I/ Từ bức tường trong hang động đến canvas
Mỗi khi bạn quyết định vẽ tranh, thường bạn sẽ ghé vào shop để mua hộp màu nước hoặc có thể cùng với một vài tuýp màu sơn dầu. Thật dễ làm! Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng màu sắc đến từ đâu và thuốc màu được làm như thế nào không?
- Sự phong phú của thiên nhiên dành cho sắc màu
Hầu hết màu sắc đều được làm từ những thứ trong tự nhiên: đất, đá, thực vật, ngọc quý, thậm chí bằng xác côn trùng sấy khô. Để tạo màu, vật liệu thô phải được nghiền nhuyễn thành bột được gọi là pigment (bột màu/hạt sắc tố). Sau đó các pigment được trộn lẫn với medium (dung môi-nhũ tương ngày nay) tạo thành dạng lỏng và sau đó thêm binder (chất kết dính) vào. Nước hay dầu (nguồn gốc từ các loại hạt và hoa) là một dung môi. Gum (nhựa cây-từ cây cối và thực vật), glue (hồ keo), và trứng là vật liệu kết dính. (“Tôi để nguyên văn các từ tiếng anh và dùng về sau-NgD“)
Hãy nhớ lại thông tin về màu xanh dương trang phục của thầy y xứ Ba Tư đã đề cập trong bức họa The Physicians’ Duel. Có thể nó được tạo thành từ việc tán nhuyễn các viên đá quý lapis lazuli (đá da trời) sau đó trộn với nhựa cây để tạo thành sơn vẽ.
Màu xanh lá được xay từ đất xanh (terre verte), màu vàng đậm được chuẩn bị từ đất son vàng (yellow ochre), một loại đất sét (1). Raw Sienna, một loại đất được tìm thấy tại Sienna, Ý được dùng làm màu vàng sáng nhẹ. Còn rễ cây thiên thảo (rose madder) dùng để tạo màu hồng dễ thương kia. Màu đỏ tươi (scarlet) là chế phẩm từ việc giã nhuyễn con rệp son (2).
- Nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới
Hình vẽ trên đây mô tả những con bò rừng thời tiền sử được lên màu từ những thứ trong tự nhiên. Nó được phát hiện trên tường trong một hang động tại Altamira, Tây Ban Nha có niên đại cách đây 20000 năm. Để vẽ những bức tranh như thế này những họa sĩ người nguyên thủy đã cầm đá lửa quẹt lên tường tạo nét phác thảo rồi sau đó “tô màu”. Họ chuẩn bị màu nâu, vàng, hoe đỏ từ quặng sắt đã được nghiền bằng đá; rồi đem trộn chúng với nước ép thực vật hay máu động vật hoặc mỡ để làm thành thuốc vẽ. Màu đen được tạo thành từ hồ bóng hay chì than còn phấn được dùng để tạo màu trắng. Để tô màu, họ nhúng tay trực tiếp vào sơn hoặc dùng lông chim, lông thú hay cành cây bị nhai mất một đầu làm cọ vẽ.
Bạn có thể tưởng tượng phải mất bao nhiêu thời gian và công sức để thực hiện một bức tranh theo cách đó không? Về sau này, những nghệ sĩ đã bắt đầu vẽ trên tường nhà, bảng gỗ, tờ giấy hoặc những tấm da thú rất mỏng. Vào thế kỉ XV, họa sĩ bắt đầu vẽ trên canvas (khung vải toan), bao gồm một loại vải được xử lí đặc biệt và được kéo căng phủ kín toàn bộ khung gỗ.
- Một cái chạm tinh tế
Hãy nhìn tấm hình xuất xứ Nhật Bản vẽ về một con chim bói cá ở dưới đây.
Kingfisher (Chim bói cá) vẽ bởi họa sĩ người Nhật Yamanaka Shönen, khoảng thời gian 1806-1820, kích cỡ 26.7 x 19 cm. Hình được trích từ sách.
Bạn có nhận thấy màu sơn nhìn trong suốt không? Mặt giấy gần như sáng bóng lên bởi màu xanh và màu nâu phơn phớt. Tại vì người họa sĩ đã vẽ tranh bằng màu nước-một thể loại vẽ tranh mềm mại và sắc màu nhàn nhạt một cách diễm lệ. Màu nước được tạo bởi sự phối trộn màu bột khô cùng với nhựa cây hay chỉ cần dùng một mình nước. Yamanaka Shönen chỉ cần vẽ bằng vài nét cọ đã mô tả con chim bói cá một cách đẹp đẽ và chân thực.
- Sơn dành cho từng ý định khác nhau
Ngày nay tất cả các loại sơn vẽ đều được trộn sẵn trong một tuýp (tube) và có nhiều chất lượng khác nhau. Sơn nước khi sử dụng trông mượt và trong, khác hoàn toàn với hình thức màu không sáng, không bóng của poster. Màu bột (gouache-phát âm goo-ash) và màu keo (tempera) là những chất liệu sơn mờ đục như màu của poster. Và tất cả chúng đều được dùng để vẽ trên giấy.
