1. Thân thế và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ

Đặng Huy Trứ (鄧輝著)1, tự là Hoàng Trung, hiệu là Vọng Tân và Tĩnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong một gia đình nhà nho có nhiều người đỗ đạt và tham gia vào bộ máy chính quyền của triều Nguyễn (1802-1945).2

Nhà thờ họ Đặng, nơi thờ gia tộc họ Đặng, trong đó có Đặng Huy Trứ, ở làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Cha của ông là Đặng Văn Trọng (1799-1849), hiệu là Dịch Trai, vốn là một nho sĩ, theo đuổi con đường khoa cử nhưng sau 5 lần đi thi chỉ đỗ tú tài, không được bổ nhiệm làm quan mà lui về quê hương mở trường dạy học.

Đặng Huy Trứ là con trai thứ ba của ông Đặng Văn Trọng và bà Trần Thị Minh, nhưng ngay sau khi sinh, ông được gửi cho dì ruột chăm sóc, nuôi nấng, đến năm 12 tuổi mới được cha mẹ ruột đón về ở cùng.

Năm 1843, Đặng Huy Trứ cùng đi thi Hương với cha và đỗ cử nhân khi mới 18 tuổi, trong khi cha ông chỉ đỗ tú tài. Cũng trong năm này, ông được bác ruột là Đặng Văn Hòa, bấy giờ đang là Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn, cho theo học với Thị lang bộ Hình là tiến sĩ Trương Quốc Dụng để thâu nạp thêm kiến thức, chuẩn bị cho con đường khoa cử sau này. Năm 1844, Đặng Huy Trứ đi thi Hội, bị trượt, nhưng được chọn vào học ở Quốc Tử Giám.

Năm 1846, Đặng Huy Trứ về làng Thanh Lương mở lớp dạy học cho trẻ em ở quê nhà và tiếp tục trau dồi kinh sử chờ ngày ứng thí kỳ thi Hội kế tiếp.

Năm 1847, Đặng Huy Trứ lại đi thi Hội, trúng cách tiến sĩ và được chọn vào thi Điện (hay thi Đình). Tuy nhiên, do ông dùng chữ bất cẩn trong bài thi Điện, phạm đến quý hương của nhà vua3, nên ông bị cách cả học vị tiến sĩ lẫn cử nhân và bị phạt đánh 100 roi. Rất may là ngay trong mùa thu năm ấy, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp Tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua Thiệu Trị, Đặng Huy Trứ tham dự khoa thi Hương này và thi đỗ Giải nguyên.

Năm 1848, trong lúc chờ triều đình bổ nhiệm ra làm quan, Đặng Huy Trứ đi vào Vĩnh Điện (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hành nghề dạy học. Ít lâu sau, ông trở về mở lớp dạy học ở An Xuyên (nay thuộc làng An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1849, ông vào Hội An (Quảng Nam), dạy học ở trường tư thục Thanh Hương, ngôi trường do Lý Mậu Thụy, một Bang trưởng người Minh Hương ở Hội An, mở ngay trong nhà của mình. Trong thời gian dạy học ở Hội An, Đặng Huy Trứ đã viết cuốn Sách học vấn tân, là cuốn sách đầu tiên trong văn nghiệp của ông. Năm 1851, Đặng Huy Trứ trở về Thừa Thiên, mở lớp dạy học ở Mỹ Xuyên (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), đến mùa thu năm ấy thì ra Hà Nội, viết sách và kết bạn tâm giao với một số sĩ phu Bắc Hà như Vũ Tá Trứ, Nguyễn Sĩ Phủ, Trương Bằng Hiên… Năm 1852, Đặng Huy Trứ trở lại Thừa Thiên, mở lớp dạy học ở Ưu Điềm (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đến năm 1854, ông trở lại Mỹ Xuyên mở trường tư thục Phong Mỹ để dạy học. Trong thời gian này, ông đã biên soạn các cuốn sách: Vũ kinh, Nhị thập tứ hiếu, Sĩ nông công thương tứ gia lạc.

Trong khoảng thời gian hành nghề dạy học từ năm 1846 đến năm 1854, Đặng Huy Trứ đã đem hết tâm huyết và năng lực để truyền dạy kiến thức và nhân cách cho các thế hệ học trò. Nhiều học trò của ông đã đỗ đạt trong các khoa thi do triều đình tổ chức trong thời gian này, được bổ nhiệm ra làm quan, nhưng do Đặng Huy Trứ bị vướng vào “vụ án văn chương” vào năm 1847, nên ông vẫn chưa có chỗ đứng trong quan trường.

Năm 1855, nhờ sự ân xá của vua Tự Đức, Đặng Huy Trứ được phép tham dự khoa thi Hội năm Ất Mùi. Ông thi đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan dưới triều Tự Đức (1848-1883).

Tháng 8/1856, chiến thuyền Catinat của Pháp đến bắn phá các đồn lũy ở cửa biển Trà Sơn (Đà Nẵng), cướp bóc và bắt giữ quan quân. Triều đình sai Trần Hoằng, Đào Trí và Nguyễn Duy đem quân từ Huế vào tăng viện, đánh đuổi tàu Pháp và tăng cường phòng thủ bờ biển Đà Nẵng. Tháng 10 năm đó, Đặng Huy Trứ được cử đi kiểm tra tàu thuyền và binh bị ở Đà Nẵng. Ông đã viết bài thơ Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại), luận bàn việc “nên chiến hay nên hòa” với người Pháp.4

Từ năm 1857 đến năm 1863, Đặng Huy Trứ lần lượt giữ các chức vụ: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Thiên Trường, (Nam Định), rồi trở về kinh đô Huế giữ chức Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh…

Đầu năm 1864, Quảng Nam bị hạn nặng, dân tình bị đói, sĩ phu xứ Quảng dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân. Triều đình phê chuẩn, thăng cho Đặng Huy Trứ tước Hồng lô tự khánh và cử ông vào giữ chức Bố chính Quảng Nam.Vào nhậm chức ở Quảng Nam, Đặng Huy Trứ dâng sớ về kinh đô, xin thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài và làm việc trì trệ; tổ chức thực hiện những biện pháp cứu đói, giải quyết hậu quả của nạn hạn hán và lụt bão, khơi thông sông ngòi để làm thủy lợi và tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy. Ông đề xuất với triều đình lập các kho “nghĩa thương” ở các địa phương để tích trữ lương thực cứu đói cho dân nghèo; cho phép thu thuế bằng hiện vật đối với các hộ làm nghề thủ công; cho các hộ làm nghề dệt cửi lĩnh trước tiền mua nguyên vật liệu về dệt và bán hàng cho nhà nước; kiến nghị thành lập “nghĩa trang” ở các địa phương để chôn cất những người chết vào những nơi được quy hoạch. Phần lớn những kiến nghị của Đặng Huy Trứ đã được triều đình chấp thuận và cho thực hiện.6

Từ tháng 7 đến tháng 11/1865, theo lệnh của triều đình, Đặng Huy Trứ cải trang thành người Thanh (Trung Hoa) đi sang Quảng Đông để làm nhiệm vụ “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây).

 Năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Ông đề xuất với triều đình thành lập Ty Bình chuẩn đặt tại Hà Nội để lo việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Đề xuất của ông được vua Tự Đức chấp thuận. Ông được cử ra Hà Nội lập Ty Bình chuẩn, giữ chức Bình chuẩn sứ, mở nhiều hiệu buôn để lo việc kinh tài cho triều đình.

Từ tháng 6/1867 đến tháng 12/1868, Đặng Huy Trứ lại được triều đình cử đi công vụ ở Quảng Đông lần thứ hai. Trong chuyến đi này ông bị ốm nặng, phải lưu lại xứ người hơn 1 năm trời. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Quảng Đông, ông đã biên soạn một số tác phẩm như: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Tứ giới, Tứ thập bát hiếu,… Sau khi khỏi bệnh, Đặng Huy Trứ đã tìm mua tân thư và binh thư, máy móc, vũ khí gửi về nước. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, tìm mua vật dụng nghề nhiếp ảnh để sau khi về nước thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà ở Hà Nội (1869). Đây là hiệu nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam và sau này Đặng Huy Trứ được tôn vinh là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm 1869, Đặng Huy Trứ được cử làm Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, rồi làm Khâm phái Thương biện quân vụ Sơn – Hưng – Tuyên (gồm các tỉnh: Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang). Năm 1871, ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái (gồm các tỉnh: Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Ninh – Thái Nguyên) và được phái lên biên giới phía bắc giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp giặc phỉ (cùng với nhiều quan lại khác như: Hoàng Diệu, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Mậu Kiến, Phạm Thận Duật…).7

Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa, tiếp tục tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7/8/1874 tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng. Trước khi qua đời, Đặng Huy Trứ bày tỏ nguyện vọng được an táng ở ngay tại nơi ông mất. Tuy nhiên, sau khi được báo tin, vua Tự Đức ra lệnh cho quan tỉnh Hà Nội đưa thi hài của Đặng Huy Trứ về an táng tại quê nhà và cấp cho gia đình ông 100 quan tiền để lo hậu sự.8

Gian chính trung nhà thờ họ Đặng ở làng Thanh Lương.

2. Những chuyến công vụ ở Trung Hoa của Đặng Huy Trứ

2.1. Đi sứ và đi công vụ

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1771-1801), Nguyễn Ánh lên ngôi, trở thành vua Gia Long, chính thức lập ra triều Nguyễn (1802-1945). Triều Nguyễn tiếp tục duy trì mối quan hệ “thần phục” với triều Thanh (1644-1911) ở Trung Hoa nên thường xuyên cử các sứ bộ sang Bắc Kinh với nhiều mục đích khác nhau.

Theo một quy định về việc Việt Nam cử sứ bộ sang triều kiến nhà Thanh do hoàng đế Càn Long (1736-1795) ban hành vào năm 1792 và được nhắc lại trong một chỉ dụ vào năm 18039, thì:

– Triều đình Việt Nam, cứ 2 năm một lần, phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa và cứ 4 năm phải có một sứ bộ sang chầu.

– Việt Nam cũng phải cử sứ bộ đến Bắc Kinh mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Ngoài ra, Việt Nam còn cử sứ bộ sang nước Thanh trong các trường hợp sau: cáo ai (báo tang) một vị vua Việt Nam vừa mất; cầu phong (xin phong vương) cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương; chúc mừng sinh nhật hoàng đế và các thành viên trong hoàng gia nhà Thanh; mua sắm vật dụng cho triều đình; giải quyết các vụ vi phạm biên giới và các vấn đề dân sự như trao trả những người Trung Hoa bị đắm tàu trên lãnh hải Việt Nam; áp giải các tội phạm Trung Hoa trao trả cho Thanh triều; truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Hoa…

Dưới triều Tự Ðức, triều đình còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống phỉ; để do thám hoạt động của các nước phương Tây ở Hương Cảng và Thiên Tân để mua vũ khí, tàu chiến và máy móc cho triều đình. Sau khi kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885), vua Hàm Nghi còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống Pháp.10 Các chuyến đi vì những mục đích này, sử sách triều Nguyễn thường dùng thuật ngữ đi công vụ hay đi công cán thay vì đi sứ.11

Chuyến đi Trung Hoa lần thứ nhất của Đặng Huy Trứ vào năm 1865, cũng như chuyến đi lần thứ hai trong hai năm 1867-1868, không phải là chuyến đi sứ đến Bắc Kinh để thực thi nhiệm vụ ngoại giao như thường lệ, mà là những chuyến công vụ đến tỉnh Quảng Đông để thực hiện những nhiệm vụ bí mật mà triều đình giao phó. Vì thế, những chuyến đi này của Đặng Huy Trứ không được chính sử của triều Nguyễn ghi nhận.12

Tượng Đặng Huy Trứ tại nhà thờ họ Đặng ở làng Thanh Lương.

