… Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng lên giấy điệp…
(Hoàng Cầm – Bên Kia Sông Đuống)
Thời trước, mỗi độ Xuân về, Tết đến, những con thuyền từ Thanh Hóa, Nghệ An miền Trung thường vượt sông Hồng theo dòng sông Nguyệt Đức đến tận Đông Hồ – Đông Hồ là một làng nhỏ ven sông Đuống; bên cạnh đường giao thông nối liền Hà Bắc với Hải Hưng, là hai vùng đất cổ trù phú của châu thổ sông Hồng. Đông Hồ xưa vốn tên gọi làng Mái hay làng Đông Mại. Hàng năm vào mùa nước lớn thường bị ngập lụt. Từ bao đời, người Đông Hồ nổi tiếng với nghề làm tranh. Cả làng ai cũng biết nghề. Và họ rất hãnh diện về làng mình, về những nghệ nhân tài hoa:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh.
Cô về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát, có nghề làm tranh (Ca dao)
Cùng với làm tranh, họ còn làm hàng mã. Làm nghệ thuật dân gian, nhưng người dân vẫn làm ruộng là chính. Họ chỉ làm tranh vào mấy tháng định kỳ theo mùa (7, 8,9 và 11, 12 âm lịch) đó cũng là những lúc nghỉ ngơi sau mùa gặt. Nhắc đến tranh dân gian Việt Nam là gắn liền với tranh Đông Hồ, hay tranh Gà, tranh Lợn:
Ta về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn, Gà (Bàng Bá Lân)
Tuy nghệ thuật khắc gỗ dân gian Việt Nam đã có từ lâu đời. Phan Huy Chú trong sách Văn Tịch Chí, thuộc bộ Lịch Triều Chương Loại Chí, viết rằng nghề in (ngày xưa in sách bằng lối khắc gỗ), ở nước ta đã có từ đời Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) và nhiều sách đã được khắc in trong các đời đó.
Về đời nhà Hồ, Hồ Quý Ly (1400-1401) cho in tiền giấy vẽ hình Long, Ly, Quy, Phụng, sóng nước, rong biển gọi là Thông Bảo hội sao. Như vậy thì kỹ thuật in mộc bản thời đó chắc đã tinh vi nên mới in được tiền.
Tuy nhiên theo truyền thuyết của một số làng chuyên in tranh mộc bản thì thủy tổ nghề in ở nước ta là Lương Như Hộc. Ông người làng Hồng liễu, huyện Trường Tôn, phủ Hạ Hồng (nay là làng Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đậu Tiến sĩ năm thứ ba niên hiệu Đại Bảo Nhà Lê (1442) đi xứ sang Tàu và học được nghề in, đem về truyền bá trong nước. Hiện nay, làng Đông Hồ còn thờ ông làm Thành Hoàng và các phường thợ in ở các nơi vẫn thờ ông làm ông tổ của nghề in.
Nhớ lại, các chiếu tranh Tết thường bày bán la liệt trong các phiên chợ cuối năm và các vùng phụ cận ở trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa (tức Hà Nội ngày nay) cung cấp tranh Tết cho dân chúng các vùng Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây…
Chợ Tết Đông Ba, Huế cũng tấp nập cảnh dân chúng sắm tết, mua hoa, mua tranh Tết của nghệ nhân xứ Huế, chủ yếu là Làng Sình (Bao Vinh) vẽ. Và những tranh Tết của nghệ nhân dân gian miền Nam cũng mang đến một mùa xuân tươi mát trên quê hương.
Người Việt Nam những năm xưa vui Xuân không thể thiếu hoa và tranh Tết. Bởi vậy, nghệ thuật in và vẽ tranh Tết của mỗi vùng đều có điều kiện phát triển, có những bản sắc nghệ thuật, tính cách biểu hiện và nội dung, đề tài riêng biệt, phong phú, đa dạng…
Tranh dân gian Việt Nam ở mỗi địa phương đều có nét đẹp riêng. Ngoài Đông Hồ là nơi thực sự có một lịch sử về tranh dân gian, chúng ta thấy còn có những vùng sản xuất khác kể cả những vùng miền núi của các dân tộc Tày, Nùng, H’mông, Dao.
Sau Đông Hồ phải kể đến Hàng Trống.
Hàng Trống là tên gọi chung để chỉ dòng tranh dân gian sản xuất ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Mã, Hàng Hành, Hàng Bún, giữa lòng 36 phố phường Hà Nội.
