Chuông đồng là một loại hình nhạc khí đặc biệt được sử dụng trong chùa, đình, đến, miếu ở Việt Nam. Cho đến nay những quả chuông đồng cổ nhất đã được biết đến như chuông chùa Thanh Mai (Hà Nội) đúc năm Trinh Nguyên 14 (năm 798), chuông Đình Nhật Tảo ở Đông Ngạc (Tây Hồ- Hà Nội) đức năm Càn Hòa 6 (948) hay chuông Chùa Vân Bản thời Trần (Đồ Sơn – Hải Phòng) TK 13-14 đó là những quả chuông may mắn còn lại đến nay.
Cấu tạo một quả chuông treo thường giống nhau. Quai chuông tạo dáng hình tượng rồng, thường là hai rồng đấu lưng vào nhau tạo thành hình vòng cung. Hai đầu rồng đối xứng, miệng rồng há hoặc ngậm ngọc, mũi to và hếch, mắt tròn có lông mày tạo dải dài. Đỉnh quai là hai đuôi rồng xoắn chầu vào vân mây hình khánh; Hai râu dài chạy dọc hai chân khuỳnh bám vào đỉnh chuông. Chân và thân rồng nhiều vẩy có 4 hoặc 5 móng sắc nhọn. Thân chuông hình trụ đứng, vai vuông cao, miệng loe rộng. Thân thường được chia ô bởi các đường chỉ nổi, Bốn núm gõ hình bông hoa to tròn cách đều trên thân. Thân thường được trang trí hoa văn hình lá đề viền trong hồi văn chữ T, ngoài có vòng hào quang; Thành là những bông hoa bốn cánh, cánh sen đầu vuông, hình tròn có viền hoa lá, hình vuông có viền hồi văn chữ T, hồi văn chữ S. Thân dưới của chuông trang trí hoa văn ô lục giác, hoa sáu cánh hình nhũ đinh, trong ô trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng), mây dải hay lưỡng long chầu nguyệt. Minh văn được khắc trên chuông góp phần làm sáng rõ về việc đúc chuông. Đây là tư liệu đáng kể đòng góp vào việc tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo xã hội Phong kiến Việt Nam thời Lê Nguyễn.
Chuông chùa Linh Tiên, Minh Mệnh 3 (1822)
Loại hình chuông treo thời Lê Trung Hưng. Chuông có miệng tròn, thân trụ, vai thuôn được trang trí hàng hoa văn cánh sen kép. Quai treo hình chữ S, toàn bộ bề mặt của chuông được mạ vàng. Những chiếc chuông này có thể được treo trên các vật góc trang trí kiến trúc của tháp chùa.
Chuông đồng thời Lê Nguyễn phản ánh sự tiếp nối truyền thống chuông Đông Sơn, chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn) Hải phòng. Trong Lịch sử Việt Nam, khi Phật giáo phát triển, khi ấy chùa được trùng tu xây dựng nhiều, Phật giáo phát triển mạnh thì việc đúc và sử dụng các loại hình nhạc khí càng phổ biến hơn. Chùa được trùng tu, xây dựng nhiều và đến nay số lượng các loại chuông cũng còn khá phổ biến.
Minh văn trên chuông không chỉ cho biết niên đại của chuông mà còn nhiều thông tin khác có giá trị về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn quả chuông có khắc minh văn “Gia Long Nhâm Tuất chú tạo” nghĩa là đúc chuông vào năm Nhâm Tuất thuộc niên hiệu Gia Long (1802). Chuông chùa Linh Tiên, bài văn cho biết chuông đúc vào giờ lành ngày 13 tháng 6 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh 3 (1822).Minh văn trên chuông cho biết số liệu kinh tế, trong số các chuông có khắc minh văn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì có 12 quả chuông cho biết số tiền do các tín đồ cung tiến; Chuông đúc đời Minh Mệnh đến đời Tự Đức đơn vị tiền là quan. Chuông chùa Phổ Quang (năm 1831) số tiền được cúng tới 1000 quan. Chuông ít nhất là chuông chùa Dư Duệ (1838) số tiền chỉ có 84 quan; Chuông chùa Viên Quan (năm 1822) ngoài số tiền cúng góp là 173,6 quan còn có 10,5 cân đồng. Chuông chùa Lâm Phúc (1877) số tiền cúng góp là 422 quan, 7 mạnh, 37 cân, 4 lạng đồng và 2 thùng gạo. Như vậy, ngoài số tiền được đóng góp được ghi trên chuông còn có cả các vật khác như đồng để đúc chuông, gạo để nuôi thợ đúc. Từ chuông chùa Kim Quy (1914) đến chuông Vọng Hương Tiên. Từ (1930) đơn vị tính bằng đồng và hào. Chuông chùa Phổ Quang (1854) thuộc thôn Mông Trường, xã Đam Xuyên, huyện Yên Lãng, Phủ Vĩnh Tường, Tỉnh Sơn Tây cho biết “từ năm Bính Thân dân bị trộm cắp, đói túng liên miên, thời ấy dân đã xơ xác, thuế lại gia tăng, khiến cho thôn phải đem quả chuông chùa gán cho quan tỉnh để đủ thuế với Nhà nước. Đến năm Canh Tý (1900), quan viên chức sắc và các lão bà Bạch Trữ, tổng Bạch Trữ huyện Bình Xuyên đã mua lại với giá 70 đồng bạc Đông dương”. Bài Minh là nguồn sử liệu quý giá về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế đời Tự Đức và Thành thái. Minh văn trên chuông Chùa Viên Quang (1822) cho thấy sự xuất hiện của những người trong vùng cúng góp như “Đề Lĩnh, Can Đội, Đội Sĩ, Đội Trưởng, Tổng Trác, Trùm, Ngũ Trưởng nhiều chức danh trên đây nằm trong hệ thống phẩm cấp quan chế triều Nguyễn như Hiệp trấn thuộc hàng quan Tham trấn, Thiên sự, Hàn lam, Thị thư. Các chức Cai hợp, Đội trưởng, Kiên, Đô, Biện, Tượng Chánh, Ngũ Trưởng. Có lẽ là chức danh trong quan chế mà đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ cả. Minh văn trên chuông chùa Phổ Quang:
