Một thời đã qua rồi, tranh gà cũng như tranh lợn rất quen thuộc với nhân dân ta, giữa hàng ngàn vạn bức tranh dân gian được bày bán khắp nơi vào những ngày Tết đến.

Không ai là không mua về một hai tấm để dán lên vách nhà, vách tường cũng như vách đất, nhà giàu cũng như nhà nghèo, cho thêm ấm áp cửa nhà.

Ta còn nghèo phố chật nhà gianh

Nhưng cũng đủ một vài tranh treo Tết.

Những bức tranh dân gian ấy cũng theo lệ quen, thường gọi là tranh Tết, tranh gà lợn, hay tắt hơn nữa là tranh gà.

Tôi còn nhớ như in, ở Sài Gòn, hai ba mươi năm trước, nơi phòng tranh lụa của các họa sĩ Trần Đắc, Tú Duyên, Trần Văn Thọ thường bày vào những dịp áp Tết, khi bên ngoài trời đã có chút heo may, như để hoài niệm quê hương cũ bên kia bờ vĩ tuyến, thường bao giờ cũng có những tấm tranh gợi hứng từ bức tranh gà. Như cảnh một phụ nữ đi chợ Tết về, trong thúng hàng sắm sửa cho ngày Tết thế nào cũng có bức tranh gà. Hay tương tự thế, cụ già đi sắm Tết, tay cầm cành đào, tay cầm bức tranh Tết. Hay cảnh cậu bé tóc còn để chỏm mặc áo đỏ điều, chiếc quần xanh lục, đang gấm ghé thèm thuồng mấy bồ tranh Tết bày bên vệ đương. Đây chính là cảnh tượng mà trước đây Đoàn Văn Cừ đã tùng ghi nhận:

Anh hàng tranh kĩu kịt quẫy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán… 

Lũ trẻ con mãi ngắm bức tranh gà

Quên cả chị bên đường đang đứng đợi

Cũng cần xác định thêm: tranh Tết miền Bắc chỉ phát triển quanh vùng châu thổ sông Hồng, lan vào miền Trung thì sẽ ngưng lại khoảng ngang Nghệ Tĩnh, bới vì vào sâu hơn chút nữa thì sẽ gặp phải một bầu khí văn hóa khác là kinh thành Huế, màu sắc dân gian ở đây sẽ là thứ ngũ-sắc-Huế, cũng rất rực rỡ, vui tươi, nhưng vẫn có nhiều khác biệt với tranh Tết Bắc Hà.

*

Tranh Tết rất phong phú, riêng đề tài về gà, nơi những tranh còn lưu lại ngày nay, chúng ta cũng có được khoảng mươi bức vẽ khác nhau.

Hầu hết là vẽ gà trống.

Chỉ có đôi ba bức vẽ gà mái:

1) Gà mẹ đang túc mồi cho con, đàn gà con tung tăng chạy nhảy, kiếm ăn, chơi đùa bên mẹ, có con nhảy lên năm nghỉ trên lưng mẹ, hẳn rằng đây là hình ảnh tượng trưng cho đời sống phong túc nơi chốn thôn dã đồng quê. Với đề tài “gà đàn” này, có một bức khác nữa cũng tương tự như thế nhưng thêm vào một mảng chi tiết, là một con gà trống với dáng vẻ oai vệ, hùng dũng, như một thạch trụ bên đàn gà, sẵn sàng chống đỡ và bảo vệ cả gia đình nhà gà.

2) Một chú bé rất xinh đẹp đang ôm con gà mái cũng rất xinh đẹp, tất cả đều no tròn, mủm mỉm, ngay bên cạnh là mấy cành hoa sen và lá, có hoa đã nở rộ, có hoa còn búp, phụ chú cho bức tranh có hai chữ Vinh hoa, đúng là một lời chúc tụng may mắn, tốt đẹp trước thềm năm mới.

Tranh gà thường vẽ gà trống vì một nguyên ủy sâu xa: dán tranh gà trước cửa cũng là một loại bùa “trấn môn” để xua đuổi tà ma, bởi vì khi gà trống cất tiếng gáy, bình minh sẽ thức dậy, ma quỷ phải tháo chạy về phía bóng tối. Điều ấy là niềm tin của người phương Đông từ xưa, và trong thơ của một danh sĩ thời Mạc, như chúng ta đã biết, là tiến sĩ Hoàng Sĩ Khải cũng còn lưu dấu: Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm (1).

Cho nên trên tranh gà trống, có bức còn điểm thêm bài thơ, đại khái có nghĩa là:

 

Phương đông xưa coi gà là thần trừ ma quỷ,

Gà có móng sắt, đầu hoa, lông rực rỡ đủ màu.

