Từ thời Jomon (10.000 – 300 trước Công nguyên), người Nhật đã biết sản xuất đồ gốm. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ XVII, thì gốm sứ Nhật Bản mới được thế giới bên ngoài biết đến, nhiều nhất là ở châu Âu. Do chính “bế môn tỏa cảng” của nhà Minh trong các năm 1371 – 1567 nên gốm sứ Trung Hoa bị hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này tạo cơ hội cho gốm sứ các nước khác, trong đó có Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, gia tăng xuất khẩu và thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường châu Âu.
Việc xuất khẩu gốm sứ (chủ yếu là đồ sứ) đóng một vai trò quan trọng trong ngoại thương của Nhật Bản. Theo các nguồn sử liệu, kỹ nghệ làm gốm sứ có men ở Nhật Bản là do một người Triều Tiên tên là Li Sampei khởi dựng. Ông này là tù binh trong cuộc chiến tranh của Nhật – Triều (1592 – 1598), bị bắt đưa về vùng Arita. Tại đây, Li Sampei đã tìm ra nguồn đất sét trắng ở miền tây Arita và đã thử nghiệm thành công việc chế tác gốm sứ từ nguồn đất sét này vào năm 1610. Sau này, đất sét chất lượng cao cũng được tìm thấy gần một bến tàu ở Izumiyama trong thung lũng Arita. Từ đó, đồ gốm sứ bắt đầu được sản xuất với số lượng lớn ở Nhật Bản. Đến năm 1637, do sản xuất gốm sứ phát triển nhanh khiến nhiều cây rừng ở vùng Saga đã bị chặt phá để làm củi đốt lò. Vì thế, Nabeshima, một lãnh chúa địa phương đã ra lệnh đóng cửa 11 lò làm đồ gốm, sát nhập thành 13 lò chuyên làm đồ sứ, tập trung ở vùng Arita (trên đảo Kyushu, phía tây Nhật Bản). Từ đây, Nhật Bản tập trung sản xuất đồ sứ, đặc biệt là đồ sứ màu, mà người Nhật gọi là bằng nhiều cái tên như: Iroemono, Iroekotō hay Iroejiki.
Đồ sứ màu của Nhật Bản nổi danh bởi bốn dòng sản phẩm chính là: Kakiemon, Imari, Kutani và Nabeshima.
1. Đồ sứ Kakiemon
Kakiemon lấy từ tên của Sakaida Kakiemon (1596 – 1666), biệt danh của một người thợ làm gốm tên là Kizoemon ở Arita. Có một giai thoại kể rằng, vào một buổi chiều, Kizoemon nhìn lên những quả hồng (kaki) trong vườn dưới ánh tà dương và nghĩ rằng thật tuyệt vời làm sao nếu có thể tái hiện được sắc màu này các món đồ gốm của mình. Cuối cùng, sau một quá trình nghiên cứu đến kiệt sức, Kizoemon đã thành công trong việc thực hiện khao khát này. Do đó ông tự gọi mình là “Kakiemon”, nghĩa là “đằng sau màu sắc đẹp đẽ của quả hồng”. Một câu chuyện khác được lưu truyền trong dòng họ Sakaida thì cho rằng, Kizoemon được một ông hoàng của gia tộc Nabeshima đề nghị thể hiện hình ảnh trái hồng lên trên một món đồ sứ. Và Kizoemon, với tất cả sự khéo léo đã làm điều này khiến hình ảnh trái hồng trên món đồ sứ trông giống như thật. Và như một sự tưởng thưởng, ông hoàng này đã ban cho người thợ gốm Sakaida Kizoemon cái tên “Kakiemon”. Đó là lý do tại sao Sakaida Kizoemon và con cháu ông sau này đều mang tên Kakiemon.
