NHÀ HẬU LÊ (Lê sơ) tồn tại từ năm 1428 đến năm 1527 truyền được 11 đời vua :
Quốc hiệu : ĐẠI VIỆT.
Kinh đô : Thăng Long.

Tại làng Lam Sơn có ông Lê Lợi chiêu tập người nghĩa khí chống quân Minh. Mùa xuân Mậu Tuất 1418, ông tự xưng Bình Ðịnh Vương, khởi binh từ Lam Sơn, truyền hịch kể tội quân Minh.
Năm 1419, khi bị quân Minh vây ở Chí Linh, ông được ông Lê Lai hy sinh cứu chúa, mặc áo bào của ông để cho quân Minh lầm tưởng đuổi theo bắt đi, trong lúc ông chạy thoát ngã khác. Ðến năm 1420, Lê Lợi được Nguyễn Trãi đến giúp. Ông Nguyễn Trãi đậu tiến sĩ là một học giả lỗi lạc, vì cha là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về Trung Hoa nên ông đến theo Lê Lợi để trả nợ nước và báo thù nhà, từ đó đánh dằng dai với quân Minh, mãi đến năm 1427, Lê Lợi chém được Liễu Thăng, bắt sống Hoàng Phúc, Mộc Thạnh phải mang quân chạy về bắc.
Binh Ðịnh Vương Lê Lợi truyền lệnh cho Nguyễn Trãi viết bài Bình Ngô Ðại Cáo bằng hán văn. Ðây là một áng văn tuyệt tác đời Lê. Bình Ðịnh Vương Lê Lợi mở đầu cho triều Hậu Lê là một triều đại thịnh đạt, giặc giả ít, việc học được mở mang và luật pháp nghiêm minh, đất nước thống nhất.

1. Lê Thái Tổ – Lê Lợi (1428-1433)
Niên hiệu : Thuận Thiên.
Lê Lợi người làng Lam Sơn chiêu tập người nghĩa khí khởi nghĩa chống quân Minh. Mùa xuân Mậu Tuất 1418, ông tự xưng Bình Định Vương, khởi binh từ Lam Sơn, truyền hịch kể tội quân Minh.
Ngày 15 tháng tư năm Mậu Thân (1428), Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua tại Đông Đô (Thăng Long), đặt quốc hiệu là Đại Việt, niên hiệu Thuận Thiên, tức là vua Thái Tổ nhà Lê.
Vua phong chức cho những người có công chống giặc cùng chịu cam khổ với ông : Nguyễn Trãi đứng đầu bên văn, tước Quan Phục Hầu, Lê Vấn đứng đầu bên võ, Trần Nguyên Hãn chức Tể Tướng quốc, Phạm Văn Xảo chức Thái Úy, nhưng hai ông này về sau bị gièm pha làm phản nên bị vua Thái Tổ giết chết.
Vua Thái Tổ mở rộng việc học hành tại các lộ, đặt Quốc Tử Giám ở kinh đô. Năm Canh Tuất 1430, đổi tên Đông Đô là Đông Kinh, Tây Đô là Tây Kinh. Năm Thuận Thiên (1428), nhà vua cho lập trường Quốc Tử Giám ở Kinh đô, lấy thanh niên con các quan và con thường dân học hành giỏi vào học.

