(Tiếp phần I)

Giết thầy một cách vô duyên, thông minh đột xuất khi bắt heo:

Sau khi nướng chả rắn Hydra nhưng không được vua Eurystheus lẫn bà già ghen Hera ghi vào sổ thành tích, vị anh hùng Hercules ngậm ngùi nuốt cơn bực để dỏng tai lên nghe khổ nạn tiếp theo.

Tượng Hercules, có niên đại thế kỷ thứ 2 Công Nguyên, hiện nằm ở Bảo tàng Vatican. Biểu tượng của Hercules là chùy, anh chàng cũng hay ôm bộ da của con sư tử Nemean bên mình. Tác phẩm này tạc Hercules theo kiểu khá trẻ trung, chứ đa số tượng sẽ miêu tả một Hercules có râu ria xồm xoàm.

 

Ý kiến về cái nào là khổ nạn thứ 3 của Hercules (nhưng thực chất là thứ 2 vì cái Hydra hổng tính) khá trái chiều, có bản nói cái thứ 3 là lúc Hercules đi bắt con hươu vàng của Artemis , nhưng có bản nói cái thứ 3 là gian ải “Đi bắt con heo rừng Erymanthian”. Bài này tạm tin rằng con heo xếp trước con nai, lý do vì bài về heo có liên quan đến bài về rắn Hydra, nên để gần kề cho mọi người học nhanh thuộc.

Lưu ý rằng, khổ nạn này nói “bắt” chứ không “giết”, vì ông vua Eurystheus ma lanh; sau hai vụ sư tử và rắn, ông hiểu rằng khỏe như Hercules thì giết là quá dễ, chứ muốn bắt sống thì chàng ta phải vận dụng đầu óc một chút.

Heo rừng Erymanthian sống trên ngọn núi Erymanthus; muốn tới đó, vị thần phải đi ngang qua xứ Arcadia, mà Arcadia lại là quê hương của nhân mã Centaur nửa người nửa ngựa – giống loài chàng Hercules rất thân thiết vì ông nhân mã Chiron chính là thầy của anh.  Bắt gặp nhóm nhân mã do Pholus cầm đầu, Hercules đang làm nhiệm vụ nhưng Pholus là chỗ bạn bè lâu năm, Hercules chặc lưỡi nghĩ, “Thôi, nghỉ chân chơi bời tí cũng chẳng chết ai”.

Hình vẽ trên chiếc vò hai quai, niên đại 510 năm trước Công Nguyên, tả lại cảnh Hercules bắt tay nhân mã Pholus. Tuy chẳng thông thái như Chiron nhưng Pholus cũng là người tốt, hiếu khách. Nhưng hiếu khách nhiều thì coi chừng tai họa chuốc vào cũng nhiều…

 

Pholus “dọn phòng” mời vị thần sức mạnh nghỉ chân, sau đó mở tiệc đãi ông bạn chí cốt. Pholus cũng tử tế, biết rằng loài nhân mã chỉ ăn thịt sống, còn Hercules ăn đồ chín, Pholus đem thịt đi nướng rồi dọn riêng ra mời bạn xơi. Vị thần sảng khoái quá, đâm đòi hỏi lấn lướt; thấy yến tiệc chu đáo, Hercules nổi hứng muốn nhậu cho trọn vẹn nên khều ông bạn, “Rượu đâu mày?”

Pholus chần chừ, rồi khai rằng thần bợm Dionysus có tặng đám nhân mã của Arcadia một thùng, nhưng đó là của chung, toàn bộ nhân mã sẽ chia nhau vào dịp đặc biệt, chứ không ai được lén “hớp miếng” để sướng riêng.

Pholus rõ thật thà, biết vậy thì giấu nhẹm đi, khai một mạch hết trơn nên Hercules cứ ngúng nguẩy càm ràm, “Không có rượu sao ngon, cho chút đi mà, đang phải chiến thắng lắm khổ nạn để làm vừa lòng bà Hera nè”. Riết rồi Pholus hiếu khách cũng xiêu lòng, đưa bạn đến chỗ giấu rượu.

 

Hình vẽ trên chiếc bình cổ, niên đại 510 năm trước Công Nguyên. Bên trái là Hercules đang nhăm nhe múc rượu, còn bên trái là nhân mã Pholus.

