Việc lấy hoàng hậu triều trước của các bậc đế vương không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ẩn chứa đằng sau là những câu chuyện mang yếu tố tinh thần và chiêu bài chính trị.

Lịch sử Việt Nam thời quân chủ chứng kiến không ít bậc đế vương cưới (lấy lại) hoàng hậu của triều đại đối nghịch do đích thân mình đánh đổ, hoặc triều đại trước (sau khi đã thay triều hoán đại).

Những vị vua lấy lại hoàng hậu triều trước

“Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua”.

Đây là câu ca dao của người đất xứ Huế nói về chuyện tình cảm riêng tư của một người phụ nữ có số phận đặc biệt – Công chúa Lê Thị Ngọc Bình, sinh ngày 12 tháng 12 năm Giáp Thìn (21/1/1775) – khi bà lấy cả 2 người chồng cùng là đế vương của hai triều đại đối nghịch nhau.

Ngọc Bình vốn là con gái út của vua Lê Hiển Tông (1717-1786), là em cùng cha khác mẹ với công chúa Lê Ngọc Hân (Bắc cung Hoàng hậu, vợ vua Quang Trung).

Năm 1795, bà được gả cho vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung). Năm 1802, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chiếm được Phú Xuân, tiến quân ra Bắc truy bắt Cảnh Thịnh. Trong lúc trốn chạy, vua Tây Sơn đã bỏ lại bà Ngọc Bình. Bà bị bắt dâng cho vua Gia Long. Thấy bà xinh đẹp thướt tha, vua đã quyết định lấy bà làm phi, mặc cho đó là vợ của nghịch triều, mặc cho lúc đó vua cũng có hàng trăm phi tần (theo Nguyễn Phúc tộc thế phả vua Gia Long có tổng cộng 21 hậu phi được ghi rõ tên, lai lịch).

Sách Quốc sử di biên do Phan Thúc Trực soạn có đoạn viết: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)… Ngày 21, Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua… dâng nộp bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong cung vua…”.

Mặc cho triều thần can ngăn, vua Gia Long vẫn cho nạp bà Ngọc Bình làm phi (sau phong bà là Chiêu Viên). Nói về việc này, dù chính sử nhà Nguyễn không ghi chép cụ thể nhưng trong tham luận “Mấy vấn đề về vua Gia Long”, GS Trần Quốc Vượng đã viết:

“Vua Gia Long chiếm Phú Xuân, thấy Ngọc Bình trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha nên ông quyết định lấy làm phi. Triều thần của vua Gia Long xúm lại can ngăn, họ nói: “Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình!”. Vua Gia Long cười ha hả mà nói: “Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc, “tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!”.

Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn, Đức phi Lê Thị Bình có với vua Gia Long 2 hoàng tử và 2 hoàng nữ. Bà mất ngày 12 tháng 9 năm Canh Ngọ (10/10/1810).

Lịch sử Việt Nam thời quân chủ cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự như vua Gia Long. Chẳng hạn như vua Lý Thái Tông (1028-1054) khi mang quân đánh Chiêm Thành (năm 1044) cũng từng muốn lấy vợ vua Chiêm làm vợ. Tuy nhiên, bà này đã tự vẫn để giữ tiết liệt (kiên trinh, dám chết để giữ trọn lòng trong sạch). Sách “Việt Điện U Linh” soạn vào khoảng thời Trần chép:

“Phu nhân không rõ họ gì, người nước Chiêm Thành, tên là Mỵ Ê, vợ vua Chiêm Thành tên là Sạ Đẩu. Triều vua Thái Tông nhà Lý, Sạ Đẩu không tu chức cống, thất lễ phiên thần, vua Thái Tông thân hành đem quân nam chinh. Sạ Đẩu bày tượng trận ở sông Bố Chính, dần dần bị vương sư đánh phá; Sạ Đẩu tử trận, các cung phi thê thiếp của Sạ Đẩu đều bị bắt sống đem về. Thuyền về đến sông Lý Nhân, vua nghe phu nhân có sắc đẹp mới mật sai quan Trung sứ vời phu nhân đến chầu ngự thuyền. Phu nhân không giấu được sự phẫn uất, chối từ rằng:

– Vợ hầu mường mọi, y phục xấu xí, ngôn ngữ quê mùa, không giống các bậc phi tần Trung Hoa, nay quốc phá phu vong, chỉ nguyện có chết là thỏa lòng, nếu áp bức hợp loan sợ ô uế long thể.

