(tiếp phần 1)

3. Đồ sứ Kutani
Đồ Kutani phát triển qua hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất gọi là Ko-Kutani (Kutani cổ); thời kỳ thứ hai gọi là Shin-Kutani (Kutani mới).

Trong thời kỳ thứ nhất (1650 – 1690), đồ sứ Ko-Kutani và phát triển mạnh và nổi tiếng khắp Nhật Bản, cho dù thời gian tồn tại của nó chỉ khoảng 40 năm. Trong một thời gian ngắn như thế, nhưng Ko-Kutani đã đạt được vinh quang nhờ sự nỗ lực của Goto Saijiro, một lãnh chúa phong kiến đầy quyền lực. Sản phẩm Ko-Kutani gồm nhiều chủng loại, đa dạng về dáng kiểu và trang trí. Cội nguồn của những thành công này có thể được giải thích là nhờ việc tổ chức và quản lý trong các lò sứ Ko-Kutani tương tự như cách tổ chức và quản lý trong quan xưởng Cảnh Đức Trấn của Trung Hoa. Đội ngũ thợ thuyền, từ những người đảm trách việc nghiền đá, tinh lọc đất sét, tạo cốt… cho đến các họa sĩ trang trí, thợ đốt lò… đều là những chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, còn có những người thợ được trưng tập từ Triều Tiên, Trung Hoa hay từ các địa phương của Nhật Bản như Kyoto, Hizen… Những người này đã vận dụng những kỹ thuật truyền thống từ quê hương bản quán của mình vào việc chế tác đồ Ko-Kutani, nhờ vậy mà dòng đồ này đã phát triển thịnh đạt trong một thời gian ngắn.

Về cốt thai, nhìn chung, chất lượng không cao như đồ Kakiemon. Xương sứ Ko-Kutani không được tinh lọc hoàn toàn và được bao phủ bằng một lớp men dày. Cốt sứ trắng đục và nhuốm màu đất sét. Trong thời kỳ đầu, cốt thai lẫn nhiều tạp chất. Nguyên nhân là do sự non kém về kỹ thuật và do chất lượng của loại đất sét dùng làm nguyên liệu. Tuy nhiên, chất lượng cốt sứ được cải tiến dần theo thời gian.

Về màu sắc, màu lam trên dòng đồ này hơi ngã về đen còn màu đỏ thì không tươi sáng như màu đỏ của đồ Kakiemon, mà là màu đỏ nhuốm đen và không bóng. Màu lục thì đậm và giống như màu nước ở những nơi sâu thẳm. Các màu khác cũng có tình trạng “đậm đà” tương tự. Tông màu sáng của dòng đồ Kakiemon và dòng đồ Nabeshima có thể gọi là “tông màu phương Nam”, trong khi tông màu tối và lạnh của đồ Ko-Kutani là “tông màu phương Bắc”. Đây là đặc điểm dễ nhận diện khi so sánh các dòng gốm màu này của Nhật Bản.

Về dáng kiểu, đồ Ko-Kutani có những kiểu bình có hình thù kỳ dị, là kết quả của sự biến dạng khi nung bởi sử dụng đất sét có độ nung chảy thấp. Song điều này lại tạo nên sự thích thú đối với sản phẩm và giúp cho việc hình thành kiểu thị hiếu mộc mạc đối với những người đam mê đồ Ko-Kutani.

Về họa tiết, trên đồ Kutani, những đường viền được thể hiện bởi những nét cọ lớn, vội vàng, mạnh mẽ và không đều nhau. Chúng viền quanh những chi tiết trang trí với màu đen, hay bị lấp kín bởi những mảng màu sắc như đã miêu tả trên đây.

Goto Saijiro là người khởi xướng dòng đồ Ko-Kutani và ông đã làm tất cả để cho dòng sản phẩm trở nên tốt nhất theo quan niệm của ông. Vì thế, ông cho áp dụng nhiều trường phái trang trí khác nhau lên đồ Ko-Kutani. Và trong khoảng thời gian 40 năm phát triển, trang trí trên đồ Ko-Kutani mang dấu ấn của nhiều trường phái: kiểu Akae Trung Hoa, kiểu Kakiemon và Imari của Arita… Song ông cũng tạo nên một phong cách độc nhất vô nhị của riêng ông.

