Chúng ta tiếp tục theo chân Hercules nào, kỳ trước ta đã rất vui khi thấy Hercules hạ được bầy ác điểu. Nhưng có một người chẳng vui chút nào.

Người đó chính là ông vua Eurystheus, ông đặt ra bao khổ nạn khó hòng thủ tiêu người hùng mà Hercules vẫn phây phây. Eurystheus biết rằng mình phải đổi chiến thuật, không kêu Hercules giết con này bắt con kia nữa, mà bắt chàng phải đi… dọn chuồng bò.

Hình vẽ bò trên bình cổ, 500 năm trước Công nguyên. Bò là con vật quý của người Hy Lạp, cung cấp thịt, sữa, sức kéo. Người tình một đêm của Zeus, nàng Io, cũng từng biến thành bò mà. Biết là dân Hy Lạp rất yêu con vật gần gũi với nhà nông này, nhưng tại sao Hercules phải dọn chuồng bò nhỉ?

 

Bởi vì Eurystheus gian manh, đâu có bắt thần sức mạnh dọn chuồng bò thường, mà là chuồng bò thiêng của vua Augeas (của xứ Peloponnesus). Mấy con bò này bất tử, trong hơn mấy chục năm chúng cứ… ăn và thải; bởi vậy cái chuồng bò thiêng này rất thối, không ma nào dọn cho sạch được.

Hercules do thám địa hình xung quanh cái chuồng bò rồi cười khẩy; chàng ta đến gặp vua Augeas, nói rằng “Này, tôi dọn chuồng bò cho ông thì ông chia cho tôi 1/10 số bò làm công nhé.”

Vua Augeas cho rằng Hercules không thể nào dọn nổi chuồng bò nên đồng ý. Thế là vị thần bắt tay đào hào, đẽo đá. Tất nhiên Hercules không bắt tay vào dọn phân bò rồi, chàng biết mình chẳng làm nổi. Lúc đi thám thính địa hình, Hercules phát hiện ra rằng gần chuồng bò thiêng có hai con sông. Vị thần bèn đào hào đẽo đá là để đổi dòng chảy của hai con sông này, bắt chúng chảy thằng vào chuồng bò, nước sông sẽ tẩy sạch những thứ thối tha kia dùm cho mình.

Bức khảm tả lại cảnh Hercules đổi hướng sông để dọn chuồng bò, nhưng khổ nạn này khó mô tả quá nên bức khảm nom như thể tả lại cảnh Hercules sắp cào mặt bức tượng “chú bé đang tè” nổi tiếng của Bỉ.

 

Đây là khổ nạn ít tranh tượng nhất, và nếu có thì gần như cũng… không đẹp, chẳng biết có phải do hoạ sĩ khó tưởng tượng ra bố cục hình học của tranh không nữa (hoặc là ít vẽ vì ngại vẽ phân bò chăng?)

 

Một tranh minh hoạ cho khổ nạn dọn chuồng bò của Hercules trong một cuốn sách cũ, chả biết ai vẽ. Hercules đang ngồi nhởn nhơ chờ con sông dọn sạch chuồng bò, dòng chảy của sông nhìn chả khí thế gì, chuồng bò nom cũng chán.

 

Bức minh hoạ này cũng chả biết của ai, hình như một hoạ sĩ Nga? Chuồng bò trong tranh nhìn giống điện thờ, nhưng chắc bò thiêng nên chuồng phải màu mè thế.

Vẫn không biết bức minh hoạ này là do ai vẽ, nhưng chắc chắn rằng đây là bản vẽ trong một cuốn sách Nga. Hoạ sĩ này có chú ý miêu tả cảnh Hercules đắp đá hòng đổi dòng chảy của sông.

