Đông cung là nơi ở của các thế tử, người sẽ được kế vị ngôi chúa Trịnh. Sách Hoàng Lê nhất thống chí cho hay: “Theo lệ cũ, người con trai nối ngôi chúa hễ đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông cung”.1 Theo đó, trong khoảng thời gian từ 13 đến 16 tuổi, người được chúa Trịnh lựa chọn để truyền ngôi, sẽ được tấn phong thế tử và được vào ở tại Đông cung ở bên trong phủ chúa Trịnh. Những món đồ sứ ký kiểu hiệu đề Nội phủ thị đông chính là đồ dùng của các thế tử tại Đông cung. Việc tấn phong thế tử của họ Trịnh bắt đầu từ đời chúa Trịnh Cương (1709 – 1929) khi chúa phong cho Trịnh Giang làm thế tử vào năm 1720. Trong suốt 243 năm chúa Trịnh cầm quyền ở Đàng Ngoài (1545 – 1788) chỉ có ba người được phong làm thế tử. Đó là: Trịnh Giang (phong năm 1720), Trịnh Sâm (1745) và Trịnh Cán (1780). Vì thế, đồ sứ Nội phủ thị đông được ký kiểu sớm nhất phải từ năm 1721 trở đi sau khi có việc tấn phong thế tử lần đầu tiên cho Trịnh Giang vào năm 1720.

Thời Lê – Trịnh, từ triều Quang Hưng (1578 – 1599) trở về sau, người được lựa chọn để kế vị ngôi chúa, khi đến tuổi thành niên, sẽ được phong làm Quốc công tiết chế và được tham gia cai trị quốc gia. Chẳng hạn, năm 1720, khi Trịnh Giang được chúa Trịnh Cương phong làm thế tử, thì đến năm 1727, ông được phong là Tiết chế thủy bộ chủ quân, Thái úy Thịnh quốc công và cho mở phủ Diện quốc2 để ở ; hoặc Trịnh Sâm sau khi được phong làm thế tử vào năm 1745 thì đến năm 1758, ông được chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767) phong cho ông làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, Thái úy Tĩnh Quốc công, cho mở phủ Lượng quốc để ở, đồng thời chúa Trịnh Doanh cũng giao hết thảy công việc triều chính cho Trịnh Sâm xử lý. Đến đây thì nảy sinh một câu hỏi rất cần giải đáp: Đó là sau khi ra lập phủ đệ riêng, các thế tử họ Trịnh có được phép mang đồ sứ Nội phủ thị đông của Đông cung đi theo hay không?

Vì là đồ dùng trong cung điện của thế tử, nên các món đồ sứ Nội phủ thị đông thường được vẽ lân, linh vật thứ hai trong tứ linh. Theo điển tích Trung Hoa, lân là linh thú biểu trưng cho sự hoàn thiện, cao cả, khoan dung và sự khôn khéo. Hình tượng lân cưỡi thủy ba (sóng biển) được coi là biểu tượng của thanh bình. Lân cũng được chọn làm hình ảnh của các vị thái tử trong thế đối sánh long – lân (vua – thái tử). Vì chúa Trịnh tiếm quyền vua Lê nên hình ảnh con lân cũng được các chúa Trịnh tiếm dụng làm biểu tượng của thế tử và được chọn để trang trí cho các món đồ sứ Nội phủ thị đông.

1. Đồ sứ Nội phủ thị đông đời chúa Trịnh Cương

Đồ sứ Nội phủ thị đông đời Trịnh Cương được trang trí rất sinh động, với những nét vẽ tài tình và tự nhiên. Trên một chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị đông (sưu tập Phạm Hy Tùng)3 trang trí đề tài lân hí thủy, vẽ hai con kỳ lân đang nô đùa trên sóng nước ở giữa những đám mây trông rất sống động. Con thứ nhất đang cưỡi trên đỉnh một ngọn sóng, trong khi con thứ hai dường như đang từ trên trời bay xuống với bốn chân dang rộng. Nét vẽ được chăm chút, tỉ mỉ, nhất là ở các chi tiết như cái bờm, cái đuôi xoắn và các lớp vảy trên thân. Những ngọn sóng mang đặc trưng kiểu văn thủy ba đời Trịnh Cương với những làn sóng uốn lượn nhẹ nhàng. Bố cục họa tiết đơn giản nhưng hợp lý, nhấn mạnh sự chuyển động của các ngọn sóng khiến họa tiết sinh động một cách tự nhiên. Mặt ngoài chiếc đĩa cũng trang trí hình hai con lân khác đang nằm trên các ngọn sóng.

