Hercules là tên La Mã, tên Hy Lạp là Heracles, nhưng tên La Mã phổ biến hơn nên tôi dùng nó cho tiện.
Như bao tích Hy Lạp dài dòng khác, tích về Hercules không bắt đầu từ Hercules, mà từ mẹ của Hecules. Bà là công chúa Alcmene của xứ Thebes, và cũng là cháu của người hùng Perseus. Hai ông anh của bà này bị người xứ Taphia giết, nên lúc vua cha gả Alcmene cho dũng sĩ Amphitryon, bà nhất quyết bắt chồng phải đi trả thù cho anh của mình trước khi cho phép chồng “động phòng”.
Yêu sách này luôn hữu hiệu, thế là Amphitryon khăn gói tới xứ Taphia, Alcmene ngoan ngoãn ở nhà chờ. Chờ đến lúc Amphitryon sắp về thì… ông dê xồm Zeus xuất hiện. Ông biến thành chồng của Alcmene, nói rằng mình đã trả thù xong, và thế là Alcmene mang thai Hercules.
Tượng Hercules, bản copy của La Mã, có niên đại từ thế kỷ thứ 2 Công Nguyên. Bản gốc từ thời Hy Lạp thể nào cũng bằng đồng.
Ngay lúc Zeus vừa hô biến lên đỉnh Olympia, Amphitryon “thật” trở về, Alcmene không hiểu gì hết nhưng thấy chồng đòi yêu nữa thì bà tiếp tục chiều. Thế là Alcmene mang thai song sinh: một đứa của Zeus, đứa kia của Amphitryon. Lúc hai đứa chào đời, bà đặt tên cho thằng con của Zeus là Alcides, con của chồng là Iphicles. Ủa! Sao lại là Alcides, không phải là Hercules nhỉ? Tý nữa sẽ giải thích.
Tác phẩm “Hercules chào đời”, Jean Jacques Francois le Barbier, thế kỷ 18th. Không thấy hoạ sĩ vẽ đứa em của Hercules, và trông mặt bà mẹ Alcmene rất… chán đời, chắc tại mệt sau khi sinh ra thằng con to tướng.
Đúng theo tích thì mãi sau này Alcides mới đổi tên thành Hercules, nhưng các hoạ sĩ hoặc không nhớ, hoặc cố ý đề tên “Hercules” cho tác phẩm để thiên hạ (và những ai không đọc tích nhiều) khỏi thắc mắc. Họ cũng “quên” luôn thằng em cùng mẹ khác cha Iphicles của Hercules, và tạc tượng/vẽ tranh mỗi vị thần sức mạnh này. Nhắc trước để mọi người biết vậy, và tôi cũng xài Hercules luôn cho rồi, chứ nhiều tên quá, đọc loạn cả mắt.
Trở lại với tích. Bà Hera sẵn tính ghen, thấy ông chồng mắc dịch của mình lại có thêm con mới, bà nổi khùng và cử hai con rắn đi giết Hercules lẫn Iphicles lúc cả hai chỉ chừng vài tháng tuổi. Nhưng khi hai con rắn mới bò vào cũi của hai anh em, Hercules tóm lấy chúng và siết cổ chúng chết.
Hoạ tiết trên chiếc bình thời 470 năm trước Công Nguyên ở Hy Lạp cổ, vẽ cảnh Hercules bóp chết hai con rắn khi mới vài tháng tuổi. Vì đây là bình thời Hy Lạp nên đứa em Iphicles cũng có mặt, do Iphicles là người thường nên cậu sợ hãi bám lấy mẹ lúc anh trai đang giết rắn.
Ngoài những hình vẽ trên bình cổ này, đa số tranh/tượng về cảnh Hercules “bóp nát con rắn” toàn miêu tả Hercules solo, không có thằng em bên cạnh.
“Hercules giết rắn trước mặt Alcmene và Amphitryon”, tranh vẽ trên tường vào khoảng thế kỷ thứ 2 Công Nguyên, ở Pompeii. Bà mẹ Alcmene phát khoảng khi thấy thằng con giết rắn, còn ông bố nuôi Amphitryon đang có vẻ rất trầm tư, như thể tự hỏi “Phải con mình không đây?”. Chẳng thấy mặt ông em Iphicles đâu cả.
