Năm 1600, cũng là năm Canh Tý, cách đây tròn 420 năm, vua Lê Kính Tông cử hành lễ Tế Nam Giao vào đầu năm mới, được sử sách nước ta ghi là “một điển lễ vô cùng long trọng”.

Nguyên do là sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi năm 1527, cuộc trung hưng nhà Lê được các tướng Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm dấy lên từ năm 1533, mãi đến năm 1593 mới đánh thắng được họ Mạc, Tiết chế Trịnh Tùng rước vua Lê Thế Tông về lại Thăng Long.

Năm 1599, Tả tướng Trịnh Tùng ép vua Lê Thế Tông phải phong cho mình làm Đô Nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ, là chức quan cao nhất trong triều, chỉ đứng sau vua, với tước hiệu là Bình An vương. Trịnh Tùng cho xây phủ chúa ở ngay bên cạnh triều đình vua Lê, và từ đó phủ chúa trở thành nơi bàn định công việc của đất nước, triều đình vua Lê chỉ còn là hư danh.

Tháng 10 năm 1599 (24 tháng 8 âm lịch), vua Lê Thế Tông băng hà, Bình An vương Trịnh Tùng cùng với triều thần quyết định không lập thái tử (không rõ tên) với lý do “thái tử tính không thông minh”, mà lập người con thứ là hoàng tử Lê Duy Tân, năm đó mới 12 tuổi, lên ngôi, tức vua Lê Kính Tông.

Lễ tế Nam Giao đầu tiên tại thành Thăng Long sau hàng chục năm

Tháng Giêng năm Canh Tý (1600), vào ngày Nguyên đán, vua Lê Kính Tông mới tổ chức lễ Tế Nam Giao lần đầu tiên.

Tấm bia điện Nam Giao kinh thành Thăng Long hiện được công nhận là Bảo vật quốc gia, đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sử xưa giải thích, đây là lễ hợp tế trời đất ở điện Chiêu Sự đàn Nam Giao, nhà vua thân hành đến làm lễ. Nghi lễ này có từ thời Lý, Trần, Lê sơ, và không được ghi chép trong giai đoạn khi nhà Mạc cướp ngôi vì quan niệm chính thống. Thời Lê Trung hưng, vua lập đàn ở Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là Thọ Xuân), Thanh Hóa.

Về lễ tế Nam Giao năm 1600, bộ chính sử triều Lê Đại Việt sử ký tục biên không chép, tuy nhiên với các sử quan triều Nguyễn, khi biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đã ghi rõ sự kiện lễ Nam Giao này, với lời cẩn án rằng: “Nhà Lê từ lúc trung hưng trở về sau, gươm Thái A đã để người khác nắm đằng đuôi. Truy nguyên ra, thì nhà Lê mất quyền bính thực tế bắt đầu từ lúc Trịnh Tùng xưng tước vương vào cuối đời Thế Tông vào đầu đời Kính Tông. Vì thế, nên ngay từ năm nay cũng như sau này khi các vua lúc bắt đầu lên ngôi nối nghiệp, đều cẩn thận mà chép việc tế Nam Giao. Chép như thế, là để ghi sự biến trong đời mà giữ lấy danh phận vua tôi”.

Các sử quan dưới triều Nguyễn luôn bày tỏ sự bức xúc khi các chúa Trịnh lấn át, tiếm hết quyền lực của vua Lê, cho rằng: “Người dưới lấn quyền, người trên thất thế, lai lịch dẫn đến như thế kể đã từ lâu, nói về lễ nghĩa vua tôi đã đổ nát hết”. Do đó, họ ghi chép cẩn thận các sự kiện vua Lê đi tế Nam Giao và cho rằng: “Chỉ còn việc tế trời là còn giữ được thân phận tôn ti mà thôi. Nếu cho việc ấy là theo lệ thường mà không chép thì lễ nghĩa vua tôi hầu như mất sạch sành sanh”.

