Những đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị… tiếp tục xuất hiện sau khi họ Trịnh chấm dứt cầm quyền. Đó là những món đồ được sản xuất vào thời Nguyễn (1802 – 1945) và vào những năm 1990 của thế kỷ XX. Tất cả đều là đồ nhái hay đồ giả. Đồ sứ Nội phủ thị… làm dưới thời Nguyễn là những món đồ do các nhà buôn đặt làm, hoàn toàn không phải là đồ hồi tưởng do các quan ký kiểu như vài người lầm tưởng. Những món đồ này có cốt không thanh mảnh và nét vẽ không tinh xảo như đồ thật. Đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn có hai loại: loại thứ nhất đặt làm tại các lò tư nhân cao cấp ở Giang Tây hoặc ở miền Nam Trung Hoa (như Phúc Kiến, Quảng Đông), có xương sứ rất thanh, màu sứ trắng, lớp men phủ đôi khi hơi ngã sang màu trắng xanh nhưng nét vẽ rất tỉ mỉ; loại thứ hai làm tại các lò thứ cấp ở Quảng Đông, Phúc Kiến, có cốt sứ dày và nặng, nét vẽ vụng về và kém tinh tế. Những món đồ giả này rất dễ nhận diện, nhờ vào các đặc điểm nhận diện sau:

– Hiệu đề viết sai thể thức, không giống với chữ trên hiệu đề của đồ thật và khoảng cách giữa các chữ không đều nhau;

– Các đồ án trang trí trên những món đồ này phỏng theo đồ án trang trí trên đồ thật nhưng có vài biến đổi trong một số chi tiết;

– Dùng vài chi tiết có trong trang trí trên đồ thật (rồng, kỳ lân, phong cảnh …) kết với các đồ án của thế kỷ XIX để tạo ra lối trang trí mới, độc đáo;

– Đồ án trang trí trên những món đồ này mang các đặc điểm của trang trí trên gốm sứ Trung Hoa thế kỷ XIX hoặc các đặc trưng của đồ ký kiểu thời Nguyễn.

Chúng ta không có bằng chứng để cho rằng những món đồ này được làm ra với chủ tâm gian dối, mặc dù có sự nghi ngờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng không thể xếp những hiện vật này vào dòng đồ hồi tưởng, một hình thức sao chép đồ gốm sứ mà người Trung Hoa thường làm để tỏ lòng kính trọng và thừa nhận uy thế của các bậc thầy gốm sứ tiền bối.Bởi lẽ, nếu muốn tỏ lòng mến mộ dòng ĐSKK thời chúa Trịnh (chứ không phải nhớ ơn chúa Trịnh) như là dòng đồ sứ đầu tiên mà người Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa thì cần phải sao chép cả trang trí lẫn hiệu đề của thời chúa Trịnh chứ không thể chỉ dùng hiệu đề của thời chúa Trịnh nhưng hoa văn trang trí thì của thế kỷ XIX.

Vì thế, tôi cho rằng đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn không phải là ĐSKK mà là hàng Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu cho thị trường Việt Nam. Thợ làm đồ sứ Trung Hoa sử dụng hiệu đềNội phủ thị… vì nghĩ rằng đây là hiệu đề đặc trưng của Việt Nam, mà không hề biết đây là hiệu đề riêng của các chúa Trịnh. Các loại nậm rượu, bình hoa bụng phình cổ vút, bát điếu hút thuốc lào có hiệu đề Nội phủ thị… hiện diện trong nhiều sưu tập ở trong và ngoài nước, thuộc vào nhóm này.

 

 Đồ sứ Nội phủ thị… giả thời nay

Ngoài dòng đồ Nội phủ thị… thời Nguyễn còn có những hiện vật mang hiệu đề Nội phủ thị…và Khánh xuân mới được chế tạo sau này vì mục đích thương mại.

Từ năm 1996, một số nhà buôn đồ cổ Việt Nam đã sang Trung Hoa đặt làm đồ sứ Nội phủ thị… giả để thỏa mãn nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Năm 1986, hai ông Beurdeley và ông Raindre dành một chương trong quyển sách Đồ sứ nhà Thanh (La porcelaine des Qing) để viết về những đồ sứ men lam Huế có trong sưu tập Cổ Trung Ngươn. Sưu tập này được đưa ra bán đấu giá tại Hôtel Drouot, Paris vào tháng 11.1990. Mặc dù đây là một sưu tập đồ sứ quý hiếm và độc đáo, nhưng cuộc đấu giá sưu tập này này chỉ thu hút sự chú ý của một số ít người quan tâm đến dòng đồ này.