Tấm ván khắc tranh Hàng Trống còn giữ được hiện nay với niên hiệu “Quý Mùi lục nguyệt khởi, Minh Mệnh tứ niên” cho thấy bản gỗ này được khắc từ năm 1823. Như vậy tranh Hàng Trống đã có từ lâu lắm.
Khác với lối thực hiện tranh Đông Hồ, dùng toàn bản gỗ để in, in bao nhiêu màu thì khắc bao nhiêu bản gỗ. Bảng màu cổ truyền để in tranh Đông Hồ thường dùng những màu nguyên chất tươi sáng lấy từ chất thảo mộc hay khoáng sản sẵn có. Như màu Trắng Điệp óng ánh lấm tấm như vảy bạc, lấy từ vỏ con điệp ở bãi biển tán nhỏ mịn. Màu vàng ấm cúng lấy từ hoa hòe, để lấy chất vàng hòe, các nghệ nhân phải đun sắc kỹ như nấu thuốc bắc, công phu,đều lửa. Màu đỏ vang lấy từ gỗ cây vang trên rừng, chẻ nhỏ, đun kỹ ngày đêm, cô đặc thành màu đỏ sậm. Màu đỏ son lấy từ bột sỏi son tán nhỏ mịn. Màu xanh chạm lấy ở lá chàm. Màu đen xốp được tạo ra từ than rơm và than lá tre khô. Than càng được ngâm nước ủ kỹ lâu ngày màu càng đen đậm.
Khi in tranh, các màu trên pha trộn với hồ nếp khuấy kỹ thành chất màu đặc quánh rất dính, vừa dễ thấm vào giấy vừa chịu được ánh sáng, ít bị phai nhạt.
Giấy in tranh dân gian là loại giấy dó mỏng, mềm, dễ hút màu. Nguyên liệu để làm giấy dó là vỏ cây dó. Cây dó thân gỗ, vỏ khá dày, có xơ rất dai, mọc hoang hoặc được trồng trên đất trung du và miền núi, thích hợp nhất ở đất miền núi phía Bắc. Trong bộ sách bách khoa Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) đã ghi lại là người dân đã biết dùng vỏ cây dó, vỏ cây thượng lục (còn gọi là cây niết) để làm giấy.
Ván in tranh thì phải lựa gỗ thật tốt, không bị mối mọt, khắc sâu nét, dùng lâu năm không mòn hỏng. Đối với những gia đình làm tranh, bản gỗ in tranh trở thành vật gia bảo, tài sản quí truyền lại cho con cháu đời sau.
Hai dòng họ nổi tiếng là Nguyễn Đăng của dòng tranh Đông Hồ, và Lê Văn của dòng tranh Hàng Trống (họ Nguyễn Đăng theo gia phả, đã làm nghề là tranh ở Đông Hồ được 20 đời, tức là vào khoảng trên dưới 500 năm)
Về mặt tạo hình, ta có thể phân biệt hình vẽ giữa hai dòng tranh trên. Dòng tranh Đông Hồ với những hình vẽ tròn trịa, hình không tạo khối, đường viền đen đậm, ngô nghê, thật thà, gần với sinh hoạt của nông thôn. Các tranh tiêu biểu như “gà đàn”, “lợn độc”, “đánh vật”, “đánh ghen”, “hứng dừa”, “chăn trâu thổi sáo”, “gà đại cát”, v.v..
Các tranh thờ dân gian: Trường Canh-Thái Bạch Kim Tinh, tượng trưng phú quý, hạnh phúc (trái) và Tử vi Trấn Trạch, thần giữ nhà, tượng trưng cho hạnh phúc (phải).
Tranh Hàng Trống thì chỉ in nét đen, còn màu thì tự tay nghệ nhân tô lên, và đã dùng phẩm màu hóa học, nhiều độ màu khác nhau và cả vờn khối, trông phong phú hơn, thành thị hơn. Đường viền cũng tinh vi hơn. Những tranh nổi tiếng như “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, “Thất đồng”, “Tố Nữ”, “Tam Tòa Thánh Mẫu”, “Ngọc Hoàng”, “Các bà Đồng” và đặc biệt là tranh “Ngũ Hổ”.
Vì năm nay là năm Mậu Dần, nên nói qua về tranh “Ngũ Hổ” là chính.
