NHÀ TRẦN tồn tại từ năm 1225 đến năm 1400 truyền được 13 đời vua :
Quốc hiệu : ĐẠI VIỆT.
Kinh đô : Thăng Long.
1. Trần Thái Tông – Trần Cảnh (1225 – 1258)
Niên hiệu : Kiến Trung – Thiên Ứng Chính Bình và Nguyên Phong.
Trần Cảnh lên ngôi vua mới có 8 tuổi nên mọi việc đều do Trần Thủ Độ quyết định.
Để chấm dứt mầm mống đối lập thuộc cựu triều nhà Lý, Trần Thủ Độ nhẫn tâm bức tử Lý Huệ Tông, chôn sống các tôn thất nhà Lý và bắt người trong nước, ai họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Năm 1237, Trần Thủ Độ bắt Trần Thái Tông phế bỏ bà Chiêu Hoàng vì bà này không sanh đẻ và buộc nhà vua phải lấy chị bà Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa, vợ của Trần Liễu (tức là lấy chị dâu) vì bà này đang có thai 3 tháng. Trần Liễu bị ức nên nổi loạn và Trần Thái Tông cũng không chịu nổi sự áp chế của Trần Thủ Độ nên trốn lên núi Yên Tử để tu hành, không làm vua nữa. Trần Thủ Đô tìm đến nơi, mang theo quan quân lên chùa, đặt triều đình tại đó, vị sư trụ trì phải khuyên vua trở về kinh thành mới yên.
Trong thời vua Trần Thái Tông, năm 1245, triều đình lần đầu tiên lấy Tam Khôi, tức là ba người đỗ đầu cuộc thi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
Năm 1257, quân Mông Cổ đánh nhà Tống bên Trung Hoa, một cánh quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy đánh Vân Nam và bắt nhà Trần thần phục. Vua Trần không chịu, bắt giam sứ giả, quân Nguyên sang đánh, Trần Quốc Tuấn ban đầu đánh không lại đưa Vua Trần về trú ở mạn Hưng Yên, Vua Thái Tông lo sợ, muốn xin hàng, hỏi ý Trần Thủ Độ, Thủ Độ nói rằng : “Đầu thần chưa rơi xuống đất thì xin Bệ hạ đừng lo”.
Ít lâu sau, Thái Tông tiến quân đánh Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu (thuộc phía đông sông Hồng Hà, địa phận huyện Thượng Phúc). Quân Mông Cổ thua phải rút về Vân Nam.
Năm 1258, Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Hoảng. Ngài làm Thái Thượng Hoàng 19 năm thì mất, thọ 60 tuổi.
2. Trần Thánh Tông – Trần Hoảng (1258-1278)
Niên hiệu : Thiệu Long và Bảo Phù.
Thái tử Trần Hoảng lên nối ngôi lấy hiệu là Trần Thánh Tông, trị vì được 21 năm thì nhường ngôi cho con là Thái Tử Khâm để làm Thái Thượng Hoàng thêm 13 năm và mất năm 1290, thọ 51 tuổi.
Thánh Tông là một ông vua nhân từ. Ông đối đãi các anh em họ hàng rất thân ái. Trong các buổi chầu hay công việc thì phân lễ vua tôi, ngoài ra thì ai cũng được tự do ra vào trong cung điện, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, rất tự nhiên.
Thời Thánh Tông, văn học rất hưng thịnh. Bộ Đại Việt Sử ký, chép từ đời Triệu Vũ Vương đến Lý Chiêu Hoàng do Lê Văn Hưu soạn trong thời vua Thánh Tông.
3. Trần Nhân Tông – Trần Khâm (1279-1293)
Niên hiệu : Thiệu Bửu và Trùng Hưng.
Thái Tử Trần Khâm, 24 tuổi lên ngôi tức vua Trần Nhân Tông. Nhân Tông là một vua ông vua thông minh và nhân hậu.
Năm Quí Tỵ (1293) Nhân Tông truyền ngôi cho Thái Tử Thuyên, Nhân Tông làm vua 14 năm, làm Thái Thượng Hoàng 13 năm, sau đó Ngài xuất gia tu hành tại chùa Yên Tử, đạo hiệu là Trúc Lâm Đầu đà, tự hiệu Trúc Lâm Cư sĩ. Nhân Tông là vị sư tổ thứ nhất khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong Phật giáo Việt Nam.
Thời gian tu hành Ngài đi du ngoạn nước Chiêm Thành (1301) thăm viếng các chùa chiền, danh làm thắng cảnh. Trước khi về nước, Ngài hứa gả con gái là Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm tên Chế Mân. Ngài mất năm Mậu Thân (1308) thọ 51 tuổi.
