Đó là màu của sinh thái, và cũng là màu của một số họa sĩ. Đứng thứ hai trong số các màu yêu thích của người Pháp, nhưng màu xanh lá cũng khiến nhiều diễn viên sợ hãi, và màu này không tồn tại trong tiếng Nhật.

Martial Raysse, “Made in Japan”,1964

Màu nào là màu yêu thích của bạn? Với câu hỏi kinh điển luôn được các viện nghiên cứu và thăm dò dư luận sử dụng để xác định sở thích của người tiêu dùng, màu xanh lá về vị trí thứ hai. Vâng, tất nhiên đứng sau màu xanh dương, nhưng đứng trước tất cả các màu còn lại. Ha! Một tin tức thật tuyệt dành cho màu xanh lá, sau một thời gian dài bị không ưa, bởi nó “không mâu thuẫn thì cũng mơ hồ”, như nhà sử học Michel Pastoureau nhấn mạnh. Ông cũng vừa cho ra một cuốn sách về chủ đề này.

Trong bức tranh Retable du Saint-Esprit (1521) của Lorenzo Lotto, có một chi tiết quan trọng: đôi tất xanh của thánh Antoine (bìa phải). Màu xanh (lá) của trang phục… có thể gợi lên lòng từ bi và hiểu biết.

Làm sao định nghĩa cái màu nổi tiếng làm dịu mắt và tinh thần này?

Màu xanh lá là một trong ba màu cơ bản, cùng với màu xanh dương và đỏ, tạo thành ánh sáng trắng. Kết hợp với màu đỏ hoặc xanh dương thì sẽ cho ra màu vàng hoặc xanh da trời.

Nếu nhóm lại, theo lý thuyết về màu sắc (màu của một vật hình thành từ ánh sáng mà nó nhận và gửi đi), màu xanh lá đóng vai trò quan trọng.

Ngày nay cũng vẫn từ lý thuyết của thế kỷ 18, coi màu vàng là màu cơ bản thứ ba, giáng màu xanh lá xuống hàng phụ là khá phổ biến. Ở phương Tây trước đây hay lẫn lộn màu xanh lá với màu vàng, nguời Hy Lạp thì dùng chung từ: khlôros để chỉ cả hai màu, trước khi người La Mã tách ra với viridis, cũng có nghĩa là thiên nhiên.

Nhưng ở một số nước châu Á, từ “xanh” không có nghĩa là màu xanh dương (bleu), mà nó có nhiều nghĩa, ví dụ như ở Thái Lan, từ “xanh”còn có nghĩa là hôi!

Giới nghệ thuật cũng không tỏ ra dịu dàng lắm với màu xanh lá. Đối với nhiều họa sĩ, cái màu này gây nhiều phiền toái về kỹ thuật. Chất màu khó xác định, khó làm việc, màu có vấn đề với ánh sáng.

Còn màu xanh khoáng (vert mineral) thì quá đắt, trong khi một số tông xanh khác ra đuợc nhờ trộn hóa chất thì lại độc hại. Chẳng hạn, giới diễn viên nhà hát rất ác cảm với màu xanh lá, vì để hào nhoáng một tý, trang phục sân khấu thường được nhuộm với oxyde đồng hoặc cyanure, độc tới mức có thể gây chết người .

Từ thời Trung cổ, các họa sĩ thường dùng màu xanh lá một cách cảnh giác, ngay cả những người đã thành thạo với màu xanh lá như Giorgione hoặc Véronèse, nổi tiếng với các bức tranh vẽ gấm vóc xanh lè.

Tranh của Giorgione

Tranh của Véronèse

Trong bức “Miniature du Codex Capodilista” (khoảng 1435 – 1440) của Federico Carlotis: thời Trung cổ, trong các lễ rước, các ceremonie thì ngựa thường được khoác một tấm bố xanh, màu của tuổi trẻ và tình yêu (theo ký hiệu của giới hiệp sĩ)

Các nghệ sĩ thường hoài nghi về ý nghĩa rối rắm của màu xanh lá. Chất màu và những khó khăn vốn có khi pha chế nó có nguồn gốc từ sự mâu thuẫn có tính biểu tượng: bất thường, ngẫu nhiên, không ổn định. Nó có thể kết hợp một cách ngẫu nhiên tùy theo may rủi, với hy vọng cũng nhiều như thất vọng. Nó cũng là màu của những quái vật hay sinh vật ma quái: những mụ phù thủy, những “bà xanh” trong rừng, những hiệp sĩ xanh reo rắc sự rối loạn, con quỉ với con rắn trong lu, rồi rồng, cá sấu… Liệu có cần nhắc lại là màu xanh lá là màu của những cơ thể bệnh tật hoặc cái chết?

Màu xanh trong khu rừng của phim hoạt hình “Mononoke”

Đầu tiên là những người theo chủ nghĩa Lãng mạn kích thích những cảm xúc tự nhiên, tiếp đến là những người theo chủ nghĩa Ấn tượng, lấy lại chút uy tín cho màu xanh lá.