Các nhà khảo cứu Nhật Bản đã nhận diện trang trí trên đồ sứ Ko-Kutani có các nhóm phong cách sau: phong cách Trung Hoa (ảnh hưởng trang trí của triều Vạn Lịch và triều Tuyên Đức thời Minh), phong cách Kano, phong cách Yamato, phong cách Imari (là những phong cách riêng của gốm sứ Nhật Bản), phong cách Ba Tư (ảnh hưởng từ văn hóa Ả Rập), phong cách Ai Ko-Kutani (với các sắc màu chàm rất đậm)…

Thời kỳ thứ hai của đồ Kutani bắt đầu từ năm 1820 trở đi. Những lò Kutani thuộc thời kỳ thứ nhất (Ko-Kutani) đã bị hoang phế trong suốt thời kỳ Genroku (1688 – 1703). Khoảng 130 năm sau, vào thời kỳ Bunka (1804 – 1817), Mokubei, một người thợ sứ xuất chúng, được mời từ Kyoto đến Kutani để chấn hưng kỹ nghệ gốm sứ nơi này. Mokubei đã giúp khôi phục một số lò sứ ở thung lũng Kutani và việc sản xuất đồ sứ ở Kutani bắt đầu hồi phục trở lại. Sự hồi phục của đồ sứ Kutani đã khai sinh ra dòng đồ Shin-Kutani (đồ Kutani mới), đồng thời tạo ảnh hưởng rất lớn đối với ngành gốm sứ trên toàn quốc. Theo đó, kỹ nghệ gốm sứ Nhật Bản đã hồi sinh và phát triển cho đến ngày nay. Mokubei đã phục hồi việc sản xuất đồ sứ tại Kutani từ sự sao chép hoàn toàn và chính xác các dòng đồ: Celadon, Akae, Sunkoroku (đồ gốm Xiêm La), Namban (đồ sứ phương Tây), Korai (đồ sứ Triều Tiên) và Ninsei (của Nhật Bản). Tất cả những dòng đồ này đang là mốt hiện hành ở Kyoto lúc bấy giờ. Vì thế đồ Shin-Kutani được xem như là một nhánh của đồ sứ Kyoto.

Một người thợ gốm của dòng đồ Wakasugi, chịu ảnh hưởng bởi phong cách Imari, đã chủ tâm làm ra những món đồ sứ mới phỏng theo đồ Ko-Kutani với mục đích phục hồi dòng đồ Ko-Kutani của thời kỳ thứ nhất. Ông đã phái một người thợ tên là Eiraku Wazen cùng với em trai của ông là Nishimura Sosaburo từ Kyoto đến Kutani để hợp tác sản xuất đồ sứ, và đã định hình một trường phái mới gọi là Eiraku-de tại Kutani.

Trên đại thể, có thể phân dòng sản phẩm Shin-Kutani này thành bốn nhóm dựa theo niên đại. Mỗi nhóm có những đặc điểm riêng và chịu ảnh hưởng từ bối cảnh xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.

* Đồ Shin-Kutani thời kỳ Bunka và Bunsei (1804 – 1929)

Vào thời kỳ Bunsei, các phong tục tập quán trong xã hội Nhật Bản, của cả tầng lớp thượng lưu và hạ lưu, đều liên quan đến phái nữ trong xã hội, tuân thủ và phục tùng nữ giới vì đây là những người mang lại niềm vui cho xã hội Nhật Bản bấy giờ. Nguyên nhân là do đây là thời kỳ của chủ nghĩa hưởng lạc. Người Nhật hưởng thụ hòa bình trong suốt 200 năm, kể từ khi chính quyền Tokugawa chấp chính. Dòng sản phẩm mới của đồ sứ Kutani cũng bị cuốn vào trào lưu này, do vậy, đã mất đi những giá trị thực sự và sự trang trọng của đồ sứ Ko-Kutani truyền thống. Những đường viền trên đồ sứ cạn hơn, màu sắc không rõ ràng và xám xịt, cốt sứ thì nhẹ, cách nung thì cẩu thả, bố cục các chi tiết trang trí tầm thường. Tuy nhiên, với vẻ bề ngoài mềm mại, đồ Shin-Kutani trong thời kỳ này cũng thể hiện được đôi chút thanh nhã và phù hợp với thị hiếu hiện thời của người Nhật.