“Bé Hercules và con rắn”, tượng từ thời La Mã, khoảng thế kỷ thứ 2 Công Nguyên. Giống bức tranh tường ở Pompeii, Hercules trong tác phẩm này cũng solo, chắc do mấy nghệ sĩ chả biết nhét thằng em vô chỗ nào hết.
“Bé Hercules giết rắn”, Galeazzo Mondella, thế kỷ 16th. Từ nhỏ Hercules đã oai nhỉ?
Sau vụ rắn riếc này, mẹ Alcmene hiểu ra rằng thằng con lớn của mình là con của Zeus, và thần Hera đang nổi khùng trên đỉnh Olympia. Sợ bị bà hoạn thư tạt nước mắm, Alcmene đem Hercules ra đồng hoang bỏ.
Thấy tội cho Hercules, Hermes bay xuống đồng ẵm Hercules lên đỉnh Olympia (có tích ghi rằng Athena mới là người đưa Hercules lên, vì Athena là thần bảo trợ cho các anh hùng). Hòng nịnh Hera và muốn Hera mủi lòng với Hercules hơn, Hermes đặt Hercules vào lòng Hera khi bà hoạn thư đang ngủ. Bà thần này có lẽ là ngủ khỏa thân, vì Hercules bấu lấy bầu vú của Hera và bú sữa, làm Hera choàng tỉnh.
Nhìn thắy thằng Hercules đang bú mình, Hera bực tức đẩy ra, nhưng sữa của bà cũng bắn thành dòng, tạo nên dải Ngân Hà (tiếng Anh là Milky way, Milk thì có nghĩa là “sữa” rồi).
Tác phẩm “Nguồn gốc của dải Ngân Hà”, Jacopo Tintoretto, 1575. Cách Hermes dí Hercules vô Hera trông hơi bị thô bỉ, và dải Ngân Hà biến từ sữa của Hera nhìn không hoành tráng mấy.
Tác phẩm “Sữa của Hera chảy thành dải Ngân Hà”, Rubens. Rubens vẽ cảnh sao và Ngân Hà đẹp, có điều hơi lạc đề, Hera như đang âu yếm Hercules giống đức mẹ đồng trinh âu yếm con.
Tuy vẫn ghét Hercules, nhưng Hera có vẻ nguôi ngoai hơn với thằng con riêng của chồng, nên Hermes bưng Hercules về với Alcmene và Amphitryon, bảo rằng Hera sẽ không ghen nữa đâu.
Sau khi nữ thần Hera nguôi ngoai cơn giận vì “lỡ” cho Hercules bú sữa; vị thần sức mạnh trải qua một tuổi thơ êm ấm. Lúc lớn, Hercules (nên nhớ lúc này vẫn còn giữ tên Alcides) trở nên vạm vỡ, cường tráng; anh chàng thuộc týp người khoái đi săn rồi lột da con thú mình giết được làm áo mặc.
Đây là bức tượng “Hercules uống rượu” được tìm thấy ở Pompeii, có niên đại thế kỷ thứ 2 Công nguyên. Tác phẩm bằng đồng này vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ bị mất cái ly.
Do Hercules là người xứ Thebes, và lại khỏe nhất thế giới, nên vị vua Thebes tên Creon “bắt rể” ngay tắp lự bằng cách gả con gái Megara cho anh. Công chúa Megara và Hercules có với nhau rất nhiều con (bản thì nói 3 đứa, bản khác nói… 8 đứa). Mọi thứ đang rất suôn sẻ, vậy mà bỗng dưng bà Hera chán đời ngó xuống hạ thế, thấy Hercules đang hạnh phúc, vợ con sum vầy, bệnh ghen của nữ hoàng đỉnh Olympia tái phát.
Bà thần phù phép ếm cho Hercules bị điên, nam dũng sĩ la ó om sòm rồi dùng lửa thiêu chết vợ lẫn đám con mình.