Trong thời vua Nhân Tông, quân dân ta đánh thắng vẻ vang quân Nguyên hai lần tại sông Bạch Đằng. Quân Nguyên (Mông Cổ) là đoàn quân xâm lược vô cùng dũng mãnh thôn tính nhiều dân tộc lớn, chiếm Trung Hoa, chiếm Tây Hạ, Tây Bá Lợi Á, chiếm Trung Âu, uy hiếp Áo, Đức … vậy mà 3 lần vào biên giới nước Việt là 3 lần bị thảm bại.
Trận thắng thứ nhất tại Đông Bộ Đầu do công lao Trần Thủ Độ. Trận thắng vẻ vang thứ hai do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu, Dã Tượng …
Năm Giáp Thân (1284), Thái Tử Thoát Hoan mang 50 vạn quân mông Cổ sang xâm chiếm nước ta. Vua hội các vương hầu và các tướng tại Bình Than (Hội nghị Bình Than) tại huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, chỗ sông Đuống nối với sông Thái Bình. Hội nghị có tính cách thăm dò ý kiến. Tháng 12 năm 1284, vua triệu tập các bô lão tại điện Diên Hồng (hội nghị Diên Hồng) để trưng cầu dân ý và tìm mưu chước chống ngoại xâm.
Việc thắng quân Nguyên-Mông là việc tất nhiên vì sự đoàn kết của dân tộc ta lúc đó, vì tài thống lãnh của Hưng Đạo Vương nhưng phải kế đến những tướng tài đã anh dũng đánh giặc với võ giỏi, mưu hay như : Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật…
Tháng 2 năm Đinh Hợi (1287) Thoát Hoan mang 30 vạn quân sang báo thù. Lần này bị đại bại tại sông Bạch Đằng. Quân Mông Cổ mười phần chết hết chín.
Vì nước ta quá nhỏ so với Trung Hoa nên dù thắng trận mấy lần, vua Nhân Tông vẫn sai sứ sang cầu hòa và trao trả những tướng bị bắt.
Hưng Đạo Vương quét sạch 30 vạn quân Nguyên khỏi bờ cõi nước Nam, từ đó không dám xâm phạm nước ta nữa. Hưng Đạo Vương lúc bấy giờ đã 62 tuổi, được phong làm Thái Sư, Thượng Phụ, Thượng Quốc công, Bình Bắc Đại Nguyên soái, Hưng Đạo Đại Vương.
Đến đời vua Anh Tông, Đại Vương xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp và mất ở đó ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), thọ 74 tuổi.
4. Trần Anh Tông – Trần Thuyên (1293-1314)
Niên hiệu : Hưng Long.
Thái Tử Trần Thuyên lên ngôi tức là vua Trần Anh Tông. Ngài là ông vua thông minh, hiếu thảo, triều chính rất kỷ cương nhờ các quan văn như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, võ quan có Phạm Ngũ Lão.
Thời vua Anh Tông có việc vua vâng lời cha, gả em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân vào năm 1306. Chế Mân dâng hai châu Ô, châu Rí làm sính lễ. Nhờ vậy, nước ta tiến dần thêm về vùng Thừa Thiên ngày nay.
Năm 1314, vua Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Mạnh. Anh Tông làm vua 21 năm, làm Thái Thượng hoàng 6 năm, mất năm 1320, thọ 54 tuổi.
Ngài không xuất gia vào tu tại chùa nhưng rất mộ đạo và có để lại một số tác phẩm văn chương
5. Trần Minh Tông – Trần Mạnh (1314-1329)
Niên hiệu : Đại Khánh và Khai Thái.
Thái Tử Trần Mạnh lên ngôi tức Trần Minh Tông lúc 14 tuổi. Trong đời vua này, nước nhà được yên ổn nhờ nhiều quan tốt như Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu…
Ngài trị vì được 15 năm, nhường ngôi cho con là Thái Tử Trần Vượng để lên làm Thái Thượng Hoàng. Ngài mất năm 1358, thọ 58 tuổi.
6. Trần Hiến Tông – Trần Vượng (1329-1341)
Niên hiệu : Khai Hữu.
Thái Tử Trần Vượng lên ngôi lúc mới 10 tuổi tức Trần Hiến Tông. Ngài tuy làm vua nhưng quyền hành vẫn ở tay vua cha. Hiến Tông chỉ thọ được 23 tuổi thì mất năm 1341, làm vua 13 năm.
7. Trần Dụ Tông – Trần Hạo (1341-1369)
Niên hiệu : Thiệu Phong và Đại Trị.