* Đồ Shin-Kutani thời kỳ Tempo (1830 – 1843)

Vào thời gian này, văn học lãng mạn Trung Hoa có ảnh hưởng rất lớn đến thị hiếu của người Nhật, đến mức có những người Nhật đã dùng cách đặt tên hay cách phát âm của người Trung Hoa trong tên gọi của mình. Những người thợ làm đồ sứ ở Kutani cũng chịu tác động bởi ảnh hưởng này. Họ làm theo phong cách của đồ Akae Trung Hoa, dưới sự giám hộ của những giám quản đến từ Kyoto. Những người này đã lựa chọn những đồ án hay chi tiết trang trí từ các cuốn sách của Trung Hoa để làm mẫu cho đồ sứ. Màu đỏ và màu hoàng kim được thể hiện trên trên một nền màu vàng lòng đỏ trứng gà và không sáng, được cho là rất hiệu quả. Cốt sứ cũng đã đạt đến mức “bán thấu quang” nhờ sự nóng chảy một phần của nguyên liệu.

* Đồ Shin-Kutani trong cuộc cải cách Minh Trị (1868)

Trong cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị (Meiji), nhiều hệ tư tưởng khác biệt của hai nền văn minh phương Đông và phương Tây đều được giới thiệu và hòa quyện với nhau ở Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, đồ sứ Shin-Kutani cũng theo trào lưu của thời đại, sáng tạo ra một kiểu trang trí mới, sử dụng màu đỏ theo kiểu Trung Hoa, kết hợp với những nước men theo kiểu châu Âu, màu đỏ và trắng theo kiểu truyền thống của Kutani. Riêng màu đen trong thời kỳ này không còn bóng như trước. Điều này khiến cho giá trị nghệ thuật của đồ Kutani bị suy giảm đáng kể.

* Đồ Shin-Kutani sau cải cách Minh Trị (từ 1868 trở đi)

Từ sau cuộc cải cách Minh Trị cho đến ngày nay, những người làm chế tác đồ sứ Kutani liên tục thí nghiệm và cải tiến sản phẩm của mình. Đầu tiên là ứng dụng các kỹ thuật châu Âu để làm ra những món đồ sứ gia dụng, phân phối khắp Nhật Bản và xuất khẩu với quy mô lớn đến các vùng khác trên thế giới. Điều này đã làm nên tên tuổi của đồ sứ Kutani. Tuy nhiên, những đặc trưng truyền thống của dòng đồ Ko-Kutani đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là rất nhiều khiếm khuyết, về cả màu sắc, trang trí và chất lượng sản phẩm. Điều đáng tiếc là người ta đã không giới thiệu với khách hàng nghệ thuật tuyệt vời của dòng đồ Ko-Kutani mà chỉ đưa đến cho họ một diện mạo khác hẳn của dòng đồ sứ nổi danh một thuở này.

Dĩa, đồ sứ Ko-Kutani, trang trí nhân vật ở trung tâm và hồi văn bên ngoài

 

Dĩa, đồ sứ Ko-Kutani, trang trí hoa lá ở trung tâm và hồi văn bên ngoài

Dĩa, đồ sứ Ko-Kutani, trang trí đôi chim ở trung tâm và hồi văn bên ngoài

Nậm rượu, đồ sứ Ko-Kutani, trang trí bảy loại thảo mộc quý theo phong cách Akae Trung Hoa

Nậm rượu hai eo, đồ sứ Ko-Kutani, trang trí hoa và bát bửu

 

4. Đồ sứ Nabeshima
Dòng đồ sứ Nabeshima được khởi lập từ năm 1722, dưới thời Kyoho và kéo dài cho đến tận cuộc cải cách Minh Trị (1868). Đây là dòng đồ sứ tương đối thuần nhất, với những đặc trưng khác riêng biệt và là dòng đồ sứ cao cấp của Nhật Bản.

