Sự kiện họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố danh hoạ Bùi Xuân Phái tố cáo và tuyên bố khởi kiện hãng đấu giá Sotheby’s vì bán tranh giả của Bùi Xuân Phái gây sự chú ý không những của dư luận trong nước mà cả quốc tế.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết sẽ mang một bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái và một số sách liên quan để tham gia Hội chợ triển lãm tranh Quốc tế diễn ra từ ngày 22 – 25/5 tại Hồng Kông. Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết, đây là động thái để dư luận phân biệt thật giả về tranh Bùi Xuân Phái trước khi chính thức bước vào cuộc chiến pháp lý với Sotheby’s.

BuiThanhPhuong

Họa sĩ Bùi Thanh Phương.

Vác “đại đao” chinh phạt tranh giả

– Anh có thể cho biết sẽ mang những gì để tham dự triển lãm tại Hồng Kông?

– Tôi sẽ mang theo một bức “đại đao” lớn và đẹp trong Thế giới Phái(giới sưu tập thường gọi vui những bức tranh có kích thước lớn của danh hoạ Bùi Xuân Phái là “đại đao”). Bức tranh này tôi sẽ đưa ra mức giá khởi điểm là 120.000USD và không ngã giá. Ngoài ra, tôi có mang theo một số cuốn sách đã in trước đó về cuộc đời và họa phẩm của Bùi Xuân Phái.

– Anh có thể tiết lộ tên bức “đại đao” này được không?

– Thế giới Phái không chỉ có rất nhiều bức “đại đao”. Tuy nhiên, có một số lý do nên tôi xin phép được giữ bí mật tên bức tranh này cho đến khi triển lãm diễn ra.

– Nghe nói anh cũng vừa hoàn thành một cuốn sách và sẽ đưa đi triển lãm. Anh có thể cho biết nội dung cuốn sách này không?

– Vâng. Lần này tôi mang theo cuốn “Bùi Thanh Phương – Con đường hội họa” mới hoàn thành. Cuốn sách được dịch ra hai thứ tiếng (Anh và Pháp). Đây là một nỗ lực của Phai’s House Company (Công ty gia đình hoạ sỹ Bùi Thanh Phương – PV) để kịp tham dự Hội chợ mỹ thuật Quốc tế này. Cuốn sách có 5 phần chính, gồm:  Cuộc hành trình của Bùi Xuân Phái;  Bàn về tranh thật tranh giả; Một vài cảm nhận khi xem tranh Phái; Sự kiện Sotheby’s trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam; Bùi Thanh Phương: “Tôi biết mình là ai”. Đặc biệt, trong cuốn sách này chỉ in tranh và một số bài viết của chính tôi.

Khi cuốn sách được phát hành ở Hồng Kông, động thái này không khác nào tôi đã ném chiếc găng tay xuống để thách đấu với Sotheby’s. Tôi xin lưu ý, giữa Sotheby’s và tôi bây giờ hoàn toàn bình đẳng trước luật pháp quốc tế. Bởi đây là cuộc tranh tụng giữa hai công ty: Công ty Sotheby’s và Phai’s House Company.

b20phuong
Mặt trước và mặt sau cuốn sách “Bùi Thanh Phương – Con đường hội họa”

Khẳng định giá trị tranh Bùi Xuân Phái

– Anh có thể cho biết tại sao lại đặt giá bức “đại đao” là 120.000 USD kèm điều kiện “không ngã giá”? 

– Tôi nghĩ bức tranh giả của họa sĩ Bùi Xuân Phái mà Sotheby’s đã bán được với giá cao ngật ngưỡng là 120.000 USD (bức “Trước giờ biểu diễn”- PV), vậy với một bức tranh thật, to hơn, đẹp hơn, được bán ra từ gia đình họa sĩ, có dấu giấy chứng nhận cùng chữ ký của người bán tại sao lại không bán được mức giá đó. Ý định chính của tôi là muốn nói với dư luận và bạn bè quốc tế thấy tranh của các danh họa Việt Nam không có chuyện trôi nổi trên thị trường mà tình cờ gặp, thấy rồi nổi hứng mua như trước và không có chuyện giá trị tác phẩm của các danh họa chỉ có vài trăm hay vài ngàn đồng như xưa.

– Anh có nói là có khi “vác đại đao đi rồi vác về”. Có vẻ anh không lạc quan lắm khi tham gia Hội chợ tranh Quốc tế lần này?

– Khi đạt mức giá trên thực sự là tôi không muốn bán tranh của Bùi Xuân Phái dù đạt giá bao nhiêu đi nữa. Bởi vì, khi cả thế giới đang ở giữa thời buổi suy thoái kinh tế nên đặt ra cái giá như vậy nhiều người cũng hiểu rằng tôi không muốn bán rồi. Mục đính cuối cùng của tôi là nhằm xác định tranh thật và giá thật của tranh Bùi Xuân Phái.

Mục đích nữa của chuyến đi Hồng Kông này là bước đi đầu tiên nhằm dọn đường dư luận bên đó trước khi tôi nộp đơn khởi kiện Sotheby’s như tôi đã từng tuyên bố. Quan trọng là tôi sẽ có dịp gặp gỡ báo chí Hồng Kông, cung cấp cho họ thông tin, giới thiệu cuốn sách mà nội dung cuốn sách đó phản ánh vụ Sotheby’s qua các phương tiện truyền thông ở Việt Nam.

– Nghĩa là anh muốn cung cấp cho bạn bè quốc tế một bằng chứng để so sánh và phân biệt giữa những bức tranh thật và giả của Bùi Xuân Phái? 