Cũng đề tài lân hí thủy, nhưng trang trí trên cái đĩa Nội phủ thị đông của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM lại có chút biến đổi: một con lân đang đứng trên ngọn sóng quay đầu nhìn một con lân khác đang nhảy qua mình nó. Mặt ngoài chiếc đĩa này chỉ vẽ duy nhất một con lân đang nô đùa với các con sóng. Dưới đáy chiếc đĩa này, ngoài hiệu đề được viết bằng màu lam dưới lớp men phủ, còn có bốn chữ Hán giá quyết thập khẩu,  nghĩa là “cái (đĩa) này quyết định được thu nhập (như) là hàng nhập khẩu”. Đây là các chữ Hán được chủ nhân món đồ khắc thêm sau này.

Ngoài ra, trên những chiếc bát Nội phủ thị đông được ký kiểu vào đời chúa Trịnh Cương, những nghệ nhân trang trí chỉ vẽ hình hai con lân cùng đứng trên một ngọn sóng, đầu quay về phía sau theo hai hướng ngược nhau.

2. Đồ sứ Nội phủ thị đông đời chúa Trịnh Doanh

Các đồ sứ Nội phủ thị đông do chúa Trịnh Doanh đặt làm cho thế tử Trịnh Sâm cũng tuân theo chủ đề và bố cục trang trí như đồ sứ Nội phủ thị đông đời chúa Trịnh Cương. Song cũng có một vài thay đổi trong họa tiết như: con kỳ lân chỉ có một sừng duy nhất (đây là lần đầu tiên trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh xuất hiện hình vẽ kỳ lân một sừng), hay sự hiện diện của những ngọn lửa xuất phát từ trên thân con lân và hình một ngọn sóng lớn vươn lên cao và biến thành đám mây.

Điển hình cho motif này là chiếc đĩa Nội phủ thị đông nguyên thuộc sưu tập của Vương Hồng Sển4 vẽ hình một con kỳ lân đang chạy trên các ngọn sóng và con lân thứ nhì thì đang nhảy múa trên không trung, giữa hai con lân là một quả cầu với bốn tia lửa tỏa ra bốn hướng. Bố cục trang trí hơi rườm rà, nét vẽ cách điệu, ít linh hoạt và hồn nhiên như các đồ án trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị đông đời chúa Trịnh Cương.

Hình ảnh con kỳ lân với một sừng duy nhất đã xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam trong các thế kỷ XVI – XVII, ở trên bệ đá chùa Bút Tháp và trên cặp chân đèn gốm Bát Tràng do Đỗ Phủ chế tác5 vào đời Hoằng Định (1601 – 1619). Trên cặp chân đèn gốm Bát Tràng này, con lân một sừng mang trên lưng một vòng tròn âm dương, thường được gọi là long mã, một biến thể với đầu rồng, mình lân, chân ngựa.

Ngoài ra, trong sưu tập Dương Hà (TPHCM) có một chiếc đĩa Nội phủ thị đông, cũng là đồ sứ ký kiểu đời chúa Trịnh Doanh, vẽ hai con kỳ lân, một con có một sừng, con còn lại có hai sừng và một vầng mây và sóng kết hợp che ở phía trên hai con lân này. Bố cục trang trí của chiếc đĩa này trông rối rắm hơn so với các đồ án trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị đông đời Trịnh Cương.

