm dễ nhận thấy của các nhân vật nữ trong hội họa Pre-Raphaelite là vẻ đẹp rất… lạ của họ. Dante Gabriel Rossetti là họa sĩ chủ chốt của nhóm là người gốc Ý; ông có một niềm hâm mộ gần như ám ảnh với Dante (nhà thơ) và Titien (họa sĩ) của Ý.  Vào thế kỉ 18, mái tóc đỏ bị coi là xấu xí, hư hỏng, dấu hiệu phù thủy, song Dante coi mái tóc đỏ là đỉnh cao của nhan sắc. Các nhân vật nữ trong tranh ông, và tranh của nhiều họa sĩ Pre-Raphaelite khác, có mái tóc đỏ dợn sóng như lửa, làn da trắng tái và đôi mắt sâu thăm thẳm.

 

Lady Lilith, đã xuất hiện trong bài “Tên của đóa hồng*”

 

Aurelia, 1863

 

“Venus Verticordia”, 1868

 

Tuy phong trào Pre-Raphaelite đã tàn nhưng sẽ rất nhầm nếu cho rằng nó không có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật hiện thời.

Một vài ví dụ…

 

Bên trái: “My sweet rose,” của họa sĩ John William Waterhouse, đã nhắc tới ở bài “Tên của đóa hồng*“. Bên phải: Rachel Hurd-Wood trong bộ phim Perfume: The Story of a Murderer, dựa theo cuốn tiểu thuyết tuyệt hay Perfume của Patrick Suskind.

 

Bộ sưu tập Xuân hè 2014 của Anna Sui, lấy cảm hứng từ những bức tranh Pre-Raphaelite trong bảo tàng Tate Modern

 

Madonna, phục sức và trang điểm theo phong cách Pre-Raphaelite

 

Kết hợp giữa tinh thần trong sáng của hội họa Trung Cổ, tính biểu tượng à la Jan van Eyck, cũng những mảng màu rực rỡ, chi tiết tinh xảo à la anh em nhà Limbourg, nghệ thuật Pre-Raphaelite là một hiện tượng độc đáo như chính những thiếu nữ bí ẩn, quyến rũ, và khó chiều của nó vậy. Những nền tảng và cảm hứng truyền từ phong trào Pre-Raphaelite, tuy ít ỏi, song có ảnh hưởng lớn đến ba phong trào: Arts and Crafts Movement, Art Nouveau ở Pháp, và Symbolism. Từng phong trào trong “thế hệ F1” đó đều có những đặc điểm nhận dạng riêng biệt và khác nhau từ bà mẹ Pre-Raphaelite. Đó là những thứ chúng ta sẽ nói tới ở những bài khác nữa…

 

Tác giả: Anh Nguyễn

Nguồn: soi.today

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.