Nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini (1608 – 1682) đã có những mô tả tỉ mỉ thành Hà Nội xưa khi sang Đông Dương.

Bây giờ ta sang chuyện hoàng thành để biết sự tráng lệ của kinh kỳ. Các nước ngoài gọi vắn tắt nơi này là kinh đô (La Cour) vì vua thường đóng ở đấy. Dân bản xứ thì đặt tên là Kẻ Chợ nghĩa là chợ, chợ phiên. Trong xứ có sản vật gì tốt, ngoại quốc có hàng gì đem vào bán, đều đưa đến đây cả, một tháng có hai phiên chợ to, vào ngày mồng một và mười lăm của tuần trăng. Kẻ Chợ chiếm một vùng đồng bằng rất đẹp và phì nhiêu, rộng hàng bao nhiêu dặm, đặt trên bờ một con sông phát nguyên từ Trung Quốc.

Người Âu châu nào đến thăm kinh thành (hay Kẻ Chợ tùy theo lối gọi của mỗi người) sẽ thấy nhà cửa ở đấy không phải là những đầu đề để ta ca ngợi, bởi vì nhà cửa không khác nhà cửa những vùng khác trong nước. Muốn làm những nhà đẹp hơn, phải tiêu tốn hơn vì đào sâu 2, 3 thước đã thấy nước rồi, muốn tiện lợi thì mỗi nhà đào một cái ao thả cá, không hại sức khỏe, có nước để giặt quần áo, tắm rửa, tưới rau; cá câu để ăn tuy số ao ít hơn các miền khác. Nhà nào cao lắm thì có tầng gác thứ nhất, nhưng trên làm nhiều chỗ cao, phòng khi nước lụt thì rút lên ở. Phố xá không lát đá. Dân gian thiếu chút nữa thì tồng ngồng và bao giờ cũng đi chân không như ở khắp trong xứ. Tuy có chỗ bẩn thỉu và đáng xấu hổ, ta cũng nên công nhận rằng thành này có nhiều chỗ rực rỡ lộng lẫy. Thành phố có 72 phường phố, mỗi phường rộng bằng một thành phố trung bình bên Ý Đại Lợi ta, 72 phường đầy những thợ cùng người buôn, muốn tránh sự hỗn độn và giúp ta tìm ngay được thức ta cần dùng. Ở cửa mỗi phường có một tấm biển đề rõ thức hàng, tốt hay xấu thành ra ít khi có người (cả người ngoại quốc) bị nhầm về giá hàng, về phẩm hàng tốt hay xấu, về lượng hàng bán đủ hay thiếu.

Trên kia tôi đã nói là người ta chở đến đây tất cả các thứ sản vật trong xứ, của ngoại quốc, chở đến nhiều hơn bất cứ nơi nào trong nước. Vì lẽ ấy nên đức vua muốn các hàng hóa ngoại quốc đều ghé lại xứ, và ngài chỉ ưng rằng các tàu bè Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Miên, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phi Luật Tân, Hòa Lan và các nước khác ở Đông phương muốn vào trong xứ phải ngược sông (Nhị Hà), không được đậu bến nào ngoài bến Kẻ Chợ.

Hoàng cung

Nếu từ Kẻ Chợ sang hoàng cung thì ta sẽ thấy không phải chỉ có một cung điện đâu mà là một thành phố rất mỹ lệ và khang trang tuy kiến trúc điêu khắc thảm, dệt hay đồ đạc không có gì đặc sắc. Nhưng có lính canh gác, các sĩ quan, các chức nghiệp cư dân tất cả các nước đến tụ họp ở đây. Nơi này trật tự, có công viên, voi ngựa, binh khí, đạn dược tích trữ ở đây, làm cho hoàng thành có vẻ dị kỳ và quá sức ta diễn tả.

Tuy cung thất bằng gỗ nhưng có dát vàng và có những bức tranh thêu, những tấm chiếu rất mảnh, có nhiều hình và nhuộm nhiều màu tựa như những bức thảm đắt tiền. Ta còn thấy xây trên những bức tường dày lạ lùng một cung thất là chỗ vua ở, người ta đồn của người Tàu xây hồi còn cai trị xứ này.

Nhưng để cho khỏi ra ngoài chuyện hoàng cung, ta sẽ không khó nhọc mà biết rằng cung ấy làm trên một rừng cột to và chắc, cao một tầng thôi và có thang leo lên. Cột nhà thì đẹp đẽ và trau chuốt hơn các nhà khác. Để dựng cung, người ta đã gọi những tay kiến trúc rất thiện nghệ và những thợ cả cực lành nghề vì chỉ những người này mới được phép đặt tay vào và chăm nom các công việc của nhà vua. Còn dân gian và phu phen không bao giờ được dùng vào những việc này. Cung điện còn lại đến ngày nay xây trên một chỗ đất cao; và nếu người Đàng Ngoài muốn xây một cung nữa thì họ sẽ chọn chỗ nào có địa thế tiện lợi nhất vừa để cai trị được khắp vùng vừa để tránh lụt cho dễ.

Các gian điện rất rộng rãi; hành lang rộng và đi hun hút mãi, có những sân rộng tiện dụng cho bọn thị thần và các vũ nữ. Trong cung có nhiều viện là chỗ ở của các cung phi, các bà hoàng bị coi giữ rất nghiêm ngặt. Viện có gian đẹp gian xấu, người đẹp và có tài sắc thì được ở những gian đẹp nhất và lộng lẫy nhất nhưng tất cả các viện đều thấp hơn cung vua. Các quan thị cũng ở trong khu này; các triều thần cũng vậy, các vị này đông lắm. Số các cung nhân không nhất định, ước chừng năm trăm người nhưng người nào đứng sau số một trăm bị coi như cung nữ, hoàng hậu đứng trên tất cả bọn cung nhân và rất được tôn trọng. Có bao nhiêu cung phi thì có bấy nhiêu quan thị để coi sóc hành vi của họ và không rời mắt khỏi họ lúc nào. Vua rất trọng đãi các quan thị, ban cho bọn họ những quyền cao, nói cho họ biết những chuyện rất can hệ và giao phó cả tính mệnh cho họ. Bọn “tiểu đồng” (pages) cũng đông lắm và có một viên quản lý trông nom dạy bảo; nhờ ơn chúa, mấy đứa tớ và thầy này bây giờ thành kẻ ngoan đạo hơn, nhưng không được phép ra vào cung viện các bà phi.

Trong cung thành còn có một đạo quân hơn năm vạn người đóng trại để hộ vệ vua tùy lúc cần đến, có hơn năm trăm voi nuôi dùng vào việc chiến trận hay để phô trương, phải luyện tập luôn cho voi để cần thì giải trí. Ngoài ra, còn có vô số bọn nô bộc để làm những việc ti tiện trong cung, không kể những người có quyền chỉ huy hay đốc suất lại còn đông hơn nữa.

G.F.de Marini
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.