Tranh “Ngũ Hổ” thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống, là loại tranh thờ. Nước ta, cũng như các nước nông nghiệp lạc hậu khác, trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đứng trước một thiên nhiên rộng lớn, bao la huyền bí, thường có tục thờ cúng các vị thần linh, trong đó có loài vật. Loài vật được thờ phụng trong tín ngưỡng thời xưa là Hổ. Tượng trưng cho các vị thần tướng trấn ngự các vùng: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương. Hổ vốn là con vật thật, đã được thần thánh hóa, tượng trưng cho sức mạnh. Trong xứ nhiệt đới nước ta lại có nhiều núi cao, rừng rậm, có nhiều cọp, thường gây tác hại cho con người. Cọp thành một hình ảnh khủng khiếp trong dân gian. Vi nể sợ nên chỉ dám gọi là “Ngài”, “Ông Ba Mươi”. Vì sợ nên xem như đó là một sức mạnh thiêng liêng để diệt trừ ma quỉ. Có hình hổ trấn giữ ở cửa thì tà ma không thâm nhập, nên nhiều nơi thờ “Ngài”. Tranh “Ngũ Hổ” trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian.
Tranh “Ngũ Hổ” trong dân gian còn gọi là tranh “Ông Năm Dinh” tượng trưng cho năm vị thần trấn ngự trị năm phương trời, nên các nghệ nhân khi vẽ tranh Hổ, ngoài màu vàng kim vẻ nổi bật chòm râu, ánh mắt long lanh dữ tợn của Hổ, còn vẽ năm con năm màu nhất định:
– Hoàng Hổ tướng quân màu vàng, trấn nhậm Trung khu (Địa khu)
– Hắc Hổ tướng quân màu đen, trấn nhậm Bắc khu (Thủy khu)
– Bạch Hổ tướng quân màu trắng, trấn nhậm Tây khu (Kim khu)
– Xích Hổ tướng quân màu đỏ trấn nhậm Nam khu (Hỏa khu)
– Thanh Hổ tướng quân màu xanh trấn nhậm Đông khu (Mộc khu)
Bố cục và hình thể hiện, các nghệ nhân dân gian không lệ thuộc vào qui tắc viễn cận, trái lại, tùy theo ngôi vị thần linh, thứ bậc của các nhân vật chính hay phụ trong tranh mà vẽ tỷ lệ to nhỏ khác nhau, nhằm gây cho người xem tranh có một ấn tượng tức thời vì cái ý mà họ muốn nói.
Các tranh Ngũ Hổ, Bạch Hổ hay Hắc Hổ là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, do sự phối hợp đường nét, hình khối và màu sắc tài tình của nghệ nhân. Ta nhìn vào thấy có một sức sống mãnh liệt, biểu hiện trên nét mặt, chòm râu, ánh mắt sáng dội của Hổ. Nhất là thế ngồi của Hổ, với thân hình vạm vỡ, chắc khỏe, ngồi nghiêng trên thế chống thẳng tuyệt đối vững chắc của hai chân trước, càng làm tăng thêm sức mạnh của Hổ. Bố cục phía sau gồm có những đường thẳng của cán cờ, của thanh kiếm và giá kiếm đã tạo sự vững vàng và sức mạnh.
Phần trên là những đám mây do những đường cong gẫy khúc nối nhau, lớp trong lớp ngoài cuồn cuộn đã cho cảm giác về sự xốp dày cộng thêm với mặt trời, cờ phương… ẩn giấu một vẻ thần bí, thiêng liêng.
Ta thấy những bố cục tranh Hổ đều có sự cân bằng chừng mực, hình dáng và đường nét phù trợ cho nhau rất chắc, toát lên sự uy nghi của một vị thần linh để thờ ở các miếu đền và cả trong nhà. (Cũng xin nhân đây thắp nén nhang tưởng nhớ anh Chữ Bá Anh, người đã có một niềm say mê, một sức làm việc, và sự nghiêm túc trong sinh hoạt báo chí ở vùng Hoa thịnh đốn, và cung cấp bài vở, tin tức cho nhiều nơi khác… Một hình ảnh đáng kính trọng của tinh thần làm việc, tinh thần tổ chức nơi anh. Trước ngày anh mất, anh có nhờ tôi vẽ lại bức Bạch Hổ để thờ, anh nói cung anh phải thờ thần Bạch Hổ. Tôi đã tỉa vẽ Bạch Hổ cho anh. Cũng đã gần hai năm, anh mất đi, như vẫn còn nghe giọng nói trong điện thoại của anh: “Tôi đây anh…”)
Nhắc đến tranh dân gian, ngoài hai dòng tranh chính là Đông Hồ và Hàng Trống còn phải kể đến dòng tranh Kim Hoàng ở Hoài Đức, Hà Sơn Bình phía tây Hà Nội, vẽ theo các kinh điển Phật giáo về mặt hình họa thì gần với tranh Đông Hồ nhưng kỹ thuật thực hiện lại theo cách Hàng Trống. Trận lũ lụt lớn năm Ất Mão (1915) đã cuốn trôi rất nhiều bản gỗ in tranh, cũng từ đó tranh Kim Hoàng mai một, thất truyền dần.
