Người ta hay nói mỹ thuật Việt Nam nghèo nàn; mỹ thuật miền Nam trong thời kỳ 1954-75 lại càng nghèo nàn hơn nữa; trong mỹ thuật miền Nam, bộ phận mỹ thuật Công giáo thì gần như không có gì đáng kể.

 

Với những nhà nghiên cứu có công tâm, những nhận định vừa nêu hoàn toàn sai. Nhưng tuy sai, chúng lại có cơ sở từ hiện thực.

Thứ nhất, đó là những mảng đề tài ít được chú ý; nhất là đề tài mỹ thuật miền Nam và mỹ thuật Công giáo. Có thể nói, bao nhiêu năm qua, mảng mỹ thuật miền Nam gần như đã bị bỏ quên. Ít nhất là trong sử sách. Với hầu hết công chúng mỹ thuật Việt Nam hiện tại, mỹ thuật miền Nam chỉ còn là mảng “mỹ thuật kháng chiến” và mảng “mỹ thuật phản chiến”. Những tên tuổi như Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Nguyễn Siên, Văn Đen, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Anh, Nguyễn Thương, Lê Văn Bình, Tố Phượng, Tố Oanh… hiếm khi được nhắc đến. Nếu có chăng, thì họ chỉ được nhắc đến trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” của các họa sĩ trưởng thành ở miền Nam trước 1975. Mà số người này, do tuổi tác, càng ngày càng thưa thớt.

“Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng”, tranh sơn mài, 42 x 35 cm, của Nguyễn Phước, 1990

 

Thứ hai, ngay cả khi chú ý thì người ta cũng không có tác phẩm để thưởng thức và để đánh giá. Nói đến nghệ thuật là nói đến tác phẩm. Tác phẩm mỹ thuật khác tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác ở tính chất độc bản. Một tập thơ hay một cuốn tiểu thuyết có thể được in cả hàng ngàn bản; mất bản này thì còn bản khác. Nhạc cũng vậy. Chỉ có tác phẩm mỹ thuật là độc nhất và bất khả thay thế. Các ảnh chụp chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Huống gì, riêng ở Việt Nam, không phải tác phẩm mỹ thuật đặc sắc nào cũng có ảnh chụp. Còn các viện bảo tàng thì, do nhiều lý do từ kinh tế đến lịch sử, hiếm khi lưu giữ và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật ở miền Nam cũng như liên quan đến tôn giáo, đặc biệt Công giáo.

“Truyền tin”, tranh sơn mài, 80 x 69 cm, của Nguyễn Phước, 1990

Trong tình hình ấy, muốn tìm hiểu và thưởng thức mỹ thuật miền Nam cũng như mỹ thuật Công giáo, người ta chỉ có thể tìm đến một địa điểm duy nhất: các bộ sưu tập cá nhân.

“Hiển linh”, tranh sơn dầu, 150 x120 cm, của Nguyễn Phước, 1988

Bộ sưu tập của cố Linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp (1926 – 1992) chính là một trong một sưu tập quý báu ấy.

Xin thú nhận là tôi biết đến bộ sưu tập nghệ thuật của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp một cách hoàn toàn tình cờ. Đó là những năm đầu thập niên 1980. Qua trung gian của giáo sư Nguyễn Đăng Trúc. Với tôi, đó là một phát hiện bất ngờ và đầy thú vị. Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn còn nhớ như in từng tác phẩm trong bộ sưu tập ấy.

 

“Giáng sinh”, tranh sơn dầu, 92 x 67 cm, của Nguyễn Anh, 1971

Thật ra, bộ sưu tập của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp không lớn lắm. Tổng cộng chỉ gần một trăm tranh, tượng. Tuy vậy, phần lớn là những tác phẩm chọn lọc và tiêu biểu, có thể mang lại một hình dung tương đối về phần diện mạo bị bỏ quên của mỹ thuật miền Nam, đặc biệt là mỹ thuật Công giáo. Hơn nữa, chúng là duy nhất, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.

