Edvard Munch (1863 – 1944) là họa sĩ người Na Uy, một họa sĩ tiên phong thuộc trường phái biểu hiện đầu thế kỷ XX. Tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của ông, Tiếng Thét (1893), là một trong một chuỗi các tác phẩm có tựa đề The Frieze of Life, trong đó Munch khám phá những đề tài về tình yêu, cuộc sống, nỗi sợ hãi, cái chết và sự sầu muộn.
Bức tranh được vẽ trong thời kì chuyển tiếp độc đáo của lịch sử nghê thuật, sau khi kỉ nguyên hiện thực nhiếp ảnh đi vào hồi kết, và người nghệ sĩ có khuynh hướng tập trung biểu hiện cảm giác bên trong và những cảm xúc trong nghệ thuật của họ hơn là thể hiện rằng họ có thể vẽ một vật thể hoặc 1 hình ảnh giống thực như thế nào.
Họa sĩ Edvard Munch
Edvard Munch tạo ra bốn bản của “Tiếng thét” trên các chất liệu khác nhau. Phòng trưng bày quốc gia Na Uy ở Oslo giữ một trong hai bức họa vẽ bằng thuốc màu (năm 1893). Viện bảo tàng Munch giữ một bản khác (bản năm 1910) và một bản phấn màu. Bản thứ tư (phấn màu, năm 1895) được một người mua với trị giá 119,9 triệu đôla tại cuộc bán đấu giá Mỹ thuật Ấn tượng và Hiện đại do tập đoàn Sotheby’s tổ chức vào ngày 2 tháng 5 năm 2012, là bức tranh có mức giá ấn định cao nhất tinh đến tại thời điểm của cuộc đấu giá.
Tât cả các phiên bản của Tiếng Thét đều vẽ một nhân vật đầy âu lo tuyệt vọng tương phản với phong cảnh hòa cùng bầu trời đỏ. Họa sĩ không chú tâm mô tả cái mình nhìn thấy, ma chủ đích của ông là biểu hiện mạnh nhất, nhanh nhất, tình cảm mạnh mẽ va tức thời của mình. Thế nên tranh nghiêng ngả, không cân bằng, nét vung mạnh mẽ, chói gắt [1].
Bức Tiếng Thét, 1983, chất liệu sơn dầu, màu keo và phấn màu trên giấy bồi, khổ 91cm x 73.5cm, vẽ bởi họa sĩ Edward Munch. Tranh hiện trưng bày tại bảo tàng quốc gia Na Uy, Oslo.
Trong nhật ký của Much, người ta nhận thấy ý tưởng cho bức tranh đến với ông khi đang nhìn ngắm phong cảnh Nauy từ một chỗ cao. Trong khi đỉnh núi được xem là một phong cảnh tươi đẹp để vẽ, thì lời giải thích cá nhân của Much về ” thiên nhiên” dưới đây rất khác những gì bạn hình dung:
“Tôi đang đi xuống dốc với 2 người bạn khi mặt trời lặn, đột nhiên, bầu trời đỏ như máu. Tôi dừng lại và dựa vào hàng rào, cảm thấy mệt mỏi khôn tả. Những chiếc lưỡi của lửa và máu trải dài trên vịnh nhỏ đen xanh. Những người bạn của tôi đi dạo, trong khi tôi tụt lại đằng sau, run rẩy với nỗi sợ. Sau đó tôi nghe tiếng thét lớn vô hạn của thiên nhiên” [4].
Trong tranh, Munch mô tả một buổi tối đặc trưng của Na uy, đi bộ vào lúc hoàng hôn với một số người bạn bên vịnh. Trong khi một buổi tối đi bộ có vẻ thư giãn và thú vị thì Munch lại mô tả khoảnh khắc khủng hoảng của bản thân. Ở hậu cảnh, chúng ta có thể thấy 2 người đang đi bộ ở phía xa ( có thể đây là 2 người bạn Munch mô tả), theo 1 hướng khác, tạo nên cảm giác về sự cô độc và nỗi sợ của họa sĩ đã nói trong trích dẫn của mình. Đúng như cách của một họa sĩ Biểu Hiện thực thụ, Munch đã dùng màu sắc biểu hiện cảm xúc của mình đối với môi trường [4].
Tuy nhiên nội dung của bức tranh muốn nói lên điều gì thì vẫn là một tranh cãi chưa có lời kêt.
Theo Morten Zondag, một chuyên gia về hội hoạ Munch, nói: “Nếu theo những gì Munch viết, chúng ta biết đó là tiếng thét của tự nhiên. Tôi nghĩ đây là bức tranh khắc hoạ tiếng kêu của tự nhiên và nhân vật trong tranh là hiện thân của tiếng kêu đó”.