– Tôi đưa bức “đại đao” đẹp và hoành tráng của cụ Phái đến triển lãm này chính là  nhằm mục đích đó. Người ta sẽ thưởng lãm tranh thật và họ sẽ có những so sánh với những bức tranh thô vụng đã từng thấy trước đó trong các cuộc đấu giá của Sotheby’s. Ngoài ra, cuốn sách mà tôi sắp giới thiệu ở Hồng Kông phản ánh dư luận ở Việt Nam bức xúc về tệ nạn xâm phạm bản quyền tác giả mang tính quốc tế có tên gọi cụ thể là Sotheby’s. Những nội dung nói về cuộc đời và các họa phẩm của Bùi Xuân Phái được in đẹp, công phu sẽ được phát không cho người đến xem triển lãm và báo giới Hồng Kông cũng là một minh chứng thiết thực để làm rõ trắng đen về tranh của cụ.

tranhphai
Nguyên gốc bức “Trước giờ biểu diễn”
tranhphai2
Và bức tranh giả được Sotheby’s mang ra đấu giá hôm 8/4/2008

Phát hiện 200 bức tranh giả của Bùi Xuân Phái

– Để tham gia vụ kiện hãng đấu giá Sotheby’s gây ồn ào dư luận thời gian qua,  anh đã chuẩn bị được những chứng cứ pháp lý nào?

– Tôi đã và đang tìm hiểu tất cả những vấn đề liên quan đến vụ việc và sẽ bàn với luật sư của mình để tìm hướng giải quyết. Thực tế, tôi đã lặng lẽ quan sát những việc làm không minh bạch đã và đang diễn ra trên các sàn đấu giá quốc tế lớn như Sotheby’s, Christie’s trong thời gian qua và đã biết cụ thể về số lượng tranh giả mang tên Bùi Xuân Phái đã bị gian lận, đánh cắp để kiếm lời bất chính vô tội vạ.

Khó có thể tưởng tượng được khi các dữ liệu trên Internet về những giao dịch mua bán của Sotheby’s liên quan đến tranh giả Bùi Xuân Phái kể từ năm 1987 đến nay lên tới 200 trang giấy in. Trong đó có đầy đủ dữ liệu Sotheby’s cùng 4 hãng đấu giá quốc tế khác đã từng bán gần 200 bức tranh giả của Bùi Xuân Phái kể từ năm 1987 đến nay.

– Đối tượng mà anh khởi kiện là một hãng đấu giá rất có tên tuổi của quốc tế. Anh có e ngại điều gì?

– Tôi rất tin tưởng việc mình làm. Mỗi quốc gia hay mỗi gia đình đều có những sách lược của mình và có những quyết định cùng với bước đi cần thiết vào mỗi thời điểm. Ngoài những chứng cứ không thể chối cãi, tôi cho rằng để khả năng giành phần thắng cao hơn, trước hết phải có tiếng nói và chiếm được cảm tình của giới truyền thông ở Hồng Kông đã. Khi đó cùng lúc sẽ có sự lên tiếng của những “nạn nhân” đã từng chót mua phải tranh giả mà Sotheby’s đã bán cho họ. Mặt khác, nhiều nhà sưu tập ở nước ngoài có sở hữu tranh của Bùi Xuân Phái cũng đã rất hăng hái ủng hộ tôi làm sáng tỏ vấn đề này.

Tuy nhiên, thật sự việc tôi  thắng hay thua trong “cuộc chiến” với Sotheby’s không quan trọng bằng việc thông cáo cho Sotheby’s và các hãng đấu giá quốc tế khác biết rằng:  Từ nay họ không thể “múa gậy vườn hoang” mãi được. Mỗi việc làm sai trái của họ sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Việt Nam.

– Anh có thể cho biết số tiền sẽ đòi bồi thường là bao nhiêu? Anh sẽ sử dụng chúng vào việc gì, nếu thắng kiện?

– Tất nhiên khi kiện tụng, khi đã có phán quyết của toà thì bên thắng, tất nhiên theo luật sẽ có quyền yêu cầu bên thua ngoài lời xin lỗi trước dư luận còn là một khoản tiền bồi thường. Số tiền mà tôi dự kiến muốn Sotheby’s bồi thường sẽ không ít hơn 1 triệu USD. Số tiền này nếu có, thì nghĩ cho cùng nó là của Bùi Xuân Phái, của những năm tháng mà họa sĩ đã lặng lẽ, miệt mài sáng tác và cống hiến cho đời nhưng đã bị người ta lợi dụng tên tuổi để trục lợi. Vì vậy, số tiền đó nên nhập vào quỹ “Giải thưởng Bùi Xuân Phái” là thích hợp nhất.

– Chi phí cho chuyến đi “dọn đường dư luận” này hẳn sẽ tốn kém ?

– Ban đầu tôi dự tính chi phí hết 10.000 USD, bao gồm 5.000 USD tiền thuê gian hàng trong 3 ngày và 5.000 USD cho tôi và 4 người nữa của Phai’s House Company tham gia vào chuyến đi. Nhưng mới đây, riêng việc in cuốn sách “Bùi Thanh Phương- Con đường hội họa” đã ngốn của tôi 3.000 USD rồi, tôi không biết từ nay đến hết hội chợ này còn phát sinh khoản tiền nào nữa. Nhưng dù tốn kém thế nào, tôi vẫn theo đuổi việc này đến cùng.

– Cảm ơn và chúc anh thành công!

Tác giả  : Mai Nguyên

Nguồn : giadinh.net.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.