Sau trận Đại hồng thủy tiêu diệt hết sự sống trên thế giới (trừ những sinh vật trên tàu Noah), loài người dường như vẫn chưa tiến bộ được nhiều trong việc làm vừa lòng Chúa. Trong những thế hệ sinh sôi từ sau Đại hồng thủy, có một nhóm người di trú từ phía Đông đến vùng đất Shinar. Những con người này nảy sinh một tham vọng lớn: xây dựng một ngọn tháp thật đồ sộ đến mức đỉnh của nó chạm đến Thiên đàng! Tuy nhiên nếu cái tháp này được xây với mục đích “tử tế” là thờ phụng đức Chúa Trời thì có lẽ đã không có gì xảy ra. Loài người ngạo mạn muốn dựng lên một công trình thật huy hoàng để lưu lại cái danh, và để tập trung loài người lại một chỗ, không phải lang thang tứ xứ.
Cảnh loài người xây tháp, tranh của Meister der Weltenchronik, 1370
Như thường lệ, những ý tưởng ngốc nghếch của loài người, kể từ việc ăn trái cấm trở đi, đều không tránh khỏi sự trừng phạt nhanh gọn của Chúa Trời. Đức Giê-hô-va nhận ra rằng nếu tất cả loài người đều nói cùng một thứ tiếng, đồng tâm hiệp lực lại sẽ chẳng có gì mà họ không làm được! Và vì vậy ngài đã làm lộn xộn tiếng nói của người này và người kia, khiến không còn ai hiểu ai. Và như vậy loài người cũng tản ra khắp mặt đất, mang theo những tiếng nói riêng của mình. Đó là nguồn gốc của các ngôn ngữ khác nhau. Ngọn tháp trở nên dang dở, và thành phố kể từ đó có tên gọi Babel (lấy từ tiếng Hebrew, balai – nghĩa là làm cho lộn xộn). Đến lượt cái tên Babylon cũng lại xuất phát từ Babel.
Bộ phim Babel (2006) với cái tên lấy từ câu chuyện về tháp trong Kinh Thánh, kể về sự vật lộn của các nhân vật vì rào cản ngôn ngữ. Mặc dù tất cả loài người đều gắn kết một cách cơ bản vì những nhu cầu và bản năng sinh tồn giống nhau, sự khác biệt ngôn ngữ dẫn đến không hiểu nhau và chia rẽ.
Vì thế, Babel không chỉ là một trong những câu chuyện về hành động thách thức của con người bị trả giá, mà còn có hơi hướng truyện cổ tích giải thích về nguồn gốc của các loại ngôn ngữ – các nền văn mình khác nhau, một nguồn cảm hứng màu mỡ cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, giúp họ phát huy tối đa trí tưởng tượng và kỹ thuật khắc họa cả kiến trúc lẫn con người.
“Xây tháp Babel” của Gustave Dore, 1865. Kiến trúc của tòa tháp được tác giả dựa trên nhà thờ Hồi giáo ở Samarra, Iraq. Bức tranh diễn tả khoảnh khắc hỗn loạn khi loài người bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau.
Một tác phẩm khác của Lucas van Valckenborch, 1565
Trong bài hôm nay, ta hãy cùng ngắm một trong những bức tranh vẽ lại câu chuyện Babel nổi tiếng nhất: tác phẩm “The Tower of Babel” của Pieter Bruegel cha, hay còn được biết với cái tên Bruegel Nông dân, để phân biệt với con trai ông. Bruegel đã vẽ ba bức tranh về đề tài này, một trong số đó bị thất lạc. Trong số hai bức còn lại, ta chỉ phân tích bức tranh to, hiện nằm ở Vienne.
“Tháp Babel,” của Pieter Bruegel cha, 1563.
Các bức tranh vẽ Babel xuất hiện từ khoảng thế kỉ 12, nhưng từ thế kỉ 16 trở đi, số lượng tranh và sự sáng tạo của các họa sĩ tăng vọt. Sự yêu thích của Bruegel đối với đề tài này có thể giúp người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và tri thức của thời đại ông sống, khi khái niệm về “utopia” bắt đầu hình thành.