2.2. Chuyến công vụ thứ nhất (năm 1865)

* Bối cảnh và mục đích chuyến đi

Sau khi tấn công vào cửa biển Đà Nẵng và gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Đà Nẵng vào tháng 8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha bỏ Đà Nẵng, quay vào tấn công Gia Định ở miền nam Việt Nam. Từ năm 1858 đến năm 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần lượt đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Quan quân triều Nguyễn, dù hết sức kháng cự nhưng vẫn thất bại trước sức mạnh của liên quân hai nước phương Tây, buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký kết Hòa ước Nhâm tuất (1862) với Pháp và Tây Ban Nha. Bản hòa ước này gồm có 12 điều khoản, trong đó có hai điều khoản rất quan trọng là: Việt Nam nhượng đứt cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (luôn cả Mỹ Tho) và đảo Pulo Condor (Côn Sơn) (điều 3); Việt Nam phải bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha số tiền 4 triệu đô la (điều 8), tương đương 2.880.000 lạng bạc lúc bấy giờ.13

Trong khi đó, nội bộ triều Nguyễn có sự chia rẽ sâu sắc. Vua Tự Đức và một số đại thần như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp… chủ trương thực hiện các điều khoản đã ký kết trong Hòa ước Nhâm tuất với hy vọng sẽ làm người Pháp hài lòng và không mở rộng chiến tranh ra khắp Nam Kỳ và khi có điều kiện sẽ chuộc lại các tỉnh đã mất. Vì thế, vua Tự Đức ra lệnh bãi binh kháng Pháp ở chiến trường miền nam. Trong khi, nhiều đại thần như Nguyễn Tri Phương, Phạm Phú Thứ, Đỗ Quang… không tin vào kế sách “hòa với Pháp” để giữ đất, nên một mặt họ phải vâng mệnh vua, tránh xung đột trực diện với Pháp; mặt khác họ đề xuất nhiều biện pháp cải cách nhằm tăng cường sức mạnh và tiềm lực của đất nước như: cải cách binh bị để tăng khả năng chiến đấu của quân đội, cải cách thuế khóa để tăng nguồn thu cho ngân khố quốc gia, cải cách thi cử để tuyển chọn người tài ra phục vụ đất nước…14

Đặng Huy Trứ lúc này đang giữ chức Bố chính Quảng Nam, tuy là một chức quan hạng trung, nhưng là một người có lòng yêu nước, thương dân, có đầu óc thức thời, đã nhận thức được muốn đánh thắng ngoại bang, cần phải có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Vì thế, ông không chỉ quan tâm đến nông nghiệp mà còn nhận thấy vai trò to lớn của công nghiệp và thương nghiệp đối với nền kinh tế của nước nhà. Ông đề xướng chủ trương mở mang công nghệ, kỹ nghệ; lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc; lập cục dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập kỹ nghệ ở các nước phát triển để sau này về giúp nước nhà “tự cường, tự chủ”. Tinh thần canh tân của Đặng Huy Trứ đã được vua Tự Đức và nhiều đại thần trong triều biết đến. Nhiều đề xuất về mở mang buôn bán, chăm lo đời sống của nhân dân, cải cách thuế khóa để gia tăng nguồn lực cho nhà nước của Đặng Huy Trứ đã được triều đình tán đồng và thực hiện.

Ông cũng là người theo đường lối “chủ chiến”, không tin vào kế sách “nhân nhượng với Pháp để giữ đất” đang được triều đình thực hiện, mà chủ trương xây dựng quân đội hùng mạnh, đủ sức đối phó với giặc. Muốn làm được điều đó, cần phải đi ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học kỹ thuật để đem về ứng dụng ở Việt Nam. Một trong những nơi ông mong mỏi được đến lúc bấy giờ là Quảng Đông.15

Đối với những người theo phái “chủ chiến”, dù đã mất 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ vào tay người Pháp, nhưng họ vẫn mưu tính kế sách chống Pháp lâu dài. Họ muốn cử người sang Quảng Đông (bấy giờ bao gồm cả Hương Cảng và Ma Cao), là nơi có nhiều nước phương Tây đang hoạt động, để dò xét tình hình các nước này, để học hỏi khoa học kỹ thuật, tiếp cận tân thư và tìm mua vũ khí chuyển về nước để chống Pháp.16

Chủ trương cử người sang Quảng Đông của phái “chủ chiến” nhận được sự tán đồng của vua Tự Đức, bởi lẽ nhà vua cũng muốn cử người sang Hương Cảng để kiểm tra và tiếp nhận chiếc tàu do những người thợ được triều đình cử sang học tập kỹ nghệ đóng tàu của người Anh thực hiện, nay đã sắp hoàn thành17, đồng thời, tìm mua vật dụng, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhà vua và hoàng gia.

 Từ chủ trương trên, thự Thượng thư bộ Hộ kiêm Cơ Mật viện đại thần Phạm Phú Thứ, một người thuộc phái “chủ chiến”, ủng hộ cải cách, đã vận động triều đình cử Đặng Huy Trứ đi Quảng Đông để thực hiện mục đích “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây) này. Phạm Phú Thứ nói: “Việc này không ai làm hơn Đặng Huy Trứ được”.18

Sở dĩ Đặng Huy Trứ được Phạm Phú Thứ tiến cử đi Quảng Đông lần này là vì ông là người có đầu óc canh tân, ủng hộ đường lối “chủ chiến” với tinh thần tự lực, tự cường. Ngoài ra, Đặng Huy Trứ còn là người thông thạo tiếng Quảng Đông do ông đã có 3 năm sống ở trong nhà của Lý Mậu Thụy (李 戊 瑞: Li Mao Rui), Bang trưởng Quảng Đông ở Hội An trong thời gian ông dạy học ở trường tư thục Thanh Hương do Lý Mậu Thụy khai lập.

Tuy nhiên, Đặng Huy Trứ lại cho rằng việc nhà vua chọn ông đi công cán Quảng Đông là do nhà vua hiểu tính khí thích bay nhảy của ông nên chọn. Ông viết: “Tính tôi khác người, thích bay nhảy, Hoàng thượng cũng biết. Hiểu con không ai bằng cha, hiểu bầy tôi không ai bằng vua. Cố nhiên như vậy?”.19 Ông cũng cho biết đây là một chuyến đi bí mật nên ông phải cải trang thành người Thanh để che giấu hành tung.20

Những người đồng hành và hành trình đến Quảng Đông

Tháng 6/1865, Đặng Huy Trứ đang giữ chức Bố chính Quảng Nam thì được triều đình gọi về Huế để đi công cán Quảng Đông. Cùng đi công vụ với Đặng Huy Trứ lần này còn có hai quan chức của triều đình là Chu Văn Khoa21 và Nguyễn Tăng Doãn22, cùng các phu phen đi theo để phục dịch. Chu Văn Khoa được giao nhiệm vụ tìm mua hàng hóa, vật dụng cho nhà vua, còn Nguyễn Tăng Doãn có trách nhiệm kiểm tra tình hình đóng chiếc tàu hơi nước cho triều đình và tiếp nhận chiếc tàu sau khi hoàn thành để đưa về nước.

Sau khi nhận mệnh triều đình, Đặng Huy Trứ được nghỉ phép 10 ngày để chuẩn bị cho chuyến đi này.23 Ông về quê gốc ở làng Hiền Sĩ (nay thuộc xã Phong Sơn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), đi thăm mộ cha là Đặng Văn Trọng, thăm mộ mẹ là Trần Thị Minh24, thăm mộ bác ruột là Đặng Văn Hòa25, rồi trở lại làng Thanh Lương bái yết nhà thờ gia tộc26 và từ biệt vợ con27 trước khi lên đường sang Quảng Đông.

Sáng ngày 16 tháng 6 năm Ất sửu (tháng 7/1865), Đặng Huy Trứ rời làng Thanh Lương bằng thuyền, xuôi theo dòng sông Bồ đến ngã ba Sình thì rẽ vào sông Hương. Thuyền ngược sông Hương, rồi rẽ vào sông An Cựu, đi đến cầu Thăng Tiên ở phía nam Kinh Thành Huế thì lên bờ đi bộ về phía nam theo đường cái quan.28

Ngày 18 tháng 6, phái đoàn Đặng Huy Trứ đi đến đỉnh núi Hải Vân, ngọn núi phân tách ranh giới Thừa Thiên với Quảng Nam. Ông cho đoàn dừng chân để vào viếng đền thờ thần núi Hải Vân trên đỉnh núi.29 Sau khi viếng đền, cả đoàn tiếp tục đi bộ đến trạm Nam Chân ở phía nam chân núi Hải Vân, gặp bến đò Chân Sảng thì xuống thuyền đi sang bến Thanh Khê30 thuộc địa phận Quảng Nam.31 Thuyền vào sông Hàn, rồi rẽ vào sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) để đi về Hội An.

Tại Hội An, Đặng Huy Trứ ở lại trong một nhà trọ ở làng Minh Hương để chờ ngày lên đường. Ông viếng thăm chùa Phúc Lâm để viếng Phật và xin cạo đầu theo kiểu người Thanh.32

Ngày 22 tháng 6, phái đoàn của Đặng Huy Trứ lên chiếc thuyền Quân Thái (君泰) của thương nhân người Hoa Lã Hiền Tá (吕賢佐), rời cửa Đại Chiêm (cửa biển ở Hội An) lúc 2 giờ sáng, bắt đầu hành trình đi Quảng Đông.33 Cùng sang Quảng Đông lần này, ngoài các thành viên trong đoàn của Đặng Huy Trứ còn có Lý Mậu Thụy và gia nhân của ông là Lý Xuân Mậu (李春戊).34 Lý Mậu Thụy người gốc Phúc Kiến (Trung Hoa) nhưng đến Quảng Đông lập nghiệp. Sau đó, ông sang Hội An buôn bán rồi định cư ở nơi này. Ông được cộng đồng người Minh Hương ở Hội An tín nhiệm bầu làm Bang trưởng. Lý Mậu Thụy là người đã mở trường tư thục Thanh Hương ở Hội An và mời Đặng Huy Trứ về dạy học ở trường này vào năm 1849. Lần này, Lý Mậu Thụy trở về Quảng Đông và sẽ lưu lại ở quê để dưỡng già. Ông là người đã giúp đỡ Đặng Huy Trứ rất nhiều trong những ngày ông lưu lại ở Quảng Đông.

Thuyền đi qua các vùng biển Hải Nam, Nhai Châu, Đại Châu của Trung Hoa, gặp giông tố trên biển; đối mặt với nguy cơ cướp biển khi đi qua Lỗ Vạn Sơn, hang ổ của cướp biển Trung Hoa và chạm mặt tàu thủy của người Tây dương trên vùng biển Quảng Đông. Đến chiều ngày mồng 1 tháng 7 năm Ất sửu, thuyền Quân Thái của Lã Hiền Tá cập bến Hương Cảng. Đặng Huy Trứ cùng phái đoàn của ông đặt chân lên mảnh đất Hương Cảng, cửa ngõ thông thương quốc tế của tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ.35

Hoạt động và những mối quan hệ của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông

Một trong những việc đầu tiên mà Đặng Huy Trứ thực hiện ngay khi đặt chân đến Hương Cảng là cùng với Nguyễn Tăng Doãn đi thăm xưởng đóng tàu ở khu Hạ Hoàn. Nơi đây đang có một kíp thợ người Việt Nam, do viên Ngoại lang của Sở Nội tạo là Hoàng Văn Sưởng và Cai đội Lê Bân chỉ huy, đang theo học kỹ thuật đóng tàu của phương Tây, dưới sự hướng dẫn của một người kỹ sư người Anh là Withseller.