Vua Hiến Tông mất sớm, không có con nên Thượng Hoàng Minh Tông lập người em của Hiến Tông tên Trần Hạo, mới 5 tuổi, lên làm vua tức vua Dụ Tông.
Từ lúc lên làm vua đến 18 năm sau, vì vua còn nhỏ tuổi nên được Thái Thượng Hoàng cầm quyền chính nên nước nhà được trật tự, kỷ cương. Từ 1358, Thái Thượng Hoàng mất và các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng mất thì chính trị rối loạn, kẻ gian thần được thể làm lộng, ông Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu 7 tên gian thần (thất trảm sớ) nhưng nhà vua không nghe nên ông xin cáo quan về ở ẩn.
Vua Dụ Tông mới 22 tuổi, hoang phí chơi bời, rượu chè bừa bãi. Trong triều thì bị gian thần lộng hành, nhà vua hoang dâm vô độ nên giặc giã nổi lên khắp nơi, dân tình đói khổ …Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thấy nước ta suy yếu nên cho người sang đòi đất Hóa Châu (thuộc châu Ô, châu Rí)
Năm 1369, Dụ Tông mất, không có con, làm vua 28 năm, thọ 33 tuổi. Nhà Trần bắt đầu suy sụp từ đời vua Dụ Tông.
8. Dương Nhật Lễ (1369-1370)
Niên hiệu : Đại Định.
Vua Dụ Tông mất, không có con, triều đình lập Cung Định Vương là anh vua Dụ Tông lên ngôi nhưng bà Hoàng Thái Hậu (vợ Minh Tông) quyết định lập con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Nhật Lễ lên ngôi xưng hiệu là Đại Định, có ý muốn diệt nhà Trần nên sau khi nắm quyền hành liền giết bà Hoàng Thái Hậu.
Các quan hội lại giết Dương Nhật Lễ và tôn Cung Định Vương lên ngôi vua tức vua Nghệ Tông.
9. Trần Nghệ Tông – Trần Phủ (1370-1372)
Niên hiệu : Thiệu Khánh.
Cung Định Vương Trần Phủ là con thứ ba vua Minh Tông, lúc bấy giờ đã 50 tuổi, lên ngôi lấy hiệu là Nghệ Tông. Nghệ Tông là ông vua nhu nhược, tin dùng người em họ là Hồ Quý Ly, giao hết mọi việc cho Quý Ly quyết định.
Triều đình lúc bấy giờ tan rã và yếu kém nên mẹ của Dương Nhật Lễ sau khi con bị giết liền trốn sang Chiêm Thành xin vua Chiêm là Chế Bồng Nga sang trả thù giùm. Dịp này, Chế Bồng Nga kéo quân vào thành Thăng Long, quan quân không chống nổi, vua Nghệ Tông phải bỏ kinh thành chạy sang làng Đình Bảng (Bắc Ninh) trốn tránh. Chế Bồng Nga đốt cung điện, bắt đàn bà con gái, vơ vét châu báu rồi rút quân về.
Năm 1372, Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Cung Tuyên Vương Trần Kính rồi về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng. Nghệ Tông trị vì 3 năm, làm Thái Thượng Hoàng 22 năm, mất năm 1394, thọ 74 tuổi.
10. Trần Duệ Tông – Trần Kính (1372-1377)
Niên hiệu : Long Khánh.
Cung Tuyên Vương Trần Kinh lên ngôi tức vua Duệ Tông.
Duệ Tông cương quyết hơn Nghệ Tông nhưng quyền bính vẫn ở trong tay Thượng Hoàng Nghệ Tông nên Quý Ly vẫn được tin dùng, nhất là Hoàng hậu vợ vua Duệ tông cũng là người em họ Quý Ly. Năm 1376, quân Chiêm Thành đánh phá Hoá Châu, Duệ Tông đem quân chinh chiến bị trúng mưu trá hàng của địch nên lọt ổ phục kích gần Đồ Bàn. Vua Duệ Tông chết trong trận, tướng sĩ, quân lính chết gần hết.
Duệ Tông chết năm 1377, thọ 42 tuổi. Ngài là vị vua duy nhất của nước Đại Việt chết ở trận tiền.
11. Trần Phế Đế – Trần Hiện (1377-1388)
Niên hiệu : Xương Phù.
Con vua Duệ Tông là Linh Đức Vương Trần Hiện lên nối ngôi, nhưng quyền hành vẫn ở trong tay Thượng Hoàng Nghệ Tông, và việc gì cũng do Quý Ly định đoạt.
