Tháng 1-2/1801 (tháng 12 năm Canh Thân), Nguyễn Ánh vẫn chưa giải vây được Bình Định: dưới nước, thủy quân Võ Văn Dũng giữ chặt cửa biển Thị Nại; trên bộ, quân Trần Quang Diệu vây chặt thành Bình Định mấy vòng. Ban đêm Võ Tánh mở cửa thành ra đánh đốt trại địch, quân Tây Sơn bỏ chạy, nhưng sáng sớm lại trở lại vây đông hơn.

Tháng 2-3/1801 (tháng 1 năm Tân Dậu), Vương sai Nguyễn Văn Thành tiết chế các đạo bộ binh. Đặng Đức Siêu dàn chiến thuật đánh hóa công, nay dụng cụ đã làm xong. Vương mật định hôm 28/2/1801 (16/1 năm Tân Dậu), cất quân đánh úp. Để Phạm Văn Nhơn giữ Cù Mông, Vương thân chính đem thủy quân tiến phát. Nửa đêm hôm ấy, qua Tiêu Cơ, Nguyễn Văn Trương tiên phong, bắt được lính tuần của Tây Sơn, biết khẩu hiệu, Trương cho thuyền nhỏ lên vào Tiêu Ki, chèo qua thuyền lớn đến miếu Tam Tòạ chém được Đô đốc Trà, đốt rất nhiều thuyền địch. Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt đánh nhau kịch liệt với quân Võ Văn Dũng. Võ Di Nguy tử trận. Lê Văn Duyệt xông lên, cuối cùng, quân Nguyễn đại thắng. Toàn bộ chiến hạm của Võ Văn Dũng bị đốt cháy gần hết… Trận Thị Nại (1801) là võ công lớn nhất của Nguyễn Ánh, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Trận này có ba người Pháp tham dự là Cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tàu Phượng Phi; Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), quản tàu Long Phi, và Lê Văn Lăng (de Forcanz), quản tàu Bằng Phi. Ba người này sẽ tiếp tục dự các chiến dịch Quảng Nam và Phú Xuân.

Thua trận, Võ Văn Dũng thu thập tàn quân hợp lại với Trần Quang Diệu, sai Tư khấu Định giữ Thạch Tân [biên giới Bình Định-Quảng Ngãi], Đô đốc Nguyễn Văn Ngữ giữ Đạm Thủy [Nước Ngọt, Bình Định], Đô đốc Võ Văn Sư giữ Tân Quan [Quảng Ngãi]. Thắng trận Thị Nại, nhưng Nguyễn Ánh vẫn không thể giải vây được Quy Nhơn. Ngày 20/13/1801 (ngày Quý Sửu 6/2 năm Tân Dậu), Hoàng tử Cảnh mất vì bệnh đậu mùa tại Gia Định, ở tuổi 22. Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Từ Châu giữ Gia Định.

Ở mặt trận Phú Yên, Tây Sơn thắng thế: Phạm Văn Điểm chiếm bảo Hội An, Nguyễn Đức Thiện, Trần Văn Trạc, Phạm Tiến Tuấn phải lui về giữ Xuân Đài. Vương sai Nguyễn Đức Xuyên và Tống Viết Phước ra đánh, Tây Sơn rút quân về.

Tiếp nối chiến thắng Thị Nại, Nguyễn Văn Trương chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam

Sau chiến thắng Thị Nại, Vương ở lại vùng Cù Mông-Thị Nại. Tháng 3-4/1801 (tháng 2 ÂL), sai Nguyễn Văn Trương đem thủy binh ra đánh Quảng Ngãi, Quảng Nam cùng với các vệ quân Thần Sách của Phan Văn Đức, vệ Phấn Dực Trung quân của Tống Phước Lương, vệ Thuận Võ của Vương Văn Học. Tháng 4-5] 1801 (tháng 3 ÂL), Nguyễn Văn Trương tiến đến cửa biển Cổ Lũy [Quảng Ngãi] đánh kho Trà Khúc, Đô đốc Tuấn bỏ chạy. Phá được Trà Khúc, Nguyễn Văn Trương tiến vào cửa biển Đại Chiêm, chiếm Hội An và Phú Triêm. Hoàng Văn Tự đem hình bản bộ tiếp ứng, bắt được 24 thớt voi Tây Sơn. Đại Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Xuân và Trấn chủ Văn Tiến Thể giữ ải La Qua, bị Nguyễn Văn Trương đánh úp, thua chạy, thu được 80 khẩu đại bác. Nguyễn Văn Trương chiếm lại dinh Quảng Nam Nguyễn Vương sai Phạm Văn Nhơn quân ba chiếc thuyền đại hiệu tiến ra Đà Nẵng, cùng các thuyền hiện Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi do Chaignealh Vannier và đe Forcanz cai quản. Cho Tham quân Tượng dinh Lê Nguyên (quê Quảng Nam) theo Nguyễn Văn Trương, dẫn đường, dặn Trương chọn nơi hiểm yếu đặt ba bảo theo hình tam giác, sau bảo có Trường Giang (sông lớn nối của Đại Chiêm với Tam Kỳ) để thủy bộ tiếp ứng được nhau.

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng sai đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hòa, cẩu Đông Giang, cầu Tân Hội [Quảng Ngãi] , chống lại. Nguyễn Vương sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm tiến đánh, thắng, bắt được Đô đốc Nguyễn Bá Phong, nhưng Vệ úy vệ ban trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết. Nguyễn Vương vào đến cầu Tân Hội. Tây Sơn nhiều lần đánh bảo Vân Sơn, Nguyễn Văn Thành sai Lê Chất chống đỡ. Tướng Tây Sơn Phạm Văn Điềm tấn công Phú Yên: Nguyễn Long giữ đồn La Thai và Lưu Tiến Hòa giữ báo Hội An đều thua trận; Hỏa bị giết, Long chống không nổi để mất quân lương, bị tội.

Hoàng tử thứ hai là Hy mất, nguyên giữ chức Cai đội, đi theo quân, ở tuổi 20. Sai đưa về Gia Định chôn cất. Trong hai tháng ở mặt trận, Nguyễn Vương mất hai con trai.

Nguyễn Vương xuất quân từ tháng 5-6/1800 (tháng 4 ÂL), trong gần một năm, vẫn chưa giải vây được Bình Định. Võ Tánh và Ngô Tòng Châu Cố thủ đã hơn một năm, trong thành gần hết lương. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, mặc dù thua trận Thị Nại, vẫn bao vây chặt.

Vương sai người mật báo cho Võ Tánh nên Phá vòng vây ra hội với đại binh. Tánh trả lời: Liều chốt giữ thành tới cùng. Tất cả quân chủ lực của Tây Sơn hiện ở đây, Hoàng thượng nên lợi dụng đánh Phú Xuân…. Đặng Đức Siêu và Trần Văn Trạc, Tham thì Bộ Hình, cũng khuyên vua nên đánh Phú Xuân hiện đang bỏ trống. Đặng Đức Siêu biết rõ địa hình Phú Xuân, dàn chiến thuật: “Chia quân thuyền làm hai đạo: một đạo đánh của Tư Hiền, một đạo đánh của Noãn Hải (cửa Thuận An). Lúc đó, Vương mới quyết định bỏ Bình Định, đánh Phú Xuân.

Nguồn: Vua Gia Long và người Pháp, Thụy Thuê, NXB Hồng Đức.

Link : https://quanhequocte.org/tran-thi-nai-1801-cuoc-chien-xoay-chuyen-cuc-dien-cua-vua-gia-long/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.