Khởi đầu là nơi trưng bày những sản phẩm tài khéo, sản vật địa phương nhằm quảng bá doanh thương, sau lại là nơi dạy nghề thủ công mỹ nghệ xuất bán ra khắp bốn phương trời, trường Mỹ thuật nổi danh khắp châu Á cũng được hình thành tại đây.

Hội chợ – Triển lãm năm 1902

Nhằm đẩy mạnh khai thác thuộc địa , bộ máy cai trị thực dân Pháp tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc Hội chợ – triển lãm lớn tại Hà Nội , nằm tại ví trí nay là Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, 91 phố Trần Hưng Đạo, dân gian vẫn gọi là Nhà Đấu xảo. Tòa nhà do kiến trúc sư Bussy thiết kế, Hội chợ triển lãm đầu tiên chính thức mở cửa 3-11-1902, đóng cửa 30-6-1903.

 

Bên trong tòa nhà chính Đấu Xảo (1902): gian Hàn Quốc với đồ gỗ, sứ ,may mặc

 

Tọa lạc trên khu đất rộng 12 ha, chi phí xây dựng 2,5 triệu F, gần bằng nửa cầu Long Biên (6,2 triệu F), lớn hơn cả chi phí hạ tầng kỹ thuật, trải nhựa đường, san lấp tạo thành 4 tuyến phố mới phía Nam hồ Gươm (1,5 triệu F). Tuy vậy, xét về hiệu quả thì tổ hợp này tổ chức 16 lần đều thu lãi lớn: Năm 1936, Ban tổ chức chi 12.855F, thu cho thuê đất/ bán vé/ quyên góp được 155.480F. Năm 1938 chi 16.218F, thu 219.305F. Năm 1941 chi 38.500, thu 286.512F.

 

Gian sản vật Philippines đầu TK XX.

 

Hội chợ 1902 ngoài 3 nước Đông Dương, có nhiều gian trưng bày từ các nước: Pháp,Nhật, Trung Quốc, Philippin, Mã Lai, Miến Điện…trưng bày trình độ phát triển công ,nông, thương nghiệp của các nước cũng như giới thiệu tài khéo Việt Nam. Bên cạnh máy móc châu Âu, sản vật tài nguyên châu Á còn có phần trưng bầy mỹ thuật, hệ thống giáo dục, văn hóa các địa phương, các hội thảo khoa học hay thi bắn súng, chất lượng hàng hóa.

Nhà triển lãm trở thành bảo tàng và nơi dạy nghề thủ công

Sau Hội chợ – Triển lãm, các hiện vật trưng bầy lưu trong tòa nhà trung tâm và nơi đây trở thành Bảo tàng nông công thương nghiệp – (Bảo tàng Đấu xảo ) cho đến khi bị bom phá hủy 1943.

 

Lớp dạy nghề điêu khắc đầu TK XX tại Bảo tàng Nông-Công –Thương nghiệp ( dân gian gọi là Bảo tàng Đấu xảo)

 

Giám đốc bảo tàng Crévost đã nhận ra tiềm năng nguyên liệu, tài khéo thợ thủ công Việt Nam nên đã đề xuất chương trình phát triển thị trường và đào tạo dạy nghề ngay tại Bảo tàng Đấu xảo. Khởi đầu là bắt chước làm hàng đan lát của Philippin và đồ sơn, thêu ren của Nhật Bản đang được ưa chuộng.

Các nông dân vùng xứ Đoài, xứ Đông được tập trung ngắn hạn, trợ cấp 2,3-4 F/ tháng để dạy làm thành thạo rồi về làng phổ biến lại cho bà con. Đơn hàng nhận thẳng từ các hiệu buôn do Bảo tàng giới thiệu, các hộ sản xuất tự lo giao dịch.

Sản phẩm mới ngày một phong phú: hàng sừng, xương, batoong, xích đu, bàn ghế song mây, mũ giang, mũ rút, thảm bẹ ngô bẹ dừa, đĩa, giỏ, khay, làn xách tay làm bằng mây giang xuất khẩu sang Pháp hay các thuộc địa bán rất chạy.