 

Của đáng tội, khi mở nắp thùng rượu (xịn), hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi, đánh động các chàng nhân mã khác. Biết có kẻ đang uống trộm rượu quý, các nhân mã vùng Arcadia tức giận phóng đến chỗ giấu, khi thấy Hercules đang uống say sưa, họ lập tức tấn công mà chẳng thèm tra cứu hỏi han. Vị thần sức mạnh hoảng hồn, lôi cung tên ra bắn để tự vệ.

Tên bắn của Hercules giết vô số nhân mã,  rồi từ từ đẩy những kẻ sống sót rút quân đến hang của Chiron; trong lúc mọi thứ loạn hết cả lên, vị thần sức mạnh quờ quạng bắn trúng ông thầy của mình. Dĩ nhiên, Chiron rất khỏe nên chích một cú như thế có thấm vào đâu! Nhưng nếu bạn thuộc bài, hẳn bạn sẽ nhớ rằng sau khi thịt con rắn Hydra, Hercules đã nhúng tên vào nọc độc rắn để tăng độ nguy hiểm cho chúng. Chiron xui xẻo trúng tên ngâm nọc, lăn ra chết vừa đau đớn vừa lãng xẹt. Pholus cũng vô tình bị trúng tên, quy tiên ngay tắp lự.

Tác phẩm “Hercules” giết nhân mã, Charles Le Brun. Theo tích thì Hercules phải là người đang bắn cung, đứng bên trái; nhưng cái anh cơ bắp bên phải lại quấn bộ da sư tử – thứ Hercules kiếm được hồi khổ nạn thứ nhất và cũng là biểu tượng của anh. Vậy cuối cùng tôi chẳng biết ai là Hercules nữa.

 

Hình vẽ Hercules (giữa) đang vô tình giết Pholus và thầy Chiron, niên đại 580 năm trước Công Nguyên, hiện nằm tại bảo tàng Lourve.

 

Đau khổ vì thói hám rượu của mình gây ra cái chết của thầy và bạn thân, Hercules chuộc lỗi bằng cách… tiếp tục đến núi Erymanthus để bắt heo, không la cà tiệc tùng giữa chừng nữa.

Heo rừng Erymanthian rất khỏe, muốn bắt sống chẳng phải dễ, nhưng chắc do Hercules ưu tư, phải suy nhĩ nhiều vì buồn nên chàng ta thông minh hơn hẳn. Heo Erymanthian sống trên đỉnh núi cao, thế là vị thần sức mạnh nảy sáng kiến… rượt chú heo mọi chạy cho đến khi chú ngã lăn ra vì kiệt sức, rồi Hercules ung dung trói chân cẳng chú đem về.

 

Tác phẩm “Hercules đuổi bắt heo rừng”, Jun Pierre Shiozawa. Trông Hercules như một con gấu cầm chày, tuy nhiên tuyết nhiều thế kia thì ai nom cũng giống gấu cả.

 

“Hercules và con heo rừng Erymanthian”, Antoine Louis Barye, 1820. Cảnh Hercules vác chú heo trông rất phong độ. Mấy tượng tạc thần sức mạnh bắt heo thường không có chuỳ hay áo da sư tử đi kèm, chắc tại khó chêm vô mấy món này quá, để Hercules “truổng cời” luôn cho tiện.

 

Vị thần đem con heo về lâu đài dâng vua Eurystheus, nhưng vừa thấy con vật to tướng là ông vua nổi máu thỏ đế, chui vô một cái vạc bự để trốn.

Hình vẽ trên bình, 525 trước Công Nguyên. Hercules đang vác con heo rừng, còn vua Eurystheus thì đang trốn trong vạc, có mỗi cái đầu thò ra.

 

Tranh do các học viên của trường hội hoạ Ý vẽ năm 1685, có tên “Hercules làm vua Eurystheus hoảng hốt với con heo rừng Erymanthian”. Heo rừng trong tranh trông giống cún mực hơn, còn ông vua đang đứng ở nơi sơn thủy thế này thì vạc đâu mà chui nhỉ?

 

Hoàn thành khổ nạn bằng chiến thuật bắt rồi thả:

 

Sau khi người hùng Hercules bắt heo xong, ông vua Eurystheus rất hậm hực. Bà “nữ hoàng ghen” Hera đã giao cho ông nhiệm vụ hãm tài Hercules, ông chẳng làm nổi thì mụ ấy đập cho tan xương bây giờ. Đang bí thế, Eurystheus bỗng nhớ rằng thần Artemis có một con nai quý, vô cùng khó bắt, cử Hercules đi tóm con này chăng?

