Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia phải do chính Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (2009) định nghĩa Bảo vật quốc gia phải có các tiêu chí sau đây:

  • Là hiện vật gốc độc bản
  • Là hiện vật có hình thức độc đáo;
  • Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.

Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải bảo đảm:

  • Có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận bảo vật quốc gia;
  • Có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

Các đợt công nhận bảo vật quốc gia:

  • Đợt 1 (ký ngày 1/10/2012)
  • Đợt 2 (ký ngày 30/12/2013) từ số 31 – số 67
  • Đợt 3 (ký ngày 14/1/2015)
  • Đợt 4 (ký ngày 23/12/2015)

Dưới đây là danh sách các Bảo vật quốc gia Đợt I của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định công nhận :

Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Theo sự phân loại của Hê-gơ, và bản tổng kê của các nhà khảo cổ tại miền Bắc, trong sách Thời Đại Đồng Thau, những trống đồng loại 1 phát hiện ở Việt Nam khoảng trên 70 chiếc. Số lượng tìm thấy đã hơn bất cứ một miền nào khác. Mặc dầu tướng Mã Viện đời Đông Hán khi qua đánh Giao Chỉ, đã tịch thu không biết bao nhiêu trống nữa, để đúc con ngựa kiểu mà chơi, và đúc cái cột đồng khắc chữ “Đồng Trụ chiết Giao Chỉ diệt“.

Những trống loại 1 đã thấy khá nhiều tại Thanh Hoá để có thể đoán chắc rằng Thanh Hoá là nơi sản xuất và những trống cùng loại thấy ở các nơi khác (Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hoà Bình, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An) là những trống được kịp thời giấu đi. Đó là những trống có thể đoán được là của các tù trưởng đã thuê lò Thanh Hoá đúc. Đó là những vật biểu tượng quyền uy của tù trưởng.

Trong những di vật quý giá này , trống thuộc loại vừa kể, thuộc loại đẹp nhất, vẫn là trống tìm thấy năm 1902 ở Ngọc Lũ ( tỉnh Hà Nam ) hiện để tại viện bảo tàng lịch sử ở Hà Nội.

 

Trống đồng Hoàng Hạ(Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Hoàng Hạ là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn, có nhiều hoa văn phong phú, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Vào ngày 13 tháng 7 năm 1937, dân công đào mương dẫn nước xóm Nội, thôn làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (Hà Nội ngày nay) đã tìm ra được trống này ở độ sâu 1,5 mét trong lòng đất.

Trống có đường kính mặt là 79 cm, chiều cao là 61,5 cm. Trống bị long mặt, rỉ gần khắp mặt và cả một phần thân trống.

Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao nổi 16 cánh, xem kẽ các cánh sao là những họa tiết trang trí kiểu lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn, gồm hai loại: hoa văn hình học và hình khắc người, động vật và vật.

Về hoa văn hình học, ngoài những hoa văn tương tự như hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ I như các chấm nhỏ thẳng hàng, chữ gãy nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn răng cưa,…còn có thêm vành hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm ở vành thứ 7 từ trong ra ngoài.

Về hình khắc người và động vật thì có vành hươu nai, chim bay xem kẽ. Vành số 9 của trống Hoàng Hạ chỉ có 14 con chim bay. Đó là những hình chim mỏ dài, đuôi và chân dài, có mào, không có những hình chim đứng ngậm mồi.

 

Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Thạp Đào Thịnh có niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay, dáng hình trụ thuôn dần xuống đáy với một mật độ hoa văn dày đặc và được chế tác đặc biệt cẩn thận. Đường kính miệng 61cm, đáy 60cm, cao 98cm, Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước hoành tráng nhất chúng ta từng biết đến, tiêu tốn một lượng đồng lên tới 760kg.