“Hercules dọn chuồng bò cho vua Augeus”, Jun-Pierrre Shiozawa, 2001. Anh hoạ sĩ Nhật này vẽ ra cảnh dòng sông ùn ùn đổ vào chuồng bò, màu tuy nhã nhưng nhìn rất khí thế. Chuồng bò có vẻ hơi lụp xụp nhỉ? Tsunami sông mà tràn vô kiểu này chắc nát bét cả chuồng. Nhưng vẽ cái chuồng chắc chắn hơn thì coi chừng tranh không đẹp.

“Hercules dọn chuồng bò Augeus”, Honore Daumier, 1848. Bức này rất thú vị, tuy nhiên Honore lại vẽ cảnh Hercules dùng xẻng dùng chổi dọn chuồng bò thay vì nhờ sức sông. Lạc đề tí nhưng không sao, nét vẽ rất đẹp. Nghe đâu bức này có bản màu còn đẹp hơn nữa, nhưng tìm hoài mà không thấy hình nào đủ to, và hình nào cũng bị cắt mất một khúc. Bạn nào có bản màu to đẹp thì giúp mình nhé.

 

Chuồng bò sạch sẽ, Hercules hý hửng đến gặp vua Augeus để đòi tiền công (là 1/10 số bò.) Tuy nhiên, vua Augeus đã thư từ qua lại với vua Eurystheus đáng ghét; nên Augeus xù Hercules, nói rằng kiểu gì Hercules cũng bắt buộc phải tự dọn phân bò rồi, nên chàng sẽ không được trả công gì hết.

 

Trong khổ nạn bắt nai, tôi kể rằng có bộ 12 đồng xu (của Anh Quốc) khắc hình các khổ nạn của Hercules. Bộ này đủ hiếm để sưu tầm, và tôi kiếm ra được đồng xu khắc hình khổ nạn dọn chuồng bò nè. Tuy bé nhưng hình khắc cũng miêu tả được câu chuyện đó chớ.

 

Bực ông Augeus xù công, nhưng ít ra coi như cũng hoàn thành xong khổ nạn, chàng bèn đi về diện kiến lão Eurystheus để nhận khổ nạn tiếp theo. Ai dè, Eurystheus nói Hercules nhờ sức sông dọn chuồng chứ không tự mình làm nên khổ nạn này xem như không tính.

Hercules bị xù công, giờ bị xù khổ nạn nên tức điên, nhưng chả làm gì được.

Vậy là mọi người biết tại sao 12 khổ nạn của Hercules thực chất chỉ có 10 rồi nhé, 2 khổ nạn là giết Hydra và dọn chuồng bò đều công cốc, thật tội Hercules.

Ăn gian bò, phải lòng bò, bóp cổ bò:

Khổ nạn kỳ này hơi khác lạ một chút, do nó không khó, Hercules làm loáng cái là xong.  Tuy nhiên, lịch sử dẫn đến khổ nạn lại hơi quái đản và dài dòng.

Xứ Crete của Hy Lạp có một vị vua anh minh tên Minos, vợ ông là nàng Pasiphae tài giỏi, xinh đẹp. Nghĩ bụng ông vua này đàng hoàng, thần biển Poseidon tặng Minos chú bê con màu trắng rất đẹp . Poseidon bảo Minos hãy nuôi lớn chú bê này và sau đó giết chú tế cho thần, như vậy vị vua xứ Crete sẽ nhận được nhiều phúc lộc hơn nữa.

 

“Bò trắng xứ Crete”, Jun Shiozawa, 2001. Con bê trắng khi lớn lên sẽ đẹp như thế này, và sẽ thành vật tế thần. Dân đen chỉ được xơi mấy con bò xấu xí khác.

 

Vua Minos nuôi con bê trắng toát thành bồ rồi thì lại nổi lòng tham,  muốn giữ chú làm của riêng chứ chẳng muốn cúng cho ông thần râu ria ngoài biển. Thế là Minos lôi con bò nâu tầm thường của ông ra giết để tế, còn chú bò trắng đẹp thì ông giấu nhẹm đi.