Đồ sứ Nabeshima có cốt thai rất mịn. Màu men phủ nghiêng về sắc chàm (Gosu), không quá sáng nhưng rất mượt mà và không lòe loẹt. So sánh với đồ Kakiemon, cốt sứ Nabeshima có màu xanh nhẹ hơn, nhưng lại trắng hơn so với cốt thai của đồ Imari. Phần men bao phủ cũng như phần nền dùng để trang trí đạt đến sự tinh tế nhờ màu men bóng và sự đều đặn tuyệt đối của lớp phủ bề mặt.

Về dáng kiểu, phần lớn sản phẩm của lò Nabeshima là những đồ dùng hàng ngày, đa phần là dĩa và rất phù hợp với thị hiếu của giới quý tộc. Những cái dĩa thể hiện nét đặc trưng của đồ sứ Nabeshima: phần chính giữa có xương sứ rất dày và mỏng dần về phía mép dĩa. Có sự khác biệt đáng kể về độ dày giữa phần trong và phần ngoài của dĩa. Mức độ uốn cong trên bề mặt bên trong là rất lớn, nhưng nhìn từ phía đáy thì trông có vẻ hoàn toàn bằng phẳng. Tuy nhiên, đó không phải là một mặt phẳng thật sự, mà chỉ là cách phô bày những đường cong nhẹ nhàng và tinh tế. Bất cứ ai quan sát mặt bên trong của đồ Nabeshima đều phải tấm tắt khen ngợi vẻ đẹp của món đồ. Sự khác nhau về những đường cong của mặt trong và mặt ngoài được thể hiện một cách cân xứng và dễ chịu. Vì thế, dáng kiểu của dòng đồ Nabeshima rất trau chuốt, trông rất duyên dáng và có giá trị thẩm mỹ cao. Nếu đồ Ko-Kutani hấp dẫn bởi các chi tiết trang trí đầy màu sắc và vẻ mộc mạc mạnh mẽ của nó, thì đồ sứ Nabeshima lại cuốn hút bởi yếu tố tuyệt vời và tao nhã của nó. Thực tế là dòng sản phẩm Nabeshima chỉ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của tầng lớp trên hoặc chỉ được dùng để làm quà. Họ chỉ lựa chọn những tác phẩm đẹp nhất và đập bỏ những sản phẩm kém hoàn hảo. Một lý do khác là họ chỉ dùng loại đất sét có chất lượng tốt nhất với những người thợ có kỹ thuật tuyệt vời nhất để tạo ra đồ sứ Nabeshima.

Về màu sắc, giữa màu đỏ dùng trong trang trí của đồ sứ Nabeshima và những màu đỏ của dòng đồ Ko-Kutani và Kakiemon có một sự khác biệt rõ ràng. Màu đỏ của Nabeshima là màu đỏ thắm, trong khi màu đỏ của đồ Ko-Kutani và Kakiemon thuộc nhóm màu đỏ thẩm. Nó duyên dáng hơn và quyến rũ hơn vẻ sáng sủa của đồ Kakiemon. Nó không pha với màu đen hay màu đỏ tía của đồ Ko-Kutani, và trông hơi cổ. Nó đạt đến sự tinh xảo và tráng lệ. Màu men xanh và vàng của đồ Nabeshima được vẽ dày bóng hơn, trong hơn so với đồ Kakiemon và Ko-Kutani. Đồ Nabeshima nổi tiếng nhờ sự hài hòa về màu sắc. Ngay cả đồ sứ Ko-Kutani, Imari và đồ Trung Hoa không bao giờ sánh kịp đồ Nabeshima về vẻ đẹp và sự hài hòa màu sắc.