Chiếc bình vẽ cảnh “Cơn điên của Hercules”, vị thần sức mạnh đang ôm con quăng vô mớ đồ đạc/vật dùng gia đình nằm ngổn ngang, hòng thiêu chết con cái cùng với căn nhà. Cô vợ Megara thì hoảng hốt chạy ra khỏi cửa (nhưng sau đó cũng bị túm lại đem thiêu như thường). Chiếc bình có niên đại thế kỷ thứ 4 Công nguyên, hiện đang nằm ở Bảo tàng Khảo cổ của Tây Ban Nha.
“Hercules giết con bằng cung”, Antonio Canova, 1799. Thay vì đốt, họa sĩ vẽ cảnh Hercules dùng cung giết gia đình. Megara đang giơ tay van xin Hercules, còn người đang ngăn anh lại chắc là bố vợ Creon (hoặc cậu cháu Iolaus vốn rất thân thiết với chú, nhưng nếu là Iolaus thì họa sĩ phải vẽ trẻ hơn??). Ít ai lôi cảnh này ra làm đề tài vì nó vừa thảm vừa “dìm hàng” Hercules anh dũng.
Lúc Hercules tỉnh dậy và biết rằng mình đã sát hại gia đình trong cơn điên, anh buồn bã bỏ xứ Thebes (không bỏ chắc vua Creon cũng đá đít), đến thánh địa Delphi để nhờ một vị tiên tri ở đây tẩy trần cho sạch tội. Nhưng vị tiên tri nói rằng muốn hết tội thì Hercules phải đến xứ Tiryns, phục vụ một ông vua tên Eurystheus, rồi chiến thắng 10 khổ nạn do ông này đề xuất (gì? 12 khổ nạn chứ? Từ từ sẽ hiểu…), và phải đổi tên từ Alcides thành Hercules. Hercules viết theo tiếng Hy Lạp là Heracles hoặc Herakles, có nghĩa: vinh quang của Hera.
Thế là vị anh hùng khăn gói tới Tiryns, nhưng lúc anh vừa tới nơi, chưa kịp ngủ nghỉ là ông vua Eurystheus đã bắt anh phải thực hiện khổ nạn đầu tiên: giết con sư tử Nemean.
Hình vẽ Hercules và con sư tử Nemean trên một chiếc vại cổ, khoảng 500 năm trước Công nguyên
Giết sưu tử tuy thấy ghê nhưng bõ bèn gì với người hùng Hercules nhỉ? Không đâu, con sư tử Nemean có bộ da đặc biệt cứng, dao kiếm chém không thủng. Dĩ nhiên, Hercules nhà ta chẳng biết điều đấy. Khi lần đến được hang con sư tử, Hercules liên tiếp lấy cung tên bắn nó, để rồi chứng kiến cảnh tên bị dội bật trở lại.
Ghét, vị thần sức mạnh quẳng xừ cung tên, dùng chày đập cho con sư tử lảo đảo, rồi lấy tay siết cổ nó. Con sư tử Nemean tuy có bộ da cứng hơn thép nhưng vẫn là loài cần hít oxy. Bị đôi tay khỏe khoắn của Hercules siết chặt, con sư tử ngạt thở, chết.
“Hercules giết sư rử Nemean”, Francisco de Zurbaran, 1634. Người hùng Hercules như đang chơi đấu vật với con sư tử, siết cổ phải siết từ đằng sau chứ nhỉ? Siết kiểu này hơi nguy hiểm, nó mà cào trúng thì có mà lòi ruột.
“Hercules và sư tử Nemean”, Rubens, 1615. Dường như các họa sĩ thích vẽ cảnh Hercules không mặc quần áo lúc thực hiện nhiệm vụ, đúng theo tích thì chắc anh chàng phải có đồ bận, chứ lỡ con sư tử cạp trúng chỗ hiểm là eo ôi. Rubens cũng cho ta thấy rằng: lúc Hercules và sư tử đánh nhau, con beo chết trước.
Bức khảm có cảnh Hercules bóp cổ sư tử Nemean, năm 250 Công Nguyên, tuy không có cảnh núi non như tranh nhưng bức khảm cũng chi tiết, đằng xa bên phải chính là cái chày Hercules dùng để đập đầu con quái thú.