Sự khác biệt của các loại sơn, theo thứ tự từ trên xuống: màu nước, màu bột, màu acrylic-Nguồn:https://lockerdome.com/
Sơn dầu (oil paint) thì sáng bóng và sệt, thường dùng để vẽ trên canvas, gỗ hoặc giấy đặc biệt. Phần lớn các bức họa được đề cập trong quyển sách này đều được sơn dầu. Bởi vì loại sơn màu này rất lâu mới khô (từ tám tiếng đến hai ngày) nên rất nhiều họa sĩ hiện đại thường chọn màu acrylic nhanh khô để thay thế, với cùng chất lượng bóng láng như sơn dầu.
- Tự vẽ một bức họa
Bạn sẽ cần một thanh phấn trắng hoặc phấn màu, hai thìa dầu ăn, một tấm thớt băm và một cái muỗng kim loại (cần hỏi ai đó trước khi dùng chúng nhé). Đập vụn các viên phấn, sau đó nghiền chúng thành bột thật mịn bằng mặt lồi của muỗng, rồi thêm dầu từng giọt một và khuấy nhuyễn hỗn hợp.
II/ Một ngàn lẻ một màu sắc
Màu yêu thích của bạn là gì? Đỏ, vàng, xanh lá hay một màu khác? Hãy nghĩ về màu đó rồi cố gắng tưởng tượng bạn sẽ mô tả nó bằng lời nói như thế nào. Việc này không giúp gì nhiều để diễn đạt, ví dụ, “tôi thích màu xanh lá”. Một người nào đó có thể nghĩ là “cỏ xanh” hoặc kẻ khác lại nghĩ “một cái lọ màu lục”. Ở đây có rất nhiều sắc thái khác nhau của màu sắc và mỗi cái ảnh hưởng đến mọi người theo cách riêng biệt.
- Xanh dương, xanh nước biển, xanh lam* (3)
Hãy hình dung về từ “màu xanh lam”, hãy liệt kê một vài sắc thái màu mà bạn từng thấy: xanh của trời cao, xanh của mực viết và có thể cả xanh của hoa xạ cúc lam. Bây giờ bạn hãy nhìn các vật thể màu lam quanh nhà, và thử nghĩ về các từ ngữ thật đặc biệt để nói thật chính xác những gì bạn thấy.
Hoa xạ cúc lam. Trời xanh. Vết mực xanh (Nguồn: Internet)
Bạn sẽ miêu tả màu xanh của cổ tay áo người đàn ông trong bức họa Gerolamo Barbabigo tôi đã đề cập trong phần 3 ra sao? Xanh khói? Xanh tía (xanh của lan dạ hương)? Xanh nước biển? Nếu không phải chúng thì có thể trong tương lai bạn sẽ nghĩ đến sắc thái xanh với mô tả kiểu như “màu xanh cổ tay áo của người đàn ông trong tranh Titian”.
- Chơi cùng màu sắc
Bạn và những người bạn của mình có thể chơi trò từ ngữ miêu tả các màu khác: “nâu cháy-nâu của bánh mì nướng” thay cho màu nâu trơn, hoặc “màu xám của trời mây dông” thay cho màu xám đơn thuần. Mỗi người chơi sẽ ghi một điểm với mỗi từ ngữ mô tả mới lạ.
- Phối trộn màu cơ bản (4)
Đỏ, vàng, lam được gọi là các màu cơ bản (primary colors). Nếu bạn phối trộn chúng với nhau theo hình vẽ dưới đây thì sẽ cho ta các màu thứ cấp (secondary colors) gồm cam, lục và tím (5). Ở đây có rất nhiều loại màu đỏ, vàng và xanh lam. Hãy cố tìm xem những màu nào giống như những màu đã trình bày. Màu đỏ được gọi là magenta-trông giống màu hồng, nhưng đây là màu đỏ tốt nhất được dùng để pha trộn.
Việc phối các lượng khác nhau của từng màu cơ bản sẽ cho bạn rất nhiều sắc thái của các màu thứ cấp. Hãy cầm kính lúp và soi vào các màu thứ cấp trên đây (đối với sách, còn trong bài viết bạn có thể lưu hình và zoom), bạn có thấy màu tím được tạo bởi rất nhiều chấm màu xanh lam và màu đỏ magenta như thế nào không? Màu lục thì bao gồm các chấm xanh lam và vàng, còn màu cam được tạo bởi các chấm đỏ magenta và vàng. Màu nâu là hỗn hợp của tất cả các màu cơ bản.
Thí nghiệm
Đặt mảnh giấy màu đỏ trên một tờ giấy trắng, sau đó quan sát mảnh giấy đỏ để trên một tờ giấy màu nâu. Màu đỏ bên nào trông chói và sặc sỡ hơn? Bây giờ tiếp tục đặt mảnh giấy màu đỏ lên tờ giấy màu xanh-màu tương phản (opposite color). Bạn thấy sự kết hợp này có đem lại sự khác biệt khi nhìn không? Màu sắc trông sinh động hơn khi có sự hiện diện của màu đối lập. Vì vậy màu xanh lam trông xanh hơn khi được đặt gần màu cam, còn màu vàng trông nổi bật hơn khi đi cùng màu tím.