Màu sắc trên đồ Nabeshima thường được giới hạn trong ba màu: đỏ, lục và vàng, với sự ngoại lệ là lớp nền tráng men màu chàm. Thi thoảng màu tím và màu đen cũng được dùng đến, nhưng rất hiếm. Sự hài hòa màu sắc trên dòng đồ Nabeshima chính là nhờ việc bố trí ba màu đỏ, lục và vàng một cách cân đối và hợp lý. Điều điều tuyệt này là kết quả của một sự trải nghiệm thú vị, từ sự mô phỏng dòng đồ Akae của Trung Hoa dưới thời Ung Chính (1723 – 1735) và thay đổi cho phù hợp với sở thích của người Nhật. Có thể so sánh màu sắc trên đồ sứ Nabeshima với màu sắc trên những bức tranh của Harunobu, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới về nghệ thuật tranh khắc gỗ (Ukiyoe) của Nhật Bản. Đó là một thành công tuyệt vời khi thể hiện một cách khéo léo những đặc điểm của nền văn hóa Yedo rực rỡ với rất ít màu sắc như thế. Trong hoàn cảnh đó, chính hình dáng và những nét vẽ tự nhiên đã đóng một phần quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa của màu sắc.

Về trang trí, các nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản đã thống nhất định danh một phong cách trang trí của dòng đồ này và gọi đó phong cách Nabeshima. Trong thời kỳ đầu, trang trí trên đồ sứ Nabeshima chịu sự ảnh hưởng của các trường phái như: trường phái Kano (với các đồ án phong cảnh), trường phái Imari (với các kiểu trang trí đường lượn bao phủ bề mặt sản phẩm với ba màu: đỏ, lục và vàng); và trường phái Kakiemon (với các kiểu hoa văn do Shibuemon, người đã thành công trong việc pha trộn Kakiemon và Imari, sáng tạo nên). Điều này là do có thể vào thời kỳ đầu của Nabeshima, người ta đã mời nhiều chuyên gia từ những lò của Kakiemon về trợ giúp, và tất nhiên, những nét đặc trưng của Kakiemon đã được thể hiện trên dòng đồ Nabeshima.

Tuy nhiên, ở thời kỳ đỉnh cao, đã có một phong cách Nabeshima thực sự. Những nghệ nhân của Nabeshima, từ cảm nhận tự nhiên, đã đưa vào các đồ án trang trí những chi tiết thích hợp và loại bỏ những gì không cần thiết. Họ chú trọng đến việc bố trí các chi tiết trang trí vào những chỗ cong của cái dĩa, hơn là sáng tác một chi tiết cho phù hợp với đồ án trang trí. Họ đưa lên món đồ hình ảnh giản lược của các loại hoa và các loại thực vật, có thể là một cái cây lớn nhưng đơn độc, hay một bông hoa riêng lẽ trên bề mặt của chiếc dĩa và để dành phần diện tích còn lại cho lớp men phủ màu trắng đục rất đẹp. Những họa sĩ của dòng đồ Nabeshima đã có công lao thực sự khi họ thể hiện chính xác sở thích của người Nhật đối với đồ sứ và rủ bỏ hoàn toàn những phụ thuộc vào văn hóa Trung Hoa. Hầu hết trang trí trên đồ Nabeshima là thực vật và hoa, đôi khi là các loài chim nhưng rất hiếm hình ảnh của các loài thú. So sánh các kiểu trang trí trên đồ sứ với những trường phái hội họa qua các thời kỳ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản cho rằng đồ Kutani ảnh hưởng bởi trường phái Kano học theo nghệ thuật Trung Hoa; đồ Kakiemon liên quan đến trường phái Tossa của Yamato-e; đồ Imari thì liên quan đến thể loại cảnh vật của thời Momoyama hoặc cảnh vật trên tranh khắc gỗ Ukiyoe. Trong khi đó, đồ Nabeshima lại chịu ảnh hưởng của trường phái Korin hay Shijo.

Đặc điểm quan trọng nhất của những trang trí trên đồ Nabeshima là sự hài hòa tuyệt vời của những chi tiết trang trí với hình dáng tương ứng của món đồ. Đó là những đường nét mảnh mai thể hiện những đám cỏ và những bông hoa, hài hòa với đường cong của bề mặt chiếc dĩa. Dù chỉ những đường kẻ mềm mại nhưng đậm nét và mạnh mẽ. Chiếc dĩa và những hoa văn hài hòa tuyệt vời đến mức có xu hướng hoài nghi rằng trang trí gốc được vẽ ngay trên chiếc đĩa. Màu sắc trên các món đồ Nabeshima có tông màu trầm hơn ở vùng trung tâm và sáng dần về phía bờ mép.