Theo cuốn “Những vết tích đầu tiên của thời đại đồ đồng thau ở Việt Nam”, NXB Khoa học 1963 của Lê Văn Lan – Phạm Văn Kỉnh – Nguyễn Linh (tr.142-146) và trong bài “Vài ý kiến về chiếc thạp Đào Thịnh và văn hóa Đồng thau” của Đào Tử Khai trong “Nghiên cứu lịch sử”, số 26 – 27, năm 1961, có đề cập đến nguồn gốc của thạp: Ngày 14.9.1961, ông Phạm Văn Phúc – một bộ đội phục viên ở xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) – đi câu, thấy bờ sông Hồng bị lở, lộ ra một vật như cái chum, nằm sâu trong lòng đất khoảng 3m. Trong thạp có chứa một thạp đồng nhỏ hơn, có mảnh gỗ mục đậy lên trên, bên cạnh có một số cục xỉ đồng và một số vật “lầy nhầy” màu đen. Sau đó vào ngày 15, dân làng được tin kéo nhau ra xem và ngày 16 thì Ủy ban hành chính xã được báo cáo và cho người mang về Ty Văn hóa tỉnh Yên Bái. Sau đó, thạp được giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Sau nhiều thế kỷ được tạo tác và tồn tại, hiện nắp thạp bị vỡ một số chỗ. Đường kính nắp 64cm, cao 15,5cm, vồng cao đều từ ngoài vào tâm của nóc. Tâm nắp trang trí ngôi sao 12 tia tạo ra những hình tam giác đan vào nhau. Những tam giác đáy quay ra phía ngoài được trang trí lồng những tam giác nhỏ bên trong, làm nổi rõ những hình tam giác cận kề có đáy quay vào phía trong. Xung quanh trang trí 11 băng hoa văn từ trong ra ngoài. Băng 1, 8, 1 là những hoa văn hình chấm dải; băng 2, 3, 5, 6, 9, 10 là hoa văn đường tròn tiếp tuyến chấm giữa. Băng 4 là những đường gãy khúc đan vào nhau tạo thành những hình thoi. Băng 7 và 8 là chim mỏ dài, đuôi dài, nối nhau bay ngược chiều kim đồng hồ. Xen giữa 4 chim là 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ đang ở tư thế giao hợp, nữ nằm ngửa phía dưới, nam nằm úp phía trên, hai tay khuỳnh ra, chân duỗi thẳng.

Cho đến nay, ngoài thạp Đào Thịnh ra, chưa có một chiếc thạp nào có được kích thước, kiểu dáng và đề tài trang trí độc đáo tiêu biểu như vậy. Thạp đồng Đào Thịnh được coi như một hiện vật nghệ thuật cổ độc nhất vô nhị, bởi nó chính là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực của cư dân Đông Sơn, trong khi xã hội phải rất lâu nữa chữ viết mới hình thành.

Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Người cõng trong tư thế cong lưng, hai chân như đang nhún nhảy, hai tay choàng ra, ôm đỡ người ngồi trên lưng. Tóc vấn búi cao, tai đeo khuyên tròn, to rủ xuống ngang vai. Người ngồi trên lưng, miệng ngậm khèn, một tay ôm lấy người cõng, một tay đỡ lấy khèn.

Đây là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn, phản ánh về sinh hoạt âm nhạc mang đậm yếu tố truyền thống, được khởi nguồn từ nghệ thuật Đông Sơn, đến nay còn đọng lại trong nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Được coi là tác phẩm tượng nghệ thuật cổ độc đáo, như một thông điệp của thời đại Hùng Vương dựng nước gửi lại cho muôn đời sau. Tượng hai người cõng nhau thổi khèn là khối tượng tả thực nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp giản dị, bình yên của một xã hội Đông Sơn phát triển về mọi mặt.

 

Cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Cây đèn đồng hình người quỳ Lạch Trường là một hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, đã được chính thức đề nghị trở thành bảo vật quốc gia. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ảnh cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ đại trong giai đoạn này.

Cách đây hơn 2.000 năm, một vị già làng và đồ vật của ông ta đã được an táng tại khu mộ ở Lạch Trường, bên bờ biển Đông. Năm 1935, nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Jane và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã tìm thấy “Cây đèn hình người quỳ” tại khu mộ này trong một cuộc khai quật.

Trong một chuyến khảo sát, O.Jane và cộng sự vô tình tìm thấy một khu mộ cổ lớn có khoảng 6 ngôi mộ cổ từ thời nhà Hán. Khi khai quật, đoàn khảo cổ thất vọng vì thấy các ngôi mộ đã bị bọn trộm mộ đào bới. Một số đồ vật quý đã bị lấy chỉ chừa lại một số vòng đá và hiện vật bằng đồng nghèo nàn. Đến ngôi mộ thứ 3, nằm theo hướng Bắc Nam, “lối vào” bị chắn bởi một bức tường cao bằng gạch đá theo kiểu “thần gác cổng Hermes”. Ngôi mộ này được xây từ thời nhà Hán và chưa bị xâm hại. Đoàn khảo cổ phát hiện một lượng lớn đồ gốm Trung Hoa, một thanh kiếm sắt, một cây đèn bằng đồng hình người quỳ và nhiều chũm chọe. Đây là những cổ vật hiếm và không theo kiểu chôn đồ tế lễ dưới thời Hán.