2. Lê Thái Tông – Lê Nguyên Long (1434 – 1443)
Niên hiệu : Thiệu Bình và Đại Bửu.
Hoàng Thái tử Lê Nguyên Long là con thứ hai vua Lê Thái Tổ mới lên 11 tuổi được nối ngôi lấy niên hiệu Thiệu Bình, tức vua Lê Thái Tông, do đại tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Vì vua còn nhỏ hay nghe lời gièm pha nên đã ra lệnh giết ông Lê Sát rồi giao quyền cho Lê Ngân, sau đó lại giết Lê Ngân.
Tháng 7 năm Nhâm Tuất, vua đi duyệt binh ở Chí Linh, khi qua Côn Sơn, ghé thăm Nguyễn Trãi, nơi ông xin về trí sĩ từ năm 1439. Hôm sau vua trở về kinh, bị chết đột ngột dọc đường nên triều đình quy tội cho người thiếp của Nguyễn Trãi và giết cả ba họ nhà ông.
Trong đời vua Lê Thái Tông, việc thi cử được chỉnh đốn lại. Năm Nhâm Tuất 1442, nhà vua cho mở khoa thi lấy Tiến sĩ (tức Thái học sinh đời Trần). Để khuyến khích nhân tài về văn học, các ông Tiến sĩ còn được gọi là ông Nghè được khắc tên vào bia đá, được vua ban mũ áo, cờ xí, để vinh quy về làng làm rỡ ràng Tổ tiên, cha mẹ. Bia Tiến Sĩ được đặt tại Văn Miếu nơi thờ Đức Khổng Tử đến nay hãy còn nêu danh. Thái Tông làm vua được 9 năm, thọ 19 tuổi.
Năm Đại Bửu thứ 3 (1443) ngài cho mở khoa thi đầu tiên là khoa Bình Hoành Từ, người đỗ đầu là Nguyễn Thiện Tích.

3. Lê Nhân Tông – Lê Bang Cơ (1443-1459)
Niên hiệu : Đại Hoà – Diên Ninh.
Thái Tử Bang Cơ là con thứ hai của vua Thái Tông mới lên 2 tuổi lên ngôi tức là vua Nhân Tông, mẹ là bà phi Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng Thái Hậu cầm quyền nhiếp chính. Năm 1453, Nhân Tông nắm quyền chính, truy tặng các công thần bị giết và cấp ruộng cho con cháu họ.
Năm 1459, người anh lớn khác mẹ của Nhân Tông là Nghi Dân ban đêm trèo vào thành giết vua và bà Thái hậu để cướp ngôi. Vua Nhân Tông chết năm 19 tuổi, trị vì 17 năm.

4. Lê Thiên Hưng – Lê Nghi Dân (1459-1460)
Niên hiệu : Thiên Hưng.
Nghi dân lên làm vua được 8 tháng, chém giết cựu thần, làm nhiều điều không được ai phục nên bị các quan đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt v.v.. giết đi rồi lập người con thứ tư vua Thái Tông là Tư Thành lên ngôi.

5. Lê Thánh Tông – Lê Tư Thành (1460 – 1497)
Niên hiệu : Quang Thuận và Hồng Đức.
Hoàng Tử Tư Thành, 18 tuổi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông là một ông vua tốt và giỏi. Sau khi lên ngôi. Ngài truy tặng những công thần bị giết oan như ông Nguyễn Trãi … và cấp ruộng cho con cháu họ. Vua trị vì thời gian khá lâu và đem nhiều lợi ích cho nước nhà. Chia nước làm 13 xứ :

1. Xứ Nam (Sơn Nam) tức là Thiên Trường,
2. Xứ Đông (Hải Dương) tức Nam Sách
3. Xứ Bắc (Kinh Bắc) tức Bắc Giang
4. Xứ Đoài (Sơn Tây) tức Quốc Oai
5. Xứ Yên Quảng (Hải Ninh)
6. Xứ Lạng (Lạng Sơn)
7. Xứ Thái (Thái Nguyên)
8. Xứ Tuyên (Tuyên Quang)
9. Xứ Hưng (Hưng Hóa)
10. Xứ Thanh (Thanh Hóa)
11. Xứ Nghệ (Nghệ An)
12. Xứ An Bang (Nghệ An)
13. Xứ Thuận Hóa (Quảng Nam)