Tranh của Claude Monet

Cách đây chưa lâu, những người trung thành với phái Bauhaus còn khoác lên các bức khỏa thân 3 màu: đỏ, xanh dương, vàng; không có xanh lá! Kandinsky thì nhấn mạnh trong tác phẩm Du spirituel dans l’art et dans la peinture en particulier (1911 – “Về trí tuệ trong nghệ thuật và trong hội họa nói riêng”), trong đó ông tả màu xanh lá như “màu gây tê nhất” và “như trong xã hội tư sản: đó là một yếu tố bất biến, hài lòng về cái tôi, bị giới hạn trên mọi hướng”, “như một chị bò sữa to đùng, dồi dào sức khỏe, sinh con, rồi bị đông lạnh, chỉ có mỗi khả năng nhai lại”. Mondrian bồi thêm cú nữa: họa sĩ thú nhận căm ghét màu xanh lá và không bao giờ dùng nó.

Lời chào đón vậy là phải đến từ một lĩnh vực khác: từ y học và các vấn đề an toàn vệ sinh, bắt đầu biểu hiện trong thế kỷ 20. Với những đợt nghỉ phép có lương đầu tiên, xã hội đã cảm nhận được nhu cầu trở về tự nhiên để hồi phục, cách xa những khối nhà xám xịt. Trong thập niên 30, nhiều chính phủ đã ưu tiên cho những khoảng xanh, công viên, quảng trường.. trong khi các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của những hoạt động ngoài trời. Màu xanh lá trở thành màu tiết kiệm và bước vào một giai đoạn may mắn. Nó phủ lên cuộc sống, từ chính trị cho tới cuộc sống hàng ngày: kiến trúc xanh, không gian xanh, hành lang xanh, năng lượng xanh, xe ôtô xanh..

Với sự ra đời của tổ chức Green Peace năm 1971, màu xanh lá thậm chí trở thành một ý thức hệ.

“Đúng là gió đổi chiều đối với một màu lâu nay không được ưa như màu xanh lá, màu mà ngay nay đang gánh sứ mệnh bất khả thi để cứu hành tinh” – Michel Pastoureau hóm hỉnh.

Và màu xanh lá cũng trở lại trong các sáng tạo đương đại. Fabrice Hyber đang rất say sưa với màu xanh lá. Ngay từ triển lãm đầu tiên mang tên Mutation vào năm 1986 ở Nantes, anh đã chọn màu xanh lá là màu ưu tiên, một màu xanh flashy, màu của mầm non mùa xuân, cái thời điểm mà năng lượng đang rất phấn khích. Trong tác phẩm “Hommes de Bessines” của anh, những hình người 87 cm mọc lên khắp nơi trên trái đất kể từ khi chúng được sinh ra năm 1989.

Fabrice Hyber, “Hommes de Bessines”

Màu sinh thái cũng được một số họa sĩ trực tiếp sử dụng, như Lois Weinberger, khi làm việc trên khái niệm thảm thực vật tự nhiên. Những đám cỏ dại mọc ở nơi chúng thấy thích hợp. Một cách để nghệ sĩ thăm dò về quá trình lai hóa, thực dân hóa, di cư… Năm 2012, phía sau nhà ga ở Rennes, anh đã cho đặt hàng ngàn chiếc xô nhựa đựng đầy đất, phơi giữa trời cho gió, cho chim….

Lois Weinberger chẳng gieo hạt gì vào đó nhưng cỏ vẫn mọc lên. Chỉ cần thời gian là nó sẽ um tùm hết các xô nhựa

Màu xanh bắt đầu chiếm lĩnh tất cả các không gian đô thị, từ đất lên tường của thành phố, nơi giờ mọc lên các sáng tác của Patrick Blanc. Người đàn ông với tóc mái xanh, người sáng tạo ra những bức tường xanh, tự hiện thân cho thái độ xanh (green attitude) của mình. Anh hình dung ra những khu vườn thẳng đứng phủ lên các tòa nhà, bảo tàng, như hình ảnh của Quai Branly.

Patrick Blanc

Trong khi đó, Thomas Struth lại gắn màu xanh lá với một cách nhìn mơ mộng và lý tưởng hóa về thiên nhiên. Trong series New pictures from Paradise, nhiếp ảnh gia người Đức này trình ra một chốn rất bình dị và không cho biết chụp ở đâu: Trung Quốc, Brazil, Nhật, California, hay Đức… Những khu rừng nguyên sinh, dày đặc, yên tĩnh, rực rỡ khi ánh sáng chớm tới,. hứa hẹn một thiên đường không bao giờ mất. Hiện thân cho một thế giới tốt hơn, lành mạnh hơn, công bằng hơn, màu xanh lá có vẻ vẫn còn nhiều ngày đẹp trời phía trước.

Thomas Struth, “New pictures from Paradise”

Nguồn: Soi House

(dich tu bai cua Daphné Bétard)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.