Hercules gạch khổ nạn đầu tiên khỏi danh sách, nhưng trước khi quay về, Hercules muốn lột da con sư tử. Biết rằng da của Nemean sẽ bảo vệ mình khỏi mọi thứ đao kiếm cung tên, vị thần sức mạnh muốn có nó làm áo mặc. Tuy nhiên, cũng do đao kiếm chẳng đâm nó thủng nổi nên Hercules loay hoay mãi mà không rạch được đường nào để lột (bóp sư tử nghẹt thở được nhưng đâu thể nào “bóp” ra bộ da).
Vị thần thông thái Athena thấy Hercules phát triển tứ chi quá nên động lòng thương, mách mẹo rằng “Dùng chính móng của con sư tử để cắt da nó”. Hercules làm theo, và lột da con sư tử dễ dàng. Từ đó về sau, anh luôn quấn bộ da này trên người.
Công cốc đánh Hydra 9 đầu
Trong phần trước, chúng ta chăm chú dõi theo Hercules chiến thắng khổ nạn đầu tiên. Theo nhà tiên tri, dũng sĩ còn phải trả qua 9 khổ nạn nữa. Thế gian ải tiếp theo là gì?
Vua Eurystheus (một kẻ không phải là tốt đẹp lắm), hậm hực khi thấy Hercules bóp chết con sư tử Nemean khá dễ dàng, bèn bắt dũng sĩ đi giết một quái thú nguy hiểm hơn: con Hydra 9 đầu. Hydra to lớn như rắn khổng lồ, gần như không thể giết được (do lúc đó chưa ai biết cách giết).
Họa tiết trên một chiếc bình cổ, niên đại 525 trước Công Nguyên, tả lại cảnh Hercules giết Hydra. Thời Hy Lạp thì ai cũng biết Hydra là một quái thú giống con rắn, nhưng sau này chẳng hiểu lý do gì mà vài họa sĩ lại vẽ Hydra như con rồng (chưa tham khảo bình cổ nên vẽ đại chăng?), nên bây giờ nhiều người cứ lẫn Hydra với rồng 9 đầu.
Hercules lần đến nơi ẩn náu của con Hydra, dùng lửa dụ nó ra khỏi hang. Tuy nhiên, dũng sĩ của chúng ta mới chập chững nếm trải khổ nạn nên hơi thiếu sáng tạo, anh chàng áp dụng cách giết sư tử – tức bóp cổ – để giết rắn. Khổ cho vị thần sức mạnh, Hydra có tới 9 cái đầu, chưa kịp bóp cái này thì cái kia đã quật anh ngã. Bực bội, Hercules nảy tối kiến dùng chày đập đầu Hydra, nhưng đập nát 1 đầu thì 2 đầu khác mọc lại. Choảng nhau một hồi, rắn 9 đầu thành rắn… vô số đầu. Hercules lúc này mới nghiệm được chân lý “tẩu vi thượng sách.”
Tác phẩm “Hercules và con Hydra”, Gustave Moreau, 1876. Chàng dũng sĩ điển trai đứng trước hang của con rắn, hình ảnh 9 đầu vẽ hơi chán, giống một thân cây to với mấy nhánh cây lẻ tẻ mọc ra. Dưới chân con Hydra có xác của vô số nạn nhân – trong tích không có chi tiết này nhưng chắc vẽ thêm vô để nhìn cho thảm, thể hiện sự đáng sợ của con rắn. Tranh do bạn Hiếu Thiện đóng góp.
Tấm mosaic khảm hình Hercules giết Hydra, năm 250 Công Nguyên. Tuy trông có vẻ sơ sài nhưng người xem có thể thấy rõ rằng Hercules cầm chày, và khoác áo choàng làm từ da của con sư tử Nemean.
