NHÀ LÊ (TRUNG HƯNG) : (1533 – 1788)

NHÀ LÊ (trung hưng) tồn tại từ năm 1533 đến năm 1788 truyền được 17 đời vua
và 12 chúa Trịnh :
Quốc hiệu : ĐẠI VIỆT.
Kinh đô : Tây Đô -Thăng Long.

1. Lê Trang Tông – Lê Duy Ninh (1533-1548) – Chúa Trịnh Kiểm (1545-1569)
Niên hiệu : Nguyên Hoà.
Trong số các cựu thần nhà Lê không hợp tác với nhà Mạc có Nguyễn Kim là con ông Nguyễn Hoàng Dụ. Năm 1532, Nguyễn Kim tìm được người con út của vua Lê Chiêu Tông tên Lê Duy Ninh, tôn lên làm vua tức Lê Trang Tông. Nguyễn Kim chiêu tập nguời tài và gả con gái cho Trịnh Kiểm. Năm 1542, Nguyễn Kim và vua Lê Trang Tông chiếm được thành Tây Đô, nhưng chẳng may Nguyễn Kim bị một tướng nhà Mạc đầu hàng lén bỏ thuốc độc chết. Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền.
Năm 1548 vua Lê Trang Tông mất, thọ 31 tuổi, làm vua được 16 năm. Trịnh Kiểm lập con Trang Tông là Lê Duy Huyên lên kế vị. Lúc này ở Bắc, Mạc Phúc Hải chết năm 1546, Mạc Phúc Nguyên lên thay.

2. Lê Trung Tông – Lê Duy Huyên (1548-1556) – Chúa Trịnh Kiểm
Niên hiệu : Thuận Bình.
Thái Tử Lê Duy Huyên lên ngôi tức Lê Trung Tông được 8 năm thì mất, không có con nối dõi nên Trịnh Kiểm lăm le muốn chiếm ngôi.
Theo dã sử thì Trịnh Kiểm ham muốn tiếm ngôi vua nhưng cho người đi hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông là người giỏi coi quẻ biết được chuyện tương lai. Khi người nhà Trịnh Kiểm đến hỏi Trạng Trình, ông không trả lời thẳng vấn đề mà chỉ nói với người nhà: “Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ” rồi ông sai chú tiểu quét dọn chùa cho ông lễ Phật, ông bảo chú tiểu : “giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản”. Sứ giả về nói lại, Trịnh Kiểm hiểu ý Trạng Trình muốn bảo Trịnh Kiểm tìm dòng dõi nhà Lê tôn làm vua sẽ hưởng lộc lâu dài. Trịnh kiểm nghe theo dựng Duy Bang làm vua và từ đó đời đời con cháu họ Trịnh làm Chúa chiếm hết quyền nhưng không chiếm ngôi vua.

3. Lê Anh Tông – Lê Duy Bang (1556-1573) – Chúa Trịnh Kiểm – Chúa Trịnh Tùng (1570-1623)
Niên hiệu : Thiên Hựu – Chính Trị và Hồng Phúc.
Vì Lê Trung Tông không có con nên Trịnh Kiểm đi tìm con cháu vua Lê, tìm được một người họ xa là Lê Duy Bang 25 tuổi, cháu 5 đời ông Lê Trừ, anh ruột Lê Lợi, rước về làm vua tức vua Lê Anh Tông.
Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, con lớn là Trịnh Cối lên nối nghiệp nhưng người em là Trịnh Tùng không phục nên hai anh em xung đột, Nhân cơ hội, Mạc Kính Điển mang quân vào đánh, Trịnh Cối đầu hàng nhưng Trịnh Tùng giữ vững các nơi. Đánh mãi không thắng mà hết lương, họ Mạc rút về Bắc. Trịnh Tùng được vua Lê Anh Tông thăng Thái Uý Trưởng Quốc công. Tất cả việc nước đều do Tùng chuyên quyền quyết định nên vua muốn giết Tùng để trừ hậu hoạ. Việc không thành, vua Anh Tông cùng 4 người con bỏ thành chạy vào Nghệ An. Sau đó bị Tùng bắt giết đi. Trịnh Tùng lập người con thứ 5 của Anh Tông lên làm vua bù nhìn. Anh Tông làm vua được 17 năm, thọ 42 tuổi.