Đặt lại quan chế, định tuổi về hưu cho quan lại, định lại thuế má, khuyến khích việc canh nông, đặt 24 điều răn cho dân chúng giữ gìn phong tục, vẽ địa đồ trong nước, sai Ngô Sĩ Liên viết cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, khuyến khích văn học, lập lệ xướng danh các Tiến sĩ và lệ cho về vinh qui bái Tổ, ban hành bộ luật Hồng Đức …
Thánh Tông lập ra hội Tao Đàn và đặt ra lệ thi võ, cứ 3 năm một lần để tìm người tài giỏi.
Năm 1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem quân sang quấy phá Hóa Châu, vua tự cầm quân đi tiểu trừ, bắt được Trà Toàn, chiếm thành Đồ Bàn và đất Đại Chiêm, Cổ Lũy, đặt ra đạo Quảng Nam để quan cai trị.
Thời vua Thánh Tông, năm Hồng Đức 1470, quan Thám hoa Hồng Liên là Lương Nhữ Học dạy dân nghề khắc gỗ để in sách. Đây là cách thức in sách đầu tiên ở nước ta. Khi ông mất, dân chúng thờ ông coi như vị Tổ sư của ngành in nước ta.
Vua Thánh Tông làm vua được 38 năm thì mất, thọ 56 tuổi.

6. Lê Hiến Tông – Lê Tăng (1497-1504)
Niên hiệu : Cảnh Thống
Người con lớn của vua Thánh Tông là Thái Tử Tăng lên nối ngôi, niên hiệu Cảnh Thống, tức vua Lê Hiến Tông.
Ông là vị vua thông minh, giữ nguyên tất cả việc cũ đời vua cha nên mọi việc được tốt đẹp. Hiến Tông trị vì được 7 năm, thọ 44 tuổi.

7. Lê Túc Tông – Lê Thuần (1504)
Niên hiệu : Thái Trinh
Vua Hiến Tông mất truyền ngôi cho con tên Thuần, tức vua Túc Tông. Túc Tông làm vua có 6 tháng thì mất, không có con.

8. Lê Uy Mục – Lê Tuấn (1505-1509)
Niên hiệu : Đoan Khánh
Người anh thứ hai của Hiến Tông tên Tuấn được triều đình tôn làm vua, tức Lê Uy Mục. Uy Mục là ông vua tàn ác, say mê tửu sắc, làm nhiều điều bạo ngược, giết các quan tốt vì đã chống đối ông ta, nhân dân rất oán hận.
Năm 1509 có người anh em con chú bác tên Giản Tu Công cùng với các cựu thần đem quân vây đánh bắt được Uy Mục liền giết đi và lên làm vua.

9. Lê Tương Dực – Lê Oánh (1509 – 1516)
Niên hiệu : Hồng Thuận
Giản Tu Công tức Lê Tương Dực cũng không hơn gì vua Ðoan Khánh. Ông chơi bời xa xỉ, hoang dâm, bắt dân chúng xây Cửu trùng đài vô cùng tốn kém, tư thông với các cung nhân đời trước.
Cả triều đình không còn người tài, giặc giã nổi lên khắp nơi, mạnh nhất là giặc Trần Cảo đánh chiếm Hải Dương rồi xưng là vua Đế Thích, có hàng vạn người theo. Về sau võ quan Trịnh Duy Sản mang quân vào cung giết vua Tương Dực và lập vua khác.
Tương Dực làm vua được 8 năm, thọ 24 tuổi.

10. Lê Chiêu Tông – Lê Ý (1516-1522)
Niên hiệu : Quang Thiệu.
Trịnh Duy Sản lập con của Cẩm Giang Vương tên Lê Ý (cháu ba đời vua Lê Thánh Tông) lên làm vua tức Lê Chiêu Tông.
Thời này, các quan lại chia phe cánh để ủng hộ người mình thích nên đánh lẫn nhau như Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoàng Dụ, Trịnh Tuy, Trần Cao, Nguyễn Kính … Sau đó Trịnh Duy Sản bị chết, các phe đánh nhau, vua phải bỏ kinh thành chạy sang Gia Lâm. Vua kêu gọi Nguyễn Hoàng Dụ ra giúp để diệt Nguyễn Kính nhưng Dụ không ra, vua phải nhờ đến Trấn thủ Hải Dương là Mạc Đăng Dung và trao hết quyền bính cho Đăng Dung.
Đăng Dung dẹp loạn và sau khi thu phục được Nguyễn Kính, Nguyễn Hoàng Dụ rồi cậy có công lớn nên tiếm ngôi của vua. Vua Chiêu Tông bỏ kinh thành chạy lên vùng Sơn Tây kêu gọi các hào kiệt giúp. Trịnh Tuy và các hào kiệt đưa vua vào Thanh Hóa, chẳng may Trịnh Tuy bị bệnh chết. Năm 1525, Mạc Đăng Dung vào Thanh Hóa bắt được vua mang về Đông Kinh rồi sai người giết chết.
Chiêu Tông làm vua được 11 năm, thọ 26 tuổi.

