Triều đại nhà Thanh vào ba đời vua Khang Hy (1662-1722), Ung Chính (1723-1735), Càn Long (1736-1795) ngành chế tạo gốm sứ tại Cảnh Đức trấn đã bước vào thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử Trung Quốc. Nhắc đến thời kỳ này, giới chơi cổ ngoạn đều biết và nhớ đến 3 vị quan quản lý lò Ngự tiếng tăm lừng lẫy là Tang Ứng Tuyển, Niên Hy Nghiêu và Đường Anh.

Chân dung Đường Anh bằng sứ

Tang Ứng Tuyển là vị quan coi lò Ngự rất nổi tiếng dưới triều Khang Hy, ông họ Tang làm quan ở bộ Công, ứng tuyển làm quan cai quản xưởng Ngự diêu (hay Ngự dao) Cảnh Đức trấn. Người đời sau vì không rõ tên thật của ông nên gọi theo trường hợp xuất thân: Tang Ứng tuyển, như cách gọi Trần Trạng nguyên, Châu Phò mã…

Ống cắm bút, tác phẩm của Đường Anh

Tháng 7 năm Ung Chính thứ tư, Niên Hy Nghiêu được bổ nhiệm vào chức quan quản lý thuế Hoài An kiêm chỉ huy, đôn đốc công việc chế tác gốm sứ trong ngự xưởng Cảnh Đức trấn. Việc quan bộn bề, Niên Hy Nghiêu phải thường xuyên ở Hoài An lo thu thuế cho triều đình, mỗi năm ông chỉ đến Cảnh Đức trấn tuần tra hai lần vào mùa xuân và mùa thu, vì vậy mà việc quản lý xưởng Ngự diêu chỉ có trên danh nghĩa. Năm Ung Chính thứ sáu, Đường Anh lúc đó đang làm việc trong xưởng chế tạo Pháp lam được Kháp Thân vương đề bạt với vua Ung Chính, cử đến Cảnh Đức trấn làm trợ lý cho Niên Hy Nghiêu.

   Đường Anh (1682-1756) tự Tuấn Công, tên hiệu Oa Ký, thuộc Chính Bạch Kỳ quân Hán ở Thẩm Dương, xuất thân là gia nô trong gia đình tộc Mãn, 16 tuổi gia nhập Dưỡng Tâm điện, được xung quân làm lính phục vụ dưới triều Khang Hy hơn 20 năm. Ung Chính Nguyên niên (năm đăng cơ – 1723), Đường Anh 42 tuổi được thăng chức Viên ngoại lang phủ nội vụ, làm việc tại xưởng chế tác Pháp lam.

Tác phẩm tiêu biểu của Đường Anh

   Trong quyển Đào nhân tâm ngôn Đường Anh kể lại rằng, lần đầu tiên đặt chân đến Cảnh Đức trấn, ông không hề biết chút gì về công việc chế tạo gốm sứ, trong vòng 3 năm đã từ bỏ hết mọi sinh hoạt riêng tư, ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu với các người thợ trong xưởng gốm, thông qua chịu khó học hỏi và dày công ghi chép, nghiên cứu đã từ một người ngoại đạo trở thành lành nghề.

Lạc khoản chỉ ký một chữ “Anh”

   Càn Long Nguyên niên (1736) không hiểu vì nguyên nhân nào, Niên Hy Nghiêu bị cách chức, Đường Anh chính thức trở thành vị quan cai quản xưởng Ngự diêu ở Cảnh Đức trấn suốt 20 năm (đến năm Càn Long 21, trong đó có gián đoạn vào năm Càn Long 15 – 16 ông được điều đi làm giám đốc vụ hải quan ở Quảng Đông, thời gian khoảng một năm). Trong quá trình quản lý xưởng Ngự diêu ông đã đúc kết kinh nghiệm, cải cách kỹ thuật, nghiên cứu khảo sát và hoàn thành có bài bản hệ thống chế tác gốm sứ tại Cảnh Đức trấn. Ông mời các họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là Tôn Hổ, Châu Côn, Đinh Quan Bằng và nhà thư pháp Đới Lâm hợp tác với ông hoàn thành quyển Đào dã đồ biên thứ dâng lên vua Càn Long. Quyển sách này chỉ có 4.500 từ, nhưng lại là một văn tịch vô cùng quan trọng trong lịch sử ngành gốm sứ, trong đó có 20 tranh vẽ minh họa và ghi chép trình tự làm gốm, từ khâu chọn và nghiền cao lanh, lắng lọc đất, luyện phôi, phối men màu, ghi niên hiệu (lạc khoản), tráng men, đặt phôi vào lò, chế độ lửa…cho đến công đoạn cuối cùng dùng cỏ khô, rơm rạ chèn để đóng thùng vận chuyển.