Quân Chiêm Thành biết nước ta suy yếu, luôn luôn sang đánh phá bờ cõi và ba lần vào thành Thăng Long như chỗ không người (1377, 1378, 1383). Lần nào Thượng Hoàng và vua cũng phải chạy. Trong triều toàn là người xu nịnh không ai lo gì đến việc an nguy của xã tắc. Bấy giờ vua thấy nguy cơ mới bàn với các quan tin cậy để mưu trừ Quý Ly. Quý Ly biết việc này bèn vào kêu với Thượng Hoàng. Thượng Hoàng xuống chiếu phế vua rồi lập người con út là Chiêu Định Vương lên nối ngôi. Về sau, Thựơng Hoàng ra lệnh đưa vua Phế Đế đến phủ Thái Dương và bắt tự thắt cổ chết.
12. Trần Thuận Tông – Trần Ngung (1388-1398)
Niên hiệu : Quang Thái.
Chiêu Định Vương Trần Ngung lên ngôi là Trần Thuận Tông.
Bấy giờ trong triều bị Quý Ly chuyên quyền, đưa vây cánh vào các chức vụ trọng yếu, các nơi nổi lên chống đối. Năm 1389, Chế Bồng Nga mang quân Chiêm Thành xâm chiếm, may nhờ một tên quân hầu cận Chế Bồng Nga làm phản nên Trần Khát Chân mới bắn chết Chế Bồng Nga, làm tan vỡ quân Chiêm.
Tháng chạp năm 1394, Thượng Hoàng mất, thọ 74 tuổi, từ đó quyền bính hoàn toàn thuộc về Quý Ly. Năm 1396, Quý Ly bắt vua đời kinh sư vào Tây Đô và buộc vua Thuận Tông nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng, Thuận Tông nghe theo rồi đi tu tiên ở núi Đại Lại, tỉnh Thanh Hóa.
13. Trần Thiếu Đế – Trần Án (1398-1400)
Niên hiệu : Kiến Tân.
Thái tử Trần Án mới 3 tuổi, lên ngôi tức Trần Thiếu Đế. Quý Ly làm Phụ Chính, tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương rồi sai người đến giết Thuận Tông.
Trần Nguyên Hãn, Trần Khát Chân và các quan trung thành với nhà Trần hợp lại mưu trừ Quý Ly nhưng việc bại lộ bị bắt giết cùng với 370 người dính líu.
Quý Ly vào ở luôn trong cung điện, xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, dùng nghi vệ thiên tử, đến tháng hai năm Canh Thìn (1400) thì bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua thay thế nhà Trần.
Lê Quý Ly soán ngôi nhà Trần, tự xưng làm vua, đổi lại họ Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu. Hồ Quý Ly làm vua chưa được 1 năm thì nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái Thượng Hoàng cùng coi việc nước.
ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ TRẦN
Sang đến thời Trần, quốc gia được củng cố và nền kinh tế được phát triển sau hai lần đánh đuổi quân Mông Cổ nên công thương nghiệp có phương tiện phát triển, kinh thành mở rộng với 61 phường.
Về tiền tệ, mặc dầu suốt 175 lịch sử triều Trần, chỉ thấy xác nhận có 10 loại tiền nhưng có lẽ lượng tiền lưu hành không nhỏ vì theo sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi : Trong đời Trần Phế Đế, năm Kỷ Mùi 1379, tháng 9, vua sai quân tải tiền đồng vào núi Thiên Kiện để chôn giấu “Mùa đông, tháng 10 chôn giấu tiền ở khám Khả Lãng thuộc Lạng Sơn, sợ nạn người Chiêm Thành đốt cung điện” “ Mùa đông, tháng 10 năm 1390, đời Trần Thuận Tông, sai thợ đá ở An Hoạch đào động ở núi Thiên Kiện và động ở núi Khuẩn Mai để lấy tiền của đã chôn khi trước”
Với những việc như nêu trên cùng với việc phát hành tiền giấy Thông Bửu hội sao về sau này đã làm cho tiền nhà Trần trở nên khan hiếm. Một số hiệu tiền như Thiệu Long; Thiệu Khánh; Xương Phù thông bửu…gần như không còn.
Kiến Trung thông bửu – Chính Bình thông bửu – Nguyên Phong thông bửu.