Dưới triều Tự Đức, nhà Nguyễn muốn đẩy mạnh phát triển công nghệ đóng tàu thủy, đặc biệt là tàu chạy bằng hơi nước. Vì thế, vua sai hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang lựa chọn những người thợ thủ công có tay nghề cao, cử tới các xưởng của người Pháp ở Gia Định để học tập các nghề kỹ thuật cao như đúc súng bằng sắt, đóng tàu thủy, chế tạo máy móc…36 Theo sách Đại Nam thực lục, vào tháng 2/1865, vua Tự Đức đã “sai Thủy sư, Vũ khố lựa chọn người nào cẩn thận, thật thà, chăm chỉ, khéo léo, khỏe mạnh lấy 8 người… phái đi theo các tàu máy chạy bằng hơi nước của Tây dương để học tập và chế tạo. Cho viên Ngoại lang là Hoàng Văn Sưởng, Cai đội Lê Văn Mân37 sung làm chánh phó quản biện, bạc cấp cho 500 lạng”.38 Tuy nhiên, việc học đóng tàu trong các xưởng của người Pháp ở Gia Định không thành công vì người Pháp không nhiệt tình chỉ dạy. May thay, vào tháng 3/1865, ông Hoàng Văn Sưởng gặp Withseller, một kỹ sư người Anh ở Gia Định và trình bày sự tình với ông này. Withseller hứa sẽ đưa nhóm thợ Hoàng Văn Sưởng sang Hương Cảng học đóng tàu. Tháng 4/1865, được sự đồng ý của vua Tự Đức, Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân, cùng 9 người thợ và phiên dịch Nguyễn Đức Hậu lên đường sang Hương Cảng để học đóng tàu. Với sự trợ giúp của người Withseller, nhóm thợ của Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân đã đóng thành công chiếc tàu thủy bọc đồng chạy bằng hơi nước ở Hương Cảng.39

Sau khi đến Hương Cảng, Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn đã tìm đến khu Hạ Hoàn để thăm nhóm thợ đóng tàu của Hoàng Văn Sưởng. Ông ở lại trong xưởng đóng tàu mấy ngày để tham quan, tìm hiểu việc đóng tàu và ghi chép rất tỉ mỉ. Chứng kiến nỗi khó khăn, vất vả của những người thợ đóng tàu Việt Nam trong tiết trời giá lạnh ở Hương Cảng, Đặng Huy Trứ tỏ lòng xót thương, nên đã xuất tiền mua áo chống rét để phân phát cho những người thợ này.40

Ngày 27 tháng 8, tàu đóng xong, Hoàng Văn Sưởng và Lê Bân tìm gặp Đặng Huy Trứ để báo tin. Ngày 3 tháng 9, Withseller cho tàu chạy thử trong vịnh Hương Cảng trước sự chứng kiến của Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn. Đặng Huy Trứ rất vui mừng và đã tặng quà cho Withseller, Hoàng Văn Sưởng, Lê Bân và những người thợ Việt Nam đã tham gia đóng chiếc tàu này.41

Trong thời gian lưu lại Hương Cảng, Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn đã liên hệ với Withseller để nhờ tìm mua vũ khí và đóng thêm tàu cho triều đình. Tuy nhiên, cả hai việc đều không thành công do Withseller từ chối việc mua giúp vũ khí và triển khai việc đóng tàu mới vì ông ta sắp trở về Anh. Withseller chỉ nhận lời mua giúp tàu đã đóng sẵn của các hãng tàu người Anh ở Hương Cảng.

Trước tình hình đó, Đặng Huy Trứ sang Quảng Châu tìm kế sách khác. Tại đây, ông đã gặp và đàm đạo với Tham tướng Lư Vũ Nhân (盧武仁). Lư Vũ Nhân là một võ quan hàng đầu của nhà Thanh lúc bấy giờ, đang giữ chức Thiên tổng ở Doanh Xuyên Sa. Ông được Thanh triều phái đi Quảng Đông để tuyển mộ quân thủy. Thông qua những người bạn Trung Hoa của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông, Lư Vũ Nhân biết tiếng Đặng Huy Trứ và cho mời Đặng Huy Trứ đến doanh trại ở Quảng Châu để tiếp kiến. Đặng Huy Trứ thì muốn nhân cơ hội này để tham vấn Lư Vũ Nhân về vấn đề binh bị và mua sắm vũ khí gửi về nước.42 Trong cuộc tiếp kiến, Đặng Huy Trứ đánh giá rất cao tài đức và chí khí của Lư Vũ Nhân. Lư Vũ Nhân cũng đánh giá cao văn tài của Đặng Huy Trứ qua một số tác phẩm văn chương của Đặng Huy Trứ mà ông đã được đọc từ trước. Sau cuộc gặp, Đặng Huy Trứ đã làm thơ tặng Lư Vũ Nhân với lời lẽ rất cao nhã, trọng vọng.43

Trong thời gian lưu lại Quảng Châu, Đặng Huy Trứ giao du với nhiều người trong học giới và nghệ sĩ ở Quảng Đông như Tô Lãng (蘇朗), Lương Huệ Tồn (梁惠存), La Nghiêu Cù (羅堯樛), Lý Thụy Nham (李瑞岩), Khuất Á Phúc (屈亞福),… Ông được những người bạn Trung Hoa mến mộ vì học vấn và tài năng văn chương, vì cốt cách và chí khí của ông. Chính vì thế mà Lý Thụy Nham, một họa sĩ người Quảng Đông, đã vẽ tặng Đặng Huy Trứ hai bức chân dung truyền thần: một bức vẽ Đặng Huy Trứ đang mặc triều phục nhà Nguyễn44; bức thứ hai vẽ Đặng Huy Trứ cạo đầu, tết tóc đuôi sam, mặc trang phục người Thanh.45 Còn Tô Lãng sau khi đọc những tác phẩm thơ văn trong tập bản thảo Đặng Hoàng Trung thi sao của Đặng Huy Trứ thì do cảm phục văn tài và đức độ của Đặng Huy Trứ nên đã viết bài Tựa cho tập thi văn này, đồng thời hợp tác với Lương Huệ Tồn tự bỏ tiền khắc in tập Đặng Hoàng Trung thi sao và tặng lại cho Đặng Huy Trứ.46 La Nghiêu Cù sau khi đọc xong Đặng Hoàng Trung thi sao thì cho rằng Đặng Huy Trứ xứng danh là một thi hào, nên đã làm 2 bài thơ để tán dương Đặng Huy Trứ.47 Sau này, khi Đặng Huy Trứ trở về nước, La Nghiêu Cù còn làm thơ bái biệt với lời lẽ rất cảm kích.48

Bức chân dung truyền thần Đặng Huy Trứ mặc triều phục do Lý Thụy Nham vẽ ở Quảng Đông trong chuyến công vụ năm 1865.

Sau một thời gian thăm thú Quảng Châu, Đặng Huy Trứ trở lại Hương Cảng, tá túc trong hiệu buôn Vạn Sinh của một nhà buôn người Quảng Đông tên là Tô Vĩ Đường. Ông tiếp tục tìm hiểu tình hình người phương Tây ở Hương Cảng, đọc và tìm mua tân thư, dò mối mua vũ khí cho triều đình. Riêng Chu Văn Khoa thì đảm trách việc tìm mua hàng hóa, vật dụng cho nhà vua và triều đình. Số hàng hóa này chủ yếu là tơ lụa, thuốc bắc và một số vật dụng giải trí cho nhà vua đã được gửi theo thuyền buôn Quân Thái của Lã Hiền Tá chở về Việt Nam trước. Chu Văn Khoa lãnh trách nhiệm áp tải số hàng hóa này cùng về theo thuyền Quân Thái. Đặng Huy Trứ và Nguyễn Tăng Doãn ở lại Hương Cảng làm nốt các công việc còn dang dở.

Bức chân dung truyền thần Đặng Huy Trứ trong trang phục người Thanh do Lý Thụy Nham vẽ ở Quảng Đông trong chuyến công vụ năm 1865.

Ngày 20 tháng 11 năm Ất sửu (tháng 12/1865), Đặng Huy Trứ lên thuyền rời Hương Cảng trở về nước. Tô Vĩ Đường (蘇尾堂) tiễn biệt Đặng Huy Trứ bằng 3 bài thơ bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông với Đặng Huy Trứ và tình bạn tri âm giữa hai người.49 Nhờ thuận buồm xuôi gió, nên chỉ sau 6 ngày thì thuyền của Đặng Huy Trứ đã về đến cửa Thuận An (ngày 25 tháng 11). Đặng Huy Trứ vui mừng làm bài thơ Quy chí Thuận An tấn hỷ tác (Mừng về đến cửa Thuận An)50, kết thúc chuyến công cán Quảng Đông lần đầu của ông.

Ngày 5 tháng 12, Đặng Huy Trứ về quê giỗ cha, gặp lại gia đình, họ hàng và bạn bè sau hơn 5 tháng đi công cán nơi xứ người. Ông đem theo 2 bức truyền thần do Lý Thụy Nham vẽ cho ông lúc ở Quảng Châu cho mọi người xem và làm bài thơ Đối thân tân (Gặp họ hàng và bạn bè) nhân sự kiện này. Bài thơ này có 2 câu rất thú vị: Việt cảnh, Dương tình mang ứng đối. Diệt nhi chỉ giải khán truyền thần (Mãi trả lời về tình hình ở Quảng Đông và của bọn Tây dương. Còn con cháu chỉ mê xem hai bức truyền thần).51

Gian thờ Đặng Huy Trứ trong nhà thờ họ Đặng.

2.2. Chuyến công vụ lần thứ hai (năm 1867-1868)

* Bối cảnh và mục đích chuyến đi

Sau chuyến đi công cán Quảng Đông năm 1865, Đặng Huy Trứ nhận thức rằng muốn thành công trong việc đánh đuổi giặc Pháp, giữ vững độc lập, thì đất nước chỉ có một con đường là phải cải cách mở cửa, chấn hưng kinh tế, thực thi chính sách “tự cường, tự chủ”.

Trong khi đó, tình hình tài chính của Việt Nam dưới triều Tự Đức đã lâm vào thế kiệt quệ. Sau khi mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay Pháp, số dân đóng thuế cho triều đình đã giảm đi 1/3. Ngoài ra, do chính sách hạn chế thương mại của triều Nguyễn, nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này ngày càng èo uột và phụ thuộc vào các thương nhân người Hoa. “Những chủ hiệu lớn như Quan Tá Đường, Lê Đạt Ký, Bành Lợi Ký… được triều đình cho phép khai mỏ, lĩnh trưng nhiều thứ thuế, mua sản phẩm của Việt Nam bán ra nước ngoài. Nhiều tên cấu kết với Pháp và tham gia Hội đồng thương mại của pháp lập ở Sài Gòn ngay sau khi Việt Nam ký điều ước 1862 nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ”.52 Triều đình nhà Nguyễn không thiết lập một cơ quan hoạt động kinh tế và thương mại nào do quan niệm Nho giáo cổ hũ là coi việc thương mại là “mạt nghệ” (nghề ngọn), khinh những người làm nghề buôn bán. Đây là những hạn chế rất lớn về tư tưởng lúc đương thời, được nhiều người có đầu óc canh tân nhận thấy, trong đó có Đặng Huy Trứ.

Tuy nhiên, trong khi nhiều người khác chỉ nhận thấy sự kiệt quệ của nền kinh tế thời Tự Đức nhưng không đưa ra cách thức chấn hưng kinh tế nước nhà, Đặng Huy Trứ lại luôn ưu tư với việc làm thế nào, bằng cách gì để có thể vực dậy nền kinh tế của đất nước? Ông nhận thức rằng phát triển thương mại chính là cách hiệu quả nhất để góp thêm tiềm lực tài chính cho quốc gia. Vì thế, ông dâng sớ tâu lên triều đình: “Gia đình tôi là gia đình nhà Nho đã bốn, năm đời, nghề buôn bán dẫu là nghề mạt, nhưng chịu ơn nước và tự xét mình, xin đưa sức khuyển mã ra báo đáp, đảm nhận việc tài chính quốc gia, sớm tối lo toan, chạy khắp đông tây, dẫu thịt nát xương tan cũng không từ nan”.53

Với quan điểm Sinh tài đại đạo sự phi khinh (làm ra của cải là việc lớn, không thể coi thường), Đặng Huy Trứ đề xuất với vua Tự Đức và triều đình thành lập một cơ quan kinh tế và thương mại của nhà nước, gọi là Ty Bình chuẩn, để lo việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Đề xuất của Đặng Huy Trứ gặp phải sự phản đối của một số đại thần thuộc phái chủ hòa như Nguyễn Bá Nghi, Trần Tiễn Thành…, nhưng lại được Thượng thư bộ Hộ Phạm Phú Thứ và một số quan chức của bộ Hộ như Tả tham tri Nguyễn Chính, Biện lý Nguyễn Đình Thi… ủng hộ. Cuối cùng, vua Tự Đức chấp thuận đề xuất của Đặng Huy Trứ, cho phép lập Ty Bình chuẩn, nhưng chỉ cho hoạt động thử nghiệm trong một thời gian. Đặng Huy Trứ được cử giữ chức Bình chuẩn sứ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn ở Hà Nội. Tại đây, ông cho mở nhiều hiệu buôn như Lạc Sinh, Lạc Thanh, Lạc Đức để lo việc kinh tài cho triều đình.