4. Lê Thế Tông – Lê Duy Đàm (1573-1599) – Chúa Trịnh Tùng
Niên hiệu : Gia Thái và Quang Hưng.
Hoàng Tử Duy Đàm lên ngôi tức vua Lê Thế Tông. Trong suốt 10 năm, Trịnh Tùng và nhà Mạc đánh nhau khi thắng, khi thua. Năm 1591, Trịnh Tùng đánh chiếm được Đông Đô (Thăng Long) giết được Mạc Hậu Hợp rồi rước vua Lê ra Thăng Long.
Trịnh Tùng càng ngày càng kêu ngạo, chiếm hết quyền nhà vua. Vua Lê chỉ còn một số ít quân túc vệ và một số lương bổng, chỉ khi nào tiếp sứ hay thiết triều mới cần có vua, còn mọi việc do Trịnh Tùng quyết định.
Năm 1599, Lê Thế Tông mất, thọ 33 tuổi, làm vua được 26 năm.

5. Lê Kính Tông – Lê Duy Tân (1600-1619) – Chúa Trịnh Tùng
Niên hiệu : Thận Đức và Hoằng Định.
Hoàng tử Lê Duy Tân lên ngôi tức vua Lê Kính Tông.
Năm 1600, dân chúng không phục chúa Trịnh nên loạn lạc khắp nơi : Phan Ngạn, Bùi Văn Khê, Ngô Đình Hàm nổi loạn ở cửa Đại An, Trịnh Tùng sợ đánh không lại nên mang vua chạy về Tây Đô. Ông Nguyễn Hoàng là cậu Tùng, nhân dịp này xin đi tiểu trừ giặc để kéo quân bản bộ về thẳng Thuận Hoá.
Kinh thành Đông Đô (Thăng Long) bỏ ngỏ bị quân nhà Mạc vào chiếm nhưng sau đó Trịnh Tùng mang quân trở lại đuổi Mạc Kính Cung trở lại Cao Bằng.
Vua Lê Kính Tông cấu kết với người con thứ hai của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân vì Xuân muốn tranh quyền với anh là Trịnh Tráng, nhưng việc không thành, vua Lê bị giết.
Lê Kính Tông trị vì được 20 năm, thọ 32 tuổi.

6. Lê Thần Tông – Lê Duy Kỳ (1619-1643) (lần thứ nhất) – Chúa Trịnh Tùng và – Chúa Trịnh Tráng (1623-1657)
Niên hiệu : Vĩnh Tộ – Đức Long và Dương Hoà.
Con Lê Kính Tông là Lê Duy Kỳ, 13 tuổi được Trịnh Tùng cho lên ngôi vua tức Lê Thần Tông. Năm 1623, Trịnh Tùng bị đau, chết. Trịnh Tráng lên nối nghiệp lấy hiệu là Thanh Đô Vương.
Năm 1625, Mạc Kính Cung bị Trịnh Kiều, con Trịnh Tráng bắt giết. Từ năm 1627, chúa Trịnh khởi binh đánh chúa Nguyễn phương Nam lần thứ nhất và đến năm 1633 đánh lần thứ hai. Bắt đầu từ đây trang sử nước ta có chuyện Trịnh – Nguyễn phân tranh suốt gần nửa thế kỷ.
Năm 1644, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng.

7. Lê Chân Tông – Lê Duy Hựu (1644-1649) – Chúa Trịnh Tráng
Niên hiệu : Phúc Thái.
Lê Duy Hựu lên ngôi vua tức Lê Chân Tông, chỉ trị vì đến 1649 thì mất, thọ 19 tuổi.
Năm 1963, Trịnh Tráng cho phép người Hà Lan vào xứ ta để buôn bán tại Phố Hiến (Hưng Yên).
Năm 1643 và 1648, Trịnh Tráng cho quân vào đánh Chúa Nguyễn lần thứ ba và thứ tư. Dân ta lúc bấy giờ bị nạn phân tranh của hai Chúa nên oán than không xiết.
Lê Chân Tông không có con nên Trịnh Tráng rước Thái Thượng Hoàng Lê Thần Tông về làm vua lần thứ hai.

8. Lê Thần Tông (lần thứ hai 1649-1662) – Chúa Trịnh Tráng và Chúa Trịnh Tạc (1657-1682)
Niên hiệu : Khánh Đức – Thịnh Đức – Vĩnh Thọ và Vạn Khánh.
Lê Thần Tông làm vua lần hai đến năm 1655 thì Trịnh Tráng chết, con là Trịnh Tạc lên nối nghiệp chúa, hiệu là Tây Vương. Năm 1662, Lê Thần Tông mất, thọ 56 tuổi, hai lần làm vua được 31 năm.

9. Lê Huyền Tông – Lê Duy Vũ (1662-1671) – Chúa Trịnh Tạc
Niên hiệu : Cảnh Trị.
Con trai thứ hai của Thần Tông là Lê Duy Vũ, 9 tuổi lên nối ngôi, tức là Lê Huyền Tông. Lê Huyền Tông chỉ ở ngôi được 9 năm thì mất, thọ 18 tuổi.

