Kể từ đời vua Kiến Phúc cho đến Bảo Đại, tình hình kinh tế Trung kỳ phụ thuộc vào chính quyền của thực dân Pháp. Sử chép : “Vào tháng 4 năm Bính Tuất, Đồng Khánh 1, 1886 toàn quyền Pháp đã đưa thư trao trả thêm vàng bạc. Vua chuẩn cho Thị lang Hộ bộ là Hồ Lệ và Hộ lý Nội vụ là Nguyễn Huề hội đồng với quan Pháp mà kiểm nhận” (Đại Nam thực lục chính biên, tập 37, tr.34). Tình hình tài chính có nhiều hạn chế nên tiền thưởng bằng vàng và bạc mạ vàng được đúc không nhiều. Ngoài tiền thoi ra nhà nước còn cho đúc một số ít tiền vàng, bạc hình tròn, lỗ vuông hoặc không có lỗ để lưu thông.
- Tiền thưởng đời vua Đồng Khánh (1886-1889)
Cũng như loại hình tiền thưởng các vua triều Nguyễn từ đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức tiền thưởng đời vua Đồng Khánh cũng có xuất hiện những đồng tiền thưởng bằng vàng, hình tròn dẹt lỗ vuông, một mặt chạm nổi bốn chữ Hán Đồng Khánh thông bảo, một mặt để trơn, hoặc trang trí hoa văn.
Trong bộ sưu tập này chúng tôi thấy xuất hiện đồng tiền vàng có số LSb.35009 đường kính 2,1cm một mặt chạm nổi bốn chữ Hán Đồng Khánh thông bảo, một mặt để trơn.
- Tiền thưởng đời vua Thành Thái (1889-1907).
Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn chúng tôi thấy có loại tiền thưởng đời Thành Thái. Tiền thưởng đời vua Thành Thái vừa có loại tiền hình tròn lỗ vuông vừa có loại tiền hình tròn không có lỗ. Tuy nhiên về minh văn chữ Hán trên mỗi đồng tiền, một mặt đúc nổi 4 chữ Thành Thái thông bảo mặt kia trang trí hoa văn vân mây, hoa dây, mặt trời,… Chất liệu được làm bằng vàng, bạc mạ vàng. Có thể kể đến một số đồng tiêu biểu trong sưu tập này như sau:
– Tiền Phi Long Thành Thái thông bảo. LSb.34986;
Tiền hình tròn dẹt đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 3,5cm; nặng 15gr. Mặt tiền: 4 chữ Thành Thái thông bảo đọc chéo. Chính giữa đúc nổi hình mặt trời có nhiều tia, trông như một bông hoa. Viền quanh mép tiền là một vòng hạt châu, Lưng tiền đúc nổi một hình rồng bay trong mây.
– Tiền bạc mạ vàng Thành Thái thông bảo. LSb.34994; 390KN.
Đây là loại tiền tròn lỗ vuông đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 2,5cm; nặng 5gr. Mặt tiền: 4 chữ Thành Thái thông bảo đọc chéo, có gờ viền mép và lỗ vuông. Lưng tiền đúc nổi 2 chữ Nhất Nguyên cân đối, cạnh trên là khóm mây, cạnh dưới là sóng biển.
– Tiền bạc mạ vàng Thành Thái thông bảo. LSb.34992; 390KN.
Đây là loại tiền tròn dẹt không lỗ đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 6,5cm; nặng 3,9gr. Mặt tiền có gờ viền mép, chính giữa là hình rồng mây, phía trên là hình mặt trăng và hình mặt trời, phía dưới là sóng biển. Bên trái đúc nổi 4 chữ theo hàng dọc Thành Thái thông bảo; bên trái Vạn thế vĩnh lại. Lưng tiền khắc bài thơ 4 câu 5 chữ, xung quanh hình mặt trời nhiều tia ở giữa:
Phiên âm:
Quyết ngoan thiên niên hóa,
Đăng lưu vạn thế truyền,
Thù huân chương hữu đức,
Sở bảo giả duy hiền.
Dịch nghĩa:
Ngọc ngàn năm đổi sắc,
Vàng muôn thuở truyền đời,
Đền ơn người có đức,
Quý giá nhất hiền tài.
[14, 215-216].
- Tiền thưởng đời vua Khải Định (1916-1925).
– Tiền Phi Long Khải Định thông bảo LSb.34788; 258KN.
Tiền đúc bằng bạc mạ vàng, đường kính 3,5cm; nặng 3gr. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ Khải Định thông bảo – đọc chéo. Chính giữa là hình mặt trời nhiều tia, giáp vành mép là băng nhũ đinh. Lưng tiền đúc nổi hình rồng uốn theo hình chữ S. Hai phía xuyên lỗ nhỏ để đeo.
– Tiền thưởng Khải Định bảo giám LSb.35943.
Tiền đúc bằng bạc, đường kính 4,2cm; nặng 3gr. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ Khải Định bảo giám, đọc chéo. Chính giữa là mặt trời nhiều tia, viền mép nổi để trơn. Lưng tiền đúc nổi hình rồng chân 5 móng, uốn hình chữ S xung quanh là mây. Phía trên và dưới xuyên lỗ để đeo.
- Tiền thưởng thời Bảo Đại(1926-1945).
– Tiền thưởng Bảo Đại bảo giám đời vua Bảo Đại (1926-1945).
Tiền thưởng đời vua Bảo Đại chỉ thấy loại Bảo Đại bảo giám, đúc nổi trên mặt tiền đọc chéo. Chính giữa mặt tiền là hình mặt trời hình bông hoa. Lưng tiền đúc nổi hình rồng 5 móng, uốn hình chữ S, đầu rồng đều quay về phía bên trái. Phía trên và dưới xuyên lỗ nhỏ để đeo. Nhiều đồng tiền còn đính quai hình khuyên. Loại tiền bảo giám này có đường kính từ 3,5-4,1cm; nặng 2-3gr.
Như vậy thời kỳ này loại hình tiền thưởng khá hiếm.
Tác giả : TS. Nguyễn Đình Chiến –Trương Văn Thắng
Nguồn : bt lịch sử việt nam
Très intéressant. Félicitations.
Mon nom est F. Joyaux, je suis président de la Société française de Numismatique asiatique. Je prépare un important travail sur ces monnaies. Est-il possible d’utiliser vos photos ?
Merci
P.S. Do you need an English text ?