 

Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Trống được đúc mô phỏng theo kiểu trống da, hình trụ. Mặt trống cong vồng lên hình chỏm cầu, chính giữa có hai vòng tròn kép. Thân trống được chia làm ba phần, ngăn cách bằng hai đường gân nổi. Trống có 4 quai hình khuyên gắn cách đều trên thân. Xung quanh trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng.

Đây là tiêu bản duy nhất trong phức hợp trống Việt Nam và khu vực với sự mô phỏng loại trống da truyền thống Việt Nam. Minh văn trên trống nói về bà Nguyễn Thị Lộc, là vợ của Tổng Thái  giám Giao quận công thuộc năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (1736) góp công lập chùa Linh Ứng (nay là Chùa Nành), cùng những lời dẫn đến việc đúc trống để thờ cúng, tu bổ chùa và lạc khoản cho biết trống được đúc vào ngày lành tháng 4 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh đời Vua Nguyễn Quang Toản (1800), xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).

Trống đồng Cảnh Thịnh là loại hình hiện vật độc bản có giá trị nghệ thuật cổ tiêu biểu của giai đoạn lịch sử thời Tây Sơn.

Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Ấn hình vuông, tạo ba cấp. Núm ấn hình chữ nhật, chỏm cong, giống hình bia đá. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải có 4 chữ, phiên âm: “Môn Hạ Sảnh ấn” (Ấn của Sảnh Môn Hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” (chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377). Mặt ấn hình vuông, kích thước 7,3cm x 7,3cm, đúc 4 chữ kiểu triện“Môn Hạ Sảnh ấn”.

“Môn Hạ Sảnh ấn” là chiếc ấn thời Trần duy nhất hiện biết. Ấn có nội dung rõ ràng, niên đại cụ thể, liên quan đến lịch sử hành chính triều Trần. Đây là ba cơ quan cao nhất của triều đình triều Trần. Sảnh hạ môn là cơ quan nằm trong bộ ba “Tam sảnh” của chính quyền trung ương, gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung. Chức quan này do những đại thần tài giỏi đảm nhiệm. “Môn Hạ Sảnh ấn” được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình từ đời Trần Phế Đế về sau. Đây là một bằng chứng về tổ chức hành chính trung ương thời Trần.

 

Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Bình miệng loe tròn, thân phình, thuôn dần xuống đáy. Bình mầu trắng vẽ hoa lam, bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề, phong cảnh, lá đề xen lẫn bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau.

Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga là hiện vật gốm có kích thước lớn nhất trong sưu tập độc bản được khai quật tại tầu đắm Cù Lao Chàm (1999 – 2000), phản ánh đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật chế tạo đồ gốm thời Lê Sơ, là sản phẩm tiêu biểu cho đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam (thế kỷ XV). Chiếc bình gốm này được sản xuất tại làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của nước ta, ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV – XVI, chuyên sản xuất gốm cao cấp, phục vụ cho tầng lớp quý tộc và xuất khẩu ra nước ngoài. Những đề tài trang trí ở đây đã thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển được thể hiện mang tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm yếu tố dân gian, truyền thống vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Chiếc bình gốm này là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, vật chứng tiêu biểu của gốm truyền thống Việt Nam thế kỷ XV.

Cuốn “Đường Kách mệnh” (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17 tháng 7 năm 1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969, hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

Tượng Phật Đồng Dương (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng đứng trên bệ hai cấp, tóc xoắn ốc, tai dài, khuôn mặt tròn, đầy đặn, giữa trán có khắc vòng tròn, lông mày cong, mũi thon, cổ  3 ngấn, vai để trần, mặc áo choàng nhiều nếp gấp. Hai tay đưa ra phía trước theo cử chỉ Vitarkamudra, tay phải vịn nhẹ đầu vạt áo choàng.

Tượng có kích thước lớn, thuộc phong cách Đồng Dương, với kỹ thuật đúc đặc biệt, đạt trình độ cao. Tượng mang phong cách nghệ thuật Amaravati, ngoài hình dáng cân đối, hài hòa, kỹ thuật tạo y phục rất tinh tế, mềm mại làm toát lên vẻ đẹp uy nghiêm, huyền bí của Đức Phật. Tượng Phật Đồng Dương có giá trị đặc biệt liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chămpa phát triển hưng thịnh nhất, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”. Tượng Phật Đồng Dương được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm bởi giá trị nghệ thuật và yếu tố giao lưu văn hóa Ấn Độ khá đậm nét trên tác phẩm này. Tượng Phật Đồng Dương là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Văn hóa Chăm Pa, được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để trưng bày giới thiệu về văn hóa Việt Nam, là điểm nhấn quan trọng trong các cuộc triển lãm.

Tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Theo truyền thuyết Champa, nữ thần Devi có tên là Rija Kula Hara Devi, là vợ của vua Indravarman II, người sáng lập triều đại Đồng Dương, triều đại vào thế kỷ thứ IX. Vì Devi có công với đất nước, đặc biệt là thường giúp đỡ những người nghèo, cô nhi quả phụ, nên sau khi mất bà được phong thần và được vua Jaya Shinhavarman I dựng tháp thờ.

Tượng Nữ thần Devi mang số hiệu BTLS4420, được phát hiện tại Hương Quế, Quảng Nam. Tượng được làm bằng đá sa thạch, cao 38,5cm, rộng 21,6cm, dày 11,8cm, có niên đại vào thế kỷ 10.

Tượng tạo tác dạng bán thân, tóc búi kiểu hình tháp, khuôn mặt hài hòa, lông mày liền nhau, mắt to, sống mũi thẳng, miệng hơi nở nụ cười tạo nên khuôn mặt xinh đẹp, hài hòa.

 

Tượng Thần Vishnu (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng thuộc loại hình tượng tròn, bằng đá sa thạch hạt mịn, xám xanh. Dáng tượng đứng trên bệ, có 4 tay. Tay phải trên cầm bánh xe, tay trái trên cầm con ốc. Tay phải dưới cầm viên ngọc, tay trái dưới chống cây gậy. Mặt vuông, môi dày, các nét phẳng, thùy tai dài, mũ ống vuông, mình trần, mập. Quần ngắn đến gối, có dây thắt lưng vuông ở giữa 2 chân, bệ trơn.

Đây là pho tượng Vishnu con nguyên vẹn nhất, với các biểu tượng tiêu biểu, mang đặc điểm nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Óc Eo vào giai đoạn phát triển có tính chất lý tưởng, thần thánh hóa (cuối thế kỉ 7- thế kỉ 8). Đồng thời, kích thước nhỏ, sự thiếu cân đối trong tỷ lệ các phần của nhân thể, sự thiếu chau chuốt của việc xử lý bề mặt… phản ánh tính chất địa phương của di vật này vào giai đoạn bắt đầu suy tàn của nghệ thuật văn hóa Óc Eo. Đây cũng là chứng cứ của tình hình mất đi nhiều di tích trên các vùng thấp, nhưng nhiều đền tháp Hindu giáo vẫn còn sống sót trên những vùng đất ven rìa bậc thềm phù sa cổ và các gò đất cao.

Tượng Phật Lợi Mỹ (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng Phật bằng gỗ khối, đứng trên tòa sen nhiều lớp, dáng thanh mảnh, đầu đội mũ miện tròn đỉnh có chóp nhọn, tai dài chấm vai, vai xuôi, hai tay giơ ngang ngực, trong tư thế bắt ấn, mặc áo choàng dài phủ đến chân tạo thành hình vòng cung.

Tượng Phật được tạc bằng một thân cây “gỗ Trai” duy nhất, điển hình của điêu khắc Phật giáo Đông Nam Á, thời kỳ đầu công nguyên thuộc Văn hóa Óc Eo (thế kỷ I – VI), tượng có kích thước lớn, có giá trị thẩm mỹ cao tiêu biểu của nền Văn hóa Óc Eo, đặc biệt còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Là tác phẩm nổi tiếng, được nhiều nước trên thế giới mượn để giới thiệu về Văn hóa Óc Eo.

Tượng Thần Surya (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng đứng, thể hiện là một nam thần, mặt tròn, đầu đội mũ trụ hình bát giác, tai đeo khuyên, phía sau đầu là một vành tròn tượng trưng cho vầng thái dương. Tượng mặc áo cổ tròn, váy xòe dài dưới đùi, đeo trang sức ở cổ tay, hai tay đưa ngang ngực, mỗi tay cầm một nụ sen.

Surya là vị thần mặt trời, một vị thần quan trọng có khả năng sản sinh ra sức mạnh theo kinh Veda của Ấn Độ. Tượng được tạo hài hòa, cân đối, tượng trưng cho một phong cách nghệ thuật sớm ở khu vực Đông Nam Á thuộc nghệ thuật Dvaravati độc đáo, điển hình trong Văn hóa Óc Eo.