Kỳ lạ hơn là lối vẽ con kỳ lân cưỡi sóng trong lòng một chiếc đĩa nhỏ thuộc sưu tập của Jochen May ở Neustadt (Đức). Con lân này có một cái mõm dài và nhọn, khác với tất cả những con lân từng xuất hiện trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh. Hiện tại, chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân vì sao con lân này được vẽ như vậy. Có thể đây là sáng tạo của một họa sĩ nào đó. Người họa sĩ này cũng là tác giả của một chiếc đĩa Nội phủ thị đông khác, lớn hơn, thuộc sưu tập Loan de Fontbrune. Trên chiếc đĩa này, một con lân trên lưng có vòng tròn âm dương, đang cưỡi trên một ngọn sóng ở trên cao, nhìn về con lân thứ hai, cũng đang cưỡi trên sóng nhưng ở vị trí thấp hơn. Căn cứ vào hình vẽ và minh văn trên một chiếc hũ gốm men rạn vẽ lam6 chế tác tại Bát Trang vào đời Gia Long, thì đồ án này có tên là long mã phụ hà đồ. Hà đồ hay Tiên thiên hà đồ là một hình vẽ biểu tượng cho âm dương, tứ tượng (thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương) và bát quái (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, li, khôn, đoài), tượng trưng của sự hoàn thiện và hòa hợp của vũ trụ. Như vậy, trang trí trên đĩa này có thể hiểu là một cầu chúc cho sự cai trị tốt lành (con kỳ lân), thanh bình (những ngọn sóng) và thuận theo ý trời (Tiên thiên hà đồ). Ngoài ra, hình ảnh con long mã mang hà đồ trên lưng, cưỡi trên sóng nước và đứng giữa hai con kỳ lân khác còn được vẽ trên thành ngoài một chiếc bát Nội phủ thị đông khác, cũng thuộc sưu tập Jochen May.

3. Đồ sứ Nội phủ thị đông đời Trịnh Sâm

Sau khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, Đông cung lại trở thành nơi ở của chúa Trịnh Sâm. Điều này được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phản ánh trong Thượng kinh ký sự: “Buổi sớm mai tôi vào phủ đợi mệnh, không gặp quan Chính-đường. Tôi hỏi những quân lính canh gác ở đó, họ đều nói: “Thánh thượng đang ngự chơi ở Đông cung nên quan Chính-đường phải chầu trực ở đấy” (…) Vừa tới cửa Đông cung thì gặp quan Chính-đường cũng vừa lui chầu, ngài bảo tôi cùng về dinh, uống trà”.7

“Tôi liền sửa soạn áo mũ để vào phủ. Khi đó Thánh thượng đang ngự ở Đông cung, quan Chính-đường thì nằm nghỉ ở ngoài cung Thập-tự.8 Tôi vào yết kiến quan Chính-đường. (…) Đến cửa phủ, tôi xuống cáng mà vào phủ, đã thấy quan Chính-đường đứng đợi ở dưới thềm, ngài vẫy tôi đi theo, đến của cấm ngài bảo tôi: “ông hãy đợi ở đây để chờ lệnh”.

Ngài vào được một lúc thì thấy quan Nội-sai là Thạch Trung hầu ra chuyền mạng dẫn tôi vào. Đi qua chỗ Hoàng-lang chừng 10 bước rồi lên một cái nhà cao, sau nhà ấy có cái nhà rộng, đó là nơi ngự tẩm.

Quan Nội-sai cầm vạt áo tôi rồi mở tấm màn gấm mà đi, qua ba lần nửa đến gian giữa thấy Thánh thượng ngự trên chiếc võng màu đỏ treo ngang ở trên sập thiếp vàng có giải chiếc đệm gấm.