Cũng theo một số nhà nghiên cứu thì thời điểm Munch vẽ bức tranh này là thời điểm xảy ra vụ phun trào núi lửa Krakatoa ở Indonesia. Vụ phun trào lớn tới nỗi tiếng nổ có thể nghe được ở tận Australia và tạo ra đợt sóng thần lan tới tận Eo biển nước Anh. Các khu dân cư khắp Ấn Độ Dương đều bị xóa sổ. Các mảng bọt núi lửa trôi dạt vào bờ biển châu Phi sau đó tới một năm, mang theo thi thể của những nạn nhân trong vụ sóng thần. Bầu trời trở nên tối tăm trong nhiều ngày do tro bụi và mảnh vụn từ núi lửa. Vụ nổ lớn gấp 4 lần quả bom lớn nhất con người từng chế tạo. Nó phá hủy nhiều hòn đảo, thay đổi địa hình đáy biển, và để lại một ngọn núi lửa nhỏ đang phát triển được gọi là “Con của Krakatoa”. Người ta cho rằng núi lửa khổng lồ này đã phun trào nhiều lần, và nó đã gây ra nhiều hiện tượng ảnh hưởng đến cả thế giới [3].
Thảm họa ngọn núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883, tranh in, không rõ tác giả
Con đường Valhallveien trên ngọn đồi Ekeberg, Oslo, Na Uy, nơi được cho là đã xuất hiện trong tác phẩm “Tiếng Thét” của Munch. Được tìm ra bới các nhà nghiên cứu ở ĐH Bang Texas, vi tri hướng về phía Nam, nhìn về ngọn đồi Ekeberg (Na Uy). Vị trí người trong tranh đứng là một con đường cũ, nó tạo nên cảnh nền phía trước cho bức tranh. Phần nền phía sau là cầu cảng, phù hợp với khung cảnh trên tranh nếu nhìn từ một ngọn núi đá ở bên đường.
Trong nhiều tháng, bầu trời đêm có màu y hệt màu trong bức tranh của Edvard Munch. Vụ phun trào xảy ra vào tháng 8/1883, tro bụi từ nó lơ lửng trong khí quyển cho tới tháng 2/1884. Ánh sáng phản chiếu vào các hạt tro bụi này tạo ra cảnh hoàng hôn màu đỏ ở khắp nơi, bao gồm cả Oslo, Na Uy, nơi ở của Munch. Va đó là những gì thực sự đã diễn ra trước mắt Munch vào mùa đông năm 1883-1884, thời điểm bức tranh ra đời.
Còn Gunnar Soerensen, Giám đốc Bảo tàng Munch ở Oslo, không nghĩ như vậy: “Đó có thể là tiếng kêu của tự nhiên, hoặc chính con người đang gào thét. Điều này phụ thuộc vào người thưởng thức”.
Thật vậy, cũng trong nhật kí của mình, họa sĩ Edvard Munch thừa nhận rằng ông đã đấu tranh với bệnh tật không chỉ ở mức cá nhân trong suốt cuộc đời mình, mà là ngay chính trong gia đình ông. Mẹ ông mất khi ông chỉ mới năm tuổi, chị gái của ông đã nhập viện vì bệnh lao vào thời gian The Scream được vẽ vào năm 1893 (Và theo một số nhà nghiên cứu thì bênh viện nới chị gái ông nằm không xa so với vị trí mà Munch vẽ tranh).
Khi phân tích sâu vào cuộc đời của Munch, ta thấy cuộc đời của ông không thực sự trọn vẹn hạnh phúc. Cái làm cho Edvard Munch có một sự khác biệt là ông thể hiện cuộc sống một cách trung thực nhất, thậm chí xấu xí, một cách thoáng qua các vấn đề nội tâm và cảm xúc lo âu trong bức tranh, ông đặt tầm quan trọng của ý nghĩa cá nhân lên cao hơn kĩ thuật hoặc “vẻ đẹp”, những thứ vốn là chuẩn mực truyền thống của nghệ thuật [1b].
Anthony NGUYEN
(Biên dịch và tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_th%C3%A9t_%28tranh%29
[1b] https://fr.wikipedia.org/wiki/Edvard_Munch
[2] Munch, tủ sách nghệ thuật, NXB Kim Đồng, 2002, trang 3
[3] http://dantri.com.vn/van-hoa/ly-giai-bau-troi-mau-do-trong-sieu-pham-tieng-thet-1395639055.htm?mobile=true
[4] K Shabi, The Scream (Tiếng Thét-1893) – Edvard Much. Học Đại học Mỹ Thuật Việt Nam