Marcel Duchamp là một họa sĩ người Mỹ gốc Pháp. Tác phẩm của ông thật sự mang tầm hưởng khá đáng kể đối với chiều hướng của nền nghệ thuật ở thế kỷ 20.

Ông thường trình bầy tác phẩm của mình qua nét chân phương nguyên thủy của nó. Ví dụ như đề tài điêu khắc có thể chỉ là những vật dụng bé mọn trong đời sống hằng ngày. Ấy vậy, ông đã làm thay đổi hoàn toàn chiều hướng của nền nghệ thuật hiện đại. Ông còn là người giới thiệu đến nền nghệ thuật Hoa Kỳ, trường phái lập thể và phong trào Dada tại Châu Âu. Ông còn gây ảnh hưởng lớn qua làn sóng siêu hiện thực ở những năm 20-30. Sự thấu đáo của ông về nghệ thuật đã thuyết phục rất nhiều nhà nghệ sĩ thuộc tầng lớp sau, đặc biệt là những người có liên quan đến làn sóng nghệ thuật trong những năm 60.

Duchamp ra đời tại Blainville và ông đã hưởng trọn vẹn thời thơ ấu của mình trong một gia đình mang đầy máu nghệ sĩ. Ông của Duchamp từng là người thợ chạm trổ, 3 người anh em của ông là những nhà họa sĩ (Raymond Duchamp-Villon, Jacques Villon và Suzanne Valadon). Riêng bản thân Duchamp khi vừa 15 tuổi, ông đã vẽ theo trường phái ấn tượng. Đến 20 tuổi, ông vận dụng sắc màu sặc sỡ chói lọi, lối vẽ táo bạo đôi lúc méo mó chẳng theo kích thước cân đối (fauvist style). Sau đó, ông đổi hướng sang trường phái lập thể (cubism), tuy ngắn ngủi nhưng lại khá dữ dội. Bức tranh lập thể Nude Descending a Staircase, số 2 được trin lãm tại nhà chưng bầy Armory Show, thành phố New York vào 1913. Đó là tác phẩm đầu tiên có tầm cỡ về nền nghệ thuật hiện đại tại Hoa Kỳ. Nó diễn tả cử chỉ khôi hài khó quên của người đàn bà dưới con mắt xét nét của người bình phẩm.

Nude Descending a Staircase (1912)  (Philadelphia Museum of Art, Pennsylvania)

Tuy nhiên, Duchamp không hề bối rối nao núng trước những lời phê phán chỉ trích cho rằng tài năng của ông đối chọi với nghệ thuật. Với điều mà ông cho rằng nó gắn bó mật thiết với nhãn quan của con người, bởi vì chính những điều kỳ cục dị hợm lại khêu gợi lôi cuốn đôi mắt người ta. Vào 1919, ông trin lãm bánh xe đạp đặt ngược trên chiếc ghế đẩu (Bicycle Wheel). Có thể nói, đây là tác phẩm thực thể (readymades) đầu tiên, khi vật dụng bình thường trong đời sống hằng ngày được tái tạo và mang vào nghệ thuật. Bicycle Wheel thật sự đã lôi kéo thêm nhiều tác phẩm thiết thực khác theo sau. Nổi danh nhất là chiếc bàn đi tiểu (loại đứng dành cho nam, cao 60 cm) sáng tác chung với họa sĩ người Mỹ tên Joseph Stella. Tác phẩm  nầy được chưng bầy tại nhà trin lãm the Society of Independent Artists, thành phố New York vào 1917. Tác phẩm mang tên Fountain, bên trái ký cái tên ma “R. Mutt.” Duchamp đã phát biểu về chữ ký ấy như sau, “Ông Mutt có thật sự tạo ra chiếc bàn đi tiểu ấy hay không, không quan trọng ! Điều quan trọng là ổng đã chọn nó làm đề tài. Qua đó, tất nhiên ổng đã tạo ra tư tưởng mới, cái nhìn mới lạ về nó.

Bicycle Wheel (Philadelphia Museum of Art, Pennsylvania)

Fountain , 1917

The Bride Stripped Bare by Her Bachelors, Even. 1915-1923. (272.5 x 175.8 cm)