11. Lê Cung Hoàng – Lê Xuân (1516-1527)
Niên hiệu : Thống Nguyên.
Khi vua Chiêu Tông bỏ kinh thành, chạy ra ngoài thì họ Mạc lập người em của Chiêu Tông là Xuân lên làm vua tức là Lê Cung Hoàng, niên hiệu Thống Nguyên.
Năm 1527, hai năm sau khi đã giết Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung bắt các quan làm chiếu truyền ngôi vua Lê cho họ Mạc. Nhiều quan trung thành phản đối đều bị giết chết hoặc tự tử, bỏ trốn. Vua Lê Cung Hoàng và mẹ cũng bị Đăng Dung giết chết.

ĐỒNG TIỀN THỜI LÊ SƠ

Những năm đầu của triều Hậu Lê, tiền giấy vẫn còn được dùng nhưng mất dần theo thời gian. Nhà vua cho dân chúng dùng tiền giấy mặc dù có cuộc tranh chấp công khai giữa các quan đến nỗi vua Lê phải ra tờ chiếu để minh định.

Ngày 5 tháng 7 năm 1429, nhà vua truyền lệnh cho các quan họp bàn về cách dùng tiền. Vì có nhiều cuộc tranh cãi nên nhà vua ban chiếu rằng : “Tiền là huyết mạch của nhân dân, không thể không có. Nước ta vốn sản xuất mỏ đồng nhưng tiền đồng cũ đã bị người Hồ (nhà Hồ) tiêu huỷ, trăm phần chỉ còn một phần, đến nay việc quân việc nước thường bị thiếu dùng. Muốn cho tiền được lưu thông tiêu dùng để thoả lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thật. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy vô dụng mà lưu hành ở trong dân hữu dụng, thật không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa, có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thật, tiền giấy, các vật ấy đều cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần, trăm quan và những người thông đạt thời vụ ở trong ngoài đến bàn thể lệ dùng tiền cho thoả lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người mà ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải bàn định sớm tâu lên trẫm sẽ tự chọn lấy mà thi hành”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Thực ra tiền đồng đã chính thức xuất hiện khi quân nhà Minh diệt nhà Hồ nhưng tiền đồng trước kia không còn bao nhiêu vì bị họ Hồ bắt phải đổi, phần còn lại bị quan quân nhà Minh lấy đi. Số tiền lưu hành của các vua tiền nhiệm còn rất ít trong dân gian nhờ cất giấu nên tiền hiếm càng thấy rõ. Niên hiệu Thuận Thiên (1428) là dịp để cho đồng THUẬN THIÊN NGUYÊN BỬU ra đời. Thời này giá trị đồng Thuận Thiên được cao giá : chỉ cần 500 đồng Thuận Thiên đã được kể là 1 quan. Về mặt hình thức, đồng Thuận Thiên đúc ra dày dặn, to đẹp hơn các tiền từ trước.

Thời Lê sơ có 11 đời vua, gần như đời nào dù thịnh hay suy đều cho đúc tiền, các loại tiền đều đúng trọng lượng và đúc rất mẫu mực như tiền Hồng Đức, Hồng Thuận, Quang Thuận. Dù sao có số ít khi đúc ra bị pha chế đồng sắt kẽm không đúng tỷ lệ nên làm đồng tiền kém giá dẫn tới việc kén chọn của người dân trong khi tiêu dùng. Chúng ta thấy một sắc chỉ đời Hồng Đức : “ Công dụng của tiền tệ quí ở trên dưới lưu thông. Việc cất chứa trong kho tàng cốt sao cho để lâu không nát. Từ nay trở đi, các nha môn trong ngoài, phàm truy thu các món tiền tang, tiền phạt công hay tư và các món chi thu ra vào, mà phải chứa vào kho công, thì đều nên chọn lấy hạng tiền đồng thực, dù đồng mà vành có sứt mẻ một tý nhưng là đồng thật mà còn xâu vào chuỗi được, nhất thiết phải thu dùng, không được chối từ hoặc chọn lọc quá nghiệt”. (Lịch Triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú)

Tiền Thuận Thiên.