Trong đoạn chép về lễ tế Nam Giao năm Canh Tý 1600, bộ Cương mục ghi rõ: “Trịnh Tùng đem trăm quan theo hầu để dự lễ bồi tế” để có ý phân biệt vua Lê mới là người chủ đất nước.

Những mô tả về đàn Nam Giao xưa

Theo bộ sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Lê, thì đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long có từ thời Lý. Đến thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 – 1469), đàn được sửa lại, với chính điện gồm 3 gian, hai bên Đông Vu và Tây Vu mỗi bên đều bảy gian, có các toà điện Canh Y (nơi thay áo). Cạnh đó có trai cung, nhà bếp, nhà kho, bên trong, bên ngoài xây tường bao quanh, cùng ba gian nghi môn.

Sách này cũng cho biết, khoảng những năm niên hiệu Quang Hưng (1578 – 1599), thời vua Lê Thế Tông thì dựng thêm điện Chiêu Sự, dù các sách sử không ghi lại sự kiện vua Lê Thế Tông thực hiện lễ tế Nam Giao lần nào.

Các nghiên cứu lịch sử đều xác định đàn Nam Giao được xây dựng phía Nam thành Thăng Long, thuộc khu vực Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ, gần cửa ô Cầu Dền và ở khoảng giữa các phố Mai Hắc Ðế, Thái Phiên, Ðoàn Trần Nghiệp, Bà Triệu. Cái tên phố Hòa Mã cũng liên quan đến đàn Nam Giao, do phố này nằm ở trên thôn Đổi Mã xưa, và chữ Đổi Mã tiếng Việt cổ có nghĩa là “thay đổi áo xống”.

Chữ “mã” đây không phải chữ Hán là ngựa, mà có nghĩa là cái vỏ, trang phục bề ngoài, được dùng trong câu tục ngữ “tốt mã giẻ cùi”, “tốt mã”. Sách sử cho biết, trước đây ở làng này có cung Đổi Mã (chữ Hán chính là Cung Canh Y). Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), thôn Đổi Mã mới đổi tên thành Hòa Mã.

Cổng đình và đền Hòa Mã ở phố Phùng Khắc Khoan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, di tích liên quan đến đàn tế Nam Giao thời Lê trở về trước. Ảnh: Trang tin Di tích lịch sử – văn hóa Hà Nội.

Theo sách Lê triều hội điển, thì hàng năm, lễ tế Nam Giao được tổ chức trọng thể vào tháng Giêng, ngày mồng Một, hoặc mồng Hai. Trước ngày lễ chính một ngày, quần thần đã cho bày đặt hương án lớn ở gian chính giữa điện Chiêu Sự.

Đến ngày chính lễ, nhà vua mặc áo bào thâm, các viên chấp sự đem đủ cả lỗ bộ (các nghi trượng), pháp giá (xe của vua ngự) và nhã nhạc, theo cửa Đại Hưng (cửa Nam kinh thành) đi ra. Khi đến điện Canh Y ở ngoài đàn, nhà vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, thắt đai ngọc, rồi đến sân điện Chiêu Sự hành lễ. Chúa Trịnh và văn võ trăm quan theo hầu, dự lễ bồi tế theo như nghi thức.

Nghi lễ tế Giao chép trong Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì hoàng đế tới sân điện Chiêu Sự, sau khi đã thực hiện quán tẩy (rửa tay bằng nước thanh khiết) rồi mới tiến lên điện làm lễ thượng hương (đích thân vua châm hương rồi chuyển cho người chấp sự cắm vào bát hương). Người chấp sự đọc chúc văn ở trên điện, thì nhà vua quỳ ở trước hương án, sau khi đọc chúc văn, nhà vua cúi đầu làm lễ.

Vì những lý do trên, mà sử nhà Nguyễn tiếp tục ghi rõ các sự kiện tế Nam Giao trong năm đầu tiên trị vì của các vua tiếp theo, như vua Lê Thần Tông, Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông…

Tác giả : Lê Tiên Long

Nguồn : https://news.zing.vn/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.