“Lòng dân buổi đầu, thật thà không dối
Khi gần các loài khí chất có đổi
Pháp tòa lớn lao, Tây phương giáo hội
Nghe theo tiếng kinh biết đời chìm nổi
Phổ Quang chùa thiêng, thượng nguyên đẹp cõi”
Minh văn chuông Linh Thông (1850) có đoạn:
“Cảnh trí Vân Hồ đẹp
Nhà riêng thành của Phật
Nước đục biến trong xanh
Trước là sông Đức Thủy
Sau có thiên Giao Đình
Chuông vàng trông đẹp mắt
Phúc quả được kiên trinh
Dân thôn vui cuộc sống
Phật tử hưởng phúc lâm”
Chuông chùa Viên Quang (1822) mô tả cảnh quan chùa một bức tranh hùng vĩ “Ngay phía trước thôn ta đã có ngôi chùa thấp thoáng trên núi gọi chùa Viên Quang, địa hình ở đó như có hổ chầu, sông lượn. Cảnh vật ở đó có nhiều tre non, thông xanh, dẫu chứa đủ năm âm thanh so với chuông ở Hạ Đình, nhưng cũng cần một quả chuông để khác biệt với vùng Thục Cảnh”. Chuông chùa Dư Duệ (1838) minh văn có đoạn “tiếng chuông thức tỉnh tấc dạ phân trần, tiếng chuông du dương tạo thành ý thiện. Trong bếp nghe chuông tâm tư như đè nén dưới nguyệt chày kình thua theo nhịp nhặt thưa” Minh văn trên chuông chùa Bồng Lai (1820) có đoạn:
“Núi Hồng Lĩnh chót vót
Sông Lam Giang rộng dài
Giữa sông cồn cát nổi
Có tháp cổ Bồng Lai
Cảnh quan nhiều ngoạm mục
Đã trải nhiều đổi thay
Chuông chùa phải đúc lại
Để hưởng phúc lâu dài”
Chuông chùa Viên Quang (1822) có đoạn “mới đó đã 20 năm! Những công đức trước đây từ sau khi đổi mới chế độ, há chẳng đáng cho ta ngày nay học tập sao? Nay thì đám mây đen đã quét sạch, trời tối lại sáng ra” Chuông chùa Viên Quang có đoạn “chùa phải có chuông cũng do ý nghĩa đó để thức tỉnh những tâm hồn đang mê muội mờ chìm trong trần tục” tác dụng của chuông giúp cho việc giáo hóa như thế thì càng không thể thiếu chuông. Tóm lại, minh văn trên chuông đồng triều Lê Nguyễn được xem như những trang ký sự ghi chép tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội giai đoạn phong kiến triều Lê Nguyễn.
Chuông chùa Long Nhiệm, Minh Mệnh 10 (1829)
Minh văn của chuông mang đặc điểm ký sự, ghi chép những sự việc và họ tên những người tham gia vào việc đúc chuông, góp công đức để lưu truyền và cầu mong hưởng phúc về sau. Đó là những trang tư liệu chuẩn xác giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của các thời đại đã qua. Nội dung minh văn ca ngợi cảnh quan chùa hay di tích, sự cần thiết việc phải đúc chuông, tổ chức quyên góp để đức chuông, sự hoan hỷ của mọi người. Cụ thể ghi họ, tên (các thành viên của gia đình, dòng họ, quê quán, chức vị xã hội và mức độ đóng góp tiền hay hiện vật của việc đúc chuông). Minh văn cho biết niên đại của chuông, người soạn bài minh khắc trên chuông, ngày tháng năm khắc.
Minh văn trên chuông cho biết giá trị ngôn ngữ văn học, văn tả cảnh, vần thơ, giá trị đặc điểm về số đếm. Cho biết số liệu kinh tế (số tiền các tín đồ đóng góp vào chùa). Chuông đồng là loại hình hiện vật gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.
Chuông chùa Vân Bản, tk14.
Minh văn trên chuông đồng phản ánh đời sống tư tưởng văn hóa và tình hình Phật giáo dưới thời Nguyễn. Nhiều bài minh phân tích sự cần thiết phải có tiếng chuông, âm thanh của chuông là phương tiện để nghe rung động và giác ngộ đạo Phật; Nó cụ thể nhưng huyền diệu sâu xa nhờ cái có vốn hữu hạn mà người ta nhận ra cái không ngoài nó là có ý thức những mênh mông không cùng. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của đạo Phật mà chỉ biết việc cầu phúc, chuyên quả báo luân hồi, học mà từ bi bắc ái, tu nhân tích đức kiếp này để hưởng an phúc sau.
Nghiên cứu về các loại hình chuông đồng thời Lê Nguyễn không chỉ cho chúng ta thấy truyền thống đúc đồng còn được bảo tồn và phát huy mà còn cho biết nhiều thông tin về lịch sử,văn hóa, kinh tế, xã hội. Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang trưng bày giới thiệu những quả chuông tiêu biểu của thời Lê Nguyễn, góp phần chứng minh khả năng sáng tạo, óc thẩm mỹ và đức tính cần cù trong lao động, khảng định truyền thống đúc đồng tinh xảo của người Việt Nam.
Chuông lắc tk 17-18
Đinh Phương Châm
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.