Ngoài cổng gà bắt ma quỷ phải lui xa.

Trong nhà gà năm năm tăng hạnh phúc (2).

 

Vì thế, gà trống xuất hiện ở đây rất hùng dũng, tráng khí, rất lộng lẫy và bề thế với mỏ khỏe, cựa dài, chân khỏe, cánh khỏe, đuôi sum sê, sặc sỡ.

 

buctranhga_gatrongcattienggay

Gà trống cất tiếng gáy (Dạ xướng ngũ canh hòa), tranh Đông Hồ

Đây chính là một loại bùa yểm để chống ma quỷ, thường được treo thành một cặp trước cửa, bao giờ cũng là hai con trong thế đối xứng. Đôi lúc, người ta chỉ treo một bức để trang trí trong nhà, nhưng vẫn còn mang dấu vết ý nghĩa trên, giả dụ trên bức tranh vẽ con gà trống đang khỏe khoắn vươn mình cất tiếng gáy, điểm xuyết mấy chữ: Dạ xướng ngũ canh hòa. Nét vẽ giản dị, chỉ là những đường viền đen, có những mảng màu đen, gợn lên những vết màu trắng, tất cả đều chìm xuống bên dưới một màu đỏ cánh sen ngả sậm. Không khí bức tranh rất là lạ, rất thơ ngây và hoang dại, tôi tưởng rằng những họa sĩ dã thú lớn, ví như cỡ Matisse mà gặp phải bức tranh này thì chắc cũng sẽ khoái lắm.

Có bức khác vẽ con gà trống trông thì hiền hòa hơn, nhưng cũng tiềm ẩn một vẽ dũng mãnh đặc biệt. Màu sắc cũng khá đặc sắc, với những đường viền đen, với các mảng nâu sậm, lục sậm, trắng điệp, đã hòa hợp cùng nhau trên một tấm nền vàng đất ấm áp. Ngay chính giữa phần nửa trên của tấm tranh có hai chữ lớn “Đại Cát”, nghĩa là chúc nhiều điều tốt lành.

Con gà trống trong tranh dân gian ấy, từ bao nhiêu thế kỷ rồi, đã vươn mình đứng dậy và gáy vang cùng lịch sử dân tộc. Nét bút, nét khắc giản dị mà tài tình của người họa sĩ dân gian, hợp với màu sắc mộc mạc mà thân thiết, đã mang lại cho chúng ta biết bao hương vị sâu sắc và sinh động.

Một nhà thơ đất Bắc cũng đã từng vẽ lại qua mấy nét phóng bút:

buctranhga_daicat

Đại Cát, tranh Đông Hồ

 

Bác thợ lật giấy

Con gà đứng dậy

Ô sao bỗng thấy

Mắt gà chớp nhanh

Mắt bác không chớp

 

Cái mào lửa cháy

Cổ vươn tiếng gáy

O o bình minh

Chân vàng sừng sững

 

Đầu như đầu phượng

Đuôi xòe đuôi trĩ

Mình tựa mình công

Sống hơn gà sống

 

Nòi gà để lại

Từ đời cha ông

Ấp bằng hơi thở

Nuôi bằng tấm lòng

Tấm lòng ngàn xưa

Ngàn sau nở mãi

Trẻ như cô gái

Khỏe như lúa đồng…

 

Bác thợ ngắm tranh

Thấy lòng vỗ cánh

Thấy đời lại xanh.

Ơi người nghệ sĩ

Tên là dân gian

Góp cùng trời đất

Con gà Việt Nam

 

Gà từ trong tranh

Gà ra cuộc đời

 

Gáy lên! Gà ơi! (3)

 

Ngày nay, dù thời thế đã đổi thay lắm rồi, con gà trống ấy vẫn còn tiếp tục gáy chào những buổi bình minh đất nước, để canh giữ phần nào hồn nước, để gìn vàng giữ ngọc quê tổ trước những buổi thăng trầm vẫn đang tiếp diễn.

 

Texas, Áp Tết Quý Dậu.

Huỳnh Hữu Ủy

Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa
(Văn Mới, 2013)

Nguồn : hocxa.com

CHÚ THÍCH:

 

(l) Xem thêm: “Tranh Tết trên đất Hà Nội xưa”, Huỳnh Hữu Ủy, Thế Kỷ 21, số Tết Nhâm Thân.

(2) Dẫn theo Nguyễn Khắc Ngữ. Kỹ thuật và Mỹ thuật tranh mộc bản Việt Nam. Tủ sách Nghiên cứu Sử Địa, Montréal, 1988.

(3) Thơ Hoài Anh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.