Tuy Ty Bình chuẩn đặt trụ sở ở Hà Nội nhưng hoạt động của cơ quan trải rộng trên phạm vi cả nước, đến tận các tỉnh Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm đóng như Vĩnh Long, Gia Định. Với số vốn do triều đình cấp chỉ có 50.000 quan tiền, Đặng Huy Trứ đã huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để kinh doanh theo phương thức “công tư lưỡng lợi”. Ông tổ chức trao đổi mua bán giữa miền xuôi và miền ngược; khai mỏ ở Thái Nguyên; khai thác các nguồn hàng ở Quảng Nam và những vùng mà người Pháp đã chiếm đóng ở Nam Bộ để giao thương và xuất khẩu; động viên sĩ phu mở đồn điền, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa luyện quân, đề nghị triều đình dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiếc, cho phép xuất khẩu nguồn khoáng sản này để thu thuế cho ngân khố quốc gia…

Giữa lúc công việc kinh doanh ở Ty Bình chuẩn đang thuận lợi thì do có kẻ tâu về triều rằng ty Bình chuẩn của Đặng Huy Trứ tranh mua lúa gạo với dân ở hạt Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, dẫn đến việc người dân nơi đây bị thiếu lương thực nên lâm vào đói kém.54 Một số đại thần trước đây vốn không ủng hộ việc Đặng Huy Trứ đề xuất lập Ty Bình chuẩn trước đây, nhân cơ hội này đã đề nghị vua Tự Đức bãi bỏ Ty Bình chuẩn. Nghe lời các đại thần này, vua Tự Đức ra lệnh chấm dứt hoạt động của Ty Bình chuẩn ở Hà Nội sau gần hai năm hoạt động.

Giữa lúc đó thì Đặng Huy Trứ lại được triều đình cử đi công vụ Quảng Đông lần thứ hai. Nhiệm vụ của ông trong chuyến đi này vẫn là “thám phỏng Dương tình” và tìm mua vũ khí cho triều đình. Người tiến cử ông đi công cán lần này vẫn là Phạm Phú Thứ. Để đảm bảo bí mật cho chuyến đi này, Đặng Huy Trứ vẫn phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc như người Thanh.55

Hành trình công vụ và những người cùng đi

Khác với chuyến đi công vụ lần thứ nhất, lần này, Đặng Huy Trứ không được triệu hồi về kinh đô Huế để nhận mệnh, mà khởi hành từ Hà Nội. Đặng Huy Trứ dự kiến lên đường vào giữa tháng 5 năm Đinh mão (1867) nhưng do từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 18 tháng 5 có một trận bão lớn đổ vào các tỉnh duyên hải Bắc Bộ Việt Nam, gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Hải Dương và Nam Định, ảnh hưởng đến các tỉnh Hà Nội và Hưng Yên56, nên chuyến đi của Đặng Huy Trứ phải lùi lại mấy ngày. Nhờ vậy ông có cơ hội tổ chức lễ giỗ mẹ của ông là Thái Nghi nhân Trần Thị Minh ở Hà Nội.57

Sau lễ giỗ mẹ, sáng sớm ngày 19 tháng 5, phái đoàn do Đặng Huy Trứ dẫn đầu đáp thuyền buôn Vĩnh Trường An (永長安) của Hoa thương người Quảng Đông là La Điện Sinh (羅殿生), rời bến Long Biên, xuôi dòng sông Nhị (sông Hồng hiện nay) đi về phía đông, đến chiều tối thì gặp sông Bạch Đằng.58 Cùng đi với ông có người giúp việc tên là Nguyễn Đình Lượng.59 Theo dòng Bạch Đằng, thuyền qua Hưng Yên đến Nam Định vào ngày 20 tháng 5. Tại đây, do tình hình thời tiết không thuận lợi nên thuyền buôn Vĩnh Trường An đỗ lại bến Vị Hoàng (Nam Định) một thời gian khá lâu.

Trong thời gian lưu lại ở Nam Định, nơi mà Đặng Huy Trứ từng giữ chức Tri phủ Thiên Trường trong một thời gian (1861), Đặng Huy Trứ được nhiều bạn bè vốn là quan chức địa phương hoặc là bạn đồng liêu trước đây như Án sát Nam Định Phan Lập Khả, Giáo thụ Kiến Xương (Thái Bình) là Nguyễn Trạc Anh đến thăm và tặng thơ tiễn biệt.60

– Sau gần một tháng lưu lại Nam Định, ngày 17 tháng 6 năm Đinh mão, thuyền La Điện Sinh nhổ neo rời Nam Định, theo sông Vị Hoàng ra cửa Ba Lạt, để ra biển, bắt đầu hành trình sang Quảng Đông.61 Tuy nhiên do thời tiết xấu nên khi đến bến Đồ Sơn (nay thuộc thành phố Hải Phòng) thì phải tạm dừng. Ngày 22 tháng 6 thuyền nhổ neo đi tiếp. Ngày 24 tháng 6 khi đi ngang qua vùng biển Long Môn thuộc tỉnh Quảng Đông thì gặp gió bão, thuyền gãy cả 3 cột buồm và phải chịu đựng bão tố trong suốt 3 ngày. Đến ngày 27 tháng 6, khi bão ngưng, thuyền ghé lui về bến Bắc Hải để sửa cột buồm. Ngày 3 tháng 7 thuyền Vĩnh Trường An tiếp tục lên đường nhưng chỉ đi được 1 ngày thì lại gặp gió chướng, phải lui vào trú ẩn ở bến Hạp Pha cho đến ngày 20 tháng 7 mới rời Hạp Pha, tiếp tục hành trình. Ngày 23 tháng 7 thuyền cập cảng Áo Môn (Ma Cao)62, cả đoàn nghỉ lại trên thuyền. Ngày 24 tháng 7, thuyền tiếp tục hành trình đi Quảng Châu, đến chiều thì cập bến sông Châu Giang ở Quảng Châu. Lần thứ hai, Đặng Huy Trứ đặt chân đến Quảng Đông.

Hoạt động và những mối quan hệ của Đặng Huy Trứ ở Ma Cao, Hương Cảng, Quảng Đông

Đến Quảng Đông, Đặng Huy Trứ ốm nặng, phải dưỡng bệnh ở nơi này trong suốt 9 tháng. Trong thời gian bị bệnh, ông sai Nguyễn Đình Lượng tìm cách liên lạc với những người bạn cũ như Lý Mậu Thụy, Lã Đình Huy, Tô Lãng… để nắm bắt tình hình và nhờ họ giúp đỡ ông tìm mua vũ khí theo yêu cầu của phái “chủ chiến” trong triều.

Ông cũng tranh thủ thời gian dưỡng bệnh để làm một số việc riêng tư: sưu tầm những bài thơ hay và thuê người chép lại để lưu giữ63; thuê người vẽ tranh minh họa cho bộ sách Tứ thập bát hiếu thi họa; biên soạn tác phẩm Từ thụ yếu quy; đọc cho Nguyễn Đình Lượng chép lại những lời di huấn và việc làm của thân phụ là Dịch Trai Đặng Văn Trọng để ông chỉnh lý và biên soạn thành cuốn sách Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (Lời nói và việc làm của Đặng Dịch Trai)64, biên soạn cuốn sách Nhị vị tập và sáng tác Thanh trọc ngâm ngũ thập ngũ thủ (55 bài thơ ngâm về trong và đục)65 và bài thơ Tứ giới (4 điều răn) để răn dạy con cháu…66 Những trước tác này, về sau đã được Đặng Huy Trứ thuê khắc in thành sách tại Quảng Đông vào năm 1868. Ngoài ra, ông còn sáng tác hơn 10 bài thơ gửi về tặng các bằng hữu trong nước như Nguyễn Văn Siêu, Ông Ích Khiêm, Trịnh Xuân Thưởng, Nguyễn Chính…67

Một trong những việc quan trọng nhất mà Đặng Huy Trứ đã thực hiện được trong thời gian này là tìm mua được 239 khẩu “quá sơn pháo” (pháo bắn qua núi) để gửi về nước. Mặc dù đau ốm nhưng thông qua sự giúp đỡ của Lý Mậu Thụy, Đặng Huy Trứ đã tiếp xúc được với những người buôn lậu vũ khí ở Hương Cảng, mua được 239 khẩu pháo này cùng với đạn dược kèm theo, rồi bí mật chuyển xuống chiếc tàu Thuận Tiệp, do Thị lang bộ Hộ Trần Đình Túc dẫn đầu đang đi công cán ở Hương Cảng, để chuyển về nước.68

Đặc biệt, trong thời gian dưỡng bệnh ở Quảng Châu, Đặng Huy Trứ vẫn đau đáu với việc kinh tế đất nước bị suy kiệt và đang bị ngoại bang xâm chiếm, nhưng vẫn chưa có những kế sách thích hợp để chấn hưng đất nước và đánh đuổi ngoại xâm. Vì thế ông hư cấu nên nhân vật Dã Trì chủ nhân, một người Trung Quốc am hiểu tình hình Việt Nam, đã đến gặp ông để đàm đạo thế sự hai nước Việt – Trung và bày cho ông những kế sách tự cường tự trị theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly, Ba Tư…69 Ông “ghi lại” những lời đàm đạo này thành bài Bệnh trung đắc Dã Trì chủ nhân tứ giáothi dĩ chí chi (Trong khi ốm được Dã Trì chủ nhân chỉ giáo, làm thơ ghi lại)70 vào năm 1867, gửi về nước cho những người bạn cùng chí hướng như Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm… cùng đọc.

Đến ngày 9 tháng Giêng năm Mậu thìn (1868), Đặng Huy Trứ đã viết lại những vấn đề then chốt trong việc xây dựng đất nước theo chính sách “tự cường, tự trị” của các nước Đại Thanh, Cao Ly, Nhật Bản và Ba Tư với những thông tin, chứng cứ rất cụ thể mà ông đã thu thập được, thành một bản tâu gửi lên vua Tự Đức. Bản tâu này được ông gửi cho phái bộ của Trần Đình Túc mang về dâng lên nhà vua. Đây là một bản tâu đầy tâm huyết của Đặng Huy Trứ với ý định nên những thành tựu tự trị tự cường của các nước láng giềng như những kinh nghiệm để triều đình Tự Đức tham khảo, thực thi. 71

Ông cũng đặt làm nhiều món đồ sứ vẽ các điển tích, viết hiệu đề theo chủ ý của ông để đưa về dâng tặng từ đường họ tộc ở quê hương. Trong thời gian này, ông đã đặt mua các thiết bị và vật tư nghề ảnh và nghề in để sau này đưa về nước.

Trong thời gian lưu lại Quảng Đông, Đặng Huy Trứ kết giao thêm với một số bằng hữu ở Quảng Đông như: Lương Lễ Đình (梁禮廷), Tưởng Tương Hương (蔣相香), Cao Nhuận Sinh (高閏生)… Họ thường xuyên gửi thơ đối họa cho nhau. Lúc Đặng Huy Trứ hồi hương, họ tặng thơ tiễn biệt rất cảm động.

Sau hơn một năm lưu lại Quảng Châu, đến ngày 17 tháng 11 năm Mậu thìn, Đặng Huy Trứ rời Quảng Châu đi Áo Môn, tiếp tục mua bán hàng hóa, sách vở gửi về nước theo các tàu buôn của Hoa thương. Đến ngày 5 tháng Chạp năm Mậu thìn, Đặng Huy Trứ xuống thuyền về nước. Ngày 8 tháng Chạp, thuyền của Đặng Huy Trứ về đến bến sông Cấm (Hải Phòng), rồi theo sông Bạch Đằng và sông Nhị để lên Hà Nội, kết thúc hành trình công vụ Quảng Đông lần thứ hai của Đặng Huy Trứ.72

Đặng Huy Trứ không về kinh đô Huế mà ở lại Hà Nội làm Thương biện tỉnh vụ Hà Nội. Đến ngày 2 tháng 2 năm Kỷ tị (14/3/1869) thì khai trương hiệu nhiếp ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà. Sau đó, thì khai trương nhà in Trí Trung Đường, cũng ở Hà Nội, chuyên khắc in và buôn bán các sách tân thư, binh thư và những tác phẩm có giá trị của Trung Quốc và Việt Nam.