Tiền Thiệu Bình.

Tiền Ðại Bửu.

Tiền Ðại Hòa.

Tiền Diên Ninh.

Tiền Thiên Hưng.

Tiền Quang Thuận.

Tiền Hồng Ðức.

Vào cuối thời Lê, bạc thoi đã được dùng trong lĩnh vực tiền tệ. Khảo cổ học đã phát hiện tại khu vực thành Cẩm Phả (Quảng Ninh) một thoi bạc hình gối nặng 1,030 kg cùng với hiện vật bằng vàng mang 4 chữ Đoan Khánh Bửu Giám. Đoan Khánh là niên hiệu của vua Lê Uy Mục.
Đời vua Lê Thái Tông, năm 1434, giá trị đồng tiền được thay đổi : 1 Tiền ăn 60 đồng (1 quan ăn 600 đồng).

Tiền Cảnh Thống.

Tiền Ðoan Khánh.

Tiền Hồng Thuận.

Tiền Quang Thiệu.

Đời Lê Thánh Tông có ông Lưu Xuân Tín người làng Châu Khê thuộc huyện Đông An, tỉnh Hải Dương đã tâu lên nhà vua xin mở sở đúc tiền và đúc vàng bạc thành thoi để dân chúng tiêu dùng cho tiện. Vua sai ông mở sở đúc. Khi ông mất, dân chúng dựng đền thờ ông tại làng Châu Khê coi ông như vị tổ nghề đúc thoi vàng bạc.

Tóm lại, tiền tệ thời hậu Lê có những tiến bộ như sau :

+ Đồng tiền được đúc với chữ và dáng đẹp, dày dặn, mẫu mực.
+ Hiện tượng pha chế thêm kim loại rẻ tiền chưa thành tệ nạn
+ Các đời vua dù thịnh hay suy đều đúc tiền.
+ Vàng bạc đã thấy xuất hiện trong lĩnh vực tiền tệ.
+ Tiền tệ được thống nhất sử dụng chung cho toàn lãnh thổ.

Đã có việc đúc trộm tiền và đánh tráo tiền, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết : (…nghiêm cấm việc loại bỏ tiền đồng vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ 1462 – sắc chỉ xử tội việc đúc trộm tiền đồng vào tháng 8 năm Giáp Thân 1464 – cấm đem tiền nguỵ đổi lấy tiền thuế vào tháng 5 năm kỷ sửu 1489)

Qua sưu tập tôi thấy rằng : Các đồng tiền được đúc vào triều nhà Lê có những đặc điểm rất riêng biệt và được xem là những mẫu tiền đẹp nhất. Chứng tỏ việc đúc tiền vào thời gian này rất nghiêm cẩn. Tuy nhiên, vẫn có những đồng tiền dày hơn những đồng khác một cách đáng ngờ cần có thời gian tìm hiểu thêm.

Ðến nay, ngoài những loại tiền chính thống như nêu trên, tác giả còn sưu tập được một số hiệu tiền có niên hiệu của Nhà Lê sơ. Ðặc điểm của dòng tiền này là : biên tiền rộng; nét chữ; chất liệu; phong cách khác hẳn tiền nhà Lê và lưng tiền thường không rõ gờ viền, đồng tiền mỏng, nhẹ… Có thể là tiền đúc vào thời kỳ sau này ở Đàng trong vào thế kỷ XVI – XVII.

 

Thiệu Bình.

Đại Hòa.

Diên Ninh

Quang Thuận.

Hồng Đức.

Cảnh Thống.

Hồng Thuận.

Tác giả : Dung Dang

Nguồn : http://giadinh-numis.com/

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.