Bên hữu chiếc sập vàng có chiếc giường-ngự tẩm. Trên giường có chiếc màn ngủ bằng sa gấm bỏ rủ xuống. (…)

Sau chỗ ngự tọa có treo ngang một chiếc màn gấm, trong màn hơi nghe có tiếng người, ý hẳn các cung tần ở đó, thấy khách đến thì tránh tạm vào trong màn. Trước ngự tọa có thắp một cấy nến lớn đặt trên cai giá bằng đồng”.9

Những ghi chép trên đây cho biết chúa Trịnh Sâm đã thường xuyên ở tại Đông cung trong thời gian này. Nguyên do là thế tử Trịnh Cán bấy giờ bị bệnh nặng (nên chúa mới vời Hải Thượng Lãn Ông vào phủ để chữa bệnh cho thế tử), Trịnh Cán lại là con của chúa với Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nên có lẽ chúa vào Đông cung ở để thường xuyên gần gũi mẹ con ái phi của chúa. Cũng vì lý do này mà tôi cho rằng, không phải tất cả đồ sứ Nội phủ thị đông trong Đông cung dưới triều Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm không phải là đồ dành riêng cho thế tử Trịnh Cán, mà có nhiều món đồ thuộc về chúa Trịnh Sâm.

Trịnh Cán sinh năm 1777, được phong thế tử vào năm 1780. Trong thời kỳ Trịnh Cán ở ngôi thế tử, chúa Trịnh không cử sứ bộ nào sang Trung Hoa. Vì thế, những đồ sứ Nội phủ thị đông trong Đông cung của Trịnh Cán có thể được chúa Trịnh Sâm đặt làm từ trước. Những món đồ này mang đậm dấu ấn tính cách của chúa Trịnh Sâm, chủ yếu trang trí các đề tài phong cảnh, động vật (chim trĩ, hươu…), thực vật (mai, tre, lan) và những tảng đá trong các khu vườn. Bố cục của các đồ án này thường được thể hiện theo phong cách “phi đối xứng”, vốn rất phổ biến trên đồ sứ Nhật Bản đương thời.

Trên một chiếc đĩa trà hiệu đề Nội phủ thị đông trang trí đề tài mai điểu10, có vẽ hình hai con chim (biểu tượng cho cặp đôi cầm quyền) đang đậu trên một cội mai già đang nở hoa (biểu tượng cho sự khôn ngoan và đạo lý); thân mai khúc khuỷu uốn lượn về phía phải theo đường cong của vành đĩa. Dưới gốc mai có hình hai con hươu (biểu tượng cho sự sung túc) đang gặm cỏ cạnh một tảng đá (biểu tượng cho trường cửu) và một khóm trúc (biểu tượng cho sự khôn ngoan và thanh liêm). Phần trên bên trái là một khoảng trống có ghi câu thơ chữ Hán: Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (Một tấm lòng trong sạch như tuyết trong lọ ngọc). Đây là lối trang trí “nhất thi, nhất họa” rất phổ biến trên những món đồ trà từ đời chúa Trịnh Sâm trở đi.

Một chiếc đĩa Nội phủ thị đông khác, cũng vẽ tích mai điểu, thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM)11, nhưng cách thể hiện lại khác hẳn: chỉ có một con chim đậu trên cội mai; thân mai uốn lượn về phía trái theo đường cong vành đĩa. Trong đồ án này chỉ có các một tảng đá, khóm trúc và lan can, không có hình ảnh của hai con hươu. Ở khoảng không phía trên bên phải có hai câu thơ chữ Hán viết thành hai dòng: Vị kinh tam bạch hậu. Tiên chiếm bách hoa khôi (Những đóa hoa mai trắng vừa chớm nở, thì cây mai đã chiếm ngôi vị dẫn đầu các loài hoa). Hoa mai được xem là chúa của các loài hoa, vì thế, hoa mai còn ngụ ý cho vị trí cao nhất trong khoa cử ngày xưa. Hình trang trí như một bức tranh thủy mặc và mang đậm dấu ấn của lối trang trí đặc trưng trên đồ sứ đời Khang Hi. Trong một bài viết in trong cuốn sách Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa xuất bản năm 2006, Phạm Hy Tùng cho rằng chiếc đĩa này do Trịnh Cương đặt làm cho Trịnh Giang.12 Tuy nhiên, những yếu tố có trong đồ án trang trí này như chim trĩ, lan can, núi đá… là những yếu tố trang trí đặc trưng trên đồ sứ ký kiểu đời Trịnh Sâm.