Xui cho Minos, Poseidon vốn xơi toàn đồ ngon nên khi ăn phải thịt bò dai là ông thần  biết ngay Minos  lừa dối mình. Tức tối, Poseidon ếm xì bùa bà vợ Pasiphae của Minos, khiến bà nữ hoàng cảm thấy bứt rứt, muốn làm tình với… bò.

Đây là bức tranh vẽ trên một chiếc rương thời thế kỷ 16. Tranh thuật lại câu chuyện của Pasiphae:

1) Poseidon (nhìn kỹ sẽ thấy cầm đinh ba) đem con bê trắng đến cho Minos nuôi, con bò nâu là gia súc của vua Minos.
2) Thay vì giết con bò trắng, Minos lại đập đầu con bò nâu của mình để tế (nữ hoàng Pasiphae đứng ngay cạnh, bên trái. Ý chỉ rằng hành động của Minos sẽ làm liên lụy đến vợ).
3) Cảnh tế bò “ăn gian”
4) Poseidon tức giận nên ếm xì bùa Pasiphae.
5) Pasiphae bắt đầu có hứng thú thể xác với bò. Theo tài liệu tả, thì chiếc rương có vẽ bức tranh này là quà tặng… đám cưới. Chẳng biết quỷ sứ nào lại đặt hàng cái tích này để vẽ làm quà cưới nhỉ?

Tuy nhiên, có hứng thú với bò là một chuyện, làm sao để con bò “chịu” mây mưa với mình lại là chuyện khác. Hoàng hậu Pasiphae bí thế nên đành cầu cứu nhà phát minh/nhà thiết kế tài ba Daedalus. Ông này nghĩ ra cách làm giả một con bò cái bằng gỗ và da thuộc, hoàng hậu Pasiphae sẽ chui vào đó nằm, chờ con bò đực tới.

“Pasiphae chui vào con bò của Daedalus”, Guilio Romano, 1530. Daedalus đang giúp hoàng hậu vào nằm bên trong con bò giả. Trong hình chẳng thấy bóng dáng vua Minos, nhưng vẽ ông vua vô thì quả là kỳ.

 

Lúc đó, Poseidon khiến con bò trắng của mình chạy tới chỗ Pasiphae, và làm nữ hoàng có bầu. 9 tháng sau nữ hoàng hạ sinh quái thú Minotaur hung ác nửa bò nửa người; thế là Minos phải đau khổ bắt bớ người lành để quẳng vào hang cho Minotaur ăn thịt. Chưa hết, Poseidon còn biến con bò trắng hiền hòa mà mình tặng cho Minos nuôi xưa kia thành con quái vật hung hăng, biết phun lửa, rồi ra lệnh cho nó phá hoại đồng ruộng của người dân xứ Crete.

 

“Pasiphae và con bò”, Gustave Moreau, 1880. Trường phái dã thú dữ dội và kỳ ảo của Moreau xem chừng vô cùng hợp với cái tích cũng rất dã thú này nhỉ?

 

Trở lại với vị thần cơ bắp Hercules, khổ nạn lần này của chàng là bắt sống con bò phun lửa – kẻ đã giúp nữ hoàng Pasiphae phôi thai ra Minotaur  (người hùng Theseus đã giết Minotaur rồi nên Hercules phải lãnh phần bắt con bò.) Cũng lại một khổ nạn bắt bớ khác, Hercules chắc đã quá quen với trò này nên chàng hoàn thành rất nhanh. Thủ thuật của chàng chỉ là: nấp trong lùm, khi thấy con bò đi tới thì nhào ra bóp cổ cho bò ngất xỉu, xong xuôi thì vác nó về trình diện ông vua Eurystheus gian manh.