“Hercules và con Hydra”, Antonio del Pollaiolo, 1475. Bức tranh khá là xưa, Hydra trông giống rồng hơn rắn, vừa có cánh, vừa thấp bé. Có điều này tôi thắc mắc mãi: con sư tử Nemean to như thế, thuộc ra bộ da chắc cũng hoành tráng. Da này dao kiếm đâm không thủng, lý ra Hercules phải may thành thứ gì đó hòng bảo hiểm thân thể toàn diện hơn một chút. Thế mà trong hầu hết các tranh, bộ da của con sư tử thì bé, Hercules cũng chỉ đeo nó như đeo một tấm bạt, hở hang tùm lum, có phải phí không?
Dĩ nhiên, dù có xài kế tẩu thì anh hùng vẫn là anh hùng. Hercules chạy về nhà tìm thằng bạn thân Iolaus để xin lời khuyên cũng như sự giúp đỡ (tính theo phả hệ lằng nhằng thì Iolaus cũng là cháu của Hercules.)
Tấm mosaic “Hercules và Iolaus” này hiện nằm tại bảo tàng Museo Nazionale Romano, Rome. Hercules cầm chày ngồi chễm chệ bên phải, thằng cháu Iolaus thì bên trái.
Iolaus nảy ra sáng kiến (có sách nói là Athena chỉ anh sáng kiến này, nhưng có thể Iolaus tự nghĩa ra nhờ biết nấu ăn): Hercules cầm chày đập lìa đầu con rắn, Iolaus sẽ dùng đuốc lửa nướng chín ngay phần đầu cụt, thế là 2 đầu mới hết mọc lại do thịt đã nướng ra chả. Hercules nghe thấy có lý, và hai cậu cháu lên đường tìm Hydra giết tiếp.
Lúc tái ngộ quái vật, Hercules làm theo lời Iolaus, con Hydra không thể mọc lại đầu mới, dần dần lâm vào thế thua. Bà già ghen Hera nhìn thấy thế nên tức điên, gửi một… con cua to xuống kẹp chân Hercules hòng cản trở người hùng (nghĩ gì vậy Trời, muốn châm thêm mồi nhậu?). Hercules giơ chân lên đạp con cua một phát bẹp dí, rồi nhanh chóng giết chết luôn con rắn; Hercules lấy nọc độc của nó bôi lên tên bắn của mình, nhằm khiến bộ đồ nghề vũ khí của anh thêm phần lợi hại cho những cuộc khổ nạn về sau.
Bà Hera mất thú cưng, phải buồn bã đem con cua lên trời thành chòm sao Cự giải.
“Hercules giết Hydra”, Hans Sebald, 1545. Iolaus đang dùng đuốc nướng chả 1 đầu của con Hydra, Hercules thì quấn miếng da sư tử lấy lệ, tay cầm chày đập quái vật, chân sắp sửa đạp… bò cạp (họa sĩ vẽ lộn, đúng ra là con cua). Hydra này nhìn chẳng khác gì con rồng.
“Hercules giết Hydra”, Louis Cheron, thế kỷ 17. Hercules và cậu cháu Iolaus đang cùng nhau uýnh con Hydra cổ rắn, mình rồng, đầu… cún.
“Hercules đánh con Hydra”, Francisco de Zurbaran, 1634. Con quái vật này trông vẫn giống rồng hơn rắn, Hercules trong tranh này tuy cũng khoe cơ bắp nhưng không đến nỗi quá lộ liễu, biết lấy da sư tử xịn quấn khố, bảo vệ chỗ hiểm khỏi dao kiếm.
Vị thần sức mạnh ca khúc khải hoàn, nhưng ông vua Eurystheus vốn là người hùa theo Hera, cự nự rằng Hercules nhờ đến Iolaus để vượt khổ nạn này, nên coi như chiến công giết rắn không được tính. 9 khổ nạn cuối cùng vẫn hoàn 9, và lần sau, Hercules biết là mình chẳng thể nhờ ai được nữa, phải tự thân động não thôi.
Ai cũng biết, vị tiên tri đã phán Hercules phải trải qua 10 khổ nạn, nhưng rốt cuộc anh phải thực hiện tới 12, tức có 2 lần… không được tính, với lần giết con Hydra này là một. Vậy còn 1 lần nữa, sự tình thế nào?
Tác giả: Pha Lê
Nguồn: soi house
Phần 2 đâu rồi ạ?