 

Tượng Bồ tát Tara (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

Tượng đứng, mặt rộng cằm ngắn; trán hẹp, dẹt, đôi lông mày rậm, giao nhau; miệng rộng, môi dày, có vành môi sắc nét; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược cao lên trên và chia làm hai tầng; tầng tóc bên trên có hình Phật A-Di-Đà nhỏ ngồi xếp bằng. Tượng có mắt thứ ba ở giữa trán hình thoi lõm, cổ cao ba ngấn, thân eo, ngực căng tròn để trần, hai bàn tay giơ ra phía trước, dưới cuốn sa rông dài hai lớp, lớp sa rông này thể hiện bằng những đường xếp ly lượn sóng từ thắt lưng xuống đến gần mắt cá chân bó sát mình.

Tượng bằng đồng có kích thước lớn, tượng được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ Tát tại Phật viện Đồng Dương (Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa) và là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Chămpa cổ (phong cách Đồng Dương), một phong cách mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa.

Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, đặc biệt có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán. Trong các cuộc triển lãm quốc tế, pho tượng này được coi là hiện vật quan trọng, điểm nhấn của cuộc triển lãm.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

Đài thờ Trà Kiệu (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Bộ Cửu vị thần công (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

Cửu vị thần công là tên gọi chung 9 khẩu đại pháo được đúc dưới triều đại vua Gia Long. Các khẩu thần công này được đánh số từ 1 đến 9. Cửu vị thần công được đặt tên theo “tứ thời” và “ngũ hành tương sinh” Trong đó, 4 khẩu từ 1 đến 4 được đặt tên theo tứ thời là: Xuân (khẩu số 1), Hạ (khẩu số 2), Thu (khẩu số 3), Đông (khẩu số 4); 5 khẩu từ 5 đến 9 được đặt tên theo ngũ hành tương sinh, khởi đầu là Mộc (khẩu số 5), Hỏa (khẩu số 6), Thổ (khẩu số 7), Kim (khẩu số 8), Thủy (khẩu số 9). Tên của mỗi khẩu thần công được khắc ở đuôi súng. Ngoài ra, trên phần đai cuối thân mỗi khẩu súng còn có khắc tước hiệu của từng khẩu súng.

Các khẩu súng đều có cùng hình dáng và kiểu thức trang trí. Miệng súng hơi loe, thân thuôn dài, phình dần về phía đuôi. Giữa thân súng có hai quai đúc nổi, cách điệu hình đầu thú. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó có hai gờ ở hai đầu quai được đúc rộng bản như hai vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí các dải hoa văn dây lá được chạm nổi với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo. Một nét đặc biệt khác trong kiểu thức trang trí trên cửu vị thần công là một hình vương miện được đắp nổi với những đường cong mềm mại năm Gia Long thứ 15, các khẩu súng này đều được nhà vua phong tặng tước Thần uy vô địch thượng tướng quân, lần lượt từ khẩu đệ nhất cho đến khẩu đệ cửu.

Tất cả 9 khẩu thần công đều được đặt trên giá súng (bệ súng) làm bằng gỗ, có gắn bánh xe niềng sắt.

Cửu vị thần công được đúc dưới triều vua Gia Long. Những khẩu súng này không  sử dụng mà được nhân cách hóa thành các vị tướng thần, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của vương triều và là những hiện vật mang tính biểu tượng cao của triều Nguyễn. Về kỹ thuật chế tác, đây là bộ 9 khẩu thần công đồ sộ nhất và đẹp nhất dưới thời Nguyễn, một tuyệt tác của nghệ thuật đúc súng, nghệ thuật trang trí chạm khắc trên đồng, được các thời vua Nguyễn xếp vào loại bảo vật.

Bộ Cửu Đỉnh (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn (tiếng Hán: 阮朝九鼎) là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.

Lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Quốc, vua Minh Mạng ban chỉ dụ cho Nội các vào tháng 10 âm lịch năm Ất Mùi (1835), ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc công việc đúc Cửu Đỉnh. Tháng 5 âm lịch năm Bính Thân (1836), phần thô của chín đỉnh đúc xong. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu Đỉnh mới được chính thức hoàn thành. Buổi đại lễ diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 để đặt đỉnh ở sân Thế Miếu dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng. Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương rồi chiến tranh Việt Nam, theo đó là suy thoái của thời kỳ bao cấp (1945 – 1981), Cửu Đỉnh vẫn không dời chuyển và còn nguyên vẹn tới ngày nay.

Cửu Đỉnh gồm chín cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,…tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Pháo cao xạ 37mm M1939 (61-K) (súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không – Không quân).

Máy bay MiG-21F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 01 tháng 5 năm 1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7).

Xe tăng T-54B, số hiệu 843 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Xe tăng T-59, số hiệu 390 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).

Anthony NGUYEN

(Tổng hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.