“Donatello giữa bầy dã thú!”(“Donatello parmi les fauves!”) Nhà phê bình Louis Vauxcelles đã thảng thốt kêu lên như vậy sau khi bị “khủng bố” bởi những mảng màu chói gắt trong Salon d’Automne ở Paris, nơi trưng bày những tác phẩm  mang tinh thần phản kháng lại Salon truyền thống của giới thủ cựu.

Donatello là một nghệ sĩ thời Phục Hưng đến từ Florence; những tác phẩm của Donatello có thể được coi là kết tinh của giá trị nghệ thuật cổ điển trong điêu khắc. Tại Salon năm đó, một bức tượng cô độc của Donatello vô tình hay cố ý được bày giữa lớp lớp những bức tranh của Matisse, Derain, Jean Puy tạo nên một sự tương phản ấn tượng đến nỗi Vauxcelles phải bày tỏ ngay sự không đồng tình bằng một bài kể tội dài dặc, trong đó có đoạn: ”…Một phong trào mà tôi phải nói là nguy hại đang hình thành giữa một nhóm họa sĩ trẻ tuổi… Một nhà thờ đã được dựng lên, hai linh mục đang thuyết giảng là ông Derain và ông Matisse, một nhúm trẻ ranh đã được họ rửa tội… Tín ngưỡng mới này tôi không thể nào mê được… Ông Matisse là dã thú chỉ huy, ông Derain là dã thú phó, các ông Friesz và Dufy là dã thú theo hầu, và cậu bé Delaunay là dã thú nhi đồng…”

Và Fauvism, hay còn gọi là trào lưu Dã thú đã bị chết tên từ đó.

Điều mỉa mai nhất là Vauxcelles, người vô tình đặt tên cho Fauvism (dù rất ghét!), đã lại lặp lại kỳ tích trên vài năm sau, với phong trào Lập thể! Phàn nàn rằng tranh của Braques chẳng có gì ngoài những khối lập phương (cubes), Vauxcelles lại tặng cho nghệ thuật của Picasso và đồng bọn một cái tên mới: Cubism.

Dã thú chỉ huy, Matisse, là kẻ tội đồ lớn nhất đối với Vauxcelles. Ngày nay Matisse được tôn thờ như một trong những tượng đài lớn nhất của hội họa hiện đại Pháp, ngang hàng cùng Picasso, nhưng ít ai biết rằng, ông là một kẻ ngoại đạo cho đến tận khi phải nằm dưỡng bệnh vì chứng viêm ruột thừa. Matisse học Luật một cách cần cù chăm chỉ theo đúng nguyện vọng của cha ông, một thương nhân giàu có. Khi nghỉ ngơi tại nhà, ông được mẹ mang đến một mớ bút, màu, cọ, toan, và nhờ cơ duyên này Matisse đã tìm ra được niềm đam mê và tài năng nghệ thuật phi thường ẩn giấu trong một nhân viên luật quèn! Ông vẽ một cách điên cuồng, say mê, nói rằng hội họa đã đem lại cho ông một cảnh giới thiên đường, và khi 22 tuổi ông mới bước vào trường đại học Mỹ thuật để tiếp nhận một nền giáo dục chính thống.

 

chan dung Matisse

 

Một điều may mắn cho Matisse là ông được sự dìu dắt của Gustave Moreau, tiên phong của phong trào Biểu tượng (Symbolism). Tuy tự mình gò theo các khuôn phép của truyền thống, Moreau luôn tìm cách đưa vào các bức tranh của mình một chút gì đó siêu thực, kì ảo, vô định, và ông không ngừng nghỉ khuyến khích các đồ đệ của mình bứt phá, tự tìm con đường đi riêng. Trong số những học trò của Moreau có rất nhiều Dã thú (fauve): Matisse, Rouault, Pallady.

 

Europa bị bò (thần Zeus) bắt cóc, tranh của Moreau

 

Salome, cũng của Moreau

 

Điều tuyệt vời nhất của Matisse, theo đánh giá của nhiều người (bao gồm của tác giả của bài viết), không hẳn là cách sử dụng màu sắc táo bạo “trademark” của ông, mà là cách ông vẽ (draw) thật tự nhiên thoải mái. Có thể ví rằng Matisse vẽ cũng như một ca sĩ không hề được đào tạo bài bản mà có khả năng cất lên những nốt soprano cao nhất. Biết bao họa sĩ học trong trường lớp ao ước có thể vẽ được như Matisse.