Lò sứ Kakiemon tồn tại và phát triển qua 12 thế hệ, kể từ khi ông tổ Sakaida Kakiemon thành công trong việc tạo ra dòng đồ sứ vẽ màu đỏ (Akaemono) đầu tiên ở Nhật Bản cho đến khi kết thúc thời kỳ Kan’ei (1624 – 1643). Ông tổ Kakiemon sống đến 70 tuổi nhưng các thế hệ thứ 2, thứ 3 và thứ 4 đều chết rất sớm. Vì thế không có sự thay đổi lớn nào về quy trình sản xuất trong thời kỳ này. Đây được coi là thời kỳ thứ nhất của dòng đồ Kakiemon. Ba thế hệ tiếp theo là thế hệ thứ 5, thứ 6 (với một vị giám quản nổi tiếng là Shibuemon) và thế hệ thứ 7 đã mở ra thời kỳ thứ hai của dòng đồ sứ này. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ mà đồ sứ Kakiemon có ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm của hai dòng đồ sứ màu khác của Nhật Bản là Imari và Nabeshima, nhưng về sau đồ sứ Kakiemon lại dần dần bị lấn lướt và thay thế bởi đồ sứ Imari và đồ sứ Nabeshima.
Trong thời kỳ thứ nhất (1640 – 1680), đồ sứ Kakiemon đạt đến sự bóng láng tuyệt hảo, màu men trắng bóng mờ như màu ngọc. Do nhiệt độ nung cao nên cốt sứ đã đạt độ tinh khiết cao, tạo nên cảm giác mát lạnh như đồ sứ Shirokorai (đồ sứ trắng của Triều Tiên). Chất men được dùng trong thời kỳ này được khai thác từ khu mỏ Izumyami thuộc quyền sở hữu của lãnh chúa Arita. Do chỉ có gia đình Kakiemon được dùng loại quặng này để chế tạo men, nên ở Arita chỉ có đồ của lò Kakiemon mới làm được chất men mờ đục trên và đó cũng đặc điểm nổi bật của dòng đồ Kakiemon. Chất men này được sử dùng độc quyền cho đến cuối thời kỳ thứ nhất.
Các sản phẩm của Kakiemon trong thời kỳ này vượt trội đồ Kutani và đồ Nabeshima nhờ việc sử dụng màu sắc rất đa dạng, bao gồm các màu: đỏ, xanh lục, xanh dương, vàng, đen, tím, vàng và bạc. Những màu này được kết hợp rất khéo léo và sắc sảo ở trên bề mặt của sản phẩm, tạo ra một vẻ đẹp duyên dáng và tao nhã.
Về trang trí, trong thời kỳ thứ nhất, đồ Kakiemon có ba kiểu trang trí sau: trang trí mô phỏng theo dòng gốm sứ Manreki Akae (màu đỏ Vạn Lịch) của triều đại nhà Minh ở Trung Hoa, toàn bộ hay một phần, với một vài thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật; trang trí theo phong cách Kakiemon truyền thống, vốn được coi là thuần túy Nhật Bản và trở thành khuôn mẫu của dòng đồ Kakiemon; và trang trí theo kiểu phương Tây, được tiếp nhận qua ảnh hưởng từ Hà Lan.
Kiểu trang trí thứ nhất là các đồ án vẽ chim phượng hoàng hay rồng ảnh hưởng từ đồ sứ Manreki Akae; các nhân vật, chim, hoa… được thể hiện bằng bút pháp tả chân theo phong cách hội họa Trung Hoa.
Kiểu trang trí thứ hai hoàn toàn khác với trang trí trên đồ Akae Trung Hoa, thường có nhiều đường uốn lượn, các hồi văn hình thoi và những đường hình vòng cung bao phủ hầu hết bề mặt, trong khi các hình vẽ minh họa lại bị giới hạn trong các khuôn viên riêng biệt. Điều này không tương hợp với thị hiếu của người Nhật, cả trong phong cách lẫn sự tao nhã. Kakiemon không bị lôi cuốn bởi phong cách Trung Hoa này. Dường như ông đã nắm bắt được linh hồn của cỏ hoa, hòn đá, chim muông trong trạng thái tự nhiên của chúng và tái hiện chúng trong những trang trí của ông. Điều này tạo nên nét khác biệt trong trang trí của đồ Kakiemon theo phong cách thuần Nhật với cách trang trí vay mượn từ đồ Akae của Trung Hoa.