Khai Thái nguyên bửu
Thiệu Phong thông bửu
Thiệu Phong nguyên bửu
Đại Trị thông bửu
Đại Trị thông bửu – Lỗ tứ thoát
Đại Trị nguyên bửu
Thiệu Long thông bửu – Thiệu Khánh thông bửu – Xương phù thông bửu
Trong thời nhà Trần, vàng bạc được cho đúc thành phân lượng để tiện việc chi tiêu và có dấu hiệu của Hoàng triều. Giá trị đồng tiền được qui định rõ ràng:
– 1 lạng vàng bằng 10 lạng bạc
– 1 quan ăn 600 đồng tiền điếu
– 1 Tiền ăn 70 đồng tiền điếu.
Nộp tiền cho nhà Vua thì mỗi tiền là 70 đồng. Tiền này gọi là Thượng cung tiền. Dân tiêu dùng với nhau, 1 tiền ăn 60 đồng. Tiền này gọi là Tĩnh mạch tiền.
Theo sử sách, khi Dương Nhật Lễ lên ngôi có cho đúc tiền Ðại Ðịnh Thông bửu nhưng qua nghiên cứu tôi nhận thấy : Tiền Ðại Ðịnh hiện nay được xếp vào tiền nhà Trần còn nhiều điểm cần nghiên cứu sâu hơn.
Cuối thời Trần có nhiều cuộc nổi dậy chống Triều đình, nhiều thủ lãnh đã tiếm hiệu xưng vương, đúc tiền như : Nguyễn Bổ ở Bắc Giang, Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai, Trần Thiêm Bình, Trần Quý Khoáng, Lê Ngã…
* Phụ chép HẬU TRẦN từ năm 1407 đến 1413 được 7 năm với 2 đời vua :
Vua nhà Minh bên Trung Hoa muốn chiếm nước ta bèn giả vờ sang phò Trần, diệt Hồ. Năm 1407, Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh tan ở Hàm Tử Quan phải chạy vào Thanh Hóa. Quân Minh đuổi theo đến huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tỉnh thì bắt được Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng là con lớn của Hồ Quý Ly.
1. Giản Định Đế – Trần Ngỗi (1407-1409)
Niên hiệu : Hưng Khánh.
Dù bị quân phương Bắc chiếm đóng nhưng con cháu nhà Trần vẫn mong khôi phục nghiệp cũ nên con vua Nghệ Tông tên Trần Ngỗi kêu gọi nghĩa quân nổi lên, xưng là Giản Định Đế, niên hiệu Hưng Khánh. Ông được nhiều người theo, trong đó có ông Đặng Tất, ông Nguyễn Cảnh Chân tài giỏi nhưng sau vì vua tôi không được thuận hòa, Giản Định Đế nghe lời gièm pha, chém Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, quân sĩ chán nản không còn lòng giúp Giản Định Đế.
2. Trùng Quang Đế – Trần Quí Khoách (1409-1413)
Niên hiệu : Trùng Quang.
Con Đặng Tất là Đặng Dung và con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị thấy cha bị giết liền mang quân dưới quyền về Thanh Hóa tôn ông Trần Quý Khoách là cháu vua Nghệ Tông lên làm vua, đặt niên hiệu Trùng Quang. Quý Khoách cho quân ra đón Giản Định Đế vào Thanh Hóa, tôn làm Thái Thượng Hoàng để cùng khôi phục nhà Trần.
Dù có nhiều người tài giúp đỡ nhưng quân nhà Hậu Trần cũng bị quân Minh do Trương Phụ kéo đến đánh. Năm 1413, Trương Phụ tiến vào Nghệ An, bắt được Nguyễn Biểu giết chết sau khi dụ hàng không được. Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung bị bắt giải về Trung Hoa, đi giữa đường tất cả nhảy xuống biển tự vẫn.
Thế là chấm dứt đời Hậu Trần. Nước ta lại bị nhà Minh đô hộ từ năm 1413 đến 1428 với lối cai trị tàn ác, bắt dân lên rừng kiếm ngà voi, sừng tê giác, xuống biển mò ngọc trai, san hô … Những di sản văn chương quí giá của nước ta bị chúng lấy đem về nước hết, khiến cho những cuốn như Binh Thư Yếu Lược, Vạn Kiếp Bí Truyền của Trần Hưng Đạo v.v. bị mất.
Năm 1426, Trần Cao nổi lên xưng vương, lấy niên hiệu Thiên Khánh khởi binh chống quân Minh.Trong thời gian này, tiền Thiên Khánh thông bửu được đúc khá nhiều, đến nay tìm thấy nhiều dạng khác nhau. Tôi sẽ trình bày phần tiền Thiên Khánh ở chương B (tiền không chính triều) sách này.
Tác giả : Dung Dang
Nguồn : giadinh-numis.com
Chú thích : Những đồng đánh dấu * là hình mượn từ sách của D. Allan Baker