10. Lê Gia Tông – Lê Duy Hội (1671-1675) – Chúa Trịnh Tạc
Niên hiệu : Dương Đức và Đức Nguyên.
Trịnh Tạc lập Duy Hội là con thứ ba vua Thần Tông lên ngôi tức là Lê Gia Tông. Gia Tông làm vua được 4 năm thì mất, thọ 15 tuổi. Năm 1672, chúa Trịnh mang quân vào đánh chúa Nguyễn lần thứ 7 vẫn không hơn thua.

11. Lê Hi Tông – Lê Duy Hợp (1676-1709) – Chúa Trịnh Tạc và Trịnh Căn (1682-1709)
Niên hiệu : Vĩnh Trị và Chính Hoà
Gia Tông không con nên Trịnh Tạc lập Lê Duy Hợp, 14 tuổi, con thứ tư của Lê Thần Tông lên ngôi, tức Lê Hi Tông. Hi Tông làm vua được 29 năm thì nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng.

12. Lê Dụ Tông – Lê Duy Đường (1705-1728) – Chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương (1709-1729)
Niên hiệu : Vĩnh Thịnh và Bảo Thái.
Lê Duy Đường được cha truyền ngôi năm 26 tuổi, tức là Lê Dụ Tông.
Dụ Tông làm vua được 23 năm thì bị chúa Trịnh bắt phải nhường ngôi cho con là Lê Duy Phương. Dụ Tông mất năm 1731, thọ 52 tuổi.
Chúa Trịnh Căn mất năm 1709, làm chúa 27 năm. Cháu nội là Trịnh Cương lên nối nghiệp lấy hiệu là An Đô Vương.

13. Lê Đế – Lê Duy Phương (1729-1732) – Chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang (1729-1740)
Niên hiệu : Vĩnh Khánh.
Duy Phương lên ngôi tức Lê Đế. Năm 1729, chúa Trịnh cương mất, làm chúa 20 năm, con là Trịnh Giang lên nối nghệp, hiệu là Uy Nam Vương. Vua Lê Đế chỉ làm vua được 3 năm thì bị Trịnh Giang vu oan và bị giết chết năm 1732.

14. Lê Thuần Tông – Lê Duy Tường (1732-1735) – Chúa Trịnh Giang
Niên hiệu : Long Đức.
Lê Thuần Tông tên Duy Tường, 34 tuổi, con vua Lê Dụ Tông. Trước đây Duy Tường đã được vua cha chọn nối nghiệp nhưng Trịnh Cương không chịu. Nay Duy Phương đã bị giết, Duy Tường mới được chọn nhưng chỉ làm vua được 3 năm thì chết.

15. Lê Ý Tông – Lê Duy Thìn (1735-1740) – Chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh (1740-1767)
Niên hiệu : Vĩnh Hữu.
Lê Thuần Tông chết, Trịnh Giang lập em Thuần Tông là Lê Duy Thìn lên ngôi, tức Lê Ý Tông. Vua Lê Ý Tông làm vua được 6 năm thì mất, thọ 41 tuổi.
Trịnh Giang là vị Chúa tàn ác nhất của họ Trịnh lại sợ sấm sét phải cho làm hầm để ở, việc chính trị giao cho bọn hoạn quan làm bậy nên dân chúng ta thán và các quan tìm mưu diệt từ. Năm 1740, Trịnh Giang bị ép phải nhường ngôi chúa cho em là Trịnh Doanh.
Trịnh Doanh lấy hiệu là Minh Đô Vương.