Kiểu trang trí thứ ba ảnh hưởng bởi Hà Lan, qua các hình vẽ cỏ hoa, những loài chim nhỏ được sắp xếp một cách cân đối trong những ô nhỏ như hình huy chương, phân bố trên khắp bề mặt món đồ. Từ khi Nagasaki trở thành một thương cảng mà người Hà Lan đến mở công ty giao dịch rất nhiều, đã dẫn đến việc nhập khẩu nhiều mặt hàng từ châu Âu vào đây như: thủy tinh, đồ sứ, đồ vải, đồ đồng, tranh ảnh… Những người thợ làm đồ sứ Nhật Bản đã nhanh chóng lĩnh hội và áp dụng những mẫu mã có trên hàng hóa châu Âu vào việc trang trí trên đồ sứ. Điều này cũng ảnh hưởng lên trang trí của dòng đồ Kakiemon trong thời kỳ thứ nhất. Cũng trong thời kỳ này, một thương gia triệu phú của Imari tên là Toshima Tokuemon đã đến Nagasaki để khuyếch trương giao thương với các nước khác. Tại đây, ông đã giao thương với người Trung Hoa và người Hà Lan và đã ông học được bí quyết tạo ra dòng men đỏ. Ông đã thử nghiệm loại men này trên đồ sứ Kakiemon. Sau nhiều phen thất bại, cuối cùng ông đã thành công và tạo ra một diện mạo mới cho dòng đồ Kakiemon, đó chính là dòng đồ Akaemono của Nhật Bản, xuất khẩu sang cả Trung Hoa và Hà Lan. Ông cũng là người đã thành công trong việc đắp vàng và bạc lên các họa tiết trang trí trên đồ sứ, mở ra một quy trình hoàn chỉnh để sản xuất dòng đồ Nishiki-de (đồ sứ thếp vàng), tạo nên những bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ trên đồ sứ Kakiemon.
Đại diện xuất sắc cho thời kỳ thứ hai (1680 – 1720) của đồ sứ Kakiemon là Shibuemon, người đã tạo nên một phong cách hoàn toàn khác với những phong cách của thời kỳ thứ nhất. Trong thời kỳ này, đồ sứ Kakiemon sử dụng loại cốt thai “bán thấu quang” như đồ Sometsuke (đồ sứ xanh và trắng), tương tự như đồ Imari thông thường, nhưng chất lượng tốt hơn.
Về trang trí, đặc điểm của giai đoạn thứ hai này là sự biến đổi đáng chú ý từ phong cách Kakiemon truyền thống sang phong cách Imari. Nguyên nhân là do sự thay đổi theo thị hiếu của người Nhật. Thời kỳ này người Nhật chuộng vẻ tráng lệ được tạo nên từ những trang trí và phối màu theo kiểu truyền thống của những món đồ Kakiemon sơ kỳ và chuẩn hóa theo phong cách trang trí đa dạng và rối rắm của dòng đồ Imari.
Tuy nhiên, dẫu cho đồ Kakiemon trong thời kỳ này có theo phong cách của Imari, thì vẫn có thể phân biệt được với đồ Imari chính gốc. Trên đồ Imari, họa tiết bao phủ toàn bộ bề mặt của món đồ với sự kết hợp giữa màu sắc và hoa văn, trong khi đó phần trung tâm của các món đồ Kakiemon lại rất thoáng, hoặc chỉ được trang hoàng bằng những hình ảnh minh họa đẹp và gây ấn tượng. Ngoài ra, dù sử dụng màu sắc và hoa văn kiểu Imari, thì đồ Kakiemon vẫn thể hiện chất lượng cao nhất của kỹ thuật tinh xảo truyền thống và thoát ly khỏi sự dễ dãi trong kỹ thuật của đồ Imari. Và có một điều nghịch lý là, Shibuemon, đại diện cho thời kỳ thứ hai của Kakiemon là một thiên tài vì ông đã áp dụng phong cách Imari cho dòng đồ Kakiemon, nhưng lại định nên những kiểu mẫu khiến bản thân những nghệ nhân của dòng đồ Imari phải tuân theo.