* Các tác phẩm của Đặng Huy Trứ in ở Quảng Đông trong các năm 1867-1868

Trong thời gian bị bệnh ở Quảng Đông, Đặng Huy Trứ đã biên soạn các cuốn sách Tứ thập bát hiếu thi họaTừ thụ yếu quy, Đặng Dịch Trai ngôn hành lục… và cho khắc in ở Quảng Đông. Trên các tập sách này, ông đều cho in các câu: 嗣德戊辰夏六月恭鐫 (Tự Đức Mậu thìn hạ lục nguyệt cung tuyên: Kính khắc in vào đầu tháng 6 mùa hè năm Mậu thìn đời Tự Đức); 鄧季尊長輝著恭輯 (Đặng quý tôn trưởng Huy Trứ cung tập: Con trưởng chi út họ Đặng là Huy Trứ kính biên tập); 鄧季祠堂藏板 (Đặng quý từ đường tàng bản: Bản giữ tại nhà thờ chi út họ Đặng).73

Hiện tại gia tộc họ Đặng đang lưu giữ được các tập sách sau:

– Tứ thập bát hiếu thi họa (四十八孝詩畫): Năm 1857, Đặng Huy Trứ được Lý Văn Trinh tặng tập tranh vẽ có đề thơ về 24 tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa (Nhị thập tứ hiếu). Đặng Huy Trứ đã dùng tập Nhị thập tứ hiếu này để dạy cho trẻ em nhằm hướng chúng đến với điều thiện. Sau đó ông biên soạn lại thành 48 câu chuyện hiếu thảo bằng thơ, gọi là Tứ thập bát hiếu. Khi sang Quảng Đông vào năm 1867, ông tìm người vẽ giỏi, nhờ vẽ sự tích của 48 người hiếu thảo ấy ở bên trái bài thơ, theo kiểu “nhất thi, nhất họa”, làm thành một tập, lấy đề là Tứ thập bát hiếu thi họa (Thơ và tranh vẽ về 48 người con có hiếu), rồi thuê người khắc ván in thành sách, để sau này con cháu truyền nhau mà học tập. 74

– Từ thụ yếu quy (辭树要規): Khi đang làm Bình Chuẩn sứ ở Hà Nội Đặng Huy Trứ có biên soạn một cuốn sách bàn về 104 trường hợp từ chối và 5 trường hợp chấp nhận quà tặng. Khi sang Quảng Đông vào năm 1867, Đặng Huy Trứ mang theo bản thảo cuốn sách này, rồi sưu tầm thêm những lời nói và việc làm của người xưa liên quan đến chủ đề trên, biên soạn thành một cuốn sách, lấy đề là Từ thụ yếu quy (Những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và nhận), cho khắc in để làm khuôn phép cho bản thân và cho con cháu đời sau của ông.75

– Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (鄧易齋言行錄): Khi sang Quảng Đông công cán lần thứ hai, Đặng Huy Trứ có mang theo các tập viết tay do thân phụ ông là Đặng Văn Trọng (hiệu là Dịch Trai) biên soạn, gồm: Đặng gia thế phả, Dịch Trai hiệu tần, Nghiêm lư khấp huyết, Dịch Trai tạp văn. Trong thời gian dưỡng bệnh ở Quảng Đông, ông đọc lại những trước tác này của cha mình rồi nhớ lại những hành động và lời nói của cha trong suốt 16 năm ông được học và ở bên cha (1833 – 1849), chọn lấy những việc lớn rồi đọc cho người theo hầu ông ở Quảng Đông là Nguyễn Đình Lượng chép lại trong suốt 150 ngày. Sau đó ông hiệu chỉnh lại, đặt tên là Đặng Dịch Trai ngôn hành lục (Ghi chép những lời nói và việc làm của Đặng Dịch Trai), đưa đi khắc ván để in, để truyền lại cho con cháu của ông đọc và suy ngẫm về những lời dạy của Đặng Dịch Trai.76

Những món đồ sứ của Đặng Huy Trứ đặt làm ở Trung Quốc

Trong chuyến đi sang Quảng Đông lần thứ hai vào năm 1867 – 1868, Đặng Huy Trứ đã đặt một số lò sứ địa phương làm những món đồ sứ có kiểu thức trang trí và hiệu đề theo chủ ý của ông để đưa về dâng tặng cho nhà thờ họ Đặng của ông ở quê hương.77

Đây là những món đồ sứ men trắng vẽ lam, thuộc dòng đồ sứ ký kiểu. Tuy nhiên, chất lượng xương đất và màu men của những đồ sứ này không hoàn hảo như những món đồ sứ ngự dụng ký kiểu dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1841) và Thiệu Trị (1841 – 1848). Sở dĩ như vậy là do đây là những đồ sứ được đặt làm tại các lò sứ bình thường (dân diêu) ở Quảng Đông, không giống như những món đồ sứ ngự dụng vốn được chế tác tại các lò sứ của triều đình (quan diêu) ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây, Trung Quốc).

Hiện nay, một số bảo tàng và sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước vẫn còn lưu giữ nhiều món đồ sứ do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông trong chuyến đi này. Đó là các món đồ sau:

Dĩa nhỏ (đường kính miệng: 13,5cm, cao 2,5cm), trang trí đồ án “ngư thủy”. Loại dĩa này được dùng để dâng các vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ gia tiên. Lòng dĩa vẽ 9 con cá vàng và 9 nhánh rong.78 Dưới đáy dĩa có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器一堂魚水 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí nhất đường ngư thủy). Chiếc dĩa này hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Việt Nam).

Dĩa sứ trang trí đồ án “ngư thủy” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông để dâng tặng nhà thờ họ Đặng.

Dĩa nhỏ (đường kính miệng: 10,2cm, cao: 2,5cm), trang trí đồ án “ngư tảo”. Loại dĩa này cũng được dùng để dâng các vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ. Lòng dĩa vẽ 7 con cá vàng và 9 nhánh rong. Dưới đáy dĩa có hiệu đề gồm 14 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器魚澡 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí ngư tảo). Chiếc dĩa này hiện cũng thuộc sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Dĩa sứ trang trí đồ án “ngư tảo” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Dĩa nhỏ (đường kính miệng: 13,5cm, cao: 2,5cm), trang trí đồ án “phụng mao tế mỹ”. Loại dĩa này cũng được dùng để dâng các vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ. Lòng dĩa trang trí đồ án hoa điểu, vẽ 2 chim phượng đang bay và 3 đóa hoa mẫu đơn. Dưới đáy dĩa có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器鳳毛濟美 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí phụng mao tế mỹ). Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang sở hữu chiếc dĩa này. Ngoài ra, nhà sưu tập Jochen May ở Neustadt (Đức) cũng đang sở hữu một chiếc dĩa tương tự.

Dĩa sứ trang trí đồ án “phụng mao tế mỹ” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Dĩa nhỏ (đường kính miệng: 13cm, cao: 2,5cm), trang trí đồ án “lan quế đằng phương”. Loại dĩa này cũng được dùng các vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ. Lòng dĩa vẽ khóm lan bên cạnh một tảng đá, dưới bóng một cây quế. Dưới đáy dĩa có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器蘭桂騰芳 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí lan quế đằng phương). Chiếc dĩa này hiện thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).

Dĩa sứ trang trí đồ án “lan quế đằng phương” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Bát nhỏ (đường kính miệng: 12cm, cao: 4cm), trang trí đồ án “lân chỉ trình tường”. Loại bát này được dùng để dâng các vật phẩm thờ cúng trên bàn thờ. Mặt ngoài của bát vẽ 2 con kỳ lân đang đưa chân ra phía trước, xung quanh 2 con kỳ lân có những dải mây. Dưới đáy bát có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器麟趾呈祥 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí lân chỉ trình tường). Chiếc bát này hiện thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bát sứ trang trí đồ án “lân chỉ trình tường” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.
Bát sứ trang trí đồ án “lân chỉ trình tường” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.


Tô lớn (đường kính miệng: 21,5cm, cao: 8cm), trang trí đồ án “đông mạch tụ cô tùng”. Loại tô này được dùng để dâng nước cúng trên bàn thờ. Mặt ngoài tô vẽ 5 con nai lông đốm đang tụ tập dưới một gốc tùng già, ở gần một nguồn nước. Bên cạnh các họa tiết trang trí có một dòng viết 5 chữ Hán: 冬脈聚孤松 (đông mạch tụ cô tùng). Dưới đáy tô có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠 堂祭器冬脈孤松 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí đông mạch cô tùng). Chiếc tô này trước đây thuộc sở hữu của nhà sưu tập Vương Hồng Sển. Năm 1996, ông Vương Hồng Sển đã hiến tặng chiếc tô này cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Tô sứ trang trí đồ án “đông mạch tụ cô tùng” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Dĩa trà (đường kính miệng: 16,5cm, cao: 2,5cm), trang trí đồ án “đạp tuyết tầm mai”. Đây là loại dĩa bàn của bộ đồ uống trà, được dùng như chiếc khay để đựng những chiếc chén uống trà. Lòng dĩa trang trí phong cảnh sơn thủy – nhân vật, vẽ hình một người cưỡi lừa, sau lưng có một tiểu đồng đang vác cành mai đi theo. Phía trên hình vẽ có 2 câu thơ chữ Hán: 雪中未問調羹事. 先句百花頭上開 (Tuyết trung vị vấn điều canh sự. Tiên cú bách hoa đầu thượng khai: Trong tuyết giá chưa hỏi đến công nhà vua giao phó. Câu đầu tiên để thưởng thức hoa mai nở trước trăm hoa). Dưới đáy dĩa có hiệu đề gồm 14 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠 堂祭器梅雪 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí mai tuyết). Chiếc dĩa trà này cũng thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Dĩa sứ trang trí đồ án “đạp tuyết tầm mai” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Tìm (đường kính miệng: 10,5cm; cao: 7,5cm), trang trí đồ án “phúc lý tuy tương”. Đây là loại tìm có nắp đậy, dùng để đựng thức ăn hoặc đựng nước cúng trên bàn thờ gia tiên. Mặt ngoài chiếc tìm vẽ hình con cá chép đang đùa giỡn với sóng nước. Dưới đáy tìm có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季 祠堂祭器福履綏將 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí phúc lý tuy tương). Hiện tại, ông Đặng Mậu Sơn, hậu duệ của Đặng Huy Trứ, sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đang sở hữu 2 chiếc tìm kiểu này.

Tìm sứ trang trí đồ án “đông mạch tụ cô tùng” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Độc bình (cao 45cm), trang trí đồ án “phúc lộc lai thành”. Đây là loại bình cắm hoa để chưng trên bàn thờ gia tiên. Mặt ngoài của bình vẽ 1 con dơi đang bay, đầu cúi nhìn 1 con nai đang đứng dưới gốc tùng. Dưới đáy bình có hiệu đề gồm 16 chữ Hán, viết thành hình vòng tròn: 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器福祿來成 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí phúc lộc lai thành). Nhóm độc bình do Đặng Huy Trứ ký kiểu hiện còn 4 chiếc, đang trưng bày tại nhà thờ họ Trần (họ ngoại của Đặng Huy Trứ) ở làng Tân Sa, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.79

Tìm sứ trang trí đồ án “phúc lý tuy tương” do Đặng Huy Trứ ký kiểu ở Quảng Đông.

Những đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt làm trên đây là những món đồ sứ rất đặc biệt trong dòng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Đây là những đồ sứ quan dụng do một quan chức triều Nguyễn đi công cán nước ngoài đặt làm vì mục đích cá nhân, có các chủ đề trang trí và hiệu đề mang đậm dấu ấn cá nhân của người đặt hàng, đặc biệt là hình thức và nội dung các hiệu đề có trên những món đồ sứ này. Cụ thể như sau:

– Về hình thức hiệu đề: Trong khi hiệu đề trên đồ sứ thông thường chỉ thường được bố trí theo hình chữ nhật, hình vuông, theo kiểu ấn triện và thường chỉ có từ 1 đến 6 chữ Hán, thì hiệu đề trên những món đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt hàng lại được viết thành vòng tròn và có đến 14 hoặc 16 chữ Hán.