 

Tranh khắc “Hercules bắt con bò xứ Crete”, B. Picart, 1731. Hercules nhìn rất dũng mãnh khi dùng tay không đè con bò nằm bẹp xuống. Lý ra thì con bò của Poseidon phải duyên dáng, thịt mềm như bò Kobe. Tuy nhiên sau khi ông thần biển hóa nó thành bò phun lửa thì chắc nó mất hết duyên, cũng u thịt gân guốc giống Hercules rồi.

Tượng “Hercules bắt bò xứ Crete” tại lâu đài Schwerin của Đức, do August Kriesmann hoàn thành năm 1853. Rất nhiều người chụp cái tượng này để minh họa cho khổ nạn bắt bò của Hercules.

“Hercules bắt bò xứ Crete”, Girolamo Muziano , 1565, vẽ trên tường của dinh thự d’Este ở Tivoli. Đáng lẽ Hercules phải nắm sừng bò từ đằng sau, chứ ở đằng trước như thế này thì vừa nguy hiểm, vừa sai tích; và tư thế của người hùng cũng chả dũng mãnh lắm nhỉ, bộ da sử tử thì mỏng lét như khăn choàng lụa.

 

Mất bồ vì bầy ngựa ác

 

Nếu bạn là ông vua Eurystheus, chuyên phải nghĩ ra khổ nạn để hành Hercules, thì bây giờ bạn sẽ nghĩ gì nhỉ?

Chắc là đang tức điên và nghĩ rằng “Quái, sao thằng ranh ấy chưa chết!”

Quả là Hercules luôn hoàn thành khổ nạn một cách nghiêm túc; giết con này, bắt con kia là người hùng luôn làm được. Xem đi xét lại, Eurystheus thấy rằng khổ nạn “bắt sống” luôn khó hơn khổ nạn “giết” một chút, thành thử lão phán rằng trong khổ nạn kế tiếp, Hercules phải bắt 4 con ngựa cái của vua Diomedes ở xứ Thrace và đem về trình cho lão

“Hercules và đàn ngựa của Diomedes”, Jun Shiozawa, 2009.

 

Người hùng nhà ta từng mất 1 năm để bắt con nai Ceryneian; lần này chàng không những phải bắt 1 con mà tới 4 con. Mấy nàng ngựa này cũng không phải vừa; chủ nhân của các nàng – vua Diomedes – vốn là con trai của thần chiến tranh Ares, nên bản thân ông vua này có sẵn tính hung hăng. Diomedes nuôi 4 con ngựa cái quý, ngoài chuyện chạy nhanh, chúng còn rất khùng vì ông vua cho chúng ăn… thịt người thay vì ăn cỏ. Nếu Diomedes sống trong thời đại ngày nay, chắc chắn ông sẽ bị bộ kiểm dịch và bộ thú y thộp cổ vì cố ý nuôi bệnh ngựa điên.

Thấy 4 con ngựa có vẻ khó xơi, Hercules nhờ cậu bạn (kiêm người yêu)  Abderos đến Thrace với mình để đề phòng bất trắc. Người hùng gõ cửa lâu đài của vua Diomedes, và vị vua thết đãi Hercules cùng anh bạn khá là nồng hậu (nói thêm, Diomedes định bụng rằng khi Hercules ngủ say, ông sẽ cắt cổ Hercules và đem xác cho lũ ngựa ăn.)

Biết tỏng lòng dạ của Diomedes, vào buổi tối Hercules không ngủ mà lẻn ra ngoài. Người hùng phá cửa chuồng ngựa, rồi vất vả cầm cương lèo lái 4 con chạy ra ngoài biển để lên thuyền về diện kiến lão Eurystheus đểu.

“Hercules và đàn ngựa của Diomedes”, tượng hiện nằm tại Bảo tàng Thiên nhiên Hoang dã, Mỹ. Không thấy đề tên nghệ sĩ đã sáng tác nên tác phẩm này, bạn nào biết thì mách dùm với. Cả 4 con ngựa nhìn rất dũng mãnh (chả hiểu sao chúng lại là ngựa cái, tích luôn đề rằng chúng thuộc giống cái mà không giải thích.) Hercules đang bám vào con đầu và lèo lái mấy con sau ra biển, nhìn hơi bị vất vả.