Nối các màu cho phù hợp
Hãy nhìn thật cẩn thận màu sắc của 6 palette màu sau đây:
Hình được trích từ sách
Nhớ lại 6 tranh vẽ đã được đề cập ở các phần trước:
A Winter scence with Skaters
The Physicians’ Duel
Guernica
The Annunciation
Bathers at Asnières
Sinbad the Sailor
Mỗi palette ứng với những gam màu có trong từng bức họa. Bạn có thể cặp chúng với nhau sao cho tương thích không? (Palette d chỉ gồm các màu trắng, đen và xám; vậy bạn có thể ghép nó phù hợp với bức tranh nào rồi đấy). Đáp án sẽ được tiết lộ ở phần 4.
- Các màu sắc tương phản
Từng cặp màu tương phản sắp xếp nằm đối nghịch qua trung tâm theo từng cặp với nhau trong “bánh xe” màu: lục với đỏ, cam với lam, vàng và tím (Đôi khi người ta gọi là các màu bổ sung-complementary colors). Vòng màu ngoài cùng của hình trên thể hiện một vài sắc thái mà bạn có thể tạo ra bằng cách phối trộn các lượng khác nhau của từng màu cơ bản.
- Ý tưởng về các chấm
Hãy nhớ lại cách Seurat đã nhét đầy các chấm vào chiếc mũ chú bé trong tranh của mình. Và bạn cũng đã thấy các chấm đã bổ khuyết cho các màu thứ cấp như thế nào trong hình vẽ dưới đây.
Bạn hãy tự mình thử sắp thật nhiều các chấm màu đỏ magenta và màu vàng chung với nhau, chấm xanh lam và vàng, chấm xanh lam cùng chấm đỏ magenta. Sau đó đứng cách xa khoảng 3.5 m và nhìn điều gì sẽ xảy ra, có thể là sự xuất hiện của các màu cam, lục và tím.
The Snail 1953 Henri Matisse 1869-1954 Purchased with assistance from the Friends of the Tate Gallery 1962 http://www.tate.org.uk/art/work/T00540
Đây là bức tranh gồm các hình khối màu được dán trên nền trắng. Nhìn lần đầu tiên, ta thấy có vẻ các miếng cắt được sắp xếp rất lung tung. Nhưng hãy nhìn một trong số chúng nằm uốn quanh theo hình xoắn ốc, điều này có giống một cái vỏ ốc sên chăng?
Để làm nên tác phẩm trên, đầu tiên Henri Matisse (phát âm Ma-teece) dùng màu bột để tô các tờ giấy khác nhau, sau đó ông cắt rời chúng ta theo các hình dạng nhất định rồi đính chúng trên giấy nền trắng, giống như thực hiện nghệ thuật cắt dán vậy. Các màu sắc cũng được sắp đặt có chủ ý một cách cẩn thận như việc tạo ra các hình thù. Hãy nhìn cách miếng hình chữ nhật màu xanh lam đặt sát bên sắc cam-màu tương phản của nó, và bạn thấy các hình màu đỏ và lục nằm cạnh nhau bao nhiêu lần?
Nếu bạn vẫn nghĩ bức họa The Snail mang tính ngẫu nhiên, bạn hãy tô màu một vài tờ giấy, rồi quẳng đại chúng nằm lung tung trên sàn. Bạn sẽ thấy rằng Matisse đã không thực hiện tác phẩm của mình theo cách đấy!
Tác giả : Trinh Hai Thang (dịch và tổng hợp)
Nguồn bài viết : trinhhaithang.wordpress.com
Chú thích
(1) Màu vàng khoáng chất thường là vàng đất (ochre) tức hydrated oxide sắt (Fe2O3 • H2O) (ochre vàng kim) hay oxide sắt (Fe2O3) (ochre đỏ)
(2) Tên hai loài rệp cây này là kermes và cochineal. Trong từ Hán-Việt cả hai loài khác nhau này đều được gọi rệp son hay rệp yên chi. Đọc thêm một phần nguồn gốc và thành phần hóa học của màu đỏ son tại https://trinhhaithang.wordpress.com/2016/03/12/khoa-hoc-day-sac-mau/
(3) Nguyên văn “blue, blue or blue?”
(4) Về vấn đề màu cơ bản tùy theo trường phái hay lí thuyết màu khác nhau sẽ có những màu cơ bản tương ứng. là một khái niệm của riêng từng lí thuyết khác nhau. Có thể tìm hiểu thêm tại bài viết của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng https://nguyendinhdang.wordpress.com/2013/05/16/bi-mat-cua-mau-sac/
(5) Nguyên văn tác giả dùng từ purple, thực ra về mức độ màu sắc rất phức tạp, giữa indigo, violet, purple có sự khác nhau về tỉ lệ các màu cơ bản (H, S, V).