 

Phác thảo của Matisse

 

Điều tuyệt vời nữa là đôi bàn tay thiên tài của Matisse không chỉ tạo ra điều thần kỳ với hội họa. Khi 72 tuổi, họa sĩ bị mắc bệnh ung thư và phải ngồi xe lăn, song tinh thần sáng tạo bất diệt đã khiến 14 năm cuối đời của ông trở thành một cuộc đời thứ hai – như Matisse đã gọi. Những tác phẩm cắt giấy bằng kéo của ông có thể phần nào cho thấy sự điêu luyện thần sầu trong đôi bàn tay ông. Đương nhiên, nhạy cảm màu sắc của Matisse cũng không hề kém vế.

 

“Nỗi buồn của vị vua”, giấy cắt dán

 

“Những bông hoa tuyết”, giấy cắt dán

 

Hãy tạm rời cụ già Matisse và cùng quay trở lại chàng trai Matisse khi vừa ra khỏi cổng trường đại học. Cuộc hành trình quan trọng đầu tiên của Matisse là chuyến đến thăm John Peter Russell trên đảo Belle Ile, một vương quốc của những màu sắc tắm đẫm trong ánh nắng. Chính Russell là người giới thiệu hội họa Ấn tượng (Impressionism) cho Matisse và Matisse đã bị choáng ngợp khi được nhìn thấy tận mắt các bức tranh của Van Gogh ở cự ly gần (đây là một cảm giác không của riêng ai. Nếu có cơ hội được ngắm tranh gốc của Van Gogh hoặc William Turner, xin đừng bỏ qua. Rất có khả năng bạn sẽ cảm thấy xúc động dào dạt).

Matisse yêu nghệ thuật như cuộc sống. Những thần tượng – bậc thầy của Matisse là Van Gogh, Gauguin, và Cezanne. Là nhịp cầu nối giữa Impressionism và hội họa hiện đại, Cezanne có chủ kiến mang tính cách mạng về nghệ thuật: vẽ từ thiên nhiên không có nghĩa là sao chép lại thiên nhiên, không, mà là vẽ lại “cảm giác” mà thiên nhiên mang lại. Còn Gauguin đã từng phán:” Thấy những cây này vàng không? Tô màu vàng nhé. Cái bóng này, hơi xanh nhỉ, tô màu xanh nước biển đậm. Lá này hơi đo đỏ? Tô màu son.” Matisse học theo một cách nhiệt thành không ngần ngại.

 

Tranh Cezanne, “Núi Sainte Victoire”

 

Tranh Gauguin, “Phụ nữ Taihiti”

 

Sự hài hòa màu đỏ, Matisse

 

Phá bỏ quy tắc cũ rằng một bức tranh phải có một tâm điểm và phải áp dụng luật phối hợp xa gần, Matisse vẽ như thể tô màu một tấm thảm phương Đông phẳng lì, tắm trong một màu đỏ xa hoa lộng lẫy và những chi tiết tràn trề nhựa sống. Sự khuất phục hoàn toàn trước cái đẹp của người họa sĩ có thể được cảm nhận rõ rệt. Đúng như Matisse đã phát biểu:”Sẽ luôn luôn có những đóa hoa cho những người muốn nhìn thấy chúng.”

 

Matisse, “Cá vàng”. Matisse nói:”Tôi không ngại nếu phải biến thành một chú cá vàng màu đỏ.” (Nếu có thể được biến thành một chú cá vàng trong bức tranh này, tôi cũng không ngại!)