 

“Hercules và ngựa của Diomedes.” Tranh nằm trong bộ sưu tập của Joseph Klein, không biết ai vẽ bức này nhưng nó khoảng thế kỷ 19. Họa sĩ không vẽ đủ 4 con ngựa mà chỉ vẽ 2 con thôi, dù rằng 2 con này trông cũng rất hung hăng.

 

Tuy nhiên, Diomedes đâu phải tay vừa. Biết Hercules chôm ngựa của mình, ông vua bèn tức tốc đuổi theo. Hercules nghe báo cáo rằng Diomedes đang dí tới thì tặc lưỡi, giao 4 con ngựa cho cậu Abderos giữ rồi rảnh tay đi đánh nhau với ông vua của Thrace. Người hùng cơ bắp quên động não nên không hiểu rằng sức khỏe như chàng ta thì lũ ngựa còn nể, chứ cậu thiếu niên Abderos thì vẫn là người thường. Trong lúc giữ ngựa chờ Hercules quay về, 4 con thi nhau xé xác Abderos ra xơi tái.

Người hùng chạm trán Diomedes, lấy chùy phang một cú là con trai Ares lăn đùng ra chết. Sau khi nghe tin lũ ngựa của ông vua quá cố đã nhai sống người thương Abderos, Hercules nổi đóa rồi vứt xác Diomedes cho lũ ngựa ăn để hả giận. Buồn vì một lần nữa phải sớm chia tay với chàng nam thiếu niên mà mình yêu quý (cậu đầu là Hylas), người hùng cho xây dựng một thành phố gần bờ biển nơi mỹ nam của mình chết, và đặt tên Abdera cho thành phố.

“Cái chết của Diomedes”, Gustave Moreau, thế kỷ 18. Thật gớm khi thấy 4 nàng ngựa xé xác chủ nhân cũ ra gặm, Hercules thì ngồi vắt vẻo trên bờ tường nhìn xuống. Chắc người hùng đang giận sôi gan vì mất người yêu.

“Hercules cho 4 con ngựa của Diomedes ăn xác chủ,” Luca Giordano, 1685. Hercules có vẻ khá dửng dung khi vứt xác Diomedes cho lũ ngựa xơi. Anh chàng đang quỳ nói chuyện với Hercules là ai thế nhỉ? Người yêu Abderos chết rồi còn đâu? Tự nhiên nhìn thấy cảnh này lại liên tưởng tới Kinh thánh, có lộn gì chăng?

 

“Hercules và Diomedes,” Antoine Jean Gros, 1835. Hercules cho lũ ngựa ăn xác mà mặt mày nhìn đi đâu, nhớ tới người yêu chăng? Tứ thế hai người cũng hơi giống múa ba lê…

 

Nhưng thật lạ lùng, nhờ ăn thịt Diomedes mà lũ ngựa bỗng nhưng hiền lại, không điên nữa. Hercules dễ dàng đem chúng về trình Eurystheus. Lão vua đểu đem 4 con ngựa quý tặng cho Hera hòng nịnh bợ; và từ đó về sau 4 con ngựa này tung tăng gặm cỏ trên đỉnh Olympus.

 

Giết oan nữ hoàng Amazon nên nghệ sĩ hay né

Là người yếu đuối, có những thứ tôi muốn né dù biết rằng chẳng thể nào né được, và lần này thì đụng phải cái tích mình chẳng muốn kể chút nào, nhưng lỡ đâm lao vào khổ nạn của Hercules rồi nên giờ phải theo lao. Khổ nạn này sẽ gây cảm giác “chán nhiều phía” nên các nhà điêu khắc, các họa sĩ cũng né nó nốt, thành thử tác phẩm minh họa tính ra không nhiều, thôi thì cùng nhau cố gắng.