Một biến thể khác của đồ án trang trí này cũng xuất hiện trên một cái bát13, với một gốc mai già, khóm trúc, phiến đá và cái lan can. Trung tâm đồ án này là hình vẽ một con chim đậu trên cành mai, đang chuẩn bị bay lên để gặp hai con khác.

Trên một cái bát14 thuộc sưu tập của Loan de Fontbrune (Paris, Pháp), vẽ hình hai con hươu đứng giữa một bụi lan và một khóm tre mọc bên cạnh một tảng đá. Phía bên kia của đồ án là hình vẽ một con chim đang đậu trên một cội mai già nở hoa. Từ gốc mai già khúc khuỷu, mọc lên hai cành mai vươn thẳng đứng với những nhánh nhỏ nằm ngang rất ấn tượng và những đóa hoa cách điệu rất đẹp. Đây là kiểu trang trí rất đặc biệt, không hề thấy trên những món đồ sứ Trung Quốc chính thống, nhưng lại xuất hiện trên đồ sứ Nhật Bản, như trên một chiếc bình hoa15 được làm vào khoảng những năm 1670 – 1690, hiện đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Dresden (Đức).

Cách vẽ cây mai theo lối Nhật này còn được thể hiện trên một cái đĩa Nội phủ thị đông khác thuộc sưu tập của Jochen May (Đức).16 Cây mai mọc từ chân một phiến đá, thân mai lượn vòng theo vành bên phải chiếc đĩa. Đi kèm với cây mai là bốn con chim: ở bên trái có một con vừa bay vừa ngoái đầu nhìn hai con chim đang đậu trên cành mai, con thứ tư đứng trên phiến đá, ngẩng đầu nhìn lên hai con trên cây. Phía trên bên phải có hình mặt trời ẩn trong mây được thể hiện bằng vài nét chấm phá rất điệu nghệ. Đây có lẽ là chiếc đĩa có nét vẽ xuất sắc nhất trong các món đồ sứ Nội phủ thị đông ký kiểu vào đời Trịnh Sâm. Và trong dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, thì đồ sứ đời Trịnh Sâm được hậu thế đánh giá là xuất sắc nhất, hoàn mỹ nhất.

Tác giả: Philippe Truong

Chú thích

1 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996. tr. 15.

2 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 214

3 Đĩa Nội phủ thị đông, đường kính miệng: 19cm. Sưu tập Phạm Hy Tùng. Trong sưu tập Vương Hồng Sển trước đây cũng có một hiện vật tương tự.

4 Đĩa Nội phủ thị đông, đường kính miệng: 19cm. Nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển, nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.

5 Cặp chân đèn gốm Bát Tràng, men rạn, cao: 64,8cm. Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

6 Hũ gốm Bát Tràng có nắp, men rạn, cao: 27,9cm, đời Gia Long (1802 – 1820). Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

7 Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, (Bản dịch của Thiên Lý Nguyễn Di Luân), Duy Minh thư xã, Hà Nội, 1945, tr. 74-75.

8 Cung Thập-tự là ngôi điện cấu trúc hình chữ Thập (+), nằm ngoài tường cấm thành của phủ.

9 Lê Hữu Trác, Sđd, tr. 266-269.

10 Đĩa trà Nội phủ thị đông vẽ mai điểu. Sưu tập cá nhân.

11 Đĩa Nội phủ thị đông, đường kính miệng: 18cm. Sưu tập Phạm Hy Tùng ở TPHCM.

12 Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006.

13 Bát Nội phủ thị đông, đường kính miệng: 14cm. Hiện vật nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển, nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.

14 Bát Nội phủ thị đông. Sưu tập Loan de Fontbrune ở Paris (Pháp).

15 Bình hoa miệng loa, cao 44,3cm, sứ nhiều màu của Nhật Bản (iroe jiki), niên đại 1670 – 1690. Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Dresden (Đức), in trong sách La maladie de la porcelaine của Ströber Eva (ảnh  75).

16 Đĩa Nội phủ thị đông, đường kính miệng: 20,6cm. Sưu tập Jochen May. Ngoài ra còn có một chiếc đĩa tương tự thuộc sưu tập Vương Hồng Sển trước đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.