Ống cắm bút đề “Oa Ký cư sĩ mô cổ

Đồ gốm cung đình được chế tác dưới thời của quan coi lò Đường Anh được gọi là Đường Diêu (đồ sứ lò Đường, tương tự như lò Tang, lò Niên trước đó), nhưng Đường Diêu vô cùng tinh xảo, trình độ chế tác và chất lượng đã đạt đến mức độ trước đó chưa từng có. Trên thực tế, gốm sứ cung đình đời Càn Long là có công lao cống hiến to lớn của Đường Anh, nhưng tài năng, sự tỏa sáng của ông lại tập trung trong giai đoạn cầm quyền của vua Ung Chính.

 

Thư pháp của Đường Anh

Đường Anh – người làm gốm kiệt xuất ai cũng biết, nhưng bên cạnh đó ông còn là một người nho nhã, chính vì ông quá nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo gốm sứ nên mọi người hầu như ít chú ý những mặt tài năng khác của ông ở các lĩnh vực thơ văn, hội họa. Trên các món sứ do ông tự tay làm ra đều có đề thơ ngũ ngôn hay thất ngôn, nội dung tương ứng với đề tài trang trí. Thơ Đường Anh mang trải nghiệm quan trường dày dặn, ngôn từ giản dị mộc mạc, không kiểu cách và thư pháp có lối hành văn độc đáo, kế thừa và sánh vai với các nhà thư pháp Ngụy, Tấn, Hán, Đường, Tống…ông dung nạp lối phóng bút tự nhiên của các bậc tiền nhân rồi từ đó tạo ra nét đặc trưng của riêng mình. Trên đồ sứ, tranh vẽ, thư pháp ngoài lạc khoản ký Đường Anh ông còn ký: Tuấn Công, Tuấn Công ngoại, Tuấn Công thị, Tuyền Công, Thúc Tử, Oa Ký cư sĩ, Đào Thành cư sĩ, Mộc Trai cư sĩ, Đào Nhân; lạc khoản ghi tên “Đường”: Cổ Bách Đường, Cổ Tuyền Đường, Đào Thành Đường, Đốc Đào Sứ…đặc biệt là ấn ký một chữ triện: Đào, Xác, Chú, Hàn, Quân, Mặc.

Bìa quyển “Cổ Bách Đường hý khúc tập”

Theo tài liệu ghi chép, Đường Anh còn là tác giả kịch bản, trong tay có 17 tác phẩm, có nhiều kịch bản in trong sách Cổ Bách Đường hý khúc tập. Kịch của Đường Anh lấy đề tài chủ yếu về cuộc sống của người bình dân, được ông sáng tác phục vụ cho những người thợ làm gốm ở Cảnh Đức trấn giải trí, tình tiết sinh động, dễ diễn và dễ xem. Những kịch bản đáng chú ý của ông như Diện hang tiếu, Thập tự ba, Mai Long trấn…sau này được cải biên thành Kinh kịch: Đả diện hang, Võ Tòng đả điếm (“điếm” là nhà trọ, không phải tích Võ Tòng đả hổ), Du long hý phụng…được biểu diễn rộng khắp trên sân khấu.

Ghi chú của tác giả: Nội dung bài này chủ yếu chỉ viết về thân thế của Đường Anh, tài năng đặc biệt cũng như sự đóng góp của ông cho ngành gốm sứ đời Thanh thuộc phạm vi một bài khác.

nguồn: songmoc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.