Ở bên phải, những chiếc thuyền nhộn nhịp chở nguyên vật liệu vào để xây tháp. Trong Kinh Thánh, vùng đất Shinar hoàn toàn trơ trọi, nhưng ngoài Babel, toàn bộ khung cảnh trong tranh được Bruegel miêu tả rất giống quê hương Antwerp của ông, nơi có một cảng biển giàu có.
Ở dưới chân tháp, phía bên trái là một nhân vật được mô tả như một vị vua cùng đoàn tùy tùng và các công nhân vây quanh. Nhân vật này chính là Nimrod, nhà vua của Shinar, chắt của Noah. Trong tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, Nimrod được coi là người hạ lệnh xây tháp, là kẻ có tư tưởng phản nghịch lại Chúa Trời và là kẻ thù của ông Abraham. Nimrod còn ôm mối hận vì Chúa Trời đã giáng xuống thế giới trận Đại hồng thủy, và tháp Babel là sự thách thức quyền lực Chúa Trời “nếu như Chúa Trời có định nhấn chìm thế giới một lần nữa”.
Nimrod lẽ ra phải là biểu tượng cho sự cao quý của hoàng gia: ngọn tháp là cảm hứng, quyền lực, danh tiếng của Nimrod. Tuy nhiên cách Bruegel diễn tả Nimrod lại không mấy kính trọng: nhà vua điệu bộ như một con công, bao quanh là bọn xu nịnh, chỉ làm vướng tay những người công nhân vất vả. Bruegel luôn có tài đưa vào tác phẩm của mình những hàm ý mỉa mai châm biếm một cách kín đáo và tinh tế. Ngoài ra, hình ảnh Nimrod trong bức tranh này rất giống với đức vua Philip đệ nhị của Tây Ban Nha, kẻ đang bằng mọi giá áp đặt quyền lực lên các thần dân ở Hà Lan. Trong mắt của Bruegel, hoặc ít ra trong hy vọng của ông, những nỗ lực của Philip rồi cũng sẽ trở nên vô ích và nực cười như Nimrod vậy.
Tuy nhiên sự chế nhạo lớn nhất lại nằm ở chính tòa tháp. Chỉ một cái nhìn đủ cho ta thấy: tòa tháp nghiêng một cách thảm họa sang bên trái!
Lý do chính là đây: thay vì xây tòa tháp vuông góc thẳng đứng với mặt đất, những người công nhân đã xây nó chạy dọc theo bờ đá, mà bờ đá thì rõ ràng là nghiêng dốc. Chúng ta có thể cười nhạo những người công nhân ngốc nghếch bởi dường như đây là một lỗi lầm không thể tha thứ, đặc biệt là với một công trình “tầm vóc quốc gia” như thế này, nhưng thực ra đây là một ẩn dụ của Bruegel về bản chất con người. Trong việc xây tòa tháp, những người công nhân là biểu tượng cho loài người, chỉ nhìn thấy những chi tiết nhỏ, sống dựa trên thực tại mà họ có thể nhìn thấy, thay vì nhìn ra “bức tranh lớn” và làm theo những quy tắc bất biến. Hậu quả nhãn tiền chính là tòa tháp nghiêng ngả, lung lay, cũng như cách sống bản năng, thiếu suy nghĩ sẽ dẫn tới kết cục không hay ho gì. Tòa nhà dường như lún vào đất thay vì chạm tới thiên đường (?), phần đáy to lớn của nó rõ ràng áp đảo chiều cao khiêm tốn, nhiều tầng chưa gì đã rung rinh vỡ chỗ này chỗ kia, không có tầng nào hoàn thiện. Bruegel muốn nói rằng con người thực sự rất khó có thể thực sự chiến thắng sự níu kéo của đất mẹ để vươn tới đỉnh cao nào. Chưa cần bị trừng phạt vì lòng tự kiêu, loài người cũng đã không thể vượt qua những giới hạn sẵn có.