Sản phẩm của thời kỳ này là những cái bát hình vuông hoặc tròn, bên trong trang trí hoa cúc, cây thông, cây tre, cây mận đang ra hoa…, còn mặt ngoài lại trình diễn những đường nét đơn giản hay hình chim phượng, cây thông, cây mận hoặc tre, và tô điểm thêm ở phần trung tâm của món đồ bằng những nhánh cây dương xỉ theo kiểu phương Đông. Đó không phải là kiểu trang trí đơn giản, mà được sắp xếp thật sắc sảo bởi nhiều màu sắc tiêu biểu của thời kỳ thứ nhất. Những kiểu trang trí như vậy đã được chuẩn hóa và hình thành nên một Kakiemon-de (phong cách Kakiemon).
Trong thời kỳ thứ ba (1720 – 1950), những nghệ nhân Kakiemon dường như đã cố gắng đưa sản phẩm của họ đến gần hơn với trường phái Imari, và đã củng cố phong cách này, cứ như là bản thân họ là những người thuộc trường phái Imari. Sản phẩm đạt chuẩn của dòng đồ Kakiemon trong thời kỳ này được gọi là Katamono, theo sát trường phái Imari và được coi là biểu tượng của lò Kakiemon nổi tiếng. Phần cốt thai của sản phẩm trong thời kỳ này gần giống với cốt thai “bán thấu quang” của thời kỳ đầu tiên, dù có phần hơi thô, và được gọi là Dami-de (phong cách Dami). Họa tiết trở nên tẻ nhạt và quy ước hóa. Khi dòng đồ Kakiemon bước vào thời kỳ thứ ba thì những lò sứ Nabeshima ở trong vùng đã phát triển thịnh vượng và bắt đầu làm ra những sản phẩm tuyệt vời. Vì thế, gia đình Kakiemon đã đưa vào sản phẩm của mình những đặc điểm về dáng kiểu và hoa văn của dòng đồ Nabeshima. Sau cải cách Minh Trị (1868), dòng họ Kakiemon đã làm sống lại dòng sản phẩm chế tác theo kiểu mẫu châu Âu, giống như họ đã copy những kiểu mẫu của Hà Lan trong thời kỳ thứ nhất. Việc xuất khẩu đồ sứ Kakiemon sang châu Âu và châu Mỹ đã tạo ra một thị trường lớn và những món đồ sứ Kakiemon rất được mến mộ. Vậy là, từ một dòng sản phẩm mang dấu ấn riêng của nghệ nhân, đồ sứ Kakiemon đã được sản xuất theo một quy trình chuyên môn kiểu công nghiệp, với sự tham gia của nhiều người trong việc làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Hũ, đồ sứ Kakiemon, trang trí hoa mẫu đơn
Nậm rượu, đồ sứ Kakiemon, trang trí hoa lá, nhân vật
Hộp, đồ sứ Kakiemon, trang trí chim cút và hoa cúc
Ấm trà, đồ sứ Kakiemon, trang trí hoa mẫu đơn và chim ác là
Dĩa lớn, đồ sứ Kakiemon, trang trí chim công và hoa mai
Dĩa lớn, đồ sứ Kakiemon, trang trí hổ và trúc
2. Đồ sứ Imari
Imari là dòng đồ sứ mà vào buổi sơ kỳ rất gần gũi với những sản phẩm của lò Kakiemon. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, thì dòng đồ Kakiemon có thể bao hàm cả dòng đồ Imari. Lịch sử tồn tại và phát triển của đồ Imari trải qua hai thời kỳ:
Trong thời kỳ thứ nhất (1650 – 1720), đồ sứ Imari có phần cốt thai được làm như đồ Sometsuke (đồ sứ xanh trắng), tương tự như đồ Ch’onghwapaekcha (Thanh họa bạch từ) của vương triều Choson ở Triều Tiên, nhưng có phần trắng hơn. Tuy nhiên, so với đồ sứ Kakiemon thì cốt thai của đồ Imari kém hơn do sử dụng nguồn đất sét có chất lượng kém. Do vậy mà đồ Imari thời kỳ này không được tráng men như đồ Kakiemon; cốt thai có màu đục hơn do lẫn nhiều tạp chất. Cốt thai của đồ sứ Imari tương đồng với đồ Ko-Kutani hơn là với đồ Kakiemon.