Ví dụ, trước đây, lúc bắt đầu tìm hiểu mỹ thuật miền Nam, tôi loáng thoáng nghe đến cái tên họa sĩ Nguyễn Anh. Được biết, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1935; tu nghiệp tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris (Atelier Jean Dupas) trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1950; là giáo sư trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn từ 1962 đến 1967, và đảm nhiệm chức vụ giám đốc trường này năm 1967-1968; đã có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế v.v… Nhưng, tìm kiếm khắp nơi, tôi vẫn không thấy một tài liệu nào về ông, không thấy một hình ảnh nào về tác phẩm của ông.

“Ba Vua thờ lạy”, tranh sơn dầu, 100 x 81 cm, của Nguyễn Anh, 1961

Gần đây, khi xem lại bộ sưu tập của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp, tôi mới giật mình nhận ra, bốn bức tranh chủ đề “Giáng Sinh” mà lúc trước tôi rất thích, còn nhớ đến bây giờ, lại chính là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Anh.

Không phải riêng tôi mà cả những họa sĩ từng trải ở miền Nam cũng có nhận xét tương tự. Cách đây mấy tháng, tôi mời họa sĩ Nguyễn Lâm cùng đến tham quan bộ sưu tập. Họa sĩ Nguyễn Lâm là một trong vài học trò cũ của họa sĩ Nguyễn Anh. Chính ông cũng bất ngờ, bởi đây là lần đầu tiên được nhìn thấy tranh của thầy mình. Ông giải thích: “Thầy Nguyễn Anh tuy dạy rất giỏi, nhưng sinh viên lúc đó, rất ít người được xem tác phẩm của ông. Một phần, do ông toàn triển lãm ở nước ngoài, phần khác, cũng như thầy Lê Văn Đệ, tranh ông lúc đó cũng đã thuộc hàng qúy hiếm”.

“Giáng sinh”, tranh sơn dầu, 100 x 80 cm, của Nguyễn Siên, 1971

Hôm đó, họa sĩ Nguyễn Lâm cũng săm soi rất kỹ hai bức tranh sơn mài – một bức có chủ đề “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng”, bức kia chủ đề “Truyền tin” – của họa sĩ Nguyễn Phước, một họa sĩ cùng thời với ông, nổi tiếng với bút pháp tài hoa và bảng màu lạ, lung linh, huyền ảo. Ông nói, đây cũng là lần đầu tiên ông được nhìn thấy mảng tranh Công giáo của bạn mình. “Hai bức tranh sơn mài và cả ba bức sơn dầu của Nguyễn Phước ở đây đều rất đẹp!”, ông nhận định.

“Dưới chân Chúa”, tranh lụa, 90 x 60 cm, của Tôn Thất Văn, 1981

 

“Đức Mẹ bồng con”, tranh lụa, 65 x 42 cm, của Lê Văn Bình, 1990

Tất cả những điều vừa kể cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của bộ sưu tập nghệ thuật của cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp. Đó thực sự là một kho tàng hiếm và quý. Hiếm vì, khác với truyền thống Tây phương, người Việt không có thói quen xây dựng các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, nhất là trước năm 1975, khi Việt Nam đang có chiến tranh và khi việc sưu tập nghệ thuật không hứa hẹn mang lại nguồn lợi nào về kinh tế. Quý vì, so với các bộ sưu tập nghệ thuật khác từng hiện hữu ở Việt Nam, đây là một bộ sưu tập có nhiều tác phẩm mỹ thuật về đề tài Công giáo. Bởi vậy, việc khai thác bộ sưu tập này là một công việc lâu dài đối với các nhà phê bình cũng như lịch sử mỹ thuật. Trước mắt, chúng tôi xin tạm thời tự giới hạn ở một mục tiêu khiêm tốn: giới thiệu một số tác phẩm chủ đề Công giáo trong bộ sưu tập nghệ thuật quý hiếm này.

Tác giả : Nguyễn Hưng

Nguồn : Sài Gòn giải phóng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.