Các họa sĩ khi khắc họa tháp Babel thường lấy một phần cảm hứng của các công trình kiến trúc đã nổi tiếng, và Bruegel cũng không là ngoại lệ. Babel của Bruegel lấy cảm hứng từ Colosseum của Rome, thành phố mà Caesar cho rằng sẽ tồn tại vĩnh viễn, nhưng rồi vẫn trở thành một nạn nhân điêu tàn, hoang phế của lịch sử. Bruegel đặt Babel và Rome cạnh nhau để nói lên rằng bất chấp sự kiêu ngạo của loài người, không có nền văn mình, vương triều, hay đế chế nào là tồn tại mãi mãi. Bruegel có thể đã thăm Colosseum khi tới Ý nhiều năm trước, hoặc xem những bản in vẽ Colosseum của Hieronymous Cock vào năm 1550 và 1561.
Đấu trường cổ đại Colosseum ở Rome.
Cần phải nhớ thêm rằng tuy nền văn minh La Mã được nhiều nhà nhân văn thời kì Phục Hưng ngưỡng mộ và muốn học tập, La Mã cũng là biểu tượng cho tà giáo, trụy lạc. Giáo hội Công giáo Rome đương thời cũng gặp không ít lời chê trách, thậm chí bị coi là một Babylon thứ hai, những kế hoạch cải tổ thì bị chế nhạo là các công trình “kiểu Babel”, đặc biệt là sự áp đặt của Giáo hội với Hà Lan lúc bấy giờ ắt khiến Bruegel đối với Rome không có nhiều thiện cảm. Hai tầng áp bức của vua Philip đệ nhị và Giáo hội Công giáo Rome chính là động lực thôi thúc để Bruegel sáng tác nên tác phẩm này và gửi vào đó những ngụ ý kín đáo.
Tác giả Pieter Bruegel cha
Tuy bức tranh có vay mượn các yếu tố Kinh thánh và lịch sử La Mã, cảnh quan ở nền lại chính là Antwerp, quê hương của Bruegel. Có gắn bó mãnh liệt với quê hương, ông tìm thấy phong cách riêng trong việc miêu tả những người lao động chân chất (chủ yếu là nông dân) đặt trong bối cảnh vùng quê Hà Lan. Ngay cả trong bức Babel, người xem vẫn thấy được sự tận tụy khó nhọc và cuộc sống nhiều mặt của những người thợ. Sự chăm chút, tỉ mỉ của Bruegel trong việc miêu tả họ chính là một khía cạnh vô cùng nhân đạo của họa sĩ. Không chỉ có Babel, Bruegel còn có rất nhiều kiệt tác lấy chủ đề những người lao động, điển hình như bức Những người đi săn (tháng Một) và Những người thợ gặt (tháng Tám) trong chuỗi tranh mười hai tháng trong năm của ông.
Chi tiết những người thợ đục đá trong Babel, ăn mặc không khác gì những người lao động Hà Lan đương thời
Với tác phẩm Babel, Bruegel không những kể lại câu chuyện trong sách Sáng thế với một mức độ chi tiết đáng kinh ngạc mà còn khéo léo lồng ghép vào đó những thông điệp xã hội-chính trị-tôn giáo. Nỗi thôi thúc làm thay đổi xã hội bằng nghệ thuật đi kèm với tài ba của ông khiến những tác phẩm vẽ bởi Bruegel có ý nghĩa nhân văn lớn lao, và Babel là một ví dụ đặc biệt.
(Trong tác phẩm The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy có một chú cá đặc biệt tên là Babel, có khả năng dịch tất cả ngôn ngữ của các loài. Dịch vụ Babel Fish của Yahoo cũng lấy tên từ chú cá này).
Tác giả: Anh Nguyễn, nguồn soi house