Một trong những câu hỏi quen thuộc nhất mà bạn thường gặp trong giới nghiên cứu lịch sử nghệ thuật là “Tại sao lại có nhiều bức tượng Ai Cập cổ bị thiếu mũi đến vậy?” Liệu đây là ngẫu nhiên hay có một âm mưu nào đó?
Một số tượng Ai Cập bị thiếu mũi: Neferure và Senenmut (Ảnh: SA 3.0), Tượng Nhân sư lớn ở Giza (Ảnh: Diego Delso), “Cái đầu xanh lục” của một bức tượng thầy tu (Ảnh: Cộng đồng quảng bá Bảo tàng Ai Cập tại Berlin), đầu một tượng Nhân sư nữ (Ảnh: Bảo tàng Brooklyn), tượng một người đàn ông (Ảnh: Public Domain), và Senusret III (Public Domain).
Quá trình xói mòn tự nhiên cũng góp một phần
Một số nhà khảo cổ học đề xuất ý kiến rằng xói mòn có thể là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này. Gió mạnh, bùn dịch chuyển và các đụn cát, dòng chảy của nước, trong hàng nghìn năm biết bao nhiêu bàn tay và bàn chân người xem đã gõ vào hoặc đạp lên các pho tượng… sẽ có tác động làm hư hại những vật liệu thanh nhã như đá cẩm thạch và đá vôi.
Rất nhiều bức tượng cổ này đã phải tiếp xúc với những nhân tố nói trên trong thời gian rất lâu dài, trong khi các tượng khác thì bị chôn vùi dưới nhiều tấn bùn và cát trong hàng thế kỷ, thông thường những phần nhô ra như cánh tay, cẳng chân và mũi là bị hư hại nhiều nhất và cuối cùng biến mất.
Bức tượng của nhà vua trẻ Tutankhamun và vợ ông Ankesenamun ở bên ngoài ngôi đền Luxor, ở Luxor, Ai Cập (Ảnh: Ad Meskens).
Tác động của con người chắc chắn cũng góp một phần lớn
Lý do chủ yếu khác giải thích cho hiện tượng hư hại phổ biến này là: sự phá hoại có chủ đích. Một ví dụ gần đây, không phải ở Ai Cập, là bức tượng của nhà hiền triết nổi tiếng Aristotle, đón chào các du khách ở lối vào của khu Assos cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Aristotle được coi là người đã đặt nền móng cho trường phái triết học cổ trong lịch sử. Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng tượng của ông ở lối vào khu Assos cổ tại quận Ayvacik, nhưng năm 2015 nó đã bị phá hoại đến mức mất tay phải, còn trên khuôn mặt thì có những biến dạng nghiêm trọng.
Ai hay điều gì đã phá hoại bức tượng Pha-ra-ông Haremheb của Ai Cập cổ này? Liệu có phải những kẻ phá hoại đã làm hỏng cái mũi? (Ảnh: Aryeh Shershow)
Ngoài ra cũng phải để ý rằng trước kia một số nhà khảo cổ học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thiếu những thiết bị tinh xảo và quy trình cẩn thận như chúng ta có hiện nay. Vì vậy trong khi vội vã để trở thành người đầu tiên phát hiện ra “công trình lớn”, họ đã tạo ra những hư hại ghê gớm nhất cho các pho tượng cổ điển này.
Tất nhiên tôn giáo cũng góp phần rất lớn, tuy nhiên Hồi giáo cực đoan không phải là những thủ phạm duy nhất như ngày nay người ta vẫn tưởng. Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, và các tôn giáo khác cũng tham gia vào hành động phá hoại đáng xấu hổ này trong suốt các thế kỷ và cũng là nguyên nhân dẫn đến việc mất mũi và mất chân tay của nhiều bảo vật văn hóa và lịch sử.
Có thể là do phân biệt chủng tộc?
Theo một số học giả, các nhà Ai Cập học thời đầu đã có những hành động cố ý phủ nhận và che giấu ý kiến cho rằng Ai Cập cổ là một nền văn hóa Châu Phi. Theo ghi chép của Vivant Denon, một nghệ sĩ, nhà văn, nhà khảo cổ học người Pháp, người đã phác thảo hình tượng Nhân sư ở Kim tự tháp Giza vào khoảng năm 1798, thì các đặc điểm khuôn mặt của bức tượng nổi tiếng này có vẻ như có nguồn gốc châu Phi.
…Mặc dù các tỷ lệ các phần của nó là rất lớn, nhưng đường nét rất rõ ràng và duyên dáng; cái đầu có biểu hiện ôn hòa, lịch thiệp và tĩnh tại; nhân vật này là người châu Phi, nhưng miệng, môi thì dày, được khắc với độ mềm mại và thanh nhã đáng ngưỡng mộ; trông giống như trong đời thực vậy. Nghệ thuật hẳn là phải đã lên đến đỉnh cao khi người ta tạc bức tượng này. Nếu cái đầu đi theo thứ gọi là phong cách, hẳn người ta đã dùng những đường thẳng và đậm như người Hy Lạp miêu tả các vị thần của họ; tuy nhiên hiệu năng đã nhường chỗ cho sự tinh giản và tính chất tự nhiên, thể hiện trên bức tượng này.
Tượng Nhân sư lớn năm 1867. Nó vẫn còn ở trong trạng thái chưa được phục hồi hoàn toàn, phần thân vẫn còn bị vùi trong đất và trong bức ảnh bạn có thể thấy một người đứng dưới cái tai.
Tuy nhiên, lý thuyết này không giải thích được vì sao có nhiều tượng Hy Lạp cổ và La Mã bị mất mũi và mất cả chân tay đến vậy. Hầu hết các tượng đá điêu khắc của Hy Lạp và La Mã cổ đều bị thiếu mũi. Tuy một số không may bị vỡ, nhưng cũng có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một số lượng lớn trong đó bị cố ý phá hoại. Bởi vì người Hy Lạp và La Mã cổ đã được chứng minh là có nguồn gốc châu Âu dựa theo các bằng chứng khoa học, lịch sử và khảo cổ, nên trong trường hợp này, sự phân biệt chủng tộc không hẳn là lý do để người ta cố ý cắt mũi những pho tượng.
Để lăng mạ
Người ta đã ghi chép lại rằng, những triều đại sau này của Ai Cập thường làm hỏng mặt các bức tượng của những triều đại trước để xóa đi di sản của họ. Trong những trường hợp này rất có thể cái mũi sẽ bị loại bỏ, các phần khác của khuôn mặt cũng có thể phải chịu chung số phận bị đập phá. Ngoài ra còn có sự phá hủy các văn bản, bản khắc và biểu tượng của triều đình.
Tượng đầu của Akhenaten và Nefertiti. (Ảnh: kairoinfo4u)
Tóm lại, việc người ta phá mũi các bức tượng để che giấu chủng tộc của chủ thể không phải là hoàn toàn sai, nhưng chỉ là một giả thuyết ở thời điểm này, và hiện vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ để xác nhận. Do vậy, nếu chúng ta có thể trả lời chắc chắn câu hỏi vì sao nhiều bức tượng Ai Cập bị thiếu mũi, thì chúng ta cũng sẽ có thể giải thích rõ ràng vì sao có quá nhiều tượng từ Hy Lạp, Ba Tư và La Mã gặp vấn đề tương tự đến vậy.
Nguồn: Ancient Origins
Tác giả: Nguyên Khánh/ TRITHUCVN