– Về nội dung hiệu đề: Trong khi các hiệu đề trên đồ sứ ký kiểu thông thường chỉ đề cập đến vấn đề niên đại chế tác, hoặc người chế tác, hoặc nơi chế tác, thì hiệu đề trên những món đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt hàng hàm chứa rất nhiều thông tin: thời gian đặt hàng, mục đích đặt hàng và chủ đề trang trí trên món đồ sứ. Cụ thể: cụm từ 嗣德戊辰中秋 (Tự Đức Mậu thìn trung thu) cho biết thời gian đặt làm đồ sứ là vào khoảng tháng 9.1868; cụm từ 鄧季祠堂祭器  (Đặng quý từ đường tế khí) cho biết Đặng Huy Trứ đã đặt làm những món đồ sứ này để dâng tặng nhà thờ chi út họ Đặng của ông làm đồ tế tự và các cụm từ: 一堂魚水 (nhất đường ngư thủy), 魚澡 (ngư tảo), 鳳毛濟美 (phụng mao tế mỹ), 麟趾呈祥 (lân chỉ trình tường)… ở phần cuối các hiệu đề thể hiện chủ đề trang trí trên những món đồ sứ ấy.80 Có thể thấy rằng, cách thức ghi hiệu đề lên những món đồ sứ do Đặng Huy Trứ ký kiểu là hết sức đặc biệt. Ngoài việc cung cấp những thông tin như đã trình bày trên đây, những hiệu đề này còn chứa đựng những tâm nguyện của ông đối với tổ tiên và những di ngôn mang tính giáo huấn cho các thế hệ con cháu họ Đặng. Xét về cả hình thức lẫn nội dung, đó là những hiệu đề độc đáo, vô tiền khoáng hậu trong danh mục các hiệu đề có trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

***

Đặng Huy Trứ là một nhân tài, một nhà kinh bang tế thế, một danh nhân văn hóa lỗi lạc dưới triều Tự Đức. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử, do những hạn chế về quan điểm chính trị, về cách thức trị nước, kiến thiết và bảo vệ đất nước của triều đình nhà Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức, lúc bấy giờ nên tài năng của Đặng Huy Trứ không được trọng dụng, những lời tâm huyết của ông không được triều đình quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn. Đây quả là điều đáng tiếc.

Việc tìm hiểu hai chuyến đi công vụ của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông vào các năm 1865 và 1867-1868 nhằm góp thêm thông tin về những hoạt động đối ngoại “phi chính thức” mà triều Nguyễn đã từng thực thi. Đây cũng là cơ hội để chúng ta hiểu thêm về nhân vật Đặng Huy Trứ, một nhân vật mà hậu thế có những đánh giá rất khác biệt.

Đối với Đặng Huy Trứ, hai chuyến đi công cán trên tuy chỉ chiếm một khoảng thời gian không dài trong 50 năm cuộc đời của ông, nhưng là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp và trong nhận thức của ông. Việc tìm hiểu hai chuyến đi công vụ này của Đặng Huy Trứ nhằm góp phần tìm hiểu mối quan tâm và những đóng góp của ông đối với đất nước và triều đại nhà Nguyễn trong một thời kỳ đầy khó khăn và biến động. Qua đây, có thể hiểu được tấm lòng của ông đối với đất nước và nhân dân, cũng như thái độ trung hiếu đầy trách nhiệm của ông đối với nhà vua và triều đình, như ông từng tâm sự: “Đạo làm tôi là biết thì không cái gì là không nói mới chí trung. Một hạt bụi, một giọt nước dù nhỏ trong muôn một cũng có thể góp vào cho núi thêm cao, biển thêm sâu. Cái gì dùng được thì xin dùng”. Đó mới là tính cách của Đặng Huy Trứ vậy.

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Chú thích

1 Tên của ông chữ Hán viết là 鄧輝著. Chữ 著 có hai âm đọc là “trứ” hoặc “trước”. Vì thế, sách Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam) phiên âm tên của ông là Đặng Huy Trước.

2 Đến thời điểm Đặng Huy Trứ ra đời, gia tộc họ Đặng của ông có 3 người đang là quan chức triều Nguyễn. Đó là:

– Đặng Văn Hòa (1791-1856), bác ruột của Đặng Huy Trứ, làm quan dưới triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền nhà Nguyễn như: Lang trung bộ Binh (1822), Tham tri bộ Binh (1829) Tham tri bộ Hộ (1830), Tuần phủ Hà Nội (1831), 3 lần làm Tổng đốc Nam Định – Hưng Yên (1833, 1843, 1847), Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình (1835), 2 lần làm Thượng thư bộ Công (1839, 1852), quyền Thượng thư bộ Lễ (1841), Thượng thư bộ Lễ (1846), 2 lần làm Tổng đốc Bình Định – Phú Yên (1841, 1842), Tổng đốc Gia Định – Biên Hòa (1842), 3 lần làm Thượng thư bộ Hình (1843, 1850, 1853). Đặng Văn Hòa tham gia Cơ mật viện 4 lần (1839, 1844, 1850, 1853), từng kiêm quản Hàn lâm viện (1840), Tổng tài Quốc sử quán (1853). Đặng Văn Hòa được vua Tự Đức phong hàm Thái tử thiếu bảo, Văn Minh điện đại học sĩ, sau khi qua đời được vua ban tên thụy là Văn Ý.

– Đặng Văn Chức (1795-1847), em trai Đặng Văn Hòa và là bác ruột của Đặng Huy Trứ, là quan ngự y của Thái Y viện triều Nguyễn.

– Đặng Huy Tá (1816-1872), con trai của ngự y Đặng Văn Chức (bác ruột của Đặng Huy Trứ). Ông từng là Tri huyện Hà Đông ở phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (1851), Án sát Hà Nội (1863), Bố chính Nam Định (1867), được thăng hàm Hồng lô tự khanh.

Nguồn: Phạm Tuấn Khánh (Sưu tầm và thực hiện), “Niên biểu họ Đặng và Đặng Huy Trứ”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh, 1990), 547-562.

3 Trong bài thi Điện, Đặng Huy Trứ có viết câu “gia miêu chi hại” (cỏ năng làm hại lúa tốt). Gia Miêu cũng là tên quê hương của các vua triều Nguyễn (Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), nên Đặng Huy Trứ bị quy tội phạm húy, bị đánh trượt, cách hết học vị đã đạt và bị phạt roi. Sự kiện này được Đặng Huy Trứ thuật lại trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Điện thí đắc truất ký Nguyễn niên huynh (Thi Điện bị truất, gửi anh Nguyễn thi cùng khoa) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 115.

 Đặng Hoàng Trung thi sao gồm 11 quyển tập hợp 1.250 bài thơ và 34 bài văn do Đặng Huy Trứ trước tác từ năm 1840 đến năm 1867. Nhóm Trà Lĩnh, gồm một số tác giả chuyên nghiên cứu về Đặng Huy Trứ, đã tuyển chọn hơn 300 tác phẩm thơ văn trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao, tổ chức biên dịch và xuất bản thành cuốn sách Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1990).

4 Bài thơ này có trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Cuối bài thơ có ghi chú của Đặng Huy Trứ về việc tàu Pháp gây hấn ở cửa biển Trà Sơn và việc triều đình gửi quân vào đánh trả. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 115

5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tập 7 (Hà Nội: Giáo dục 2006), 985. Sự việc này cũng được Đặng Huy Trứ ghi lại trong bài tiểu dẫn trước bài thơ Mông dĩ bản hàm lĩnh Quảng Nam Bố chính sứ tức vãng (Đội ơn giữ nguyên hàm đi lĩnh chức Bố chính Quảng Nam, đi ngay) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 257.

6 Nguồn: Phạm Tuấn Khánh, Tài liệu đã dẫn (1990), 547-562.

7 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 1306.

8 Về cái chết của Đặng Huy Trứ và việc vua Tự Đức cho đưa thi hài của Đặng Huy Trứ về an táng tại quê nhà, sách Đại Nam thực lục chép: “Bang biện Bắc Ninh, Thái Nguyên là Đặng Huy Trứ chết ở xã Cao Đằng tỉnh Hà Nội, dặn lại rằng tạm chôn ở đất ấy. Quan tỉnh Hà Nội cho là Huy Trứ can việc thiếu tiền công (Trứ trước theo hàm Bố chính sung làm việc ở ty Bình Chuẩn can thiếu tiền công hơn 34.000 quan, phải giáng xuống Trước tác sung làm Bang biện, rồi bồi được hơn 33.000 quan) cùng việc làm còn nhiều việc chưa xong, tư cho bộ Lại, bộ Hộ xét rõ, bộ Lại đem việc ấy tâu lên. Vua bảo rằng: Đặng Huy Trứ hơi có học vấn, cũng không phải là lũ vô dụng, nhưng lập tâm hơi thiện, sợ không bổ ích, vội làm mưu khác, hầu được mảy may, nhưng khốn nỗi nói thì cao mà tài lại kém, chưa thấy có hiệu mà đã thấy tổn hại, sợ không mặt mũi nào trông thấy cha anh họ hàng, cho nên tự chết cho chóng, đáng thương đáng giận, hầu làm người có tội trong danh giáo, kẻ sĩ phu quân tử có nên không có cây gốc không? Chuẩn cho gia ơn cấp cho nhà ấy 100 quan tiền, chuẩn cho tỉnh ấy đưa về chôn (huyện Quảng Điền), chớ nghe lời nói càn quên gốc của hắn khi còn sống. Đợi bộ Hộ xét bắt bồi xong sẽ chuẩn cho khai phục”. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Tập 8, (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 64.

Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam như Vũ Khiêu, Phạm Tuấn Khánh, khi tiếp cận với các nguồn tư liệu này đã cho rằng do vua Tự Đức nghi ngờ Đặng Huy Trứ giả vờ chết để tìm cách ở lại Hưng Hóa tiếp tục chống Pháp. Vì thế, vua mới ra lệnh đưa thi hài Đặng Huy Trứ về Huế, cho người mở quan tài ra để xác thực rồi mới cho mai táng. Vũ Khiêu, “Đặng Huy Trứ. Người trí thức chân chính trước những vấn đề của dân tộc và thời đại” và Phạm Tuấn Khánh, (Sưu tầm và thực hiện), “Niên biểu họ Đặng và Đặng Huy Trứ”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 52 và 560.

9 Nội các triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, Tập 8, (Huế: Thuận Hóa, 1993), 305.

10 Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn, “Hoạt động thương mại kiêm nhiệm của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Hoa thời nhà Thanh”. In trong: Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, (Hà Nội: Thế giới, 2011), 214.

11 Trong lời dẫn cho cuốn Mục lục châu bản triều Nguyễn, GS. Phan Huy Lê giải thích: “Công vụ có thể là thực thi một nhiệm vụ do Nhà nước giao phó, nhưng không xác định rõ đó là nhiệm vụ gì. Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác thì có thể hiểu công vụ là đi mua hàng hóa, vũ khí, có thể là tìm hiểu tình hình chính trị, quân sự hay kết hợp cả hai nhiệm vụ trên”. Cục Lưu trữ Nhà nước, Đại học Huế, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, Mục lục châu bản triều Nguyễn, Tập 2, (Hà Nội: Văn hóa, 1998), XLVII.

12 Những chuyến công vụ của Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông trong các năm 1865 và 1867-1868 không được ghi chép trong bất kỳ bộ chính sử nào triều Nguyễn. Để có được những thông tin liên quan về hai chuyến đi này, chúng tôi chủ yếu dựa vào những trước tác của Đặng Huy Trứ hiện đang lưu giữ tại gia tộc họ Đặng (trong đó có nhiều trước tác đã được biên dịch sang tiếng Việt và in thành sách), cũng như những tư liệu liên quan đến Đặng Huy Trứ đã được nhiều nhà nghiên cứu khảo cứu và công bố.

13 Có thể tham khảo bản dịch sang tiếng Việt của Hòa ước Nhâm tuất (1862) trong: Mathilde Tuyết Trần, Dấu xưa. Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ, 2011), 34-37.

14Mathilde Tuyết Trần, “Tại sao mất nước thời Tự Đức”, Dấu xưa. Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ, 2011), 15.

15Điều này được thể hiện qua bài thơ: Hữu đông hành chi mệnh (Được lệnh đi Quảng Đông) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 303.

16Trước khi cử Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông, triều đình Tự Đức đã cử Lang trung bộ Công là Trần Như Sơn, anh họ đằng ngoại của Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông để dò xét việc nhà Thanh thông thương với các nước Pháp và Anh. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 303.

17Đó là kíp thợ do viên Ngoại lang của Sở Nội tạo là Hoàng Văn Sưởng dẫn đầu, sang Hương Cảng học đóng tàu từ năm 1864, sẽ được đề cập ở phần sau của tham luận này.

18Chú thích cuối bài thơ Nguyễn Tốn Ban tiên sinh tặng hành (Nguyễn Tốn Ban tiên sinh tặng khi đi) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990), 413.

19Ghi chú của Đặng Huy Trứ ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh (Được lệnh đi Quảng Đông) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.