Về trang trí, trong thời kỳ này, đồ Kakiemon sử dùng màu sắc để diễn tả các hình ảnh của tự nhiên như động thực vật, phong cảnh, nhân vật… thì trên đồ sứ Imari màu sắc được dùng để sao chép các loại hoa văn trang trí phổ biến trên đồ dệt để tái hiện trên đồ sứ. Các nghệ nhân của dòng Imari đã sưu tầm nhiều kiểu thức hoa văn trên đồ dệt và bố trí, sắp xếp chúng rất khéo léo lên toàn bộ bề mặt của những món đồ sứ. Những hoa văn nhỏ này được kế thừa từ những hoa văn dệt trên đồ vải. Nếu trên đồ Kakiemon có nhiều mảng cốt thai không được phủ men hay trang trí hoa văn thì trên đồ Imari hoa văn trang trí đã phủ kín toàn bộ bề mặt. Điều này được lý giải là sử dụng việc trang hoàng để che bớt phần xương sứ có phần thô và đục. Về mặt xã hội, điều này còn thể hiện tinh thần của thời đại và thị hiếu của người dân lúc bấy giờ luôn hướng đến những gì rực rỡ và đẹp đẽ. Đây chính là thời kỳ thịnh hành của “văn hóa thương nhân” (Merchant culture) ở Nhật Bản, nên văn hóa đã đạt tới đỉnh cao trong thời kỳ Genroku (1688 – 1703) và lan khắp lãnh thổ Nhật Bản vào thời điểm bắt đầu của thời kỳ Edo (1603 – 1868). “Văn hóa thương nhân” này chính là tiền đề dẫn đến sự ra đời của phong cách Kinran-de (phong cách thêu kim tuyến), khiến Nhật Bản đã phải tiêu tốn rất nhiều vàng cho kiểu trang trí này.
Đồ Imari được làm ra chủ yếu dành cho tầng lớp trọc phú. Vì thế chúng phải phục vụ cho thị hiếu của những người đặc biệt trong hàng ngũ thương gia này. Trong khi tại các lò Kakiemon luôn có những nghệ sĩ chuyên nghiệp đảm nhiệm việc thể hiện các đồ án trang trí hoàn chỉnh lên đồ sứ, thì tại các lò Imari, những người thợ ít quan tâm hoặc không quan tâm đến nghệ thuật cũng được tuyển dụng để vẽ những chi tiết trang trí trong những đồ án đã được tách rời thành nhiều phần. Vì vậy họ tiếp tục sử dụng những họa tiết trang trí lấy mẫu từ những kiểu hoa văn dễ dàng tìm thấy trên đồ dệt. Nhiều dấu hiệu của một nền “văn hóa bình dị” được khơi nguồn trong lãnh địa của Imari, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Kyoto. Người ta đã nhận diện một sức mạnh khởi phát từ những người không thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến và một thị hiếu ngoại lai đang dần lớn lên trong vùng này, tách biệt với trung tâm văn hóa truyền thống ở Kyoto. Imari nằm ở vùng phụ cận thương cảng Nagasaki, vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ Hà Lan. Cả dân chúng Nhật Bản và những người ngoại quốc làm việc nơi đây đều đánh giá cao dòng đồ sứ Imari, và đã hình thành một thị trường gốm sứ xuất khẩu lớn qua ngõ Imari.
