Ngắm tranh “La mort de Casagemas” được Pablo Picasso vẽ vào năm 1901. Một cảm giác u ám của cõi âm hiện lên trong bức tranh, vậy điều gì đằng sau bức tranh này?

Picasso có một người bạn thân tên là Carlo Casagemas, hai người cùng là dân Tây Ban Nha và cùng nhau tới Paris vào khoảng năm 1900, nơi được coi là thánh địa cho các nghệ sĩ và họa sĩ, để thi thố nghệ thuật. Khi tới Paris, hai người bạn thân thuê trọ và lập xưởng vẽ trong một căn hộ tại đồi Montmartre, một địa điểm thu hút du khách nhất Paris, nằm trên quả đồi lớn, với những con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng, cộng với nhà thờ Sacré-Cœur, đây từng là nơi tập trung rất nhiều họa sĩ nổi tiếng của nước Pháp.

Nhà thờ Sacré-Cœur

 

Chợ tranh bên hông nhà thờ vẫn còn hoạt động tới tận ngày nay

 

Khi chọn sống tại Montmartre, hai người bạn cũng thực sự biết cách tận hưởng cuộc sống về đêm ở Paris. Montmartre ban ngày thì các hoạt động trên đồi rất tấp nập, nhưng ban đêm có thể xuống đồi đi dạo các quán bar cũng rất thích. Và ở độ tuổi của đôi bạn thời đó thì Montmartre quả là một lựa chọn đúng đắn

Khu phố đèn đổ dưới chân đồi Montmartre

 

Cũng chính tại cái nơi “thánh địa” này, họ đã gặp hai người đẹp Louise “Odette” Lenoir và Laure “Germaine” Gargallo. Nếu Picasso chỉ chút “thân” nàng Odette thôi thì Casagemas nhà ta đã phải lòng nàng Germaine một cách điên cuồng. Mặc dù vậy nàng Germaine cũng chỉ tỏ ra là một người bạn bình thường (có nhiều tài liệu nói nàng đỏng đảnh, chỉ cho casa ve vẩy nhưng không cho “yêu”), và điều này đã làm Casagemas tội nghiệp tan nát cả trái tim. Anh càng ngày càng trầm cảm và chìm mình vào những cơn say. Picasso đã nhìn thấy sự đau khổ của người bạn mình, sau hai tháng sống tại Paris, anh quyết định đưa Casagemas trở về Tây Ban Nha.

Tuy nhiên không gì có thể làm Casagemas quên được nàng Germaine xinh đep. Vào đầu năm 1901, Casagemas quay trở lại Paris với ý định ám sát Germaine và sau đó tự kết liễu mình. Anh lên kế hoạch, mời một vài người bạn, bao gồm cả Germaine, tới nhà hàng “The Hippodrome”, tọa lạc tại 128 đại lộ Clichy. Ngay trong bữa ăn, Casagemas đứng dậy, phát biểu vài câu, sau đó anh rút ra một khẩu súng và nhắm vào Germaine. Không biết thực tình câu chuyên và lời tuyên bố của Casagemas chính xác là gì, nhưng nghe thiên hạ đồn rằng có một người khách lúc đó đã che chắn cho nàng Germaine, chính vì vậy mà Casagemas đã không thể giết được nàng. Casagemas dường như cũng đã sẵn sàng cho cái chết, anh ta quay súng lại dí vào đầu mình rồi kéo cò, chết ngay sau đó.

Picasso ngay sau đó đã nhận được tin khủng khiếp này. Ông bị ám ảnh bởi cái chết của người bạn thân mình. Nỗi ám ảnh đã ảnh hưởng tới Picasso một thời gian, hậu quả là một số bức tranh u ám ra đời, trong đó có bức “cái chết của Casagemas” vẽ chân dung của người bạn nắm trong quan tài, trong đó người xem có thể dễ nhận ra một vết thương bên thái dương, một ngọn nến với ngọn lửa hình bầu dục như lời cầu nguyện cho những mong muốn và sự siêu thoát của bạn.

 

Tranh cái chết của Casagemas, Picasso 1901

 

Về phần Germaine, cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi cái chết của Casagemas, cô vẫn thân với Pablo, và xuất hiện trong nhiều bức tranh của ông sau đó nhu « Les Deux Saltimbanques » (1901), « Femme assise avec un châle » (1902), « Au Lapin Agile » (1905),  va « Les Trois Danseurs » (1925). Đây cũng là thời kỳ màu xanh của Picasso.

Bức tranh nổi tiếng nhất của thời kỳ màu xanh của ông là bức “La Vie”. Picasso vẽ năm 1903. Nguyên bức tranh này đúng ra là bức tranh tự họa, nhưng cuối cùng ông quyết định thay thế khuôn mặt của mình với Casagemas và cho khuôn mặt của cô gái bên cạnh bằng khuôn mặt của Germaine.

 

Tranh cuộc sống, Picasso 1903

Anthony NGUYEN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.