Vào 1915, Duchamp dọn đến New York và sống ở đó đến 1923. Trong thời điểm nầy, ngoài các tác phẩm thực thể dị hợm ông còn sáng tác một số tranh và các vật quái quỷ kỳ lạ. Trong số đó là tác phẩm điên khùng khó hiểu The Bride Stripped Bare by Her Bachelors, Even. Tác phẩm ấy còn được gọi là The Large Glass, cấu tạo bằng những lá chì cán mỏng, sơn dầu, và cột dây chì giữa những vuông kính. Nửa phần trên của vuông kính mang hình một cỗ máy lạ đời, tượng trưng cho cô dâu. Nửa phần dưới biểu hiện cho chú rể, bao gồm cối xay café và vật gì tương tự như hình nộm chưng bầy trong các nhà may. Riêng bức tranh Tu m’ (1918, Yale University Art Gallery, New Haven, Connecticut) giới thiệu vài quan điểm trong quá trình tạo nghệ thuật. Có thể là vận dụng tài hoa của họa sĩ chuyên nghiệp với các đồ dùng thực thể và những vật tạo ảo tưởng. Ví dụ như một mảnh nhỏ của bức tranh kết hợp với cây kim tây. Không ngờ tư tưởng phối hợp tài nghệ, khả năng sáng tạo và đời thường được những nhà làm nghệ thuật mến chuộng, qua phong trào nghệ thuật đại chúng ở những năm 50 và 60 (The pop art movement).

 Vào 1923, sau khi tuyên bố cho rằng The Large Glass là một tác phẩm chưa hoàn tất, Duchamp cũng liền bảo ông đã kết thúc với nghệ thuật và đã rời New York để trở về Paris. Kể từ đó, ông dành hết tâm sức để đánh cờ. Song, thỉnh thoảng tác phẩm của ông lại xuất hiện, ví dụ như đoạn phim Anemic Cinema (1926) ngắn 7 phút mà ông sáng tác chung với họa sĩ người Mỹ tên Man Ray thuộc trường phái dada. Tựa đề tác phẩm “anemic” chính là chữ “cinema” đảo ngược, cho thấy Duchamp là con người thích <chơi chữ>, ưa đùa giỡn với nghệ thuật. Vào 1920-1930 ông đã tạo ra một bộ tác phẩm cơ giới vẽ trên thủy tinh, mang tên Precision Optics (Rotary Glass Plates, 1920. Chưng tại Yale Center for British Art, New Haven, Connecticut). Đó là 5 đĩa thủy tinh sơn vẽ được quay trên trục kim loại. Trong vòng 1m, khi quay nó sẽ tạo ảo giác 3 chiều cho người thưởng lãm. Tác phẩm nầy đã mở đầu cho nền nghệ thuật kết hợp với sự chuyển động, về sau được gọi là nghệ thuật kinetic (xin tạm dịch, nghệ thuật diễn động).

Anemic Cinema , 1926

Precision Optics, 1920

 

Vào 1942, Duchamp về sống ở New York và vào quốc tịch Hoa Kỳ năm 1954. Tuy nhiên, hằng năm ông thường xuất ngoại. Sau khi ông qua đời vào 1968, người ta mới khám phá ra ông đã dành hơn 2 thập niên vào một tuyệt tác bất hủ, đó là bức tranh Étant Donnés (chưng tại Philadelphia Museum of Art). Tác phẩm bao gồm nhiều vật thể khác nhau. Công trình quá quắc đầy khích động nầy thật ra mục đích tạo ảo tưởng của nó phỏng theo tác phẩm Large Glass của ông. Diễn tả người đàn bà làm bằng da nằm lõa lồ phơi mình trên thảm lá trước thác nước giả. Điểm thú vị độc đáo là hình ảnh người đàn bà được nhìn lén xuyên qua 1 lỗ nhỏ khoang trên cánh cửa gỗ to thô.

Bằng chứng về sự chế riễu vô tình làm giảm giá trị tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng là do chính Marcel Duchamp làm thủ phạm. Có thể nói, ông là người phá phách tàn bạo nhất, đến độ đã đi quá trớn khi dám cả gan mang họa phẩm vang danh Mona Lisa của Leonardo da Vinci ra làm trò cười. Tác phẩm nghịch ngợm động thiên đình của ông họa lại Mona Lisa trên khổ tấm bưu thiếp rẻ tiền, điều đáng nói là ông đã tô điểm tặng nàng kiều diễm thêm hàng ria mép mỏng dính và chòm râu dê lưa thưa vài cọng. Tác phẩm gây chấn động nầy mang tên L.H.O.O.Q., ra đời năm 1919. Dù sao đi nữa, cũng nên nhìn nhận đó là 1 trong những tác phẩm <tái tạo> (readymade) của Duchamp vì chính ông không phải là cha đẻ của nó. Ông chỉ là kẻ tạo cho người thưởng lãm có cái nhìn mới mẻ, nguồn tư tưởng khác lạ về một vật từng hiện hữu, cho dù là những vật bình thường quen thuộc nhất.

Tác giả : Nguyệt Trinh
Nguồn : Vietsciences

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.