“Artemis và con nai”, Renoir, không rõ năm. Artemis là thần săn bắn, biểu tượng của nữ thần là con nai, cây cung, chó săn. Trong hình thì Renoir vẽ cảnh Artemis vừa bắn chết một con nai, nhưng nàng nai “cục cưng” của Artemis thì Artemis không giết bao giờ. Tại sao nai này lại đặc biệt hơn những con nai khác?

 

Đầu đuôi là thế này, hôm đẹp trời nọ, nữ thần Artemis phát hiện ra có 5 nàng nai tuyệt đẹp tại xứ Cerynitist; gạc của chúng bằng vàng, móng bằng đồng, và chúng chạy nhanh thoăn thoắt. 5 con này là 5 con nai cái duy nhất có gạc, lại còn gạc vàng nữa cơ chứ, xem chừng còn quý hơn bất động sản ở trung tâm thành phố. Artemis bắt 4 con về huấn luyện để chúng kéo xe chở mình đi chu du sơn thủy, con cuối cùng nữ thần nuôi làm kiểng (có bản nói Artemis không bắt được con cuối nên đành để nó tự do.)

Thể theo tích, 5 nàng nai này có tên Ceryneian (đặt theo vùng đất Artemis tìm thấy chúng), và thuộc giống nai đỏ. Tuy nhiên, khi lên tranh thì họa sĩ hay vẽ lộn vài chi tiết.

 

Tác phẩm “Artemis và Apollo” nổi tiếng của Lucas Cranach the Elder, 1530. Con nai trong tranh giống loài nai đỏ, gạc vàng móng đồng thì không giống lắm, màu hơi xỉn quá (và gạc kiểu này khiến nàng nai trông hơi “đàn ông” nhỉ?); nhưng sau chừng đó năm, rồi còn ngắm qua ảnh chụp lấy từ internet nữa nên có thể vụ gạc với móng không phải lỗi của họa sĩ.

“Con nai vàng Ceryneian”, Malcolm Ashman, không rõ ngày tháng vẽ nhưng họa sĩ sinh năm 1957. Nàng nai trong tác phẩm rất ra dáng nai cái với gạc vàng móng đồng, tuy nhiên họa sĩ vẽ nàng hơi “Bambi”, chỉ nai con mới có lắm chấm trắng thế trên lưng.

 

Nai quý Ceryneian cực kỳ khó bắt, ông vua Eurystheus chắc mẻm rằng Hercules không thể nào hoàn thành được khổ nạn này. Quả thật, ban đầu chàng dũng sĩ đua không nổi với con nai quý; nó chạy nhay hơn gió, Hercules hộc tốc rượt theo nàng từ nước này sang đến nước khác mà vẫn chưa tóm được cái móng chân của nàng.

Bức “Hercules đuổi theo con nai Ceryneian” của họa sĩ gốc Nhật Jun Shiozawa, Hercules chạy muốn ná thở mà vẫn chưa bắt kịp nàng nai. Nàng hơi khuất một tý, phải ngắm tranh một lúc mới thấy, nhưng như vậy cũng hay. Tuy nhiên, họa sĩ vẽ lộn nai đỏ thành nai trắng mất tiêu rồi. Hoặc có lẽ họa sĩ quyết định vẽ nai trắng cho nó nổi? Cây cối um tùm vầy mà vẽ nai đỏ thì nhìn mờ mắt chết.

 

May mắn thay, Hercules nhà ta dồi dào sức khỏe, chàng đuổi theo con nai đến hơn… 1 năm trời mà vẫn chưa mệt. Nàng nai thì chạy nhanh nhưng sau chừng đấy thời gian là đã bắt đầu mỏi giò và khát nước, thế là nàng chạy tới dòng suối Ladon. Herucles ma lanh nấp sau lùm cây, đợi đến khi nàng dừng chân uống nước thì nhào ra bắt (có bản nói Hercules bắn cho nàng bị thương một chân rồi mới tóm.)

Tượng đồng La Mã thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, tạc cảnh Hercules bắt con nai vàng. Cô nai trong tác phẩm tuy cũng có gạc dài nhưng nhìn rất mảnh khảnh ra dáng nai cái, đối lập với chàng Hercules đô con.

 

“Hercules bắt con nai vàng”, tranh vẽ tường của Adolf Schmidt, thế kỷ 19. Hercules thì nhìn rất oai, quấn áo choàng da sư tử Nemean, nhưng nai đỏ trong tích cũng biến thành nai trắng trong tranh.