Ngoài những trang trí chủ ý từ trước còn có những núm tua, xoáy nước, quả bầu và các kiểu hoa văn làm nổi bật sự hài hòa giữa màu sắc, đường nét với bề mặt uốn cong của sản phẩm. Đây là một đặc điểm riêng biệt của dòng Nabeshima. Vì thế, mỗi trang trí đều có sự phù hợp tuyệt vời với màu sắc và hình dáng của sản phẩm. Ba điều này đã tạo nên sự hoàn hảo cho dòng đồ sứ nổi danh này. Có thể nói rằng, đồ sứ Nabeshima có thể sánh ngang với những sản phẩm của Trung Hoa được chế tác trong các quan xưởng ở Cảnh Đức Trấn dưới triều Ung Chính. Và đây là những sản phẩm phản ánh chân xác sở thích của giới quý tộc Nhật Bản đương thời.

Vành chân đế và mặt ngoài của các sản phẩm Nabeshima cũng được trang trí bởi những đường viền màu chàm, hay là những kẻ hình gân lá cùng với những trang trí màu xanh và men phủ màu vàng. Kiểu trang trí này là một bằng chứng về sự ảnh hưởng của đồ Akae Ung Chính đối với trang trí trên đồ Nabeshima. Cùng với kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, những đường kẻ này đã góp phần tạo nên một vẻ đẹp hài hòa và nét thanh nhã tuyệt mỹ của dòng đồ Nabeshima.

Dĩa, đồ sứ Nabeshima, trang trí hoa lá

Dĩa, đồ sứ Nabeshima, trang trí hoa lan

Dĩa, đồ sứ Nabeshima, trang trí lan thạch

Dĩa, đồ sứ Nabeshima, trang trí hồi văn hình bông hoa

Dĩa, đồ sứ Nabeshima, trang trí 4 kiểu hồi văn phối hợp

Đồ sứ màu Nhật Bản du nhập vào Việt Nam từ rất sớm thông qua các hoạt động giao thương dưới thời chúa Nguyễn. Trong kho của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện vẫn còn lưu giữ ba cái chóe và một số dĩa vẽ màu thuộc dòng đồ Imari có niên đại thế kỷ XVII. Ngoài ra còn có những số bộ đồ trà kiểu Shin-Kutani được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Nhiều nhà sưu tập ở Hà Nội, Sài Gòn cũng đang sở hữu những bộ sưu tập đồ sộ gồm những bình, chóe, lọ, dĩa thuộc các dòng đồ: Imari, Kakiemon, Ko-Kutani và nhiều nhất là đồ Satsuma, một dòng đồ sứ Nhật xuất xứ từ vùng Satsuma xưa, nay là tỉnh Kasoshima ở phía nam Nhật Bản.

Chóe lớn, đồ sứ Satsuma, trang trí rồng và nhân vật. Sưu tập Nguyễn Quang Vinh, TP. Hồ Chí Minh

Song rất hiếm người có được những món đồ sứ Nhật Bản thuộc dòng Nabeshima vì đây là một dòng đồ cao cấp và hiếm khi xuất khẩu ra bên ngoài. Trong trào lưu chung, đồ Tàu, đồ ta ngày càng khan hiếm, giá lại quá đắt. Vì thế, nhiều nhà sưu tập bắt đầu quan tâm đến dòng đồ màu Nhật Bản. Có lẽ, trong giới chơi cổ ngoạn Việt Nam, “thời” của đồ sứ màu Nhật Bản đang đến rất gần.

T.Đ.A.S.

 * Thông tin trong bài chủ yếu dựa vào cuốn sách: Japanese Coloured Porcelain: An Introductory Explanation của Yuzo Yamane, do Kyoto Shoin Co.,LTD xuất bản vào năm 1997.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.