Sau màn bắt ngựa thành công, ông vua đểu Eurystheus đang vắt óc ra nghĩ xem nên hành Hercules theo kiểu nào thì cô con gái cưng Admeta đến vòi Eurystheus chiếc đai đeo kiếm bằng vàng của thần chiến tranh Mars (tên Hy Lạp: Ares.)

Nhưng Mars lại không đeo chiếc đai này; vào thời của Eurystheus, Mars có một cô con gái giỏi giang, dữ dằn tên là Hippolyta. Cô nàng có máu đánh nhau nên nhập bộ lạc chiến binh Amazon, và trở thành nữ hoàng của bộ lạc. Giải thích chút cho những ai chưa biết: Amazon là một bộ lạc toàn nữ, thờ thần săn bắn Artemis, rất hiếu chiến. Họ mặc giáp, bắn cung, phóng lao, đánh trận như đàn ông. Khi cần có con thì bọ bắt trai theo chiến thuật “cướp hiếp giết” rồi giữ lại các bé gái nuôi, quẳng bé trai vô rừng. Hippolyta làm nữ hoàng Amazon thì khỏi nói cũng biết là nàng đanh thép cỡ nào; do đó Mars bặm trợn rất cưng con gái, tặng con chiếc đai đeo kiếm quý giá.

Hình vẽ nữ chiến binh Amazon trên chiếc đĩa Hy Lạp cổ, khoảng thế kỷ thứ 2, 3 trước Công Nguyên. Các nàng cũng vận giáp, cầm lao y như mấy nam chiến binh.

 

Rõ là chẳng dễ gì chôm được chiếc đai của Hippolyta, nhất là đàn ông như Eurystheus thì chưa kịp thò tay là đã bị nàng vằm ra thành thịt viên. Tuy nhiên, ông vua này có tính chiều con trộn lẫn tính đểu, ông nghĩ ra diệu kế: bảo Hercules đánh cắp chiếc đai của nữ hoàng Amazon đem về cho con gái mình.

Tượng nữ chiến binh Amazon, thế kỷ thứ 2 Công Nguyên. Đây là bản copy, bản gốc làm bằng đồng từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, giờ đã thất lạc. Bản copy cũng chịu nhiều hư hại, mất nguyên cánh tay phải nên các nhà phục chế phải gắn cánh tay mới. Nàng Amazon này không mặc giáp hoành tráng, tuy nhiên nàng vẫn cầm cung, ăn mặc thoải mái để tiện di chuyển.

 

Chẳng còn cách nào khác, vị anh hùng phải lên tàu nhổ neo, vượt biển đen hòng xâm nhập lãnh địa của các nữ chiến binh Amazon (có bản nói, vì ái ngại mấy bà chằn này nên Hercules còn rủ một đám thanh niên đi cùng nhằm đề phòng.)

Đời biết đâu chữ ngờ! Chàng anh hùng cơ bắp, nam tính, dũng mãnh vừa đặt chân đến đất Amazon là đụng ngay phải nữ hoàng Hippolyta cũng cơ bắp, dũng mãnh, lẫn nam tính chả kém gì. Trước đó, khi nghe kể về các chiến tích của Hercules là Hippolyta đã thích rồi, giờ gặp mặt còn thích hơn; chứ đám đàn ông Hippolyta chạm trán trước đây đều thỏ đế, thấy nàng là dúm lại hoặc chạy cong đuôi, nên Hercules khí khái đường bệ làm nàng sung sướng hẳn ra. Tộc Amazon mở tiệc chiêu đãi Hercules, và Hippolyta còn hứa rằng khi nào Hercules chán muốn quay về thì nàng sẽ tặng chàng chiếc đai, khỏi nghĩ cách chôm làm chi cho tốn chất xám.