Rồi phu nhân mật lấy tấm chăn (vải tốt của Chiêm Thành) quấn kín mình lại, nguyện phó tính mạng cho dòng sông. Một tiếng đánh ầm, hình bóng mỹ nhân đã cuốn theo dòng nước mất tích…”

Hoặc sớm hơn, vào thế kỷ 10, Đinh Bộ Lĩnh – người có công dẹp loạn 12 sứ quân, trở thành vị hoàng đế đầu tiên mở đầu thời đại độc lập tự chủ của nước ta sau thời Bắc thuộc cũng lấy vợ vua triều trước (đó là Ngô hậu, vợ Ngô Xương Văn, mẹ Ngô Nhật Khánh ) và tấn phong bà hoàng hậu, dù cho Ngô hậu lúc này đã ngoài 40 tuổi. Sau triều Đinh đến lượt nhà Tiền Lê, Lê Hoàn cũng đã lấy Dương hậu (hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng) làm vợ và phong là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.

Thú vui ngự dụng hay nước cờ chính trị của bậc đế vương?

Qua một số dữ kiện dẫn trên có thể thấy chuyện các bậc đế vương xưa cưới (lấy lại) hoàng hậu của triều đại đối nghịch do đích thân mình đánh đổ, hoặc triều đại trước (sau khi đã thay triều hoán đại) không phải là chuyện hiếm (dù không phổ biến, nhưng cũng không thể xem đó là một hiện tượng có tính chất nhất thời). Chuyện này cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử mà ẩn chứa đằng sau đó là những câu chuyện mang yếu tố tinh thần và cả những chiêu bài chính trị của người chiến thắng.

Trong cuốn Việt Nam thế kỷ X những mảnh vỡ lịch sử (NXB Đại học Sư phạm, 2019), khi phân tích việc Đinh Hoàng đế lấy lại vợ của Ngô Xương Văn, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương cho rằng: Đó “không gì khác hơn là một thứ chiến lợi phẩm (người và của) thu được từ chiến thắng của Vạn Thắng Vương”. “Phụ nữ của bên chiến bại sẽ trở thành thứ đồ chơi tình dục cho những gã đàn ông mới từ cõi chết trở về đang trong cơn say chiến thắng”.

“Việc vua ngự dụng chiến lợi phẩm (thân xác người đàn bà), dưới con mắt của sử quan Nho gia thì chẳng có vi phạm gì về đạo đức, vì việc làm chuyện ấy với đàn bà (ngoài nhu cầu sinh lý cá nhân) thực chất là để phục vụ công tác nối dõi tông đường, đa tôn đa tử mới trọn đạo hiếu”. Việc “cưới lại hoàng hậu của triều đại do chính mình đánh đổ thì còn có gì ý vị hơn”. Đinh hoàng đế còn đem Đinh công chúa (con gái mình) gả cho Ngô Nhật Khánh (con Ngô Xương Văn)…

Đến lúc này, yếu tố tinh thần của người chiến thắng được gạt sang một bên để dành cho những nước cờ – chiêu bài chính trị như là việc hàn gắn vết thương thời hậu chiến (kết giao 2 dòng họ) và hơn tất cả là tạo nên biểu tượng củng cố thêm cho tính chính thống của nhà Ngô. Tương tự như thế, việc Dương hậu (vợ Đinh Tiên Hoàng) trao lại quyền lực cho Lê Hoàn để lập ra nhà Tiền Lê cũng là cái cách để hợp thức hóa việc chuyển giao (quá độ) giữa 2 vương triều.

Trường hợp của vua Gia Long lấy bà Lê Thị Ngọc Bình xét theo tinh thần trên của sử quan Nho gia cũng chẳng vi phạm gì về đạo đức. Dù cho đó có là vợ kẻ thù nghịch nhưng vì quá xinh đẹp nên bậc quân vương cũng khó lòng chối bỏ.

Còn về yếu tố chính trị thì việc vua Gia Long lấy lại hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh đang chạy trốn có lẽ chẳng khác nào một sự sỉ nhục đối với vị vua này (phải chạy thoát thân đành mặc thê tử của mình cho số phận).

Tác giả : Minh Châu, Nguyễn Thanh Thuận

Nguồn : https://news.zing.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.