20 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ viết: “Chuyến đi này tôi phải cải trang mặc khác hẳn trang phục của sứ thần đi cống”.

21 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ ghi: “Tôi cùng Lang trung nội vụ là Chu Văn Khoa đáp thuyền của Lã Hiền Tá đi (Quảng Đông). Chu người An Lai, vốn là cựu thần khi vua (Tự Đức) chưa lên ngôi. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.

22 Việc Nguyễn Tăng Doãn tham gia chuyến công cán này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334-335.

23 Trong phần ghi chú ở cuối bài thơ Hữu đông hành chi mệnh, Đặng Huy Trứ viết: “Thuyền của Lã Hiền Tá tháng 6 trở về (Quảng Đông). Tháng này, tôi từ Quảng Nam nhận được lệnh về kinh (Huế) nghe huấn thị. Có tin trung tuần tháng sau sẽ thuận gió. Tôi ở nhà chỉ được 10 ngày để đi thăm mộ”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 303.

24 Việc này được phản ánh trong bài thơ Tỉnh yết Phù Dụng, Ngô Hồng nhị sơn phần (Viếng hai ngôi mộ cha mẹ ở Phù Dụng và Ngô Hồng) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 306.

25 Việc này được phản ánh trong bài thơ Tỉnh yết trưởng bá Thiếu bảo Văn Ý công tẩm, tại Hiền Sĩ Gia Khoa nguyên (Viếng lăng bác trưởng Thiếu bảo Văn Ý công ở cánh đồng Gia Khoa, làng Hiền Sĩ) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 307.

26 Việc này được phản ánh trong bài thơ Yết đại từ đường (Bái yết đại từ đường) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 309.

27 Việc này được phản ánh trong bài thơ Biệt nội (Từ biệt vợ) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 310.

28 Việc này được phản ánh trong bài thơ Chu hành chí An Cựu hà kiều khởi lục. Thập lục nhật Kỷ mão Tân mùi bài thượng thuyền: Đi thuyền đến cầu An Cựu rồi lên đi bộ (Lên thuyền ngày 16 Kỷ mão, giờ Tân mùi) của Đặng Huy Trứ trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 311.

29 Việc này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong bài thơ Yết Hải Vân sơn từ trong tập (Đến thăm đền thờ trên núi Hải Vân) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 312.

30 Trong bài thơ Quá Thanh Khê độ (Qua bến Thanh Khê) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao, Đặng Huy Trứ ghi chú lý do đoàn không tiếp tục đi đường bộ mà chuyển sang đi đò từ bến Chân Sảng đến bến Thanh Khê như sau: “Trưa hôm đó đến trạm Nam Chân, phu phen muốn tránh nắng, xin qua cho đò, tôi đồng ý”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990): 313.

31 Thanh Khê là tên một quận ven biển ở thành phố Đà Nẵng hiện nay.

32 Đặng Huy Trứ ghi lại việc này qua bài thơ Nghệ Phúc Lâm bái Phật thế phát (Đến chùa Phúc Lâm bái Phật, xin cạo đầu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Cuối bài thơ này, ông ghi chú: “Đi sang Quảng Đông lần này tôi phải dóc tóc, tết đuôi sam theo tục nhà Thanh. Đáng lẽ, đợi sau khi ra biển, sẽ nhờ người nhà Thanh quen tay làm cho, nhưng tôi không chịu thế”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 316.

33 Việc này được phản ánh trong bài thơ Thượng thuyền. Nhị thập nhị nhật, Ất mão, Đinh sửu bài (Lên thuyền. Ngày 22, Ất mão, giờ Đinh sửu, lúc 2 giờ sáng) và bài thơ Tòng Đại Chiêm cảng xuất Ấu hải (Từ cửa Đại Chiêm ra Ấu Hải). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990): 318-319.

34 Việc này được phản ánh trong bài thơ Thị Lý Xuân Mậu (Bảo Lý Xuân Mậu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 322.

35 Sự kiện này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong 2 bài thơ: Vọng kiến Hương Cảng chư sơn (Xa trông rặng núi Hương Cảng) và Vãn chí Hương cảng dương ngoại. Tức Đại Bộ hải (Chiều đến ngoài khơi Hương Cảng. Tức biển Đại Bộ) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 332-323.

36 Sau Hòa ước Nhâm tuất (1862), triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã nhượng 3 tỉnh miền đông Nam Bộ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) cho người Pháp. Người Pháp thiết lập chế độ Soái phủ (Gouvernement des Amiraux) để cai quản vùng nhượng địa này theo thể chế riêng, tách khỏi thực thể chính trị của triều đình nhà Nguyễn. Tại đây, người Pháp cho mở nhiều công xưởng để sản xuất các vật dụng cần thiết để phục vụ cho nhu cầu của họ, trong đó, có các xưởng đóng tàu thuyền. Vì thế triều đình Tự Đức mới cử thợ đến học tập các nghề kỹ thuật cao trong các xưởng do người Pháp mở vùng nhượng địa này.

37 Sách Đại Nam thực lục chép tên hai người này là Hoàng Văn Sưởng và Lê Văn Mân, nhưng trong các ghi chép của Đặng Huy Trứ, tên của họ được ghi là Hoàng Sưởng và Lê Bân.

38 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Tập 7, (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 887.

39 Sự việc này được Đặng Huy Trứ ghi lại trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334.

40 Sự việc này được Đặng Huy Trứ phản ánh trong bài thơ Phân cấp ngự hàn y (Cấp áo chống rét) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 336.

41 Trong phần tiểu dẫn trước bài thơ Thí sử ngã quốc tân chế ám cơ đại đồng thuyền truy chí (Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm), Đặng Huy Trứ viết: “Mồng 2 tháng 7 năm nay (Ất sửu – 1865), tôi cùng ông Nguyễn Tăng Doãn đến Hương Cảng. Biết tin, ông Vị-Sĩ-Lặc (Withseller) đã dẫn ông Sưởng, ông Bân đi học tập và hiện ở khu Hạ Hoàn và đã đóng được chiếc tàu. Tôi đến thăm, ở đây mấy ngày thấy bọn ông Sưởng tận tâm học tập, tôi rất mừng. Bèn chọn ngày mồng 3 đi thử, chạy vòng qua các hòn núi trong vịnh, trông lên bờ thấy cây bay núi chạy rất là nhanh. Hôm ấy lãnh sự nước Anh, những người có thế lực ở phố Ba-Lê-Khuê, người Tây dương, người nhà Thanh xem rất đông, đều hết lời khen rằng: ‘Nước Nam ta tự cường, tự trị nay đã thấy một phần’. Tôi rất mừng, bèn xét hành lý có sẵn, biếu ông Hoàng Sưởng một cái áo lương hoa thuần tơ màu lam rất quý, ông Lê Bân một lạng bạc, ông 1.000 hạt sen, 8 lạng yến sào, chia cho những người thợ một lạng vàng. Đó cũng là biểu thị tấm thịnh tình của tôi từ xa đến và cũng là cái vui mừng không ngờ tới và khó nói hết được. Nên làm bài thơ này ghi lại”. Ngay phía dưới bài thơ này, Đặng Huy Trứ có viết một bài văn bằng chữ Hán dài khoảng 1.300 chữ, miêu tả tỉ mỉ kỹ thuật chế tạo máy hơi nước của phương Tây dựa theo cuốn sách Bác vật tân biên do một người Anh tên là Hợp-Tín (phiên âm Hán – Việt) biên soạn. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 334.

Chiếc tàu thủy bọc đồng này cùng nhóm lính thợ do Hoàng Văn Sưởng dẫn đầu đã về đến cửa biển Thuận An (cách Kinh Thành Huế 12 km về phía đông) vào ngày 13 tháng 9 năm Ất sửu (tháng 10/1865) và được triều đình đặt tên là Mẫn Thỏa cơ khí đại đồng thuyền. Mấy năm sau, vua Tự Đức lại cho thuê người đóng thêm 3 chiếc tàu máy hơi nước khác là: chiếc Thuận Tiệp (1866), chiếc Đằng Huy (1870) và Viễn Thông (1872). Xem: Trần Đức Anh Sơn, “Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn”, Huế xưa và nay, Số 105. Tháng 5-6/2011, 74.

42 Sự kiện này được phản ánh trong bài thơ Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân (Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Trong phần ghi chú cuối bài thơ này, Đặng Huy Trứ viết: “Lư Vũ Nhân tên là Vi Lâm, người huyện Đông Hoàn, Quảng Đông. Đời đời chịu ơn nước, khi còn nhỏ học hành cử nghiệp, theo cha anh lúc đó làm quan ở Yên Kinh (tức Bắc Kinh). Khi giặc Chu quấy rối, khích động bởi nghĩa phẫn, xếp bút nghiên đầu quân. Lộ phí riêng để đi đường có trên 10 vạn lạng, ông dốc hết để mộ quân, chi lương đánh giặc nên được thưởng công. Sau làm việc ở Cục Quân hỏa Thượng Hải, chỉ huy tàu thuyền, tới nay đã hơn 10 năm. Tháng 2 năm nay (1865), giữ chức Thiên tổng ở Doanh Xuyên Sa, lại giúp việc cho hai vị đại thần là Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương và được phái đi Quảng Đông mộ quân thủy. Nhân dịp này tôi được gặp”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 338-339.

43 Bài thơ Tặng tham tướng Lư Vũ Nhân và bài thơ Nhân Lư Vũ Nhân ẩn danh ký tặng Triệu đài gián (Nhân việc Lư Vũ Nhân giấu tên gửi tặng gián quan họ Triệu) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 338-339 và 346.

44 Đặng Huy Trứ đã ghi lại sự kiện này bằng bài thơ Tự đề công tọa tiểu chân (Đề bức ảnh mặc triều phục). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 343.

45 Hai bức chân dung này hiện đang lưu giữ ở nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

46 Đây là quyển 1 của tập Đặng Hoàng Trung thi sao, gồm những sáng tác của Đặng Huy Trứ từ lúc 15 tuổi cho đến khi ông ở Quảng Đông, được hiệu sách Thập Giới Viên của Lương Huệ Tồn cho khắc in vào năm 1865.

47 Việc này được phản ánh qua bài thơ La Nghiêu Cù độc Hoàng Trung thi sao kiến tặng (La Nghiêu Cù đọc Hoàng Trung thi tặng) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 347.

48 Việc này được ghi nhận bởi bài thơ La Nghiêu Cù tặng biệt (La Nghiêu Cù tặng khi từ biệt). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 350-351.

49 Việc này được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Tô Vĩ Đường tặng biệt tam thủ (Tô Vĩ Đường tặng 3 bài thơ khi từ biệt). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 350-351.

50 Đặng Huy Trứ vui mừng làm bài thơ Quy chí Thuận An tấn hỷ tác (Mừng về đến cửa Thuận An), sau này in trong tập tiếp theo của Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 352.

51 Trích từ bài thơ Đối thân tân (Gặp họ hàng và bạn bè) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn (1990): 353.

52 Phạm Tuấn Khánh, “Tìm hiểu Đặng Huy Trứ. Nhà yêu nước canh tân thế kỷ XIX”, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đặng Huy Trứ, (Huế: 1993), 35.

53 Phạm Tuấn Khánh, Bài đã dẫn, (1993), 35.

54 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tập 8, (Hà Nội: Giáo dục), 935.

55 Điều này được thể hiện bởi 2 câu thơ trong bài Kiến Xương phủ giáo thụ Trạc Anh, Nguyễn Huynh tặng hành (Giáo thụ Kiến Xương Nguyễn Trạc Anh tặng khi đi): Cẩm thành thông mã cựu tri danh. Hữu ý tân trang hải ngoại hành (Nơi kinh thành đã biết đến tên tuổi quan Ngự sử cương trực. Nay lại cố ý cải trang đi ra hải ngoại). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 418.

56 Trận bão này được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Cự phong (Bão lớn) và bài thơ Phỏng đắc cụ phong khởi xứ thi dĩ chí chi (Hỏi thăm được nơi bị bão, viết bài thơ ghi lại) trong tập Đặng Hoàng Trung thi sao. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 407-409.

57 Sự việc được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Cải thái như Việt nhật kỳ thích ngộ Thái Nghi nhân tôn húy (Lui lại ngày đi Quảng Đông gặp đúng ngày giỗ Thái Nghi nhân). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 408.

58 Hành trình này được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Đằng giang dạ bạc (Đêm ghé bến Bạch Đằng). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 415.