Đồng 2 Bảng khắc hình khổ nạn ăn cắp chiếc đai vàng của Hippolyta, nãy giờ mọi sự có vẻ êm thắm, chả nặng mùi khổ nạn lắm nhỉ?

Hercules lẫn Hippolyta đang vui vẻ, còn trên đỉnh Olympia có một mụ chả vui chút nào. Mụ ấy chính là Hera – bà vợ chết tính hay ghen của Zeus. Bà muốn hành hạ người hùng, đáng lẽ khổ nạn này “thằng đó” phải tan xương, thế mà lại cặp bồ với bịch. Bà ghét, bà phá đám!

Hera giáng trần, ngụy trang thành một nữ chiến binh Amazon, rồi mách với chị em của Hippolyta rằng bà nghe Hercules nói mình sẽ bắt cóc nữ hoàng, đem nữ hoàng về Hy Lạp, cướp lấy chiếc đai rồi vứt xác nàng cho cá ăn.

Các nữ chiến binh Amazon nghe thế tưởng thật, chưa thèm hỏi lại Hippolyta sự tình mà đã sửng cồ, vác giáo vác cung đi cắt tiết Hercules. Chàng dũng sĩ cũng não đầy thịt, thấy chị em Amazon giận giữ với mình là chàng cũng nổi khùng, chả cần hỏi han cho ra nhẽ, chàng vu rằng Hippolyta đã phản bội lời hứa, nên giết chết Hippolyta đang ngơ ngác, cuỗm lấy chiếc đai, giết tiếp tộc Amazon, rồi lên thuyền về Hy Lạp.

“Hercules lấy chiếc đai của Hippolyta,” không rõ tác giả lẫn năm sáng tác, bạn nào biết thì bổ sung dùm nhé. Tượng có vẻ nhỏ nhưng đẹp, dù tư thế cướp đai của Hercules hơi giống tư thế lột đồ, chắc tại tạc cảnh giết có vẻ thê thảm, điêu khắc gia không nỡ.

Tượng tạc cảnh Hercules giết Hippolyta để cướp đai, đặt tại Vienna. Nhìn tác phẩm này thì thấy Hippolyta tội nghiệp thật. Trái với mấy khổ nạn bắt con này giết con kia, Hippolyta vừa xinh vừa mạnh mẽ – hình mẫu người yêu lý tưởng cho Hercules, lại chả có tội tình gì mà chết oan.

“Hercules lấy chiếc đai của Hippolyta,” Nicolaes Knupfer, thế kỷ 17th. Hippolyta trong bức này trông hơi phì nhiêu, như bà nấu bếp, chả giống hình ảnh nữ chiến binh cơ bắp cho lắm, mà chiến đấu gì trong bộ áo váy rườm rà thế kia, vướng víu chết.

“Hercules cướp chiếc đai của Hippolyta,” J M Felix Magdalena, đầu thế kỷ 20th. Tác giả cho Hippolyta cưỡi ngựa để ra dáng chiến binh; cảnh Hercules giết nàng cướp đai hơi giống múa ba-lê, nhưng nhìn chung ai cũng muốn né cảnh giết vì đây là giết oan, làm thật quá sẽ đâm hại cho thanh danh người hùng.

 

“Chiếc đai của Hippolyta,” Jun Shiozawa. Anh họa sĩ Nhật này vẽ đầy đủ 12 khổ nạn của Hercules, tranh của anh luôn có mặt trong những bài học trước, màu thường nhã lẫn nhẹ nhàng. Nhưng khổ nạn này anh vẽ cảnh Hercules đâm Hippolyta với đoàn quân Amazon đang hùng hổ xông lên, màu mạnh và quyết liệt, mất hẳn cái style êm êm huyền bí thường thấy. Chắc tại Jun cũng giận vụ Hercules giết oan nữ vương.

Tác giả: Pha Lê
Nguồn : soi house

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.