 

“Hercules bắt con nai của Artemis”, cũng của Lucas Cranach the Elder, 1537. Bức “Apollo và Artemis” ở trên thì nhìn không ra gạc vàng móng đồng, nhưng bức này thì nàng nai có gạc móng hoành tráng. Tuy nhiên, đâu có tích nào nói Hercules dùng cây đập con nai như thế đâu! Lỡ nai chết thì hỏng kiểu; chàng phải bắt sống nó thì mới hoàn thành khổ nạn được.

 

Mề đay bằng đồng có khắc hình Hercules bắt nai, 1496. Bản khắc chi tiết lắm nhé, thấy áo bằng da sư tử, và nhìn kỹ còn thấy cây cung mà Hercules dùng để bắn què chân con nai đang treo trên cành cây gần đó. Nghe đồn nước Anh có bộ đồng bạc 2 bảng khắc hình 12 khổ nạn của Herclues, và khổ nạn bắt nai trông khá giống cái mề đay này. Bộ 12 khổ nạn thuộc dạng hiếm, có thể thành đồ sưu tập. Tôi chưa thấy nó bao giờ, chẳng biết có bạn nào kiếm ra được mấy đồng xu đó không nhỉ?

 

Dũng sĩ bắt xong nai quý, ung dung vác về. Nhưng trên đường thì xúi quẩy đụng phải chị em Artemis và Apollo. Thấy thằng nhãi Hercules cả gan tóm thú cưng, Artemis toan lôi dũng sĩ ra làm bia tập bắn, nhưng Hercules nhanh chóng kể khổ, nói rằng chàng buộc phải làm thế để chuộc lỗi với mụ Hera, và hứa rằng khi đem nai về diện kiến vua thì chàng sẽ thả nó đi ngay. Do Artemis cùng cậu em từng là nạn nhân của nữ hoàng ghen tuông nên họ mủi lòng tha cho Hercules, tuy nhiên nữ thần săn bắn gằn giọng cảnh báo rằng “Nhớ là sau đó phải trả nai cho chị mày nghe chưa.”

Hercules an toàn về nhà đưa nai cho ông vua Eurystheus, và ông này giở trò, đòi Hercules đưa con nai cho mình để ông giữ làm của riêng. Nhưng Hercules lỡ hứa với bà chị cùng cha khác mẹ rằng chàng sẽ trả nai, không thì bà ấy quýnh no đòn. Thế là dũng sĩ bảo vua “Đưa thì đưa, ngài tới đây lấy con nai nào”, rồi lúc Eurystheus đến gần, chàng buông tay và con nai nhanh chân chạy về với chủ. Hercules cười hà hà, “Tại ông không tóm được nó đấy nhé.”

Dùng lúc lắc diệt bầy ác điểu

Sau một năm ròng rượt con nai vàng, Hercules nhà ta bắt đầu thấm mệt. Vô tình, anh gặp Jason cùng nhóm bạn; trong nhóm có cậu thiếu niên Hylas đẹp trai. Khoái Hylas, Hercules lên thuyền rong ruổi cùng bạn bè một thời gian, đến khi Hylas bị các nàng tiên sông bắt cóc, và Hercules chán ngao du sơn thuỷ, người hùng quay về gặp vua  Eurystheus để tiếp tục vượt qua khổ nạn.

Tác phẩm “Hylas đi lấy nước”, Baldassare Franceschini, thế kỷ 17th.

 

Ông vua Eurystheus nhìn chung rất bực mình khi thấy người hùng luôn hoàn thành khổ nạn theo yêu cầu, nên lần này ông không giao cho Hercules bắt hay giết con quái vật nào nữa, mà là giết… một đàn, cụ thể là đàn ác điểu stymphalian.

Ề… ác điểu gì cũng là chim, tự dưng kêu người hùng đi săn chim là sao? Nhưng stymphalian không phải thứ tầm thường, lông và móng chúng làm bằng đồng, phân của chúng lại cực kỳ độc. Chúng chuyên giết người bằng cách bay lên rồi thả vài chiếc lông vũ nặng chịch xuống, đầu ai trúng phải lông của ác điểu stymphalian thì sẽ lủng lỗ chết (hoặc chúng thả “một bãi” xuống hòng giết nạn nhân bằng chất độc, nhưng cách này hơi bị dơ nên chẳng có nghệ sĩ nào lấy nó vẽ tranh, nặn tượng cả.)