59 Nguyễn Đình Lượng người làng Tương Mai, xã Hoàng Mai (nay thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), là trợ thủ đặc lực của Đặng Huy Trứ trong những ngày Đặng Huy Trứ đi công cán Quảng Đông lần thứ hai. Do đau ốm nên có những lúc Đặng Huy Trứ không viết được. Ông đã đọc cho Nguyễn Đình Lượng chép những sáng tác, biên soạn của ông trong thời gian dưỡng bệnh.

60 Những sự việc này được phản ánh trong các bài thơ: Nam Định niết sứ Phan đài Lập Khả tặng hành (Án sát Nam Định là Phan Lập Khả tặng khi đi) và Kiến Xương phủ giáo thụ Trạc Anh, Nguyễn Huynh tặng hành (Giáo thụ Kiến Xương Nguyễn Trạc Anh tặng khi đi). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 418. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 417-418.

61 Nguồn: bài thơ Vãng Nam Định (Đi Nam Định). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 414.

62 Trong lời ghi chú cuối bài thơ Hành chu tương để Áo Môn hỷ tác (Đi thuyền sắp đến Áo Môn, mừng làm thơ), Đặng Huy Trứ viết: Chuyến đi này tôi đáp nhờ thuyền của La Điện Sinh, hiệu Vĩnh Trường An ở Quảng Đông. Trước đó ngày 17 tháng 6, từ bến Ba Lạt (Nam Định) ra khơi. Nhà thuyền thấy thời tiết không tốt, đi đến Đồ Sơn (thuộc Hải Dương) phải đỗ lại. Ngày 22 nhổ neo. Ngày 24 đến biển Long Môn thuộc Quảng Đông. Gió đông bắc thổi dữ dội, kéo dài đến ngày 26 lại càng dữ dội hơn. Sóng to, thuyền nghiêng ngã, cả 3 cột buồm đều gãy nát một loạt. Mọi người trong thuyền đều khúm núm lạy trước bàn thờ Thiên Hậu để mong thoát chết. Tôi cũng ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm, chẳng biết sống chết lúc nào. Giờ Mùi ngày hôm đó thuyền đi được vào bến Vi Châu. Ngày 27, gió lặng bớt, thuyền lui lại bến Bắc Hải, phủ Liêm Châu, lên sửa sang lại buồm và quai chèo. Giờ Thân ngày mồng 3 tháng 7 ra khơi. Mồng 9, gió giữ nổi lên, thuyền không đi được; ngày 11 phải vào trú ở Hạp Pha, ngày 20 mới khởi hành. Nhờ có gió êm đẩy thuyền, trời lại sáng trăng, người trong thuyền nói độ 2-3 ngày nũa có thể đến Áo MônTrong lòng tôi vui mừng nên có bài thơ này. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 419.

63 Sự việc này được Đặng Huy Trứ phản ánh qua bài thơ Dung thư hữu tính Ngô giả dịch ngã dĩ điểm hỏa ngật yên nhân hý thành luật (Có người viết thuê họ Ngô sai tôi châm lửa hút thuốc, nhân đó vui làm bài thơ). Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 424.

64 Những tác phẩm này đều được Đặng Huy Trứ cho khắc in ở Quảng Đông, đưa về nước, hiện đang lưu giữ tại gia tộc họ Đặng. Cuốn Đặng Dịch Trai ngôn hành lục đã được nhóm Trà Lĩnh tổ chức biên dịch, Hội Sử học Việt Nam xuất bản năm 1993. Cuốn Từ thụ yếu quy đã được Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh biên dịch, Nhà xuất bản Pháp lý xuất bản năm 1992.

65 Nhóm Trà Lĩnh đã tuyển chọn 3 bài thơ trong Thanh trọc ngâm ngũ thập ngũ thủ (55 bài thơ ngâm về trong và đục) để dịch và in trong cuốn Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm, do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1990.

66 Xem: “Huấn tử tửu sắc bác hý tứ giới” (Dạy con 4 điều răn: không uống rượu, không ham mê sắc dục; không cờ bạc, không chơi bời). Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 471-478.

67 Xem thêm: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 456-462.

68 Sách Đại Nam thực lục chép về sự kiện này như sau: “Khi ấy quân dân, phần nhiều bị giặc (cướp biển) bắt bán cho n­ước ngoài, thông ngôn là Nguyễn Đức Hậu (lúc ấy theo phái đoàn sang Tây) tìm đ­ược 92 ng­ười chở về Hư­ơng Cảng, quan Tổng đốc n­ước Anh thuê giúp thuyền giao trả về Quảng Nam, quan tỉnh đem việc tâu lên, th­ưởng cho Đức Hậu chức cửu phẩm hành nhân, rồi sai Thị lang bộ Hộ là Trần Đình Túc đem sản vật đến Hư­ơng Cảng trả ơn”. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 7 (Hà Nội: Giáo dục, 2006), 1099.

Chính Trần Đình Túc là người đã cử một thành viên trong phái đoàn của ông là lương y Ngô Văn Thiều đến chữa trị cho Đặng Huy Trứ khỏi bệnh. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 486.

69 Ý kiến cho rằng nhân vật Dã Trì chủ nhân do Đặng Huy Trứ hư cấu do Phạm Tuấn Khánh đưa ra. Xem: Phạm Tuấn Khánh, “Chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 3/1995, 85-90.

70 Toàn văn bài Bệnh trung đắc Dã Trì chủ nhân tứ giáothi dĩ chí chi (Trong khi ốm được Dã Trì chủ nhân chỉ giáo, làm thơ ghi lại) đã được nhóm Trà Lĩnh biên dịch, in trong cuốn Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm, do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1990.

71 Bản tâu này hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Trung ương II ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trên văn bản còn lưu bút phê của vua Tự Đức: Viện các thủ (Chuyển Nội các lưu giữ). Xem: Phạm Tuấn Khánh, “Chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 3/1995, 85-90.

72 Trần Huy Thanh, “Một số đóng góp của Đặng Huy Trứ trên lãnh vực kinh tế”, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đặng Huy Trứ, (Huế: 1993), 70.

73 Trần Đình Sơn, “Cần nhìn nhận đúng đắn hơn về danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (1825 – 1874)”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (Huế: 2000), 139-140.

74 Đặng Huy Trứ, “Tựa tập thơ và tranh vẽ bốn mươi tám người con có hiếu”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 442.

75 Đặng Huy Trứ, “Tựa sách những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và nhận”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 443-444.

76 Đặng Huy Trứ, “Tựa sách Đặng Dịch Trai ngôn hành lục”. Dẫn theo: Nhóm Trà Lĩnh, Sách đã dẫn, (1990), 443-450.

77 Vì đây là những món đồ sứ do Đặng Huy Trứ đặt làm để dâng tặng cho nhà thờ họ Đặng làm đồ thờ tự nên, một số nhà nghiên cứu gốm sứ đã gọi đây là “đồ sứ tế tự”. Xem: Philippe Truong, “Đồ sứ tế tự do Đặng Huy Trứ đặt làm tại Trung Quốc”, Huế xưa và nay, Số 78 (2006): 65-77.

78 Tại Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ, tổ chức tại Huế vào tháng 7/2000, ông Trần Đình Sơn giải thích: Do Đặng Huy Trứ có 9 người con trai và 7 người con gái nên trên dĩa vẽ đề tài “ngư thủy”, ông cho vẽ 9 con cá (ứng với 9 người con trai); trên dĩa vẽ đề tài “ngư tảo”, ông cho vẽ 7 con cá (ứng với 7 người con gái). Hai đề tài này nhằm cầu mong con cháu sum họp, thương yêu lẫn nhau. Còn trên tô vẽ tích “đông mạch tụ cô tùng”, ông cho vẽ 5 con nai tụ họp dưới bóng cổ tùng, ngầm chỉ dòng họ Đặng có 5 người ra làm quan, hưởng lộc của nhà Nguyễn.

79 Hai món đồ sứ có hiệu đề 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器福履綏將 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí phúc lý tuy tương) và 嗣德戊辰中秋鄧季祠堂祭器福祿來成 (Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí phúc lộc lai thành) được ông Trần Đình Sơn công bố trong Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 35 tại Hà Nội, ngày 21 và 22/9/2000 và được nhắc trong bài viết: “Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) và mùa thu năm Mậu Thìn”, Xưa Nay, Số 79, Tháng 9/2000, 18-19.

80 Hai đồ án trang trí “lân chỉ trình tường” và “phụng mao tế mỹ” bắt nguồn từ đôi câu đối trong sách Ấu học quỳnh lâm, một loại sách giáo khoa dành cho trẻ em thời xưa. Đó là câu: Xưng nhân hữu lệnh tử viết lân chỉ trình tường. Xưng hoạn hữu hiền lang viết phụng mao tế mỹ (Gọi kẻ có người con ngoan là: kỳ lân đưa chân báo điềm lành. Gọi viên quan có con trai hiền là: chim phụng có bộ lông đẹp tinh tế). Còn đồ án trang trí “lan quế đằng phương” thì bắt nguồn từ đôi câu đối: Tử tôn phát đạt vị chi lan quế đằng phương. Phụ mẫu câu tồn vị chi xuân huyên tịnh mậu (Con cái phát đạt, ấy là cây lan, cây quế tỏa hương thơm ngát. Cha mẹ sống lâu, ấy là cây xuân, cây huyên tất thảy tốt tươi). Đặng Huy Trứ cho vẽ những đồ án này lên các món đồ sứ để thờ tự trong nhà thờ họ Đặng nhằm mục đích vinh danh những thành tựu của con cháu gia tộc họ Đặng trong sự nghiệp học hành, khoa cử; ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc của các anh chị em trong gia đình của ông. Tuy nhiên, do cha mẹ ông đều mất sớm nên ông không đặt làm món đồ sứ có trang trí đồ án “xuân huyên tịnh mậu” hàm ý chúc cha mẹ trường thọ như trong vế thứ hai của câu đối có trong sách Ấu học quỳnh lâm

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Lưu trữ Nhà nước, Đại học Huế, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, Tập 2, (Hà Nội: Văn hóa).
  2. Mathilde Tuyết Trần (2011), Dấu xưa. Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ).
  3. Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tuấn Khánh (biên dịch) (1992), Từ thụ yếu quy (Hà Nội: Pháp lý).
  4. Nhóm Trà Lĩnh (1990), Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh).
  5. Nhóm Trà Lĩnh (1993), Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, (Hà Nội: Hội Sử học Việt Nam).
  6. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện sử học, Tập 8, (Huế: Thuận Hóa).
  7. Phạm Tuấn Khánh (1993), “Tìm hiểu Đặng Huy Trứ. Nhà yêu nước canh tân thế kỷ XIX”, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đặng Huy Trứ, (Huế)
  8. Phạm Tuấn Khánh (1995), “Chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố”, Thông tin Khoa học và Công nghệ, Số 3.
  9. Phạm Tuấn Khánh (Sưu tầm và thực hiện) (1990), “Niên biểu họ Đặng và Đặng Huy Trứ”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh (1993), Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, (Hà Nội: Hội Sử học Việt Nam).
  10. Philippe Truong (2006), “Đồ sứ tế tự do Đặng Huy Trứ đặt làm tại Trung Quốc”, Huế xưa và nay, Số 78.
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tập 7 (Hà Nội: Giáo dục).
  12. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tập 8 (Hà Nội: Giáo dục).
  13. Trần Đình Sơn (2000), “Cần nhìn nhận đúng đắn hơn về danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (1825 – 1874)”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (Huế).
  14. Trần Đình Sơn (2000), “Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) và mùa thu năm Mậu Thìn”, Xưa Nay, Số 79, Tháng 9.
  15. Trần Đức Anh Sơn (2011), “Hoạt động thương mại kiêm nhiệm của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Hoa thời nhà Thanh”. In trong: Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, (Hà Nội: Thế giới).
  16. Trần Đức Anh Sơn (2011), “Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn”, Huế xưa và nay, Số 105, Tháng 5-6.
  17. Trần Huy Thanh (1993), “Một số đóng góp của Đặng Huy Trứ trên lãnh vực kinh tế”, Kỷ yếu hội thảo khoa học về Đặng Huy Trứ, (Huế)
  18. Vũ Khiêu (1990), “Đặng Huy Trứ. Người trí thức chân chính trước những vấn đề của dân tộc và thời đại”. In trong: Nhóm Trà Lĩnh (1990), Đặng Huy Trứ. Con người và tác phẩm (Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh).


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.