16. Lê Hiển Tông – Lê Duy Diêu (1740-1786) – Chúa Trịnh Doanh – Trịnh Sâm (1767-1782) – Trịnh Cán (1782-1783) và Trịnh Khải (1783-1786).
Niên hiệu : Cảnh Hưng.
Lê Hiển Tông tên Lê Duy Diêu, 19 tuổi, con Vua Lê Thuần Tông, làm vua được 46 năm. Trong thời Hiển Tông, giặc giã rất nhiều, chúa Trịnh vất vả mới dẹp được.
Năm 1774, quân Tây Sơn dấy quân đánh Qui Nhơn, Trịnh Sâm mang 3 vạn quân vào đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, bắt được Trương Phúc Loan, chiếm được thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định.
Năm 1872, Trịnh Sâm chết, làm chúa 12 năm. Con là Trịnh Cán lên thay, hiệu Tôn Đô Vương, nhưng chỉ được 2 năm, bị người anh lớn là Trịnh Khải dùng lính ưu binh Thanh Nghệ bắt ép phải nhường chức. Trịnh Khải lên làm chúa, hiệu là Đoan Nam Vương.
Bọn lính ủng hộ Đoan Nam Vương quá kiêu căng nên được dân gọi là kiêu binh, tụ tập đi phá nhà dân, cướp của giết người, cả quan chức lớn chúng cũng không kiêng nể, không coi luật pháp ra gì. Dân chúng căm hờn nên hễ có tên nào đi lẻ loi là bị thủ tiêu.
Thừa dịp ngoài Bắc mất lòng dân, trong Nam (chúa Nguyễn) chểnh mảng không phòng bị nên năm Bính Ngọ (1786) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy kéo ra chiếm Thuận Hoá dễ dàng và nghe lời tâu của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, chiếm thành Đông Đô (Thăng Long). Chúa Trịnh Khải chạy lên Sơn Tây bị dân chúng bắt đem nộp cho Nguyễn Huệ, giữa đường Trịnh Khải tự tử chết (1786).
Cơ nghiệp Chúa Trịnh lưu truyền từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Khải là 242 năm (1545-1786).
Để tránh tiếng đồn của nhân dân Bắc Hà, Nguyễn Huệ vào thành yết kiến vua Lê Hiển Tông, nói ý định phò Lê diệt Trịnh, không phải muốn chiếm Bắc Hà. Vua Lê gả con gái là công chúa Ngọc Hân và phong chức Nguyên Soái Uy Quốc Công cho Nguyễn Huệ. Ít ngày sau Lê Hiển Tông chết vì bệnh, thọ 70 tuổi, làm vua 46 năm. Đây là vị vua ở ngôi lâu nhất.

17. Lê Mẫn Đế – Lê Duy Kỳ (1787-1788) – Chúa Trịnh Bồng (1786-1788)
Niên hiệu : Chiêu Thống.
Cháu nội của Hiển Tông tên Lê Duy Kỳ, 21 tuổi, lên nối ngôi lấy niên hiệu Chiêu Thống, tức vua Lê Mẫn Đế.
Lúc vua Lê Mẫn Đế lên ngôi thì Nguyễn Nhạc ra Bắc Hà gọi Nguyễn Huệ về vì sợ Huệ sinh lòng phản trắc. Nhạc và Huệ về Nam bỏ lại Nguyễn Hữu Chỉnh trấn giữ Nghệ An.

Triều đình nhà Lê lúc bấy giờ đang hoang mang lại bị đám họ Trịnh là Trịnh Bồng nổi dậy nên buộc lòng vua Chiêu Thống phải phong Trịnh Bồng chức Án Đô Vương, lập lại phủ chúa. Trịnh Bồng được làm chúa, lại hiếp chế vua Lê khiến vua Lê phải cho người lén vào cầu cứu Nguyễn Hữu Chỉnh.
Hữu Chỉnh đem quân ra đánh tan quân Trịnh dễ dàng, được phong chức lớn nên cậy quyền, lại hiếp đáp vua Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống). Nguyễn Huệ nghe tin, cho Vũ Văn Nhậm đem quân ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê Chiêu Thống sợ Huệ giận lây nên bỏ kinh thành chạy trốn và bôn ba khắp nơi tìm người khôi phục nhà Lê.
Không còn ai hưởng ứng, nhà vua phải đưa mẹ và con cùng ít quan tuỳ tùng sang cầu cứu nhà Thanh – Trung Hoa.
Vua Càn Long nhà Thanh cũng muốn mượn cớ để chiếm nước Nam nên cử Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mang quân đưa vua Lê về kinh đô.
Lê Chiêu Thống được vua Càn Long phong làm An Nam Quốc Vương nhưng không có thực quyền, mọi việc đều do Tôn Sĩ Nghị định đoạt. Quân Thanh tha hồ hà hiếp dân chúng nên ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Quang Trung, mang đại quân đi cấp tốc ra Bắc đánh một trận phá tan 20 vạn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín, chạy trốn về nước.

Vua Lê Chiêu Thống cùng mẹ và con nhỏ, các cận thần chạy qua Trung Hoa cầu cứu nhưng vua Càn Long không giúp mà cố tình lưu giữ nhà vua đến mòn mỏi mà chết. Năm 1793, vua Chiêu Thống chết, thọ 28 tuổi.
Cơ nghiệp nhà Lê chấm dứt, kể từ Lê Lợi dựng nước đến Lê Mẫn Đế cộng là 354 năm.