Việc phủ kín bề mặt bởi những chi tiết trang trí vay mượn từ đồ dệt trên đồ Imari đã dẫn đến sự hoàn thiện và chuẩn hóa một phong cách trang trí diễn ra trong suốt thời kỳ thứ hai. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu trên đồ Imari vẫn có những mẫu trang trí khác, trong đó có nhiều mẫu phản ánh những phong tục tập quán thời bấy giờ. Chẳng hạn, hình ảnh của đàn ông và đàn bà Nhật Bản phổ biến trên dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản (Ukiyo-e) thời kỳ này xuất hiện rất nhiều trên đồ Imari. Điều này ghi nhận sự thể hiện tài tình “thị hiếu thương gia” trên đồ Imari và lý giải cho tính đại chúng của dòng đồ này.
Bước sang thời kỳ thứ hai, từ năm 1720, đồ Imari bắt đầu quá trình chuẩn hóa về dáng kiểu, hoa văn, men màu. Những gì được các nghệ nhân Imari sáng tạo trong thời kỳ thứ nhất đã được các nghệ nhân của thời kỳ thứ hai chuẩn hóa (katamono) và bảo toàn, từ dáng kiểu, mẫu mã, họa tiết…, cho các giai đoạn phát triển kế tiếp. Từ sự chuẩn hóa này, các đồ án trang trí như: Gosôbune (Năm chiếc thuyền), Kinko-sennin (Người chơi đàn hạc) và những hoa văn mang đặc trưng Trung Hoa… đã trở thành khuôn mẫu kinh điển của đồ Imari.
Vào khoảng giữa thời kỳ thứ hai, sau khi Arita bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi thành tro, kỹ nghệ đồ sứ cũng bắt đầu suy thoái. Nguyên nhân là do sự tràn lan của những màu men chạy theo thị hiếu nhưng không tinh lọc, giống như sự suy đồi đã từng trải qua trong dòng tranh khắc gỗ Ukiyoe trong giai đoạn cuối cùng của nó. Đồ Imari thời kỳ này có cốt thai lẫn nhiều tạp chất, còn màu thì lòe loẹt giống như tranh sơn dầu. Nhiều loại vàng kém chất lượng được dùng để đắp lên các họa tiết khiến cho hoa văn trang trí hiện ra như những mảng khảm lạc lõng và mất đi mục đích chính của nó là trang trí cho đồ sứ.
Trên những món đồ sứ Imari thời kỳ này có những đồ án trang trí miêu tả những con tàu hay những phong tục tập quán của Hà Lan. Nguyên nhân là vì đồ sứ Imari đã có mối quan hệ gần gũi với Hà Lan từ thời kỳ thứ nhất, khi đồ sứ Nhật Bản được Công ty Đông Ấn Hà Lan mua và xuất khẩu sang các nước khác, nhiều nhất là châu Âu. Tuy nhiên, nếu đồ Kakiemon ảnh hưởng phong cách châu Âu qua các đồ án vẽ hoa lá rất trau chuốt, thì trang trí trên đồ Imari tập trung phản ánh những phong cảnh, phong tục tập quán của nước ngoài. Đây là một đặc điểm cốt yếu của đồ Imari thời kỳ này.
Tô, đồ sứ Imari, trang trí hoa lá
Chóe, đồ sứ Imari, trang trí theo phong cách Akae Trung Hoa
Bình tứ giác, đồ sứ Imari, trang trí tứ quý
Tượng geisha, đồ sứ Imari
Chóe lớn, đồ sứ Imari, trang trí long phụng và bách hoa. Sưu tập Nguyễn Quang Vinh, TP. Hồ Chí Minh
Chóe bát giác, đồ sứ Imari, trang trí hoa lá. Sưu tập Nguyễn Quang Vinh, TP. Hồ Chí Minh
Tác giả: Trần Đức Anh Sơn