Bảo tàng giúp các làng nghề cải tiến máy móc, chuyển đổi nguyên liệu rất năng động: ví dụ như chiếc bị cói cho người hành hương nhà thờ, bảo tàng đã giúp các thương gia phố Hàng Buồm bán mấy vạn chiếc năm 1907; Nhà hàng Goda bao tiêu toàn bộ mũ Panama may bằng giang của làng Đông Ngạc. Năm 1937, chỉ riêng hàng đăng ten có 5. 740 thợ tại 232 làng các tỉnh quanh Hà Nội xuất khẩu 18 tấn hàng trị giá 16,6 triệu F

Hàng dệt kim như bít tất, áo nịt, bàn chải, cúc áo, hàng thủy tinh vốn phải nhập khẩu cũng được Bảo tàng hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nội địa. Tất nhiên đây là chính sách khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân: sản xuất ra nhiều hơn thì phải đóng thuế nhiều hơn làm giàu cho tư bản, phân hóa giàu nghèo, bóc lột tinh vi… Tuy vậy, người nông dân vốn chỉ trông chờ vào cây lúa, nhờ có nghề phụ mà kiếm thêm vài xu mỗi ngày.

 

Gian trưng bầy sản phẩm do học sinh các trường chuyên nghiệp thực hiện : đồ gỗ, sợi, tiêu bản động thực vật

 

Một số sản phẩm tre nứa xuất khẩu của làng nghề tỉnh Hà Đông năm 1906.

 

Từ Bảo tàng đến trường Mỹ thuật Đông Dương

 

Trong Bảo tàng Đấu xảo có gian trưng bày các tác phẩm hội họa đem từ Pháp sang, năm 1920, họa sĩ Tardieu được giải thưởng Đông Dương trị giá 1.000 F và 2vé khứ hồi tham quan Đông Dương, ông đã đến Hà Nội và ở lại làm việc trang trí cho các công thự với mức lương 450 F. Tardieu lập kế hoạch tạo lập trường Mỹ thuật cho sinh viên VN ngay trên nền đất của Bảo tàng Đấu xảo. Trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng tháng 11/1925. Từ 1925-1946, trường đào tạo 17 khóa (có 4 khóa chưa trọn vẹn ) với hơn 200 sinh viên tốt nghiệp Mỹ thuật và Kiến trúc. Vượt qua sự kỳ thị , chủ trương chỉ đào tạo những người thiết kế hàng hóa phục vụ ông chủ Pháp, nhiều họa sĩ tốt nghiệp đã lập nên những trang sử vàng Mỹ thuật – Kiến trúc Việt Nam hiện đại và xây dựng nền móng cho nghệ thuật hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc cho đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Ngôi nhà đặt máy phát điện máy phát điện của Bảo tàng Đấu xảo được sửa sang thành xưởng vẽ, nhà ở của Giám đốctrường Mỹ Thuật Đông Dương (đầu TK XX)

 

Các sinh viên khóa II trường Mỹ thuật Đông Dương ( 1926-1931)

 

Từ hội chợ triển lãm rồi trở thành nhà bảo tàng ,rồi trở thành nơi dạy nghề và hình thành trường Đại học danh tiếng của châu Á: Rõ ràng bảo tàng Đấu xảo có giá trị thiết thực đối với cuộc sống dân sinh. Câu hỏi đặt ra là Hà Nội hôm nay có rất nhiều bảo tàng nhưng phần lớn là vắng vẻ, nhiều bảo tàng cho thuê bán hàng ăn, giải khát hay tổ chức đám cưới.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội chia sẻ: “Bảo tàng vắng khách cũng có nhiều yếu tố khách quan….. Kinh tế đất nước cũng đang khó khăn thì họ cũng không nghĩ đến việc đi tham quan bảo tàng. Nếu có họ cũng chỉ nghĩ đến cho con ra bảo tàng Dân tộc vì vừa xem vừa có chỗ chơi. Hoặc họ đưa con cái lên các khu du lịch giải trí quanh Hà Nội như Sơn Tây, Ba Vì…chứ ít khi nghĩ đến cho con đi tham quan bảo tàng. Đây là yếu tố định hình nét văn hóa ở nước ta chưa nhiều”.

Thực tế cư dân quanh Hà Nội đã quen thuộc với  bảo tàng Đấu Xảo hơn 100 nay rồi, và nhận định trên làm cho ta băn khoăn trước câu hỏi mới: người dân đang thờ ơ lạnh nhạt với bảo tàng hay bảo tàng không đủ mặn mà, không mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống? Hy vọng có những câu trả lời thỏa đáng từ những người làm công tác bảo tàng hôm nay.

KTS Trần Huy Ánh

(Tư liệu Bảo tàng đấu xảo của cụ Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, NXB Hà Nội 1996 /Ảnh minh họa do Hanoidata ST&BT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.