Hiện nay, cả làng tranh Đông Hồ thời xa xưa ấy chỉ còn lại vài ba nghệ nhân còn đeo đuổi nghề, thủy chung với nghề. Họ vẫn làm tranh như một duy trì nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam. Đa số làm hàng mã để sống (số cán bộ làm giàu nhanh lại tin dị đoan, dân chúng vùng quê thì như một truyền thống từ xưa đến nay vẫn luôn cúng bái, lễ thần, đồng bóng…)
Hiện nay hàng mã Đông Hồ cung cấp khắp thị trường miền Bắc. Đây là nghề làm quanh năm, không theo thời vụ. Nghề làm hàng mã chiếm từ 70% đến 80% tổng thu nhập của làng. Đời sống người dân đã được khá hơn.
Theo ông Nguyễn Đăng Chế, một trong ba nghệ nhân còn làm tranh, thì hiện làng còn giữ những bản gỗ in tranh cách đây hai trăm năm, trị giá khoảng 85.000 USD một bản gỗ gốc. Gia đình ông Chế hiện là nhà sản xuất tranh nhiều nhất làng. Những nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian Việt Nam khi ghé thăm làng Đông Hồ, nay là xã Song Hồ thường ghé thăm gia đình truyền thống còn lại này.
Xã hội càng hiện đại, tân tiến, dòng tranh dân gian đã mất đi ảnh hưởng trang trí. Ngày nay dân làng quê khi có thêm xe honda, có thêm nhà ngói, ti vi… lại thích treo lịch các cô gái Thái Lan hay tài tử Hồng Kông… cho hiện đại. Trông thật ngậm ngùi.
Dân chúng, ngày Tết cũng không còn chú ý đến tranh dân gian. Chỉ có những người ngoại quốc, những người Việt đi lâu ngày về thăm quê hương, còn quí trọng một nét đẹp của Văn hóa Việt Nam, ghé qua Viện Bảo tàng Mỹ thuật, những nhà sách lớn, tìm mua những tập tranh dân gian Việt Nam, phẩm chất không còn như xưa, về làm kỷ niệm cho một chuyến đi.
Cuối năm, vẫn ngồi ở Phở Xe Lửa, nhìn lên bức “Bé cởi trâu thổi sáo” hay “Đánh ghen”với chiếc váy đen xưa, cạnh hình vẽ cô gái chít khăn mỏ quạ, áo tứ thân của Suối Hoa mà nhớ hai câu thơ của Huyền Kiêu:
“Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng.
Hai nét đẹp xưa và nay vẫn còn bổ sung cho nhau. Nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại. Như vậy mảng nghệ thuật folk-lore Việt Nam không thể không trân trọng và bảo tồn, phát triển. Tiếc rằng đất nước ta những người lãnh đạo cộng sản không biết coi trọng văn hóa nghệ thuật, nên không có đường lối về sự phát huy, giới thiệu nghệ thuật Việt Nam một cách có tổ chức, đúng giá trị, để giới thiệu với thế giới. Toàn những cuộc triển lãm không có gì là tiêu biểu đúng cho nền nghệ thuật Việt Nam xưa cũng như nay. Buồn hơn nữa, là lại do những tổ chức hay cá nhân của người Mỹ đứng ra giới thiệu, dưới cái nhìn chủ quan của họ về một đất nước nghèo đói, lạc hậu…
Bao giờ mới có một Mùa Xuân Đẹp cho Đất Nước, cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Virginia 12-97
Đinh Cường
Ngày Nay (Tết Mậu Dần, 1998)
Nguồn : hocxa.com
Sách tham khảo:
– Maurice/Durant. Imagerie populaire Vietnamienne, Publication de L’EFEO, Paris 1960.
– Huỳnh Hữu Ủy: Nghệ thuật Tạo hình Dân gian Việt Nam – Hồng Lỉnh, California 93.
– Nguyễn Khắc Ngữ: Kỹ thuật và Mỹ thuật Tranh Mộc bản Việt Nam. NCSD Saigon, 1973.
– Nguyễn Bá Vân – Chu Quang Trứ: tranh Dân Gian Việt Nam, Nhà xb Văn Hóa – Hà Nội, 1984.
thank you ! rất bổ ích và thú vị ! tôi muốn lưu lại sao không được nhỉ ? thậttiếc