Hình vẽ Hercules giết đàn ác điểu stymphalian, trên chiếc bình cổ 530 năm trước Công Nguyên. Người xưa chưa hình dung ác điểu trông ghê cỡ nào nên vẽ chúng như thiên nga.

 

Biết rằng mình phải thịt cả đàn ác điểu, người hùng vò đầu bặm môi; một con quái thú là dễ rồi, chứ nguyên đàn thì anh chẳng biết làm thế nào. Xông vô hang của chúng không được do chỗ ấy toàn phân độc hại, chưa kể đến chuyện giết con này là con khác lao vô tấn công liền.

Thấy Hercules suy nghĩ hoài chưa ra, nữ thần thông thái Athena rủ lòng thương nên hiện hình (giống Bụt nhỉ), rồi tặng cho dũng sĩ một cặp lúc lắc bằng đồng. Cặp lúc lắc này phát ra âm thanh rất chói tai, khiến Hercules xém thủng màng nhĩ. Nhưng nhờ món quà này mà Hercules nghĩ ra được cách giết ác điểu.  Chàng lần mò đến hang của chúng, bịt tai rồi cầm lúc lắc khua inh ỏi. Lũ ác điểu nghe thấy âm thanh đáng sợ này là bay tán loạn, chả để ý đến vị anh hùng đứng bên dưới. Hercules cứ thế giương cung bắn chết từng con một.

Hercules giết ác điểu stymphalian, Bourdelle, 1909. Tư thế giương cung của Hercules hơi bị đẹp nên nhiều nơi khoái copy tác phẩm này, chẳng thấy ác điểu ở đâu nhưng gần như chẳng thấy ai phiền khi ngắm nó cả.

 

Hercules giết ác điểu stymphalian, Albrecht Durer, 1500. Ác điểu trong tác phẩm này trông dị hợm hơn là trong hình vẽ trên bình cổ, với đầu người, móng vuốt của chim, thân hình lai tạp chẳng giống con giáp nào. Nhưng tại sao trong mắt hoạ sĩ thì những con gớm ghiếc thế lại thuộc giống cái vậy cà?

 

Đây là tường của villa D’Este, nằm ở Tivoli, Ý. Bên phải là hình Hercules giết ác điểu do Girolamo Muziano vẽ vào năm 1565. Ác điểu lại là giống cái nữa, hoạ sĩ vẽ cũng hơi lạc đề, một đàn mà thấy mỗi một con, đã vậy Hercules còn dùng chày đập thay vì bắn cung.

 

Hercules giết ác điểu, Edgar Maxence, 1893. Bức này nhìn ra cả đàn, ác điểu nom như kền kền (chắc do loài này ăn xác chết thối). Nhiều stymphalian thế kia thì chắc Hercules bắn tới mai.

 

Hercules giết ác điểu, Gustave Moreau, 1898. Tranh của Gustave luôn có màu na ná nhau, do ông khoái kiểu trang trí của Ấn Độ. Dù trong tích không nhắc tới nhưng Gustave hay chêm vô xác chết hoặc hoa hòe nếu có thể. Nhìn Hercules mà xem, tóc vàng bồng bềnh, bộ da con sư tử mà Hercules khoác trên người nom lấp lánh, cây cung của chàng trông như thể là nó được cẩn xà cừ xanh đỏ.

 

Bức mosaic hình Hercules giết ác điểu, tuy giương cung nhưng dưới chân Hercules phải có cái chày để mọi người biết đây là ai, chứ không chắc sẽ có vị tưởng bức mosaic này tả một anh nông dân bắn vịt trời.

 

Hercules dâng xác ác điển cho Athena, tượng thời Hy Lạp cổ. Người hùng làm thế chắc để tỏ lòng biết ơn Athena đã mở mang trí não cho mình hoàn thành khổ nạn. Tuy nhiên xác con này có gì hay để chàng dâng nhỉ? Bộ da sư tử có công dụng tốt thì chàng lấy quấn quanh mình, còn ác điểu vô dụng thì đem dâng, hết hiểu nổi.

Như vậy là dũng sĩ đã hoàn thành thêm một khổ nạn nữa, khiến ông vua Eurystheus càng thêm hậm hực, bảo đảm sẽ làm khó chàng hơn nữa vào khổ nạn tiếp theo.

Tác giả: Pha Lê
Nguồn: soi house

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.