ĐỒNG TIỀN VUA LÊ Ở ĐÀNG NGÒAI

Lê Trang Tông là vị vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng với niên hiệu Nguyên Hoà. Ông cho đúc tiền NGUYÊN HOÀ THÔNG BỬU. Nhưng gần 100 năm sau, việc đúc tiền không có vì chiến tranh liên miên, cả nhà vua và chúa Trịnh điều theo sự diễn biến của chiến cuộc mà di động khắp nơi. Kinh tế bị chiến tranh nên càng thụt lùi, nhưng sau đó càng ngày được ổn định nên các vua sau mới có đúc tiền mang niên hiệu mình. Ðến đời vua Lê Thần Tông mới cho đúc tiền VĨNH THỌ THÔNG BỬU. Sau Lê Trang Tông, vua Lê Hi Tông cho đúc tiền kẽm VĨNH TRỊ; CHÍNH HÒA bởi khan hiếm đồng.

Vì thời gian trị vì khá lâu nên vua Lê, chúa Trịnh cho các trấn tự lập các sở đúc tiền, nên có nhiều lạm dụng đã xảy ra. Vùng châu thổ sông Hồng có truyền thống đúc tiền lâu đời nên có nhiều tay đúc trộm cũng rất lành nghề. Các cơ sở đúc tiền có nơi tham lam, dựa vào việc đúc cho Nhà nước, họ lấy chì, thiếc pha chế vào đồng để đúc thêm thủ lợi. Năm 1753, chúa Trịnh Doanh muốn chấm dứt tình trạng ấy nên bãi bỏ sở đúc tiền, chỉ giữ lại 2 sở ở gần kinh thành.

Tiền Nguyên Hòa.

Tiền Gia Thái.

Tiền Vĩnh Thọ.

Tiền Cảnh Trị (kẽm).

Tiền Vĩnh Trị (kẽm).

Tiền Chính Hòa (kẽm).

Tiền Vĩnh Thịnh.

Tiền Bảo Thái.

Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) là đời vua cho đúc rất nhiều tiền mang niên hiệu của mình : CẢNH HƯNG THÔNG BỬU có hàng trăm loại hình dáng, to nhỏ, dày mỏng, kiểu chữ khác nhau và hơn 30 loại Cảnh Hưng khác. Cảnh Hưng Thông Bửu có nhiều loại lớn bằng đồng, trang trí hoa văn hoặc rồng mây rất đẹp. Theo sách sử thì mỗi đồng lớn có giá trị 60 đồng nhỏ. Có đồng khắc chữ tên nơi đúc hoặc năm đúc…Tóm lại tiền Cảnh Hưng rất nhiều loại khác nhau.

Tiền Cảnh Hưng.

Ðời vua Lê Hiển Tông, từ Minh Đô Vương Trịnh Doanh đến Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm, chúa Trịnh mạnh thế hơn chúa Nguyễn, nên năm Bính Thân 1776, chúa Trịnh chiếm được Thuận Hoá, kinh đô xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn. Chúa Trịnh thu hết các súng ống bằng đồng đem nấu để đúc lại loại tiền lớn giá trị bằng 60 đồng (1 tiền), mặt sau có khắc chữ BÌNH NAM để kỷ niệm chiến thắng của mình. Với số súng đạn được tịch thu, chúa Trịnh đúc được 3 vạn quan tiền.

Cảnh Hưng thông bửu đại tiền

Đời vua Lê Mẫn Đế, tức vua Chiêu Thống tuy ngắn ngủi cũng có cho đúc loại tiền CHIÊU THỐNG THÔNG BỬU. Mặc dầu không ở ngôi lâu nhưng tiền Chiêu Thống cũng được đúc trên 10 loại với các chữ Chính, Đại, Công, Sơn, Sơn Nam v.v.

Tiền Chiêu Thống.

Khi Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang giúp vua Chiêu Thống, Vua Càn Long nhà Thanh đã cho đúc loại tiền mang tên Càn Long Thông Bửu, mặt sau có chữ AN NAM để phát lương cho quân Thanh tiêu dùng tại nước ta, coi như đã là một thuộc quốc của Trung Hoa.

Riêng 2 vị Vua cuối cùng : Cảnh Hưng và Chiêu Thống đã cho đúc rất nhiều kiểu tiền với những chữ-ký hiệu trên lưng tiền. Ðối với giới sưu tập cổ tiền, việc sưu tập đầy đủ một bộ tiền Cảnh Hưng cũng là một kỳ công. Ðể tiện bề tham khảo, tác giả tách ra làm 2 kỳ riêng đồng thời giới thiệu đến quý độc giả từng bộ sưu tập phong phú của mỗi vị Vua nêu trên.

Tác giả : Dung Dang

Nguồn: http://giadinh-numis.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.