 

Bức tranh là bệ phóng giúp Matisse lọt vào tầm ngắm của cả giới hâm mộ và giới phê bình là bức Người phụ nữ đội mũ (La Femma au chapeau). Người phụ nữ trong tranh chính là vợ của ông. Những lời phê phán mà Henri Matisse nhận được vì bức tranh này mới nặng nề làm sao! Tất cả những đường nét, dáng điệu, bố cục của bức tranh đều tuân theo các quy ước cổ điển, song màu sắc của nó khiến Paris dậy sóng. Có người nói rằng Matisse đã ném cả một lọ sơn vào mặt công chúng Paris! Anh trai của Gertrude Stein (nhà văn, nhà sưu tập, bạn của giới nghệ sĩ Paris) là Leo Stein gọi bức tranh là sự “ bôi bác màu sắc kinh dị nhất mà ông từng thấy”, nhưng hai anh em đã mua nó ngay, vì nhãn quan tinh tường khiến họ dự đoán được tầm ảnh hưởng của bức tranh trong hội họa đương đại.

Tinh thần của Matisse cũng vì thế được vực dậy đáng kể. Matisse nói về cách sử dụng màu sắc: “Khi tôi tô màu xanh lá cây, không có nghĩa là tôi định vẽ cỏ. Khi tôi tô màu xanh lơ, không có nghĩa là tôi vẽ bầu trời.” Đúng vậy, khi Matisse tô màu xanh lá cây, cái ông định vẽ chính là… màu xanh lá cây, hay nói cách khác, cảm nhận của ông về màu xanh lá cây. Thật dễ hiểu phải không?

Một người xem tranh của Matisse ắt sẽ sớm nhận ra rằng cái quyến rũ họa sĩ nhất không phải tranh tĩnh vật hay phong cảnh, mà là con người. Matisse yêu cái đẹp của cuộc sống, và cuộc sống ấy nhất thiết phải có mặt con người. Những đường cong của thân thể người phụ nữ di chuyển trong không gian làm ông say mê, và ông tô màu chúng như thể thổi vào đó hơi thở của cuộc sống.

 

Niềm vui sống, Matisse

 

Điều Matisse mơ đến và phấn đấu là một thứ nghệ thuật cân bằng, trong sáng và êm ái, một thứ nghệ thuật không có những chủ đề tối tăm và khó chịu. Ông muốn đem đến cho mọi người, từ doanh nhân cho đến nhà văn, ví dụ như vậy, một thứ nghệ thuật chung có tác dụng làm dịu tinh thần, nói cách khác là “một chiếc ghế bành cho sự mệt mỏi về đầu óc.” Và cách biểu đạt không phải dựa trên những vẻ mặt đầy cảm xúc, những cử động mạnh mẽ. Matisse coi toàn bộ cách sắp xếp trong tranh ông là có tính biểu đạt: không gian bị chiếm bởi các nhân vật, không gian trống, các tỉ lệ, mọi thứ đều kết hợp lại để “biểu đạt” (expressionism). Ví dụ rõ:

 

Điệu nhảy, Matisse

Ngoài hội họa, Matisse còn lấn sang điêu khắc và kiến trúc. Giáo đường Rosary do chính ông thiết kế và là nơi giữ nhiều tác phẩm của ông là một tuyệt tác của kiến trúc, dù có kích cỡ bé nhỏ.

 

Cửa kính màu bên trong giáo đường Rosary, tác phẩm “Cây đời” của Matisse (Tree of life)

Matisse là một họa sĩ sáng tạo theo đúng nghĩa: ông là nô lệ cho cái đẹp và sự sáng tạo. Matisse đã từng nói rằng, không có gì khó khăn hơn là vẽ một đóa hồng, vì khi vẽ nó, anh phải quên đi tất cả những đóa hồng đã từng tồn tại trên đời. Tranh của Matisse quyến rũ không chỉ vì màu sắc, đường nét, tinh thần, mà vì chúng tràn đầy tự do. Có thể coi tranh Matisse như một dạng biểu đạt của chủ nghĩa thoát ly. Đúng như Elaine Scarry đã nhận xét trong cuốn Về vẻ đẹp và sự công bằng: “Matisse không có khát vọng cứu rỗi ai. Nhưng ông nhắc đi nhắc lại rằng mình muốn tạo ra những tác phẩm đẹp êm ái đến mức khi người ta nhìn thấy chúng, mọi nỗi khổ đau đều dịu đi.”

Tác giả: Nguyễn Anh, nguồn soi house

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.