Đến năm 1993, nhà sưu tầm kiêm buôn bán cổ vật Hà Thúc Cần đã cho in trong tạp chí Arts of Asia bài viết Đồ sứ men lam Huế, đồ sứ Trung Quốc cho triều đình Việt Nam (Blue of Hue, Chinese porcelains for the Vietnamese court). Đây là một bài phỏng vấn của Hà Thúc Cần với nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn về ĐSKKthời Lê – Trịnh và thời Nguyễn. Vài tháng sau, quyển sách Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế của của học giả Vương Hồng Sển cũng được in ở Sài Gòn. Trong thời gian này đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai ông Trần Đình Sơn và ông Phạm Hy Tùng về ĐSKK thời Lê – Trịnh. Các công bố này cùng với cuộc tranh luận của hai ông Trần Đình Sơn và ông Phạm Hy Tùng đã khiến cho việc nghiên cứu ĐSKK thời Lê -Trịnh tiến bộ nhanh chóng.

Năm 1995, cuộc triển lãm Le Viêt Nam des Royaumes diễn ra tại Paris. Đây là lần đầu tiên ĐSKK của Việt Nam được đưa ra trưng bày trong một cuộc triển lãm chính thức. Nhưng chính là cuộc đấu giá bộ sưu tập của hoàng tử Bảo Long (vào tháng 11.1995) mới gây nên sự ưa chuộng những món đồ sứ do Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa dưới thời Nguyễn trong giới sưu tầm cổ ngoạn ở trong và ngoài nước. Nhiều cuộc đấu giá ĐSKK khác liên tiếp được tổ chức ở Paris. Trong số đó, cuộc đấu giá bộ sưu tập của Hồ Đình (vào tháng 12 năm 1996) là đáng chú ý nhất vì đã giới thiệu một sưu tập ĐSKK quý giá nhất được sưu tầm trong những năm 1950 – 1960. Chỉ trong vài năm, giá trị ĐSKK tăng lên rất cao, nhất là ĐSKK thời chúa Trịnh. Ví dụ, một chiếc đĩa Nội phủ thị trung vẽ lưỡng long triều nhật (đường kính 9cm) được bán trong cuộc đấu giá sưu tập Cổ Trung Ngươn (1990) chỉ có giá 1.000 francs thì đã tăng lên 3.500 francs trong cuộc đấu giá sưu tập Hồ Đình (1996); hay chiếc tô Nội phủ thị hữu vẽ rồng phụng (đường kính 19,5 cm), quý vì hiếm hơn, được bán trong cuộc đấu giá sưu tập Cổ Trung Ngươn là 8.000 francs (1990) thì đến cuộc đấu giá sưu tập Hồ Đình đã tăng lên 39.000 francs. Ở trong nước, giá của ĐSKK cũng tăng lên. Vì nguyên nhân này nên giới kinh doanh cổ vật ở Hà Nội đã đặt ĐSKK giả, nhứt là ĐSKK thời chúa Trịnh để thỏa mãn nhu cầu của các nhà sưu tầm non tay nghề.

Lúc đầu, các ĐSKK giả này chỉ sao chép những kiểu mẫu ĐSSKK thời chúa Trịnh được đã có. Người đặt hàng không thể đưa các hiện vật gốc sang Trung Hoa để làm mẫu mà chỉ dùng hình ảnh in trong các quyển sách đã công bố để sao chép. Vậy là một cách không cố ý, nhưng những quyển sách và các bài nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về ĐSKK đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm ra các đồ giả này. Quyển sách Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế của của Vương Hồng Sển, giới thiệu ít nhất hai mẫu: Nội phủ thị bắc vẽ lan bướm và Nội phủ thị đoài vẽ phong cảnh. Còn trong quyển Le Viêt Nam des Royaumes, Loan de Fontbrune công bố lần đầu tiên giới thiệu chiếc đĩa Nội phủ thị trung vẽ hình một phụ nữ cùng hai nô tì ở trong một khu vườn. Nhờ những tấm hình này mà người ta đã lấy mẫu để đặt làm các đồ sứ Nội phủ thị… giả.

Có hai điều cần phải lưu ý để phân biệt giữa Nội phủ thị… thật của thời chúa Trịnh thật với đồ giả là quan sát các trang trí và các hiệu đề có trên đồ sứ (vì người thợ Trung Quốc sao chép chính xác, nên đôi khi để lại nhiều sơ suất khi thể hiện họa tiết hay chữ viết). Trong đó, đồ sứ Nội phủ thị trung và đồ sứ Nội phủ thị bắc giả rất dễ phát hiện, còn đồ sứ Nội phủ thị đoài và Nội phủ thị hữu thì khó phát hiện hơn. Tuy nhiên, theo tôi thì các DSKK thời chúa Trịnh có đường kính lớn hơn 30cm thì đều là đồ giả mạo. Song càng về sau thì việc sao chép càng tinh vi, rất khó phân biệt. Vậy thì các nhà sưu tập chỉ còn cách tăng cường quan sát, học hỏi và trải nghiệm thì mới có thể phân biệt thật giả và để sưu tập cho được những món ĐSKK quý giá.

Có điều, ĐSKK ngày càng khan hiếm và người chơi đồ cổ thì ngày càng nhiều, nên việc sưu tầm cho được một món ĐSKK thời chúa Trịnh chính gốc ngày một khó khăn hơn.

Tác giả : Philippe Truong

T.S Trần Đức Anh Sơn  (biên tập, bổ chú và hiệu đính)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.